Giáo xứ Vinh Hương

Không lối thoát

Thứ hai - 20/05/2013 18:05
- “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6,34)
Trên một trang mạng xã hội (www.docbao.com) có đăng một bài viết thuật lại cái chết bất ngờ của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (quê ở ấp 5, xã An Xuyên, Tp. Cà Mau). Vì hoàn cảnh gia đình nghèo, không đủ tiền để lo chuyện học hành cho con cái, chị Nhân đã tự kết liễu cuộc đời của mình ở cái tuổi 48. Cái chết của chị đã để lại bao xót xa, ngậm ngùi, và bàng hoàng nơi chồng con, người thân, xóm làng. Chị đã để lại một bức thư tuyệt mệnh 4 trang giấy học trò với những dòng tâm sự bế tắc và tuyệt vọng: “Anh! Trong hoàn cảnh quá khổ sở, không lối thoát, em đành phải xa anh và các con... Xin các cấp chính quyền ấp 5 thấu hiểu cho hoàn cảnh không lối thoát của chúng tôi hiện nay mà cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi để sống những ngày tháng còn lại trên đời...”.

Chị Nhân đã vĩnh viễn ra đi vào chiều ngày 24.04.2013, tại một vùng quê nghèo, trong một gia đình nghèo. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị là do không vay được 4 triệu đồng để đóng tiền học phí cho con, chị ra đi vì bế tắc với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, nghèo khổ, nhưng không được cấp sổ nghèo, không được công nhận là hộ nghèo. Chị ra đi vì đã không tìm được lối thoát cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình, với nhiều chứng bệnh nan y đang mang trong người, không có tiền để đi bệnh viện chữa trị…

Câu chuyện trên đây thật cảm động, nhất là đối với những người Công giáo chúng ta. Đó chỉ là một trong 1001 những hoàn cảnh đau khổ trong cuộc sống này. Không ai tránh khỏi những đau khổ trong cuộc đời. Người khổ về vật chất. Người khổ về tinh thần. Không có tiền cũng khổ, mà có nhiều tiền cũng khổ. Lối suy nghĩ này đã trở nên quá quen thuộc nơi tâm thức những người phật tử. Họ quan niệm như Đức phật: “Đời là bể khổ”. Vậy đối với mỗi Kitô hữu chúng ta thì sao?

Trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã từng dạy: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6,34) Chính Chúa Giêsu cũng không tránh khỏi những đau khổ trong 33 năm sống nơi trần thế. Người khổ lúc mới sinh ra trong một hang đá lạnh lẽo; Người khổ khi sống trong một vùng quê nghèo làng Nazareth, trong một mái ấm gia đình có thánh Giuse làm thợ mộc, có Đức Maria lo lắng chuyện nội trợ gia đình; Người khổ trong ba năm rao giảng, không có một nhà riêng để trú ngụ, không có tiền để thưởng thức những món ăn ngon; Người khổ khi phải đối diện với cám dỗ của Satan trong vườn Cây Dầu năm xưa; Người khổ khi bị tra tấn, xỉ vả, đánh đập, và tận cùng là cái chết trên thập tự giá. Vâng, chính Chúa Giêsu đã nếm trải hết tất cả những đau khổ trong đời sống của con người. Vì vậy, Chúa yêu thương những người đang đau khổ. Chúa mời gọi Giáo hội, các giám mục, linh mục, tu sĩ, nữ tu dấn thân phục vụ những mảnh đời đau khổ và túng thiếu giữa lòng thế giới hôm nay.

Vậy bạn và tôi cần phải làm gì? Cái khổ của mình chưa giải quyết xong thì làm gì có đủ bản lĩnh để giải quyết những đau khổ của người khác? Những câu hỏi như thế rất tự nhiên và hữu lý. Bởi lẽ, vấn đề của mỗi người là phải do chính người đó giải quyết. Thế nhưng là những Kitô hữu, chúng ta có đức tin. Nhờ đức tin chúng ta vượt qua những đau khổ của bản thân. Nhờ đức tin chúng ta có thể chia sẻ và đồng cảm với những đau khổ của tha nhân. Nhờ đức tin mà Giáo hội có nhiều người dấn thân nơi các trại cùi, các mái ấm, nhà mở, hay tại các viện dưỡng lão, các trường khuyết tật nhân ái v.v… Tất cả đều khởi đi từ những lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin mừng. Tất cả đều là những nghĩa cử bắt chước gương Chúa Giêsu trong Tin mừng.

Giáo hội là mẹ hiền. Giáo hội là thân thể huyền nhiệm của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, mỗi Kitô hữu chúng ta đều được gắn kết với nhau trong mối dây thiêng liêng của tình yêu Chúa và tình yêu tha nhân. Trong lòng Giáo hội là thân thể, mỗi chúng ta là những bộ phận, chi thể khác nhau. Mỗi người đều có một vị trí, chức năng trong quả tim của lòng thương xót Chúa. Bởi vậy, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã xác tín mạnh mẽ rằng: “Trong lòng Giáo hội, con sẽ là tình yêu.” Tình yêu ấy không phải làm một điều gì đó lớn lao to tát, nhưng đó là những việc thầm lặng, nhỏ bé, những cử chỉ quan tâm đến tha nhân thật lòng.

Thời gian không lâu sau khi đăng quan giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu: “Tôi muốn một Giáo hội nghèo và phục vụ những người nghèo.” Câu nói tuy đơn sơ, ngắn gọn, nhưng đó là cốt lõi của Tin mừng Chúa Giêsu, Tin mừng dành cho những người nghèo, những người thấp cổ bé miệng trong cuộc sống này. Ước mong sao qua gương chứng nhân của Đức Thánh Cha, mỗi Kitô hữu chúng ta sẽ nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu nơi những người nghèo. Điều này đòi hỏi bạn và tôi cần sống bình dị, đơn giản như những người nghèo. Nghèo trong cách ăn mặc; nghèo trong những hạn chế sắm sửa những món đồ thật nhiều tiền, sang trọng và hiện đại. Nghèo khi không để tâm trí dính bén quá nhiều đến tiền bạc và của cải thế gian. Để rồi, mỗi chúng ta biết vượt ra khỏi những toan tính vụ lợi cho bản thân, biết nghĩ đến tha nhân đang khổ hơn mình rất nhiều.

 

Tác giả bài viết: Raphael Trần Dương Tuyển

Nguồn tin: www.giaophanmytho

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây