Giáo xứ Vinh Hương

Ý thức cánh chung

Chủ nhật - 12/11/2023 22:33
Ý thức cánh chung
CÂU CHUYỆN ĐẦU TUẦN
Ý THỨC CÁNH CHUNG

WGPMT (13.11.2023) – Năm 2020, giải Templeton danh giá được trao cho Tiến sĩ Francis S. Collins, Giám đốc Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH), cũng là tác giả quyển sách nổi tiếng Ngôn ngữ của Chúa. Trong diễn văn phát biểu khi nhận giải, ông mở đầu bằng cách kể lại hành trình đến với đức tin Kitô giáo:

“Tại Hoa Kỳ, gần 6 trên 10 người trưởng thành cho rằng khoa học và tôn giáo không thể hòa hợp. Đây cũng là quan điểm của tôi khi lớn lên ở Virginia, không có nhiều tầm nhìn thiêng liêng, chỉ say mê phương pháp khoa học. Đối với tôi, đức tin là phản đề của cách tiếp cận khoa học mà tôi muốn theo đuổi, và vì thế tôi rơi vào chủ trương bất khả tri rồi cuối cùng là chủ trương vô thần, mà không cần suy nghĩ gì nhiều”[1].

Tại sao một người chủ trương vô thần như ông lại trở thành người tin vào Chúa Kitô? Ông nói tiếp:

“Rồi tôi chuyển từ ngành cơ học lượng tử sang trường y khoa, và ở đó những câu hỏi về ý nghĩa đời sống cũng như về thực tại sự chết là những vấn nạn không thể lẩn tránh. Khoa học không giúp đỡ được gì nhiều ở đây. Nhưng chung quanh tôi là những bệnh nhân, kể cả một vài giáo sư của tôi, họ có đức tin và đức tin giúp họ vật lộn với những câu hỏi sâu xa này. Thật là bối rối. Rồi một bệnh nhân hỏi tôi xem tôi quan niệm thế nào về Thiên Chúa, lúc đó tôi mới khám phá ra chủ trương vô thần của mình thật mong manh. Tìm cách bảo vệ cho lập trường của mình, tôi bắt đầu hành trình tìm hiểu xem tại sao những người trí thức cao như thế lại có thể tin vào Thiên Chúa, và điều bất ngờ là tôi lại phát hiện chủ trương vô thần là chủ trương thiếu lý lẽ nhất trong những chọn lựa… Rồi dần dần tôi phát hiện ra rằng chính trong khoa học mà tôi hết sức yêu mến, có một điều gì đó còn thiếu – đó là bằng chứng kêu gào Đấng Tạo hóa: phải có cái gì đó thay vì hư vô, vũ trụ có một khởi đầu, vũ trụ vận hành theo những luật toán học tuyệt vời…”[2].

 
 
Hình bìa tác phẩm Ngôn ngữ của Chúa
 
Phát biểu của Francis Collins mời gọi chúng ta suy nghĩ. Trong hành trình tìm kiếm chân lý của ông, có những yếu tố khách quan, chẳng hạn trường y khoa và bệnh viện là nơi ông học hành và làm việc, cũng là nơi ông chứng kiến và tiếp xúc với đau khổ và cái chết, từ đó những câu hỏi sâu xa về cuộc sống xuất hiện. Bên cạnh đó, cũng có những yếu tố chủ quan, ví dụ những người có niềm tin tôn giáo có sự vững vàng khi đối diện với sự chết; hoặc nhiều người trí thức mà ông biết cũng là những người có đức tin tôn giáo. Họ là những nhà khoa học, trí thức thực thụ nhưng tại sao họ lại tin Chúa? Phải chăng niềm tin tôn giáo là phản khoa học, phản tiến bộ? Tất cả những yếu tố trên góp phần khơi dậy hành trình tìm kiếm chân lý đức tin nơi ông.

Những suy nghĩ và tâm tình mà nhà khoa học Francis Collins chia sẻ hoàn toàn phù hợp với nhận định của Hội Thánh Công giáo trong Hiến chế Vui mừng và Hi vọng:

“Đối diện với cuộc tiến hóa hiện nay của thế giới, càng ngày càng có nhiều người nêu lên câu hỏi hoặc nhận thức lại cách sâu sắc mới mẻ về những vấn đề vô cùng căn bản như: Con người là gì? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, cái chết? Tại sao chúng vẫn tồn tại mặc dù đã có bao nhiêu tiến bộ?” (số 10); ‘Tính cách bí ẩn về thân phận con người đạt tới tột điểm khi đối diện sự chết…Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người; thật vậy, việc kéo dài tuổi thọ cho đời sống thể lý không thể thỏa mãn được nỗi khát vọng về một cuộc sống mai sau đã được in sâu trong lòng người’” (số 18).

Tháng 11 được gọi là tháng Các Linh Hồn, không những để kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho những người đã qua đời, nhưng còn để những người còn sống ý thức và suy nghĩ về những sự sau cùng của đời người: sự chết, phán xét, vận mệnh vĩnh cửu. Các linh mục có trách nhiệm đặc biệt trong việc này, qua các bài giảng, bài giáo lý, không phải để gây sợ hãi nhưng để suy nghĩ về ý nghĩa và cùng đích cuộc đời, và cùng đích ấy điều hướng cuộc sống hiện tại của chúng ta.

 
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây