Trong 14 tháng nội chiến, mặc dù nằm cách xa khu vực xung đột, trung tâm y tế Công giáo nằm ở dãy núi Nuba ở Sudan, có tên gọi “Đức Mẹ Thương Xót” vẫn cảm nhận được những tác động tàn khốc của chiến tranh, và đang nỗ lực để cung cấp sự giúp đỡ và hy vọng cho các nạn nhân của cuộc xung đột.
Bệnh viện Đức Mẹ Thương Xót là trung tâm y tế duy nhất trong bán kính 500 km và từ lâu không xa lạ gì với chiến tranh. Với bác sĩ Tom Catena đến từ New York, đứng đầu nhóm y tế của trung tâm từ năm 2007, bệnh viện đã trở thành nơi trú ẩn và chữa lành trong các cuộc xung đột.
Hiện nay, bệnh viện Đức Mẹ Thương Xót đang đón tiếp người tị nạn từ Khartoum, Darfur và các nơi khác ở Sudan, nơi người dân đang phải chạy trốn chiến tranh và đói khát.
Bác sĩ Catena nói: “Có rất nhiều người đến bệnh viện của chúng tôi để tìm kiếm thức ăn và việc làm. Số trẻ em bị suy dinh dưỡng ngày càng tăng. Không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng bị suy dinh dưỡng. Trong dãy núi Nuba, có những khu vực mất an ninh lương thực ở cấp độ 5, cấp độ tồi tệ nhất: mọi người đang chết đói”.
Theo người đứng đầu đội ngũ nhân viên y tế, tình hình tương đối ổn định ở Gidel nơi có bệnh viện Đức Mẹ Thương Xót nên có nhiều người tìm đến trú ẩn. Nhưng điều này gây áp lực rất lớn lên kinh tế và bệnh viện địa phương. Do cuộc chiến bắt đầu từ ngày 15/4/2023, các đồng ruộng bị ném bom, nông dân phải nhập ngũ, Sudan đã phải chịu một vụ mùa kém. Năm nay tình hình cũng không khá hơn, với những gì thấy trước là giá cả thị trường tăng cao.
Hiện nay có khoảng 700.000 người di tản trong dãy núi Nuba đang sống trong các trại lớn. Có những trại, chỉ trong vòng hai tháng, số người đã tăng gấp đôi.
Bệnh viện Đức Mẹ Thương Xót cũng chịu ảnh hưởng bởi tình hình ngày càng xấu, với số bệnh nhân đông, nhân viên chịu áp lực căng thẳng. Sơ Anita Cecilia quản lý bệnh viện cho biết, thách đố lớn đối với mọi người ở đây là tình trạng quá tải.
Ở Nuba, cũng như khắp Sudan, suy dinh dưỡng là vấn đề lớn. Trong thời gian gần đây Tổ chức nhân đạo “Save the Children” cho biết số trẻ em ở Sudan phải đối diện với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng tăng gần gấp đôi trong sáu tháng, với khoảng 75% trẻ em phải chịu đói hàng ngày.
Có rất nhiều câu chuyện về những người trốn thoát khỏi cuộc xung đột đến đây. Trong cuộc chạy trốn này họ nghe nói đến trung tâm y tế Đức Mẹ Thương Xót ở dãy núi Nuba và tìm mọi cách để đến đây. Nhưng thực tế, tình hình ở địa phương cũng không khá gì hơn, cụ thể nhất là những người nam trong gia đình phải ra đi chiến đấu, để lại việc chăm sóc gia đình trong mọi lĩnh vực cho phụ nữ. Theo sơ Anita, có trường hợp do phải kiếm sống, chính những phụ nữ này bị người khác lạm dụng, con của họ thì bị đói khát, đứng trước một tương lai bất ổn và bi thảm, và có khi còn bị bỏ rơi và giết chết.
Mặc dù khó khăn, nhưng bác sĩ Catena xác nhận bệnh viện Đức Mẹ Thương Xót vẫn tiếp tục sứ vụ chăm sóc sức khoẻ cho mọi người. Có những người sẵn sàng hỗ trợ, như một sinh viên y khoa đến từ Khartoum và một bác sĩ thừa sai đến từ Úc đã chia thời gian để khám chữa bệnh. Bác sĩ Catena hy vọng trong những tháng tiếp theo sẽ có thêm nhân viên y tế đến hỗ trợ. Mọi người làm việc ở đây tìm cách sống chung với chiến tranh một cách mạnh mẽ, vì nhận ra rằng chiến tranh khó có thể chấm dứt trong thời gian ngắn, vì thế cần phải thích nghi các hoạt động chăm sóc y tế trong môi trường xung đột.
Về cách chữa trị và chăm sóc cho những người suy dinh dưỡng, bác sĩ Catena cho biết những người có sức khoẻ rất kém được các nhân viên y tế bổ sung dinh dưỡng. Sau đó cung cấp điều trị y tế theo tình trạng sức khoẻ của mỗi người. Người bị suy dinh dưỡng thường có nguy cơ nhiễm bệnh nhiều hơn, như bệnh viêm phổi, tiêu chảy, sốt rét, lao. Bất cứ lúc nào những người bị suy dinh dưỡng thì đều có thể dễ bị các bệnh này tấn công.
Như tên gọi Đức Mẹ Thương Xót của trung tâm, các nhân viên đang nỗ lực không ngừng và mong muốn sự hỗ trợ đến từ các nơi khác để cứu mạng sống người dân bao nhiêu có thể.
Vatican News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn