Giáo xứ Vinh Hương

Đạo tại tâm

Thứ hai - 03/09/2012 20:22

Đạo tại tâm

- Ước mong mọi người nối tiếp dòng suy tư dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để mỗi người chúng ta sẽ không “tôn thờ Chúa bằng môi miệng”

Chị X, buôn bán nhỏ, chồng làm nhân viên phòng Địa Chính:

“Mỗi tối thứ bảy, em vẫn thường chuẩn bị cho ảnh bộ quần áo đẹp, ủi thẳng thớm, thơm phức. Hai đôi giày, đôi nào cũng đánh bóng loáng. Tuỳ ảnh chọn nâu, hoặc đen. Bốn giờ sáng đồng hộ điện thoại reo bên tai, em thức dậy, đánh thức ảnh vài lần. Có hôm, ảnh sốt sắng dậy ngay. Có hôm nướng qua nướng lại. Có hôm, đã không chịu dậy còn bảo: “Em đi đi, anh đi lễ chiều”. Buồn lắm và buồn nhất là đã có mấy lần ảnh buông lời khó chịu: “Em đi đi, anh không đi đâu! Đồ giả hình. Đúng là Chúa bảo: “Dân này thờ ta ngoài môi ngoài miệng”. Đạo tại tâm thôi em à!” Đau ơi là đau!”

Chị T., Toán Trưởng Bà Mẹ Công Giáo trong giáo xứ, chị buôn bán, chồng làm nông:

“Chưa khi nào ảnh chở em đi lễ, vì nhiều lý do: một là nếu chở em thì phải đi sớm, hai là lễ xong phải chờ chở em về vì đôi khi em còn phải gặp chị em bàn ít công tác, ba là không đi uống cà phê ăn sáng rồi lai rai cả buổi với bạn được, và bốn là tại em hay bảo ảnh đi lễ thì chịu khó vào trong nhà thờ mà ngồi, đừng đứng ở ngoài gốc xoài nói chuyện, hút thuốc. Thôi thì em cũng đành chịu. Em nghĩ là ảnh hơi lười biếng, thế thôi. Không ngờ, không chỉ lười biếng đâu, mà tự thâm tâm ảnh nghĩ rằng những việc thờ phượng Chúa là vô bổ. Một lần cải vả trong gia đình vì chưa kịp tiền đóng tiền điện cuối tháng, ảnh nói: “Bà giỏi lắm, hết sinh hoạt này đến sinh hoạt nọ, hết nhà thờ, đến công tác, hết thăm viếng đến hội họp làm hết thời gian mà cũng chẳng kịp tiền. Có thực mới vực được đạo. Đạo nào bằng đạo tại tâm? Toàn là chuyện phô trương bên ngoài! Đời này người ta quý chuộng đứa có tiền, chẳng ai quý chuộng đứa đạo đức đâu. Đạo đức là giả, tiền là thật, bà có biết chửa?

Anh D., Chủ tịch Hội đồng GX, vợ chồng làm vườn:

“Phải cố gắng lắm mới kịp thắng lại những chỉ đạo của bà nhà tôi. Thắng cử trong kỳ bầu cử hội đồng, nghiễm nhiên bà trở thành phu nhân ông chủ tịch, và cuộc sống có phần khác hơn: Nói nhiều hơn về chuyện nhà thờ nhà thánh, tham gia ý kiến nhiều hơn về những chuyện của hội đồng, và nhất là muốn chỉ đạo cho ông chủ tịch phải biết làm sao cho ra ông chủ tịch ngon lành hơn ông chủ tịch nhiệm kỳ trước. Thật tồi tệ, khi không nghe và làm theo ý của bà, tôi phải chịu nghe những lời cay đắng như một sự trừng phạt thấm thía: “Tôi đã bảo mà, quyền chủ tịch của ông đâu mà không lấy ra dập cái thằng thư ký nịnh nọt ấy. Cho nó nghỉ đi là vừa. Chuyện ông cha đành rành thế mà không viết nỗi cái đơn về TGM. Sáng danh gì cho Thiên Chúa? Khu B nó đi lễ nhà thờ GX khác hết rồi kìa. Ông chủ tịch gà mờ!”. “Bà ơi, làm chủ tịch có phải để chống cha chống Chúa đâu! Bà chỉ nghe những tin vịt tin gà ngoài chợ của những người xấu mồm xấu miệng. Họ vu khống cha, vu không cả hội đồng ăn cái gì của ông cha mà ngồi ngốc ra thế. Nhưng họ có biết ấy toàn là những chuyện bịa đặt không!”. “Mấy ông toàn là thứ giả nhân giả nghĩa giả hình. Ông làm gì làm, tui không đi lễ. Đạo tại tâm ông à!

Ông X, chủ tiệm vàng:

Bà nhà tôi ít đi lễ. Mấy lần bảo đi xưng tội bà ấy nói: “Tui chẳng có tội gì để xưng. Tui chỉ có công thôi. Ông thấy đó tháng nào cũng có vài lần dâng cúng, đóng góp. Tháng thì dâng cúng sửa chửa nhà xứ, đóng góp nhà tình thương, tháng trùng tu nghĩa trang, xây dựng hội hiếu, tháng khác lại làm kiệu hoa, tháng tổ chức lễ Phục Sinh, tháng tổ chức Canh thức Giáng Sinh… Không có tháng nào nhà mình khỏi vài triệu. Chưa kể tiền của ông đóng góp lén tui”. Đạo là như thế chứ đạo nào là kinh lễ giả hình mà ai kêu tới tên thì trốn chui trốn nhũi đóng cửa nhà mình miễn tiếp mấy ông đi xin tiền cho GX”.

 

Có hạng người theo chủ trương “Đạo Tại Tâm” vì bị ảnh hưởng của những người chống lại Thiên Chúa, chống lại Giáo Hội. Có hạng người khác thì đòi hỏi Chúa phải ban cho mình có đủ mọi thứ theo ý mình, có thực mới vực được đạo. Còn có hạng người khác thì theo người có đạo chứ không theo đạo, đòi hỏi những gương sáng đạo đức theo một khuôn định chủ quan. Còn có hạng người nghĩ rằng những đóng góp vật chất cho Giáo Hội là đã quá đủ để xứng đáng danh xưng tín hữu Công giáo!

Còn bạn, còn tôi, chúng ta có giữ “đạo tại tâm” theo cách nào đó không?

- Chê bai, xem thường những người sốt sắng kinh lễ là giả hình?

- Nhà mình giữ đạo tại tâm nên không đọc kinh sáng tối?

- Không biết lần chuỗi, không thuộc kinh, không biết đến quyển Tân Ước, không cho con học Giáo Lý, không nhắc nhở, thúc đẩy con cái chuyện giữ đạo cho nên…

 

Ước mong mọi người nối tiếp dòng suy tư dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để mỗi người chúng ta sẽ không “tôn thờ Chúa bằng môi miệng”, cũng không vì Lời Chúa trách mắng ấy, mà tránh trút những việc phải làm do “lòng yêu mến Chúa cách thành thực nhất”.
 

Tác giả bài viết: PM. Cao Huy Hoàng

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây