Giáo xứ Vinh Hương

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật thứ ba mùa chay – năm B

Thứ bảy - 02/03/2024 02:14
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật thứ ba mùa chay – năm B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 2, 13-25)

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.

Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.

Suy niệm Tin Mừng -Chúa Nhật III Mùa Chay B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

Suy niệm

Bước vào tuần thứ ba mùa chay, người tín hữu được hướng dẫn thanh tẩy tâm hồn, nhận thức và thái độ đức tin của bản thân, để hòa mình vào những việc làm thiết thực của mùa chay là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Thanh tẩy đền thờ là việc làm cần được hiểu và thực hiện theo nhiều phương diện khác nhau trong hành trình đức tin của người Công giáo, bởi trong nhận thức, người tín hữu còn lưu lại đó những quan niệm không còn phù hợp với đời sống đạo hôm nay, thanh tẩy những kinh nghiệm sống đạo của mình về Thiên Chúa, về Giáo hội, tất cả như đóng khung con người với những bức tường kín, đóng khung Thiên Chúa với những quan niệm cổ hũ, thanh tẩy niềm tin về đời sống tôn giáo có phần bị tục hóa, bị vật chất hóa những giá trị thánh thiêng, những giá trị từ Thánh lễ, tất cả những giá trị được quan tâm thanh tẩy, sẽ giúp con người nhẹ nhàng và thanh thản hơn trong việc đón nhận thập giá đời mình, theo Thầy tới đỉnh đồi Can-vê, cùng chết với Thầy Chí Thánh yêu dấu.

Dưới góc nhìn của Giáo hội học, gia đình Giáo hội của Thiên Chúa có những đặc tính sau: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền. Những đặc tính đó nói lên Giáo hội đến từ Thiên Chúa, do Thiên Chúa thiết lập, nơi đó tập hợp những con người tội lỗi đang giúp nhau nên thánh mỗi ngày trong từng ơn gọi. Cũng nơi đó, tính hiệp thông của Giáo hội giúp con người liên đới với nhau, nâng đỡ nhau trong đời sống tâm linh, giúp nhau đền tội và gắn bó với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù đó là anh chị em đã qua đời hay còn sống. Với đặc tính Thánh thiện, các thành viên trong Giáo hội vẫn mang chất người trong bản thân, vẫn gánh trên vai nhiều tội lỗi, nhiều tật xấu, nhiều tính ích kỷ hẹp hòi, vì thế, dù thánh thiện, nhưng con cái của Giáo hội vẫn là những tội nhân, do đó, Giáo hội luôn có nhiều tội lỗi cần được thanh tẩy.

Bên cạnh đó, tính Hiệp thông của Giáo hội liên kết mọi thành phần dân Chúa như một gia đình, trong đó, mọi anh chị em đã qua đời hay còn sống, tất cả đều là những tội nhân, những con người còn mang đầy tính tham – sân – si. Những tính xấu đó làm cho khuôn mặt của Giáo hội trở nên méo mó, đầy những tai tiếng. Lời thánh Phaolô đã nhắc từ xưa về thái độ niềm tin thiếu tính hiệp thông, cũng là lời nhắc cho các tín hữu hôm nay: “Anh em thân mến, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Ðức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người”. Tính hiệp thông này không giới hạn trong không gian và thời gian, nên từ trong quá khứ, tới hiện tại, mọi tội lỗi của anh chị em, của các cộng đoàn, đều liên đới với chúng ta hôm nay. Vì thế, Giáo hội cần phải thanh tẩy mỗi ngày và mọi ngày.

Không thiếu những giai đoạn và những việc làm của Giáo hội vẫn còn mang tính vật chất hóa, mang màu sắc thế tục. Việc dâng của lễ cho Thiên Chúa ngày xưa trong đền thờ là việc làm lành thánh, tốt đẹp. Thế nhưng, khi giúp những anh chị em từ xa tới, các vị lãnh đạo tôn giáo đã độc quyền cung cấp những gì cần thiết cho việc dâng lễ, đồng thời, họ cũng ấn định giá cả cho các lễ vật. Tất cả không còn giữ nguyên mục đích ban đầu nữa, tất cả đã bị tục hoá, đã vật chất hóa trong quyền bính. Phải chăng đó là việc lường gạt Thiên Chúa không: “Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt”. Đó là lời của Thiên Chúa lên tiếng trong sách Xuất hành. Thiên Chúa không còn là người nhận lễ vật từ con người nữa, vô tình Ngài đã trở thành dịch vụ để con người trục lợi và kinh doanh.

Trong xã hội hiện đại, con người còn biến tôn giáo, biến Thiên Chúa như là tấm lá ngụy trang để che lấp những việc làm sai lệch của con người. Tham gia mọi sinh hoạt để phục vụ Giáo hội, phục vụ cộng đoàn là một việc làm tốt, lành thánh, nhưng khi phục vụ, tất cả những tham vọng, những tính toán hơn thiệt, những kế hoạch rất con người đã hình thành để phục vụ tham vọng của con người, hơn nữa, còn là cơ hội để chỉ trích nhau, để lên án nhau và để nhận chìm nhau xuống hố sâu tội lỗi và hận thù. Đức Giêsu đã phá đổ tất cả những gì liên quan đến tính thế tục trong đền thờ, để phần nào họ hiểu được tính linh thánh của đền thờ: “Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

Trước khi bước vào tuần thánh, bước vào những ngày con người được mời vác thập giá cùng Thầy lên đồi Can-vê, người tín hữu cần được thanh tẩy mọi thứ, từ bên trong cho đến bên ngoài. Khởi đi từ nhận thức tôn giáo bên trong, con người cần ý thức rằng Thiên Chúa là Đấng Thánh để tránh những suy nghĩ, những tính toán và những thói quen tôn giáo thiếu tính thánh thiện, đạo đức, thứ đến, người tín hữu cần ý thức thân phận của mình là tội nhân, không thiếu những tội lỗi tày trời mình phạm mỗi ngày trong từng ơn gọi, không thiếu những lầm lỗi con người gây ra làm tổn thương đến tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Tiếp sau việc thanh tẩy nhận thức, con người cố gắng thanh tẩy những việc làm tôn giáo hàng ngày của bản thân. Từ việc xin lễ cho các linh hồn hay cho bản thân, đến việc tham dự các bí tích, đặc biệt là Thánh lễ, hãy làm vì niềm tin và lòng mến, đừng vì hình thức và thói quen cũng như tính toán hơn thua.

Sau nữa là đừng ngụy trang với Thiên Chúa, bởi Ngài là đấng thấu suốt mọi bí ẩn, dù cho người đói khát một chén nước lã, hay một chén cơm, với một tinh thần cảm thông, thì việc làm đó được Thiên Chúa ghi nhận, chứ đừng rêu rao này kia khi làm một việc gì giúp đỡ tha nhân và các linh hồn. Thiên Chúa là một người yêu con người không tính toán, không điều kiện, Ngài chỉ mong con người cố gắng, chỉ mong con người nỗ lực đứng lên từ sự yếu đuối, để nắm lấy tay Ngài, để được cứu, đừng dùng phương tiện của thế gian để mong đạt được mục đích là được Thiên Chúa cứu độ, đừng tục hóa mọi nghi lễ lành thánh, để mong được Thiên Chúa nhận những lời cầu nguyện hằng ngày.

Lạy Chúa, lời mời thanh tẩy của Mẹ Giáo hội nhắc chúng con ý thức rằng, Chúa đợi chờ nơi chúng con sự cố gắng thay đổi chính mình, xin giúp chúng con biết cố gắng thanh tẩy từ bên trong tới bên ngoài con người, để tất cả trở nên con người mới, sống khiêm tốn, chân thành trong niềm tin và lòng mến. Chúa biết con người là nạn nhân của tội lỗi và sự chết, xin nâng đỡ chúng con mỗi khi đối diện với những cám dỗ của ma quỷ, những cám dỗ từ vật chất, quyền bính, để cuộc đời chúng con luôn thuộc trọn về Thiên Chúa, người Cha luôn yêu thương, đợi chờ chúng con trở về để tha thứ, để yêu thương. Amen.

Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
https://gpbanmethuot.net/

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây