Giáo xứ Vinh Hương

Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và người phàm được đổi mới

Thứ hai - 05/12/2011 19:27

Ngôi Lời đã làm người

Ngôi Lời đã làm người
Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên một con người, để con người được đổi mới và nâng lên tầm cao mới. Con Thiên Chúa đã đến chia sẻ cuộc sống với con người, để con người được chia sẻ đời sống với Thiên Chúa.

Sau đêm dài đợi chờ, cuối cùng thì Vầng Đông tự chốn cao vời đã xuất hiện cho chúng ta. Ánh sáng đã đến chiếu soi bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. (xc. Ga 1,5) “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng ; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Is 9,1) Ánh bình minh huy hoàng đó chính là Ngôi Lời Thiên Chúa. Người là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. (xc. Ga 1,9) Và ánh sáng cho nhân loại cũng chính là sự sống cho con người. (xc. Ga 1,4)

Biến cố đó có ý nghĩa gì? Sách Tin Mừng viết: “Thiên Chúa yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để phàm ai tin vào Con của Người thì khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống đời đời.” (Ga 3,16) Con Thiên Chúa và chính là Thiên Chúa đã đến thế gian để loài người có được sự sống đời đời, một cuộc sống tràn đầy. Mà cuộc sống tràn đầy là gì, nếu không phải là một cuộc sống có Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Sống ở cùng chúng ta? Từ đây, lịch sử nhân loại sang trang. Một cuộc sống mới được ban tặng cho con người.

1. Một cuộc sống có Thiên Chúa

Thuở xưa, con cái Israel lữ hành trong sa mạc đến Đất Hứa, Đức Chúa đã truyền cho ông Môsê phải làm cho Người một chiếc lều vải, gọi là Lều Hội Ngộ, nơi Người ngự giữa con cái Israel (xc. Xh 25,8). Cắm lều ở giữa dân, Người đã dẫn dắt và đồng hành với họ trên những nẻo đường họ đi (xc. Xh 40,36-38). Hôm nay, vào thời sau hết, không phải là vinh quang Thiên Chúa đầy tràn Lều Hội Ngộ nữa, nhưng Ngôi Lời Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa đến và ở giữa thế gian. Người không cắm lều bằng vải, nhưng cắm lều xác thể của Người nơi Con Người Giêsu, và vì vậy, Người được gọi là “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta”(xc. Mt 1,23-25). Thiên Chúa hôm nay đã đến và sống giữa loài người một cách mới mẻ và trọn vẹn.

Đây là một biến cố, một Tin Mừng trọng đại đã được các thiên sứ loan báo cho các mục đồng và qua họ đến với toàn thế giới: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Tin Mừng vĩ đại là Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Vì đó mà Con Thiên Chúa đã nhận lấy phận làm người. Người đã sinh ra trong cảnh nghèo khó. Người đã trở nên một trẻ thơ non nớt nằm trong máng cỏ thô hèn. Người là thân lữ khách nơi lều tạm của các mục đồng. Để từ đó và mãi mãi, Người ở cùng chúng ta như một người nghèo. Người ở giữa chúng ta như một người thân cận. Người là lữ khách với chúng ta trên những nẻo đường trần thế. Người dẫn chúng ta về Đất Hứa mới, quê hương đích thực của chúng ta. Như thế, tâm hồn chúng ta được bình an. “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.” (Tv 23,4).

Một thế giới bị đổ vỡ là thế giới của những vực thẳm âm u hay núi đá sừng sững. Một thế giới đầy rẫy những hiểm nguy, trắc trở, nghịch cảnh như thế luôn có đó và ở ngay trước mắt chúng ta. Nhưng khi Đức Giêsu là vị Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, thì như thánh Phaolô nói, Người ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang, bất chấp những gian nan thử thách mà hiện nay chúng ta đang phải gánh chịu. (xc. Cl 1,27) Người là niềm hy vọng đích thực cho loài người, bởi vì Người cũng là một con người như chúng ta. Người cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì chính Người đã chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta, nhưng khác chúng ta ở chỗ Người không phạm tội (xc. Hr 4,15), nghĩa là Người không sa ngã. Vì vậy, Người đích thực là núi đá vững chắc cho chúng ta neo mình giữa dòng sông của những sự hữu hạn cứ cuốn trôi chúng ta đi.

“Tựa một cây bên dòng sông, Đức Giêsu, Chúa chúng ta, đã sinh ra. Người đã mang lấy xác phàm, Người đã chết, Người đã phục sinh, Người đã lên trời. Người đã muốn mình cách nào đó trồng bên dòng sông của những sự hữu hạn. Bạn bị cuốn trôi đi ư ? Hãy bám chặt lấy cây ấy. Bạn hãy bám chặt lấy Đức Kitô. Vì bạn, Người đã trở thành hữu hạn, để bạn trở thành vĩnh cửu ; vì nếu chính Người đã trở thành hữu hạn, chính là để lưu tồn vĩnh cửu.” Như thế, nếu cuộc sống của chúng ta có Đức Giêsu Kitô, Đấng là “Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta”, thì chúng ta nhận được một niềm hy vọng đáng tin cậy, tựa như cái neo vừa chắc chắn vừa bền vững. Niềm hy vọng đó là chúng ta không bị cuốn trôi vào dòng sông của những sự hữu hạn. Phải, chúng ta là thân hữu hạn, là kiếp phù sinh, là loài phải chết. Nhưng chúng ta không trở thành hư vô. Chúng ta sẽ trở thành vĩnh cửu trong Đức Giêsu Kitô.

2. Một cuộc sống có đồng loại là người thân cận

Sách Thánh viết: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật.” (Gl 4,4) Vậy, đích thực là Ngôi Lời Thiên Chúa đến từ Thiên Chúa đã nhận lấy cùng một huyết nhục loài người như chúng ta. Con Thiên Chúa, có phẩm vị ngang hàng với Chúa Cha (xc. Pl 2,6) ngàn trùng trổi vượt chúng ta, đã hạ cố để trở thành một người thân cận của tôi, của bạn và của tất cả chúng ta. Người đã tự trở nên người thân cận với chúng ta để làm gì ? Sách Thánh nói: “để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Vì anh em là con cái, nên Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình vào trong lòng chúng ta mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi!" (Gl 4,5-6).

Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể thật là một hồng ân cho loài người. Vì nhờ mầu nhiệm Đức Giêsu, tất cả chúng ta đã được giải thoát khỏi quyền lực thống trị của tội lỗi mà trở nên con cái tự do của Thiên Chúa. Trong trình trạng mới này, chúng ta còn nhận được Thần Khí của Người Con làm cho chúng ta có thể sống mối tương quan nghĩa tử với Thiên Chúa là “Áp-ba” và hệ luận tất yếu, với đồng loại là anh em. Vậy là, khi tự trở nên người thân cận của chúng ta và cho chúng ta, Đức Giêsu đã biến cả thế giới thành một gia đình của “Ađam mới”. Trong gia đình mới này, không còn chuyện phân biệt Dothái hay Hylạp, cắt bì hay không cắt bì, nô lệ hay tự do, mọi rợ hay văn minh, xa lạ hay thân thuộc (xc. Cl 3,11) ; người này đối với người kia không còn phải là một kẻ “xa lạ”, mà là người “thân cận” của tôi, người nhà của Thiên Chúa.

Trong nền văn minh của những kẻ tin vào Đức Giêsu, hai từ “xa lạ” không còn tồn tại, mà thay vào đó là hai từ “thân cận”. Nhưng, thế nào là “thân cận”? Thực vậy, Thiên Chúa, đối với chúng ta là Đấng xa lạ, đã đến và trở nên Người Thân Cận của chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đến cứu giúp chúng ta vì Người biết chúng ta đang cần sự giúp đỡ ; chúng ta đã “bị vong thân”, bị vong thân trong tình yêu (tình yêu là “vinh quang siêu nhiên”, đã bị bóc lột) ; chúng ta cần được cứu sống và chữa lành. Dụ ngôn “người Samari tốt lành” trong Tin Mừng Luca (10, 29-37) là một câu chuyện giúp chúng ta hiểu đầy đủ ý nghĩa của hai từ “thân cận”.

Chẳng phải là trong suốt hành trình lịch sử của mình, loài người chúng ta đã “bị rơi vào tay bọn cướp” là quỷ dữ đó sao? Chúng ta đã bị trấn lột, bị đánh bầm dập, nằm nửa sống nửa chết bên vệ đường, trơ trọi bên lề lịch sử. Nhưng không một ai, không một triết lý hay tôn giáo nào, đã có thể cứu chữa sự vong thân của chúng ta. Mà chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, đã chạnh lòng thương tình cảnh khốn cùng của chúng ta. Người đã tự trở thành Người Thân Cận cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Đấng đã lấy rượu là Máu của Người đổ ra trên thập giá và đã lấy dầu là Thần Khí của Người mà xức trên vết thương của chúng ta hầu cứu sống chúng ta. Rồi Người đã đem chúng ta vào nhà trọ là Hội Thánh của Người, nơi đây chúng ta được chữa trị, chăm sóc và làm cho mạnh sức. Người đã làm như thế để nêu gương cho chúng ta và Người mời gọi chúng ta “hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37)

Hãy đi và làm cho mình trở thành người thân cận của đồng loại, đó là lệnh truyền của Đấng vốn xa lạ đối với chúng ta, nhưng vì yêu chúng ta đã trở nên Người Thân Cận của chúng ta. Bước theo Đức Giêsu Kitô, làm như Người đã làm, chúng ta sẽ trở thành người biết yêu. Bấy giờ, chúng ta nhận lại tình yêu là “vinh quang siêu nhiên” mà ma quỷ đã làm cho chúng ta bị tước mất. Bấy giờ, chúng ta sẽ tìm lại được chính mình, sẽ sống đúng đắn, sẽ nên giống hình ảnh của Đấng đã yêu chúng ta trước (xc. 1Ga 4,19).

3. Một cuộc sống được sống và sống dồi dào

Mở đầu và kết thúc Tin Mừng, tác giả Tin Mừng thứ tư đã viết: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, để những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa (xc. Ga 1,12.14), nghĩa là Người ban cho họ sự sống đời đời (xc. Ga 20,31). Sự sống đời đời chính là tặng phẩm thần linh mà Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa, đem đến cho những kẻ tin vào Người. Nói cách khác, sứ vụ thiên sai của Đức Giêsu là đem sự sống đời đời cho con người. Hoàn tất hình ảnh “người mục tử” trong Cựu Ước, Đức Giêsu đã khẳng định về sứ vụ thiên sai của mình: “Tôi chính là người Mục Tử tốt. Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,11.10).

Thực vậy, ngôn sứ Edekien đã công bố lời Thiên Chúa hứa rằng đích thân Người sẽ đến và đi tìm các con chiên của mình để chăm sóc: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Israel. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Israel. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm ; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về ; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó ; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh ; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.”(xc. Ed 34,11-16) Vậy là, hôm nay nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa thực hiện và hoàn tất lời hứa của mình.

Chẳng phải chúng ta là những con chiên đang mang đầy thương tích vì tội lỗi đó sao? Chúng ta đang phân tán, lầm đường lạc lối đó sao? Chúng ta đang đói đang khát thật nhiều thứ đó sao? Nhưng rồi chúng ta sẽ phải chết đó sao? Vì yêu thương chúng ta và trung tín với lời đã hứa, Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến và mời gọi chúng ta tin vào Người. Nơi Người, chúng ta được quy tụ, được chữa lành, được dẫn dắt, được sống và sống dồi dào. Người đã hứa ban cho những kẻ tin vào Người sự sống tràn đầy vì Người ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Người. (xc. Ga 10,38) ; Người với Chúa Cha là một. (Ga 10,30).

Phải, Đức Giêsu đã hứa ban cho chúng ta một cuộc sống tràn đầy vì chính Người đã ban Thiên Chúa cho chúng ta. Một vị Thiên Chúa đã trở nên Người Thân Cận trong Đức Giêsu Kitô. Để nơi Người, chúng ta được Người chữa lành bản tính bị tổn thương của chúng ta. Để theo Người, chúng ta được Người dẫn vào “đồng cỏ xanh tươi”, được nuôi dưỡng và nghỉ ngơi. Để tin vào Người, chúng ta hiểu được ý nghĩa cuộc đời vì Người chỉ cho chúng ta biết đường về cõi sống. Mà chính Người đã là con đường (xc. Ga 14,6), con đường vượt qua vực thẳm âm u của cõi chết dẫn vào miền đất của cõi sống. Chính Người đã đi trên con đường đó, đã bước xuống vương quốc của cõi chết, đã chiến thắng sự chết và trở về đồng hành với chúng ta. Và để gắn bó với Người, chúng ta được cùng Người chung hưởng phúc vinh quang. Vậy, Đức Giêsu đích thực là niềm hy vọng duy nhất làm thoả mãn cơn khát sâu thẳm trong mỗi chúng ta: khát cuộc sống tràn trề, khát niềm vui trọn vẹn, khát hạnh phúc miên trường.

Kết luận

Bình an cho loài người Chúa thương! Mừng vui lên, hỡi loài người, vì Thiên Chúa đã đến và sống giữa chúng ta! Người đã trở thành Người Thân Cận của chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Để Người là ánh sáng và là sự sống cho chúng ta. Để Người là chân lý và là tình yêu cho chúng ta. Để Người là con đường và là Người dẫn đường đưa chúng ta về cõi sống. Biến cố ấy đã khai mở một thời đại mới cho một nhân loại mới: Xưa, chúng ta sống trong bóng tối, nay chúng ta được ánh sáng Ngôi Lời chiếu soi. Xưa chúng ta là tội nhân, nay chúng ta là con cái Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô. Xưa, chúng ta là thù địch của nhau, nay chúng ta là anh em với nhau trong Đức Giêsu Kitô. Xưa chúng ta bị tuyên án tử, nay chúng ta được cứu sống và được ban cho sự sống đời đời nhờ tin vào danh Đức Giêsu Kitô. Xưa chúng ta bị tước mất vinh quang siêu nhiên, nay chúng ta được cùng chung hưởng vinh quang Thiên Chúa với Đức Giêsu Kitô. Thế đó, Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên một con người, để con người được đổi mới và nâng lên tầm cao mới. Con Thiên Chúa đã đến chia sẻ cuộc sống với con người, để con người được chia sẻ đời sống với Thiên Chúa.

Tác giả bài viết: Phaolô Cao Chu Vũ, O.P.

Nguồn tin: daminhvn.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây