Giáo xứ Vinh Hương

Đừng sợ trí tuệ nhân tạo

Thứ tư - 21/11/2018 20:57
Trí tuệ nhân tạo (AI) không suy nghĩ, không hành động và không yêu thương

Trí tuệ nhân tạo (AI) không suy nghĩ, không hành động và không yêu thương. Đó không phải là mẫu hình của trí thông minh mà là một công cụ tài tình. Hãy đặt đúng vị trí của nó.

Trí tuệ nhân tạo chỉ tính toán mà không suy nghĩ

Trí tuệ nhân tạo bắt nguồn từ thuật toán, nó có khả năng suy nghĩ không?  Gérard Berry, nhà nghiên cứu khoa tin học cho rằng: "Thuật toán chỉ đơn thuần phân tích chi tiết nhằm đưa ra kết quả phải làm gì với những mô tả đó. Mục đích là phân tích tính toán để ra lệnh thi hành cho một công cụ kỹ thuật số (máy tính chẳng hạn...). Vì vậy, chúng ta chỉ làm việc với một phản xạ kỹ thuật số của hệ thống tương tác với thuật toán mà thôi".

Khác với tính toán hoặc thuật toán, trước hết suy tư phải chăng là ngạc nhiên trước vẻ đẹp của cuộc sống và thử thách của sự dữ, tự hỏi về định mệnh của chúng ta, xác định những dự tính và trải nghiệm về giá trị trong cuộc đời, những trải nghiệm về đời sống nội tâm đem lại cho ta ý nghĩa sống...? Một ngày nào đó, trí tuệ nhân tạo có biết suy nghĩ như thế không?

"Hành động" và "làm"

Trí tuệ nhân tạo "hành động" hay "làm"? Tiến bộ khoa học sẽ dẫn đến nhiều kết quả ngày càng chính xác hơn, nhanh hơn và tốt hơn thành quả của một người thợ lão luyện: Đúng vậy. Nhưng kích hoạt một quá trình cho trí tuệ nhân tạo hoạt động, thì hoạt động này của nó có phải là một hành vi không? Aristote phân biệt rất rõ giữa "hành động" và "làm": Tạo ra một kết quả thì chỉ là "làm" mà thôi. Hành động thiên về nội tại và hơn nữa là đạo đức: Tôi cố gắng nên công chính không chỉ bằng hành động bên ngoài phù hợp với luật lệ nhưng là khi ý thức của tôi chính trực. Hành động là sống với hành vi được tỏ hiện ra bên ngoài và với sự tham dự tích cực của mình vào hành vi đó.

Ở đây chúng ta thấy sự khác biệt giữa một người quản lý sống cùng với chức năng của mình và người chỉ áp dụng kỹ thuật. Một ngày nào đó, trí tuệ nhân tạo có thể làm gì khác hơn việc đưa ra kết quả?

Trái tim và lý lẽ

Trí tuệ nhân tạo có khả năng cảm xúc đối với tha nhân không? Hãy tưởng tượng khi robot gặp một người nghèo khổ cô đơn và đói rét trên đường phố. Liệu nó có giúp đỡ người ấy không? Tất nhiên là có rồi. Ta có thể hình dung một robot đi trên đường phố và phân tích từng người một từ dáng đi, nét mặt đến thái độ của họ một cách vô cùng chi tiết, chính xác và toàn diện hơn các thám tử chuyên nghiệp nhất. Trước người này người nọ như thế, nó đưa ra kết quả: Đúng, phải giúp đỡ anh ta. Điều này xảy ra như thế nào? Có phải do sự quan tâm đến tha nhân? Có phải vì lòng trắc ẩn? Hay chỉ là kết quả của một sự phân tích tuyệt vời (nhưng "máu lạnh")?

Pascal nói: "Trái tim có lý lẽ của nó mà lý lẽ không hiểu được". Đó là sự thật: Ở đâu có một cử chỉ yêu thương ngập tràn từ tâm hồn, thì một cử chỉ hữu ích khách quan cũng đem lại hiệu quả tốt đẹp. Bạn có thể nói rằng "robot giúp đỡ người hành khất thì cũng không tồi", nhưng bạn sẽ phải chấp nhận một sự khác biệt chính yếu trong đó: Bạn có thực sự tin rằng một ngày nào đó trí tuệ nhân tạo sẽ được thúc đẩy bởi tình yêu thương, lòng khoan dung và quảng đại?

Câu trả lời duy nhất

Bạn tưởng rằng tôi nghi ngờ một ngày nào đó sẽ có câu trả lời tích cực cho 3 câu hỏi trên. Tôi thì ngược lại: Chỉ có một câu trả lời duy nhất: thăng tiến thái độ sống, thăng tiến nhân sinh quan và một chiều kích vị tha chân thành. Với con người nói chung, trong hành động, kết quả việc làm của chúng ta nảy sinh trước và ta gán ý nghĩa cho nó sau. Điều mà trí tuệ nhân tạo không bao giờ làm được. Hãy đừng sợ: Trí tuệ nhân tạo không phải là mẫu hình của trí thông minh mà là một công cụ tài tình. Tài tình tốt hay xấu? Chính chúng ta phải quyết định!

 

Tác giả bài viết: Huuchanh lược ghi từ ALETEIA, "Arrêtons de nous faire peur avec l’intelligence artificielle", Pierre d’Elbée

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây