Giáo xứ Vinh Hương

Chuyện tình thập giá

Chủ nhật - 10/03/2024 21:00
Chuyện tình thập giá

Đoàn dân Chúa đang bước vào mùa thanh luyện, mùa chiến đấu “thiêng liêng”. Không ai phủ nhận sự thật này: Mùa Chay thánh góp phần hình thành tâm tình đạo đức sâu lắng nơi người tín hữu Kitô cách đặc biệt hơn so với các mùa khác trong năm. Phải chăng nhờ bầu khí bên ngoài của các cuộc cử hành Phụng vụ? Xức tro? Phẩm phục màu tím? Các buổi ngắm nguyện hay cung điệu thánh ca trầm buồn? Có thể lắm. Tuy nhiên, xét cho cùng thì điều làm cho tín hữu lắng đọng tâm tư cũng như tăng lòng sốt mến là sứ điệp tình yêu Thiên Chúa được nhấn mạnh trên cái phông nền là tội lỗi của con người. Và tình yêu ấy hiển lộ cách rõ nét và hoàn hảo qua mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô. Chuyện tình thập giá luôn còn đó tính thời sự cho con người, mọi thời. “Vì chúng ta, Đức Kitô đã tự hạ, sống vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá” (x. Pl 2,8).

Yêu là hy sinh: Sự hy sinh của người cha, người mẹ vì đàn con, nhất là với đứa con tật nguyền, hư hỏng quả là đáng cảm phục. Người ta cũng dễ mủi lòng trước sự hy sinh của người tình cho người mình yêu được hạnh phúc trong các chuyện phim tình cảm. Có khi, các tình tiết lâm ly đã làm rơi lệ không ít người vốn đa sầu đa cảm. Người ta rơi lệ, cảm động hay cảm phục trước những hy sinh quả cảm nhưng rồi trong thâm tâm vẫn mong rằng chuyện kết thúc có hậu mà không có những đau thương kia. Và dĩ nhiên với Đấng mà không có sự gì là không thể được, thì chuyện hy sinh mạng sống mình, chịu chết trên thập giá có cần thiết hay là thái quá chăng? Mỗi khi đề cao cách thái quá sự hy sinh thì người ta có vô tình rơi vào tình trạng yếm thế?  Máu chiên bò Chúa chẳng ưng và Người cũng chẳng muốn nhận thì sao Chúa lại đòi giá máu của chính Con một dấu yêu của mình?

Chẳng một ai có thể trả lời cho câu hỏi tại sao. Sao không như thế này, sao không như thế kia?  Không có thần học giả thiết. Chỉ có thần học dữ kiện. Thập giá đã có đó. Sự hy sinh là một dữ kiện như là tất yếu của ân tình. Mặc dù sự hy sinh, chịu khó, việc chịu khổ chưa hẳn là tình yêu, nhưng trong tình yêu dường như không thể thiếu những yếu tố ấy. Chúng có thể là những điều kiện dường như cần có nhưng không phải là đích đến của tình yêu.

Yêu là trao ban: Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình của người hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu (x. Ga 15,13). Đã yêu thì ta không chỉ muốn mà còn tìm mọi cách thế để trao ban điều tốt nhất cho người mình yêu. Hằng năm, cứ đến ngày lễ Tình yêu (Valentine - 14.2), người ta trao cho nhau biết bao tặng vật. Hoa hồng và kẹo sôcôla tha hồ lên giá. Nhưng có tặng vật nào quý giá cho bằng chính bản thân mình. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình… (Ga 3,16). Hành vi trao ban quả là đẹp và đáng khâm phục. Hành vi trao ban vốn mang nét cao cả hay cao thượng. Tuy nhiên khi trao ban điều tốt cho một ai đó thì có thể là do lòng thương xót, mà cũng có thể là do sự thương hại. Và một đôi khi, người ta dùng sự trao ban như là phương thế để cởi bỏ một gánh nặng tâm lý hay trút bỏ một lỗi lầm kiểu lập công quả để chuộc tội, đền bù các bất công đã gây ra.

Dẫu sao đi nữa, khi đã yêu là phải trao ban hay dâng hiến. Dĩ nhiên điều dâng hiến hay trao ban phải là điều tốt đẹp và hữu ích cho người mình yêu. Không ai phủ nhận giá trị cao quý của các hành vi trao ban khi yêu thương. Thế nhưng vẫn có đó dáng dấp của kẻ trên, của người ở thế thượng phong trong chính hành vi trao ban.

Yêu là đón nhận: Ngửa tay ra để trao ban điều tốt cho người mình yêu là điều không mấy dễ dàng. Giang tay ra để đón nhận nhau như nhau đang là thì khó khăn gấp bội. Đón nhận cả những mặt mạnh lẫn những hạn chế của nhau, đón nhận những ưu điểm lẫn khuyết điểm, những thành công lẫn thất bại, nhất là đón nhận con người tội lỗi, bất trung, phản bội của nhau thì mới đích thực là yêu thương. Chúa Giêsu đã hình tượng hóa tình yêu của Thiên Chúa qua người cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca chương 15. Người cha nhân hậu ấy đã đón nhận cả người con thứ hoang đàng lẫn người con cả ganh tương, ích kỷ, đố kỵ. Điều này được thể hiện nơi chính cung cách sống của Thầy Chí thánh. Người không ngại ngần đón nhận “phường thu thuế” và “bọn đĩ điếm” khi đồng bàn với họ. Người đón nhận những kẻ phải gọi Người là Thầy và là Chúa thành bạn hữu thân tình. Trên thập giá, đôi tay Người giang ra ôm trọn cả những người đang uất hận đóng đinh Người để xin Chúa Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết.

Chính khi đón nhận cả nhân loại bằng việc nhập thể, nhập thế, thì Đức Kitô đã trao ban chính phận là phận của một vị Thiên Chúa đầy vinh quang và uy quyền. Vào trần gian, khi đón nhận thân phận tội nhơ của kiếp nguời, Đức Kitô đã tự xếp mình theo dòng người trên bờ sông Giođan để cho Gioan làm phép rửa và Người đã trao ban phận Con Chiên tinh tuyền của bản thân. Khi nhận lấy bao khổ lụy tật bệnh của con người cùng thời vào chính mình, thì Người đã trao ban sự minh trí của mình để rồi ngay chính người thân cũng đã lầm tưởng rằng Người mất trí. Và trên thập giá, khi đón nhận thân phận tội lỗi của nhân loại, Người đã trao ban phận Con Thiên Chúa hằng sống bằng cái chết nhục nhã, tủi hổ, trần truồng, thậm chí chẳng còn hình tượng con người.

Có thể nói, mục đích hay điểm đến của động thái yêu thương là đón nhận nhau. Chính khi đón nhận nhau như nhau đã là, đang là và sẽ là, thì ta đang trao ban chính con người của mình từ phẩm vị, quyền năng và cả sự sống . Và khi trao ban những gì mình có, mình là cho nhau để đón nhận nhau thì sự hy sinh đang có đó như là dữ kiện tất yếu.

Thập giá là sự mạc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Chiêm ngắm Chúa Kitô trên Thánh Giá với đôi bàn tay giang rộng để Kitô hữu chúng ta biết yêu thương như Người đã yêu thương chúng ta. Và cách thế yêu thương tuyệt vời đó là chân thành đón nhận nhau, đón nhận anh chị em đồng đạo lẫn khác tôn giáo, đón nhận người công chính lẫn kẻ bất lương, đón nhận những người có thiện cảm với ta hay đang có dã tâm với mình… Khi thực thi nghĩa cử yêu thương đón nhận này, là lúc ta sống mầu nhiệm tự hủy của Thầy Chí Thánh. Thật khó biết bao và cũng là cần phải nỗ lực hy sinh quên mình biết bao khi phải bỏ cả dáng vẻ đáng kính của bản thân, bỏ đi sự huy hoàng của tôn giáo mình, bỏ đi cả thói trịch thượng, độc chiếm chân lý... Đón nhận nhau không phải là chấp nhận thụ động hay là a tòng với những điều không hay, những sự xấu của nhau nhưng là để chủ động làm cho nhau ngày thêm thanh sạch, vẹn tuyền, làm cho nhau được sống và phát triển ngày mỗi hơn. Một điều chắc chắn là nếu ta không chấp nhận sự thật này, thì ta chưa sống lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 13,34). Và con đường nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời quả thật còn rất xa vời.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa 
GP Ban Mê Thuột

Nguồn tin: www.cgvdt.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây