Giáo xứ Vinh Hương

"Ông ruột ngựa"

Thứ tư - 26/06/2013 02:44

"Ông ruột ngựa"


Tầng lớp bình dân Việt Nam hay dùng tiếng “ông ruột ngựa” (hoặc “ruột để ngoài da”) để chỉ những người tính tình ngay thẳng bộc trực, trong lòng suy tính gì nghĩ ngợi gì thường nói thẳng ra, không úp mở. Có lẽ thấy ruột ngựa thường thẳng tuột, không quanh co uốn khúc, so sánh với người trực tính cũng vậy, không có vụ “nói một đàng làm một nẻo”, lươn lẹo dối gạt. Khi gọi ai đó là “ông ruột ngựa” là có ý đề cao bản tính thật thà ngay thẳng của người ấy, hoàn toàn không phải là kiểu phê bình “chê” nhiều hơn “khen”. Có thể khẳng định “ruột ngựa” là một đức tính của con người. Vì thế, đối với bạn bè, kể cả trong những giờ chia sẻ Lời Chúa trong Huynh đoàn, Giáo xứ, để cho không khí bớt trầm lặng, tăng thêm phần sinh động, tôi thường hay gọi Thánh Phê-rô là “Ông ruột ngựa”.
 
Xin đơn cử những minh hoạ về “ông ruột ngựa” Phê-rô: Xuất thân từ một làng quê ven biển mộc mạc, làm nghề chài lưới chất phác, và tính tình thật thà, ngay thẳng, nên chỉ mới gặp Đức Giê-su lần đầu, được chứng kiến phép lạ lưới cá, thì ngay lập tức Phê-rô đã “sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5, 8). Và sau khi nghe Đức Giê-su nói: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”, Phê-rô đã cùng với người anh là An-rê, và hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an bỏ chài lưới mà đi theo Người. Khi thấy Thầy đi trên mặt biển thì hoảng hốt cho là ma, rồi còn đòi “nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Phê-rô đã đi được trên mặt nước ngon lành, nhưng chỉ vì đức tin chưa vững nên khi thấy gió thổi, thì sợ hãi và bị chìm xuống, phải la cầu cứu: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Đức Giê-su đã cứu và âu yếm trách: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Cuối cùng thì mọi người đều xưng tụng: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14, 26-32).
 
Khi nghe Thầy hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” thì cũng chỉ mình Phê-rô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Và vì thế, vì biết quá rõ tâm tính của Phê-rô, nên Đức Giê-su rất thương mến và nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16, 15-18). Khi Thầy hiển dung trên núi Ta-bo, thì cũng chỉ có Phê-rô nói lên tâm tình: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” và do đó, các Tông đồ được Thiên Chúa Cha mạc khải về Đức Giê-su: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17, 4-5).
 
Đến lúc thấy Thầy cho biết “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.” Thì vì thương Thầy sẽ phải chịu khổ nạn và cũng vì bản tính ngay thẳng, “Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Suy nghĩ kỹ câu nói của Phê-rô, chỉ thấy nổi bật tấm lòng chân thực thương mến Thầy: Thương Thầy nhưng không biết làm sao, đành chỉ cầu xin Thiên Chúa can thiệp cho Thầy khỏi gặp cảnh ấy. Không hiểu sao Thánh sử Mat-thêu lại dùng tiếng “trách” để tường thuật cảnh ấy. Thương Thầy đến độ bị Thầy gọi là Xa-tan! (“Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy” – Mt 16, 22-23). Rồi khi người thu thuế ở Ca-phac-na-um đến đền thờ hỏi về việc nộp thuế, thì Phê-rô cũng được Thầy bàn tính và kêu ông đi “nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh” (Mt 17, 24-27).
 
Khi quân dữ tới bắt Thầy, cũng vì yêu thương Thầy, thấy Thầy không có một lỗi lầm nào dù rất nhỏ, nên giận quá, tuốt gươm chém đứt phăng một cái tai của một tên đầy tớ vị thượng tế; nhưng Đức Giê-su bảo Phê-rô: “hãy xỏ gươm vào vỏ” và chữa lành tai cho tên quân (Ga 18, 10-11). Bị Thầy quở mắng và thấy Thầy chấp nhận để quân dữ bắt đi, tuy không dám cãi lời Thầy, nhưng Phê-rô vẫn lẽo đẽo theo từ xa xa để xem họ sẽ làm gì đối với người Thầy mà mình rất mực yêu thương, kính trọng. Trong khi đó, thì “các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mt 26, 56). Lẽo đẽo theo Thầy để rồi chối Thầy tới ba lần trong một đêm (Mt 26, 69-75), mặc dù trước đó đã đoan chắc “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” (Mt 26, 35).
 
Trong khi các môn đệ khác đều quá sợ hãi mà bỏ trốn hết, thì dù Phê-rô có đi theo Thầy từ xa xa, nhưng vẫn không tránh khỏi nỗi lo sợ. Vì thế, trong trường hợp này (3 lần chối Thầy), Phê-rô vẫn rất thật với lòng mình. Cũng bởi Phê-rô chỉ là một con người với bản tính người 100%, mà đã là con người thì ai chẳng sợ sự dữ. Đến Thầy mình là Thiên Chúa, khi bản tính loài người trỗi dậy cũng rất sợ cuộc khổ nạn, sợ đến độ đổ cả mồ hôi máu ra nơi vườn Ghết-sê-ma-ni, huống hồ! Sợ bị bắt như Thầy nên phải chối, trong lòng nghĩ chối là thượng sách nên nói thẳng ra, “nghĩ sao nói vậy” mà! Tuy nhiên, sau lần chối thứ ba, nghe tiếng gà gáy, “Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (Mt 26, 75). Chỉ có người bộc trực mới có cử chỉ như vậy.
 
Cũng đã có một vấn nạn: Khi thấy Thầy đi trên mặt biển, kể cả lúc Thầy đã sống lại và hiện ra với các môn đệ, mà Phê-rô vẫn tưởng Thầy là ma; rõ ràng ngài vẫn chưa thực sự tin Thầy mình là Thiên Chúa, vẫn “bán tín bán nghi” (nửa tin nửa ngờ); như vậy thì phải hiểu như thế nào về tính chân thực, ngay thẳng của Phê-rô? Vấn đề ở đây là nói về đức tính cương trực của thánh nhân, không phải nói về đức tin. Có thể đức tin của Phê-rô chưa thực sự vững vàng, nên lúc thì tuyên xưng Thầy là Thiên Chúa, khi thì lại cho Thầy là ma; nhưng đức tính nói thẳng nói thật của ngài vẫn chỉ là một. Nghĩ làm sao thì nói thẳng ra như thế, không hề úp mở. Thánh Phê-rô đã “rất người” khi bộc lộ chân tính của mình. Chính Đức Giê-su Thiên Chúa – Đấng thấu suốt mọi điều thầm kín nhất của con người – còn thương mến đức tính công minh chính trực của thánh nhân, đến độ khen ngợi: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc…”; và hứa: “anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16, 18). Người đã hoàn toàn tin tưởng Phê-rô nên mới trao cho trách nhiệm “hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21, 17). Điều đó cho thấy đức tính chân thực, tin yêu của Phê-rô đáng quý biết chừng nào!
 
Tới ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ được Thánh Thần ngự xuống ban sự hiểu biết và nhất là lòng can đảm, thì các ngài đã rao giảng Tin Mừng bằng ngôn ngữ của các ngài (xứ Ga-li-lê) nhưng thính giả lại nghe thành tiếng nói bản xứ của họ, khiến “Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau: “Thế nghĩa là gì?”, và cũng có một số người chế nhạo: “Mấy ông này say bứ rồi!” Thấy vậy, Tông đồ Phê-rô ngay lập tức nói với đám đông: “Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba.” (chưa tới giờ dùng bữa, chưa uống rượu thì làm sao mà “say bứ” được!). Để rồi từ đó, Thánh nhân giảng cho dân chúng biết về ngày cánh chung, đồng thời khẳng định về Đấng Cứu Thế Giê-su Na-da-ret, kêu gọi mọi người sám hối “kêu cầu danh Đức Chúa, sẽ được ơn cứu độ.” Kết quả lời giảng của Thánh Phê-rô thật quá sức tưởng tượng: “Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.” (Cv 2, 1-41).
 
Lời Đức Giê-su truyền cho Phê-rô “hãy chăn dắt chiên của Thầy”, sau ngày Lễ Ngũ Tuần, với kết quả rực rỡ như nêu trên, lại được Thánh nhân lặp lại trong thư gửi “những người được Thiên Chúa kén chọn, những khách lữ hành đang sống tản mác trong các xứ: Pon-tô, Ga-lát, Cáp-pa-đô-ki-a, A-xi-a và Bi-thy-ni-a”; ngài ôn tồn khuyên nhủ: “Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.” (1Pr 5, 1-3).
 
Rõ ràng cái bản tính “người-rất-người” của “Ông ruột ngựa” Phê-rô đã được củng cố, phát triển và thật sự thăng hoa vào ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi Đức Giê-su Ki-tô phục sinh. Thánh Thần đã biến đổi căn tính của ngài trở nên can trường, dám nói lên Sự Thật về Chân lý Cứu Độ mà Thầy Giê-su vâng mệnh Chúa Cha thực hiện tại trần gian này. Cũng đúng như lời tiên báo của Đức Ki-tô (“Người ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng và các hội đường; anh em sẽ bị đánh đòn; anh em sẽ phải ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ được biết.” – Mc 13, 9), khi đi rao giảng Tin Mừng, các Tông đồ đã bị bắt, nhưng được Thiên thần giải thoát. Thánh Phê-rô cùng các Tông đồ lại tiếp tục giảng dạy trong đền thờ và lại bị điệu ra trước Thượng Hội đồng. Cuối cùng, Thánh nhân được ơn Tử Vì Đạo.
 
Ôi! “Kính lạy Thánh Phê-rô là Tông đồ Cả của Chúa Giê-su, là đầu cùng là cột cái Hội Thánh, là thầy dạy mọi sự thật.  Chúa Giê-su đã phó các con chiên cho người coi sóc, đã đặt người cầm giềng mối các giáo dân, đã ban cho người chìa khóa Nước Thiên Đàng. Chúng con vui mừng vì thánh Phê-rô đã được chức cao quyền trọng như vậy, chúng con xin chọn người làm quan thày, cậy người coi sóc gìn giữ những con mọn này cho khỏi miệng sói rừng là ma quỉ. Lại xin cho những ai lạc đàng được biết chính nẻo là đạo thánh  mà tin, cùng giữ cho vững bền; đến ngày sau qua khỏi đời này, xin thánh Phê-rô mở cửa Thiên đàng cho chúng con được hiệp lại một nhà một nước, mà thờ phụng chầu chực Chúa tạo thành muôn vật, hằng vui sống, hằng trị đời đời chẳng cùng.  Amen.” (Kinh cầu cùng Thánh Phê-rô Tông đồ –Trang “Kinh nguỵên tiếng Việt” –Thanhlinh.net).
 

Tác giả bài viết: JM. Lam Thy ĐVD

Nguồn tin: www.lamhong.org

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây