Giáo xứ Vinh Hương

Gabriel de l’Addolorata, quan thầy của các chủng sinh, từng là người ăn chơi

Thứ bảy - 21/10/2023 22:02
Gabriel de l’Addolorata, quan thầy của các chủng sinh, từng là người ăn chơi

Anh từng thích tiệc tùng và quyến rũ những thiếu nữ: Gabriel de l'Alddolorata chết trẻ, trong sự đau đớn vô cùng để đền tội, trong nhà tập sinh của Dòng Thương Khó Chúa. Được phong thánh năm 1929, trở thành quan thầy của những tập sinh và chủng sinh, ngài được mừng lễ ngày 27 tháng Hai hằng năm.
 

Trong tiết xuân của nước Ý năm 1856, mọi cô gái ở Spolète đều thầm mơ về Francesco Possenti, người con trai cực kỳ hấp dẫn của ông thống đốc thành phố trực thuộc nhà nước dưới quyền giáo hoàng này. Phải công nhận ở tuổi 17, Francesco có nhân dáng hoàn hảo của một tay trai lơ như được mô tả trong những cuốn tiểu thuyết mà anh nghiền ngẫm: cặp mắt "sáng như sao", da trắng như đá cẩm thạch, tóc đen mượt như cánh quạ, nét đẹp của một bức tượng cổ đại... Là người chơi thể thao, anh đam mê săn bắn và đôi khi hơi liều mạng, cộng thêm tài khiêu vũ không biết mệt, một mình có thể hoạt náo cả một buổi khiêu vũ hay tiệc tùng. "Gã khiêu vũ", đó cũng chính là cái tên lóng mà các bạn ở trường trung học Dòng Tên đặt cho anh, ghen tị trước những thành công trước tuổi của anh chàng đỏm dáng.

Một chương trình vạch sẵn

Cậu thiếu niên xem ra sung sướng với một cuộc sống vô tư lự vì được người cha chấp nhận. Chịu ở góa quá sớm để một mình lo cho một gia đình rất đông con, 13 người, dù tử suất ở trẻ em rất cao cứ đều đặn giáng xuống đứa này hay đứa kia trong nhà, ông thống đốc Possenti được cả Rôma xem là tấm gương đức hạnh kitô giáo và trung thành với Đức Thánh Cha lúc bấy giờ, trong lúc Đức Piô 9 đang phải đương đầu với những mưu toan gây bất ổn cách mạng và theo chính sách thống nhất với nước Ý, đang muốn giải thể Các Quốc Gia dưới quyền Giáo hoàng.

Sante Possenti là một tín đồ công giáo tuyệt vời, nhưng vì đã dâng một đứa con trai cho Chúa, cho gia nhập dòng Đa Minh, ông cho rằng như vậy đã xong trách nhiệm và có tham vọng đưa những đưa con trai còn lại vào những cơ sở đời thường tử tế - nơi dù sao chúng cũng có thể tìm thấy sự cứu rỗi. Dù vẫn phải trông chừng Francesco để tránh cho cậu "chơi với bạn xấu", ông vẫn sẽ hài lòng truớc lễ đính hôn sớm trước tuổi của con trai ông với một cô nương con nhà danh giá, có giáo dục và đạo đức, mà ông sẽ cưới cho con trai ngay khi chấm dứt thời gian đính hôn. Chương trình này rất đúng ý Francesco, vì cậu đã tìm được một cô gái ưng ý.

Thế nhưng sự lựa chọn ấy đã chắc chưa? Từ nhiều năm nay, một con đường khác thỉnh thoảng lại hiện ra trước mắt cậu. Lúc thì cậu thật nóng lòng muốn dấn thân theo nó, lúc thì cậu sợ hãi đẩy lùi nó ra xa. Tiếng gọi thiêng liêng vẫn vang lên với cậu, tha thiết nhưng cậu làm như không nghe. Tuy nhiên, rất nhiều lần, Chúa Quan Phòng đã thẳng thừng nhắc lại với cậu về sự phù du của cuộc đời này và những thú vui trần thế mà cậu ưa thích thì đâu đáng quan tâm.

Những dấu hiệu lạ lùng

Sinh ngày 1-3-1838 ở Assidi, một trong những nhiệm sở lãnh đạo tỉnh đầu tiên của cha cậu, tên cậu bắt nguồn từ đó, Francesco sớm phải đối mặt với cái chết. Cái chết của nhiều anh chị em của cậu đầu tiên, sau đó là cái chết của mẹ cậu.

Bản thân cậu, sức khỏe kém, đã trải qua nhiều đợt báo động đỏ. Năm 14 tuổi, cậu đã chịu những cơn đau bụng kinh hoàng đến nỗi bác sĩ đã nghĩ đến cơn đau ruột thừa, bệnh lúc đó chưa chữa được. Lăn lộn vì đau, cậu đã thề sẽ dâng mình cho Chúa nếu cậu lành bệnh. Vài giờ sau, cậu đã đứng lên được. Chẩn đoán sai chứ chẳng có phép lạ gì cả, có lẽ như vậy và cha giải tội cũng như cha ruột cậu nói với cậu không nên xem là quan trọng một lời hứa đưa ra trong thời điểm hỏang loạn như thế, do đó không có giá trị. Francesco quá vui khi tin vào lời của các vị và không nghĩ gì đến đó nữa. Còn có những dấu hiệu lạ lùng khác nữa chẳng hạn như trong một tai nạn lúc đi săn mới đây thôi, cậu bị ngã xuống một cái hố, súng cầm trên tay, suýt nữa thì cậu đã lãnh vào giữa ngực một viên đạn chết người. Hôm đó nhìn thấy cái chết ngay trước mắt khiến cậu cứ ngây người ra mà suy nghĩ rồi cậu cũng ráng không nghĩ tới nó nữa.

Cuối tháng Năm 1855, chị cả của cậu, Maria Luisa, 20 tuổi, người thay vai trò của người mẹ đã qua đời, ngay ngày thứ Năm tuần Thánh, lễ Thánh Thể, cảm thấy rất khó chịu. Tuy vậy, Francsco theo yêu cầu của chị vẫn đi rước kiệu. Khi cậu về, Maria Luisa đã qua đời do bệnh dịch tả - một trận dịch sắp tàn phá Spolète, ngăn cản mọi cuộc vui chơi và tụ tập trong thành phố bị cách ly trong nhiều tháng trời.

Rất xao động, Francesco bắt đầu nghĩ lại xem cậu sẽ làm gì với cuộc đời mình và sau khi suy nghĩ chín chắn, cậu thông báo với cha rằng mình sẽ giữ lời đã hứa trước đây là sẽ dâng mình cho Chúa. Có thể sẽ tu ở dòng Tên. Ông Possenti miễn cưỡng chấp nhận thông tin này và buộc con trai phải bỏ ra ít nhất một năm để suy nghĩ kỹ hơn. Francesco chấp nhận.

Một luồng ánh sáng chói lòa

Ngày 22-8-1856, như mọi năm vào dịp lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, người ta đi rước kiệu ở Spolète đàng sau "Bức Ảnh Thánh", một hình Đức Trinh Nữ cổ xưa nổi tiếng nhiều phép lạ.

Khi Đức Bà đến ngang chỗ anh và khi anh quỳ gối để tôn kính Mẹ, Francesco bỗng thấy Bà quay mắt về phía anh, nhìn anh thật lâu với một vẻ mặt anh không bao giờ quên được và nghe rõ ràng câu này: "Francesco, con phải vào đạo đi và cống hiến đời mình cho sự đền tội".

Ánh sáng vụt bùng lên, chói  lòa. Trong cái thế giới lăn xả vào các thú vui này, nơi luật lệ của Chúa bị chế nhạo, nơi, giống như Satan, không có ai còn muốn phục vụ hay vâng lời, cần phải có những linh hồn dâng hiến hoàn toàn cho Đức Kitô, chuộc lại tội lỗi của chính họ và của những người khác nữa. Bản thân Francesco không đi tìm điều này ở Dòng Tên. Một hình ảnh hiện ra với anh: bộ trang phục kinh khủng, kinh khủng vì sức nặng, sự khó chịu, sự thô ráp của nó  khiến nó trở thành một hình phạt liên tục vì các tu sĩ mặc nó sẽ không cởi nó ra cả ngày lẫn đêm, trên đó ghi dấu Thánh Giá của dòng Thương Khó Chúa, một cộng đoàn tu sĩ nhỏ, được thành lập hồi thế kỷ 18 bởi Phaolô Thánh Giá, được phong chân phước năm 1853. Các tu sĩ dòng Thương Khó Chúa rất nghèo, chấp nhận một đời sống khắc khổ hiếm thấy, trải qua trong sự chiêm nghiệm Cuộc Thương Khó Chúa và mầu nhiệm Thánh Giá.

Khi Francesco loan báo ý định ý định gia nhập dòng của các ngài, ông Possenti đã cương quyết nói "không", nhưng rồi ông cũng đành chấp nhận, vì lòng sùng đạo của ông cuối cùng cũng thắng những lo lắng của một người cha.

Năm 1856, Francesco được nhận vào nhà tập sinh ở Morovalle, mặc áo dòng ở đó, đồng thời nhận cái tên dòng là "Gabriel de L'Addorada" - Gabrien của Đức Mẹ bảy sự thương khó - coi như phần thưởng cho lòng sùng kính lâu đời của thầy dành cho Đức Trinh Nữ đầy tình thương xót.

Khóa tập sinh gian khổ tới mức gia đình thầy một lần nữa tìm cách làm thầy nản lòng. Trong một lần cha và anh thầy đến thăm, Gabrien đáp lại những lời van nài của họ: "Có được phép từ bỏ một người thầy dễ yêu như Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta và một cô gíao dịu dàng như Maria không?"

Cơn khát khôn nguôi về sự từ bỏ

Ngày 27-9-1859, thầy khấn dòng, và nhân dịp này, thầy xin ơn ‘được chết trẻ vì bệnh lao’ để có thời gian nhìn thấy mình ra đi và dâng hiến những đau đớn của mình. Bề trên của thầy đã nhắc thầy nói thêm cho rõ: "Nếu điều đó làm vinh danh Chúa".

Sau đó, thầy được gửi tới ngôi nhà trên núi ở Isola del Grasso thuộc sở hữu của nhà dòng. Suốt 30 tháng còn lại của cuộc đời, thầy áp dụng chặt chẽ quy luật - mà thầy thấy vẫn chưa đủ khắc khổ, nên tự đặt ra cho mình những việc đền tội - mà bề trên của thầy cuối cùng cũng phải cấm, cáo buộc thầy đã vì kiêu ngạo mà làm vậy; thầy trồng hoa cho nhà thờ và đặc biệt dâng lên bàn thờ Đức Mẹ, nhận luôn biệt danh "thợ làm vườn của Đức Bà", kìm nén những sở thích ước muốn riêng tư, trong niềm khao khát từ bỏ khôn nguôi.

Niềm vui duy nhất của thầy là nói về Mầu Nhiệm Thánh Thể, Thiên Đàng, thánh Giuse và Mẹ Maria, là những điều luôn nằm trong tâm trí thầy.

Khi những người khác lo âu, Gabrien luôn nói: "Chúa sẽ lo! Các vị sẽ thấy rằng Mẹ quan tâm cả rồi!" "Mẹ", đây chính là Mẹ Thiên Đàng mà thầy đoan chắc: "Nếu ta đồng cảm với những đau đớn của Mẹ, Mẹ sẽ thương cảm những đau đớn của chúng ta, và giờ lâm chung, sẽ đến bên giường chúng ta để phù giúp".

Giờ phút lâm chung tới gần: Gabrien tắt thở vào rạng sáng ngày 27-2-1862, sau cơn hấp hối dài và khó khăn như thầy đã xin.

Vài năm trôi qua cộng với nhiều phép lạ đã đủ đưa ngài đến vinh quang toàn cầu. Được phong chân phước năm 1908, và được Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 15 phong thánh năm 1929, ngài trở thành quan thầy của tập sinh và chủng sinh và đồng bảo trợ cho phong trào Hành Động Công Giáo.

Anne Bernet (Aleteia) / Lê Hưng (TGPSG) chuyển ngữ

Nguồn tin: www.tgpsaigon.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây