Giáo xứ Vinh Hương

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

Thứ bảy - 04/05/2024 04:15
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 15, 9-17)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.

Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.


Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh -B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

Suy niệm

Trước khi chia tay các học trò, Đức Giêsu căn dặn các ông hãy sống tâm tình mà Ngài đã sống với Chúa Cha, đó là hãy yêu thương nhau. Lời căn dặn đó như là một bản di chúc, trăn trối những lời cuối cùng của một người sắp chia tay, sắp đi xa không thể trở lại được, lời căn dặn đó như muốn nhắc các học trò hãy sống sao cho nên người môn đệ của Đấng Cứu Thế, của Thiên Chúa Cha. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ sáu mùa phục sinh mời gọi người tín hữu Kitô, hãy sống tâm tình Thầy Chí Thánh đã căn dặn, đã trăn trối, để thế giới luôn nhận ra bóng dáng của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại, nơi mỗi gia đình Kitô hữu trong thế giới này.

Thị kiến là một câu chuyện được thấy trong giấc mơ, trong lúc con người như đang sống trong vô thức, vì thế, đó chỉ là một hình ảnh gợi về một tâm tình sống nào đó, hay một tương lai cuộc đời của ai đó. Thị kiến thánh Phê-rô thấy trong đêm về một túi vải lớn, trong đó chứa đủ thứ sinh vật lạ lẫm, kèm theo đó là tiếng bảo ông hãy làm thịt mà ăn, thánh nhân từ chối và túi đó được kéo lên trời, sau khi tỉnh dậy, thánh nhân được sai đến với gia đình một người ngoại giáo, nơi đó thánh nhân mới hiểu được phần nào của thị kiến: “Xảy ra là khi Phêrô vừa vào nhà, thì Cor-nê-li-ô ra đón ngài, và sấp mình dưới chân ngài mà lạy. Phêrô liền đỡ ông dậy và nói rằng: “Xin ông chỗi dậy, vì chính tôi cũng chỉ là người”. Phêrô lên tiếng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!”. Thiên Chúa luôn đón nhận mọi con cái của Ngài dưới bầu trời này vào trong gia đình của Ngài, nhưng Ngài muốn nhờ các môn đệ, muốn nhờ đôi tay, đôi chân và khối óc của con người, để dẫn đường chỉ lối, để làm chứng về một tình yêu cứu độ đó đang hiện diện, đang đón chờ mọi anh chị em: “Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc; vả lại họ nghe các người ấy nói nhiều thứ tiếng và ngợi khen Thiên Chúa”.

Mỗi người là một hòn đá, hòn đá đó có thể là một chướng ngại vật, chắn ngang dòng chảy, nhưng nếu hòn đá đó để đúng chỗ, nó sẽ biến đổi dòng chảy của một dòng sông. Sống trong một cộng đồng, một gia đình tôn giáo, nếu mỗi thành viên là một hòn đá hữu dụng, ắt sẽ để lại nhiều niềm vui, nhiều tính nhân văn cho bao người. Hòn đá đó là chính là mỗi người có trong mình tình yêu thương, tình nhân ái, sự tha thứ, tính cảm thông: “Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. Yêu thương dưới góc nhìn của Tin mừng, không phải là một công thức hay lý thuyết, nhưng sẽ là những bài học thực hành trong cuộc sống. Đón nhận sự khác biệt nhau nơi gia đình giữa vợ chồng, là một việc làm cần thiết của tình yêu, đón nhận một anh chị em xa lạ vào cộng đoàn tôn giáo, là một cách gọt dũa chính mình tròn trĩnh hơn, đón nhận một con người cá tính, là lúc cuộc đời mình có thêm những hương vị mới của tình người.

Biết đón nhận, biết chấp nhận, biết cảm thông ngay từ gia đình, từ cộng đoàn là một khởi đầu cho hành trình yêu thương, thánh Phê-rô trong lá thư mục vụ của ngài đã khẳng định điều đó. Thánh nhân mong muốn con cái của ngài, hãy họa lại khuôn mặt của Đức Giêsu trong cuộc đời qua thái độ sống của mình: “Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống”. Đón nhận Cor-nê-li-ô vào gia đình Thiên Chúa, đón nhận những anh chị em không cùng niềm tin vào gia đình và cuộc sống của mình, đón nhận tất cả trong hoàn cảnh và ơn gọi của mình, có phải là lúc người tín hữu Kitô đang thực hiện lời trăn trối của Thầy Chí Thánh trước khi rời thế gian trở về trời cao, nơi mà Ngài đã và đang chuẩn bị những chỗ nhất cho những ai thực hiện lời dạy của Ngài là hãy yêu thương nhau.

Sống trong một thế giới hiện đại khi con người đề cao nhân vị của mình, đề cao sự hiện hữu của con người và đề cao những nhu cầu của con người, người tín hữu Kitô phải đối diện với muôn vàn thách đố, khi thực hiện những lời trăn trối của Thầy mình. Yêu thương không phải là một khẩu hiệu để hô to lên mỗi khi có đại lễ hay dịp kỷ niệm nào đó, yêu thương cũng không phải là trao vào tay anh em những gói quà từ thiện, những chén cơm từ tâm, yêu thương cũng không phải là điểm đến của lòng thương hại, tất cả chỉ là khởi đầu của một sứ mạng yêu thương. Bày tỏ tình yêu thương với tha nhân là tôn trọng quyền sống của họ, là trân quý những giá trị cơ bản để làm người của họ. Yêu thương là mong cho họ được sống hôm nay, ngày mai và trong tương lai nữa. Bên cạnh đó, yêu thương tha nhân là mong sao cho họ có chung một mái nhà, một gia đình với chính mình, có chung một người Cha nhân lành, tất cả sẽ được hiển lộ trong những cố gắng, những việc làm và những chương trình thực tiễn để giúp đỡ lẫn nhau khi điều kiện cho phép.

Ta đến để chiên Ta được sống và sống dồi dào. Đó là ước muốn của người mục tử nhân lành, một người mục tử ngửi được mùi chiên. Người mục tử nhân lành đã xuất hiện cách đây hơn 2000 năm rồi, thế nhưng, hôm nay vẫn còn những tấm màn đen của chiến tranh tương tàn, vẫn còn đó những sự bất công về quyền làm người, bất công về quyền quản lý tài sản, bất công về quyền sống của con người. Làm sao để xoa dịu những vết thương lòng cho anh chị em, chẳng lẽ muốn có hòa bình, con người cứ phải chuẩn bị chiến tranh chăng ? chiến tranh có giải quyết được những khát vọng được bình an của con người không ? chiến tranh có thể đem lại hạnh phúc và hy vọng cho cuộc đời của những người bất hạnh không ? chỉ có yêu thương mới là vị thuốc chữa lành những vết thương lòng của anh chị em, của nhân loại, chỉ có hành động đến từ yêu thương, mới đẩy lùi được những nỗi đau của nhân loại khi lòng tham vô đáy cứ thôi thúc họ đày đọa tha nhân.

Lạy Chúa, Chúa đem đến cho con người một phương thuốc để chữa lành tất cả mọi bệnh tật do sự yếu đuối của con người mà có, xin giúp chúng con biết đọc kỹ hướng dẫn cách dùng phương thuốc đó, để chữa lành cho tâm hồn chúng con và cho anh chị em chung quanh. Chúa đã gầy dựng một gia đình của Chúa khởi đi từ một cộng đoàn nhỏ, một cộng đoàn yêu thương, xin hướng dẫn mỗi người chúng con phương cách cộng tác với Chúa Thánh Thần, để chúng con góp một phần nhỏ của mình, xây dựng cộng đoàn thiêng liêng nơi xứ đạo, nơi cộng đoàn chúng con đang sinh hoạt, để mọi người chung quanh khi nhìn vào các cộng đoàn đó, họ biết rằng đó là những môn đệ của Đức Giêsu Kitô, và có sự hiện diện của Chúa giữa các cộng đoàn, các gia đình đó. Amen.
 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Nguồn tin: www.gpbanmethuot.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây