Giáo xứ Vinh Hương

Chuyến xe buýt đầu ngày

Thứ ba - 07/04/2015 19:17


Trời chưa sáng, còn sớm lắm, chị Hà, con gái Lão, hỏi:

-Ba đi đâu sớm vậy?

Lão có vẻ hãnh diện lắm, hình như vác mặt lên:

-Ba đi dự buổi họp mặt các cựu tu sinh Long Xuyên ở trụ sở Long Xuyên 2, Sài Gòn, do Đức Giám mục Phụ tá Giuse Trần Văn Toản tổ chức.

-Cựu tu sinh là tu xuất chứ gì? Tu xuất thì có hay ho gì, đáng để ba tự hào đâu?

Lão cười, như mếu:

-Bố chị. Chúa mà chọn tôi thì các anh các chị và chín đứa cháu nội ngoại, Ngài đã ‘‘để không đời đời’’ rồi… Nhưng ba phải đi như thế nào cho tiện, nhỉ?

Chị Hà móc trong giỏ ra chiếc điện thoại di động đến là to, gọi là iPhone, iPad gì đó. Chị quẹt quẹt, mổ mổ một hồi, cười :

-Dễ thôi, ba! Con chở ba ra trạm xe buýt nhà Thiếu nhi Thủ Đức, ba đón xe số 8, đến đường Phan Đăng Lưu, xuống trạm Nguyễn Văn Đậu. Ba nhớ đấy, xe số 8, đưởng Phan Đăng Lưu, trạm Nguyễn Văn Đậu.

*  *  *

Người ta lôi Lão lên xe. Trong xe đã chật cứng. Một cô bé mặc đồng phục học sinh, đeo phù hiệu lớp 8 ở hàng ghế gần chỗ Lão đứng, đứng lên:

-Con nhường ghế, mời ông vào ngồi đi.

Lão cười, cám ơn cô bé. Lão vừa ngồi xuống thì cô tiếp viên len đến chỗ Lão:

-Tiền mua vé, bố già.

Lão ngẩng đầu lên. Cô tiếp viên mặc đồng phục hợp tác xã vận tải mới đẹp làm sao! Nước da của cô trắng nõn, khuôn mặt bầu bĩnh, phúc hậu, đẹp không chê vào đâu được. Lão trộm nghĩ: ‘‘Cha mẹ nào đẻ được đứa con xinh xắn thế kia cũng mát lòng mát ruột’’. Miệng Lão lúng búng:

-Tôi xin lỗi, không có tiền lẻ, cô làm ơn đổi giùm.

Lão đưa ra tờ giấy bạc mệnh giá 200.000 đồng. Cô tiếp viên móc giỏ, móc túi trên túi dưới, không đủ tiền lẻ thối lại. Cô chỉ tấm bảng ‘‘Nội Quy Xe Buýt’’ chì chiết:

-Ông có biết chữ không? Nội quy đi xe buýt ghi ràng ràng ra đó: ‘‘Hành khách chuẩn bị tiền lẻ khi đi xe’’. Rõ là lão già nhà quê, ỷ có hai trăm ngàn mà phách lối…

Nghe những lời ăn tiếng nói chua loét từ đôi môi tuyệt đẹp kia, Lão giận lắm:

-Tôi già, đúng. Tôi nhà quê, đúng. Nhưng tôi đã xin lỗi cô rồi, tôi có phách lối gì đâu!

Cô tiếp viên chắc là chủ xe, ra lệnh cho tài xế:

-Cho lão già mắc dịch xuống trạm trước mặt, chú Năm.

Một cô bé khác, cũng đeo phù hiệu lớp 8, cao lớn tồng ngồng, để tóc bob, trông ngổ ngáo đến gai mắt, nói với cô tiếp viên:

-Người ta già cả, đáng tuổi ông bà mình, chị ăn nói nhã nhặn một chút có hơn không?

Nó quay sang Lão:

-Con xin phép mua vé cho ông được không?

Lão cám ơn cô bé, nghĩ: ‘‘Cứ theo lời ông bà mình dạy: Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon, thì lầm to. So sánh cô tiếp viên xinh đẹp với mấy em học sinh lấc cấc vừa chớm tuổi teen này, mới thấy ai xanh vỏ, ai đỏ lòng, khác nhau như nước với lửa’’.

Tới trạm xe buýt Nhà thờ Thủ Đức, người ta xuống xe có đến hơn phân nửa. Một người chống nạng, mù cả hai mắt lên xe. Anh dựa lưng vào một thành ghế, khoác cây đàn guitare lên cổ. Không than van, không xin xỏ, anh tự đệm đàn cho mình hát những bản nhạc boléro, nào là Hàn Mặc Tử, nào là Chuyện tình Lan và Điệp, nào là Nhật ký đời tôi… Ngón đàn của anh điêu luyện, không, lão luyện mới đúng, không chê vào đâu được. Anh ca hay đến mức được trực tiếp nghe anh ca bằng cả tấm lòng và sức lực, người ta có cảm giác không còn lòng dạ nào nghe những bản nhạc đó trên băng đĩa nữa. Họ nườm nượp tới chỗ anh, bỏ và chiếc ca nhựa treo trên cần đàn, những tờ giầy bạc mười, hai mươi, có cả năm mươi ngàn đồng. Đó không phải là những đồng tiền bố thí, mà là tiền công anh xứng đáng được hưởng vì đem đến niềm vui. Anh cúi đầu cám ơn, bước xuống xe. Sau lưng anh, một tràng pháo tay giòn giã. Lão cảm thấy vui lây.

Tới trạm cầu Gò Dưa, một người đàn ông rách rưới, bẩn thỉu lên xe, bồng đứa bé con gầy như một con cá khô, băng bó đầy người, bôi thuốc đỏ chòe choẹt. Gã khóc thống thiết:

-Hôm qua con ở bệnh viện nhi đồng về, bị thằng xe ôm lừa, cướp giữa đường. Thằng khốn nạn cướp hết tiền bạc của con. Bà con cô bác thương tình, giúp con đủ tiền xe về quê ngoài Qui Nhơn, con đội ơn suốt đời.

Không ai không chạnh lòng, người cho một, người cho hai chục ngàn. Một cô gái thắc mắc:

-Hôm qua trên chuyến xe buýt số 29, chạy tuyến chợ đầu mối Thủ Đức – Cát Lái, chú cũng nói là bị cướp, người ta đã quyên góp cho chú cả triệu bạc rồi mà. Sao chú chưa về ngoài ấy, còn ở đây?

Ngay tức khắc, mọi người hiểu ra minh bị lừa, và gã đàn ông kia là một tay bịp bợm, đứa bé trên tay gã không phải là con gã, chỉ là một thứ dụng cụ, một thứ mồi câu tiền… Đôi mắt gã long lên sòng sọc. Gã chửi cô gái rất tục tĩu, rồi thêm:

-Mày biết thì mày câm mồm lại. Có muốn mất mạng không?

Cả xe im phăng phắc, không ai bênh đỡ cô gái được một câu. Bị bể mánh, gã biết không làm ăn gì được nữa, đành xuống xe.

Khách xuống, khách lên, tới trạm gần Nhà thờ Bình Triệu, xe lại chật cứng. Một cô gái mặt hoa da phấn, ăn mặc lịch sự, nhanh như cắt giật phứt giỏ xách của một bà già hẳn đã ngoài sáu mươi. Cô gạt người ta ra, vôi vàng nhảy xuống, rồi leo lên ngồi chễm chệ sau lưng một gã đàn ông to con, mặt bặm trợn, trên một chiếc mô tô phân khối lớn đã nổ máy sẵn, phóng vù đi. Trong xe, bà già nghệt mặt ra, rồi khi hoàn hồn, bà la thất thanh:

-Cướp! Cướp! Bớ người ta! Nó giật giỏ tiền của tôi…

Bà ý thức hoàn cảnh của mình:

-Trời ơi là trời! Đất ơi là đất! Cả nhà có hai sào rẫy, cầm cố cho người ta lấy một trăm triệu, làm tiền viện phí mổ thay van tim cho con…

Bà khóc thét:

-Con ơi, con! Mẹ đã giết con rồi…

Bà ngã xuống, bất tỉnh. Trong khi đó, cô gái trộm cắp và người thanh niên đồng phạm đã xa chạy, cao bay.

Tới Bến xe Miền Đông, cậu thanh niên ngồi phía bên trong, cùng hàng ghế với Lão đứng lên:

-Ông làm ơn, con xuống trạm kế tiếp.

Lão co chân nhường lối đi ra cho cậu. Cậu nhìn lại chỗ ngồi xem có bỏ quên gì không. Cậu chỉ tay:

-Ví của ông rớt kìa. Ông cất đi, phải cẩn thận đấy.

Lão cám ơn cậu, tự hỏi: ‘‘Lạ thật ! Kẻ thì cướp giật của người khác, kẻ thì không lấy, còn chỉ cho mình cái ví mình đánh rơi. Sao thế nhỉ?’’

Qua đường Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng, tới Lăng Ông Bà Chiểu, Lão nhắc tài xế:

-Làm ơn cho xuống trạm Nguyễn Văn Đậu, bác tài nhé!

Cô tiếp viên sa sả:

-‘‘Biết rồi, khổ lắm, nói mãi’’. Tụi tôi có điếc như lão đâu, lão già!

Nhưng họ không cho Lão xuống trạm Lão yêu cầu. Tới trạm Thích Quảng Đức họ mới dừng xe cho Lão xuống. Lão cau có chửi:

-Tiên sư bố nhà chúng mày.

Một người trung niên ăn mặc không sang trọng, nhưng sạch sẽ, gọn gàng, bước đến chỗ Lão:

-Chắc ông mới gặp chuyện không vừa ý phải không?

Không để cho Lão trả lời, ông niềm nở nói tiếp:

-Sao ông không dâng lên Đức Chúa Trời cơn tức giận của ông rồi bỏ qua đi. Ông vui lòng cho tôi thưa chuyện một vài phút thôi. Ông có nghe biết Chúa Jesus Christ không ? Không như các vị giáo chủ của các tôn giáo khác, Ngài là Đấng duy nhất đã sống lại và đang sống, Đấng trung gian duy nhất giữa Đức Chúa Trời và loài người, Đấng Cứu Chúa duy nhất của chúng ta, ngoài Ngài không ai đựợc cứu…

Lão trìu mến nhìn ông ta:

-Xin cám ơn và cho phép tôi bắt tay ông, người anh em của tôi.

-Vâng, rất hân hạnh. Tôi là mục sư của hội thánh Tin Lành, chi hội PN. Ông là người Công Giáo phải không?

-Vâng, tôi là người Công Giáo.

Có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời Lão xưng minh là người Công Giáo, một cách công khai, chân thành và khiêm tốn trong niềm vui.

Ông mục sư nói:

-Tôi có thể giúp ông được gì không? Ông tới 72/24 Phan Đăng Lưu à? Gần thôi, không phiền hà gì đâu.

Rồi như một người chạy xe ôm chính hiệu, ông lấy nón bảo hiểm đưa cho Lão, chở Lão tới Trung Tâm Mục Vụ 2. Lão cám ơn ông. Ông chào Lão: ‘‘Nguyện Chúa ở cùng ông’’, rồi đi.

*  *  *

Lúc ấy, Đức cha phụ tá cùng quý cha đồng tế đang dâng Thánh lễ. Lão vào nhà nguyện, hòa mình với mấy chục anh em cựu tu sinh gia đình Long Xuyên, gia đình mà Lão thuộc về cách nào đó. Bầu khí trong nhà nguyện hết sức trang nghiêm, sốt sắng, nhưng Lão không sao cầm lòng cầm trí được. Lão bị những mẩu chuyện rời trên chuyến xe buýt ám ảnh. Lão nhớ tới cô tiếp viên xinh đẹp nhưng đanh đá chua ngoa, nhớ tới gã đàn ông lường gạt, nhớ tới cô gái cướp giật và người thanh niên đồng phạm, nhớ tới những con người, trong đó có Lão, im lặng, dửng dưng trước sự dữ. Quả thật, xã hội đã băng hoại và vô cảm quá mất rồi. Nhưng rồi, Lão nhớ tới hai em học sinh lớp 8 nhường ghế và mua vé xe cho Lão, và cậu thanh niên chỉ cho Lão chiếc ví Lão đánh rơi. Rồi Lão nhớ tới người nghệ sĩ vừa què chân vừa mù hai mắt, tự lực sống bằng nghề hát rong. Lão cũng nhớ tới ông mục sư tốt bụng.

Lão nghĩ tới câu Phúc âm: “Gió muốn thổi đâu thì thổi’’ (Ga 3,8). Gió thổi trong Thánh lễ này, trong Giáo hội. Nhưng Gió còn thổi ngoài kia, ngoài Giáo Hội, để mang lại lợi ích cho Giáo hội. Và, vì thế, nên, cho dù lịch sử loài người có đen tối đến đâu, con người có lừa lọc nhau, có đối xử với nhau tồi tệ đến thế nào chăng nữa, thì Chúa Thánh Thần vẫn luôn luôn hoạt động, để niềm hy vọng không bao giờ mất đi trên thế gian này.

 

lãongu

Nguồn tin: www.chuacuuthe.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây