Bà Olivia Maurel sinh ra từ phương pháp mang thai hộ, bà đấu tranh để bãi bỏ nó: “Chúng tôi bị đặt vào hợp đồng, một đứa trẻ bị mua và bị bán”
Bà Olivia Maurel, 30 tuổi, bà phát hiện mình sinh ra nhờ người mẹ đẻ thuê. Gần như nghịch lý, từ hai năm nay, bà đấu tranh để bãi bỏ việc mang thai hộ. Bà là phát ngôn viên của Tuyên bố Casablanca, một tuyên bố kêu gọi bãi bỏ toàn diện việc mang thai hộ qua một công ước quốc tế, bà là nhân vật tiêu biểu trong cuộc chiến chống việc mang thai hộ.
Theo trang web chính thức của chính phủ, vie-publique.fr, mang thai hộ (GPA) là hành động của một phụ nữ thường được gọi là “người mẹ thay thế” thay mặt cho một “cha mẹ dự định” họ sẽ nhận nuôi sau khi đứa bé được sinh ra. Đây là hình thức sinh sản được hỗ trợ về mặt y tế, gồm việc cấy phôi vào tử cung của người mẹ thay thế nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc một thụ tinh.
Ngày 3 tháng 3 năm 2023, qua một công ước quốc tế, khoảng một trăm chuyên gia và nghiên cứu gia từ khắp thế giới đã ký Tuyên bố Casablanca kêu gọi bãi bỏ GPA toàn cầu. Được hợp pháp hóa ở một số quốc gia như Đan Mạch, Hà Lan và Hy Lạp, việc mang thai hộ vẫn bất hợp pháp ở Pháp, dù đã có những tranh luận xung quanh luật đạo đức sinh học năm 2021.
Bà Olivia Maurel, phát ngôn viên của Tuyên bố Casablanca kêu gọi bãi bỏ việc mang thai hộ trên toàn thế giới, khi 30 tuổi, bà biết bà được sinh ra từ phương pháp mang thai hộ. Hiện nay bà 32 tuổi, là nhân vật trong cuộc chiến chống lại việc mang thai hộ trên toàn thế giới.
Tại sao hôm nay bà phản đối mang thai hộ, GPA?
Tôi gánh chịu hậu quả của việc mang thai hộ. Khi sinh ra, tôi bị tách ra khỏi mẹ, điều này làm tôi bị tổn thương sau này: chấn thương liên quan đến việc bị bỏ rơi và danh tính. Tôi rơi vào ma túy và rượu. Tôi gặp rất nhiều vấn đề về tinh thần làm cho tôi đau đớn, mọi chuyện không dễ dàng với tôi. Hôm nay, tôi đấu tranh chống lại việc mang thai hộ, không phải vì nó gây ra vấn đề cho cá nhân tôi. Tôi biết có những câu chuyện rất tốt đẹp về việc mang thai hộ và thật may mắn đã có được như vậy. Câu chuyện của tôi rất cá nhân. Tôi đấu tranh chống lại việc mang thai hộ vì hai lý do: thứ nhất, vì nó hoàn toàn đi ngược với quyền của trẻ em, chúng ta che giấu danh tính của chúng, chúng ta đưa đứa bé ra khỏi người mẹ đã sinh ra nó và chúng ta biến các trẻ em này thành hàng hóa. Chúng ta đặt hợp đồng một đứa trẻ sẽ được mua bán vào trọng tâm. Tôi hoàn toàn phản đối chuyện này. Lý do thứ hai: đó là mối quan hệ với phụ nữ. Người phụ nữ bị lợi dụng vì họ có khả năng sinh sản, đó là bóc lột.
Làm sao bà biết bà được sinh ra nhờ mang thai hộ?
Trong thâm tâm, tôi luôn biết mình được sinh ra nhờ mang thai hộ. Hoặc ít nhất là tôi được sinh ra từ một thứ gì đó không phải là cha, là mẹ, vì tôi có những dấu hiệu từ cuộc sống. Nó là như vậy. Vào khoảng 17 tuổi, tôi bắt đầu đi tìm. Đó là giai đoạn tôi gặp khủng hoảng bản sắc. Vì vậy, tự tôi đi tìm, tôi đến các trung tâm đẻ thuê, gõ tên thành phố tôi sinh ra. Và mọi thứ đến với nhau trong đầu tôi. Tôi bắt đầu kể với mọi người về việc tôi được sinh ra nhờ phương pháp mang thai hộ. Tôi nói với các bác sĩ, cha mẹ chồng, bạn bè của tôi. Tôi không nói chuyện này với cha mẹ tôi vì tôi sợ phản ứng của họ. Sau đó mẹ chồng tôi đề nghị tôi xét nghiệm ADN. Và từ đó tôi biết tôi được sinh ra nhờ mang thai hộ. Đó là sinh nhật lần thứ 30 của tôi. Năm nay tôi 32 tuổi.
Bà có mong muốn gặp người phụ nữ đã cưu mang bà 9 tháng này không?
Có, tôi mong được gặp người phụ nữ này, không phải vì tôi đang tìm mẹ, hoàn toàn không. Đó hoàn toàn không phải lý do tôi làm cuộc nghiên cứu này. Chủ yếu là vì tôi có những câu hỏi mang tính hiện sinh, cần thiết cho quá trình xây dựng của tôi. Tôi đã 30 tuổi, tôi không thể tự xây dựng được bản thân. Tôi cần câu trả lời. Câu trả lời cho những câu hỏi như: quá trình mang thai, quá trình sinh nở như thế nào? Nguồn gốc của tôi từ đâu? Tôi là ai? Vì thực tế, tôi chỉ biết một nửa về bản thân tôi. Nửa còn lại tôi không biết gì. Tôi muốn biết một chút về ông bà, về ông bà cố, về những gì họ đã làm. Tất cả những điều đó là cần thiết cho việc xây dựng đứa trẻ nhưng tôi lại không có. Vì vậy, tôi không thể xây dựng bản thân mình đúng cách.
Có phải chính tình mẫu tử của bà đã thúc đẩy bà đến điều này?
Một chút thôi, vì đúng là khi mang thai con gái, tôi bắt đầu sợ. Sợ vì tôi không biết một phần tư con người mình đang mang. Và điều này làm tôi sợ. Tôi sợ vì không biết một phần tư nguồn gốc của nó, một nửa của chính mình. Thứ hai, tôi cũng sợ bệnh, những căn bệnh mà tôi có thể truyền sang cho con. Tôi không có một hồ sơ y tế nào, tôi không biết mình có mắc bệnh gì hay ung thư gì không. Vì vậy, việc làm mẹ đã thúc đẩy tôi tìm danh tính và cả việc sinh con nữa. Khi sinh con, tôi đã đặt con lên ngực. Đó là điều đầu tiên tôi nghĩ đến. Tôi sẽ hát cho con nghe các bài đồng dao tiếng Anh. Và điều thứ hai tôi nghĩ: Trời ơi, tôi không thể đem cho đứa trẻ này dù có đổi cả tỷ đô la đi chăng nữa. Tôi không bao giờ có thể bỏ đứa trẻ này, tôi không biết làm sao, một ngày nào đó trong đời, ai đó đã có thể làm chuyện này với tôi.
Việc biết mình sinh ra nhờ mang thai hộ có giúp bà thoát khỏi bất cứ điều gì không? Nó có giống như một liệu pháp để biết mình được thụ thai như thế nào không?
Đúng, đó là liệu pháp. Thậm chí tôi còn cho đó là một phần của quá trình tái thiết, xây dựng. Vì tôi chưa bao giờ xây dựng được bản thân, tôi hoàn toàn mất phương hướng từ gốc rễ của mình. Tôi không có rễ. Đúng, đó là liệu pháp và ngày nay nó vẫn là liệu pháp. Nhưng nó đã cho tôi câu trả lời cho những câu hỏi hiện sinh: cội nguồn của tôi, tôi đến từ đâu, tôi là ai? Và quá trình mang thai diễn ra như thế nào? Tất cả điều này là cực kỳ quan trọng. Chúng ta không nhận ra điều đó, nhưng nó rất cần thiết. Đây là những câu hỏi khi bạn còn rất nhỏ. Đây là những gì tôi hỏi: bụng tôi như thế nào? Sự ra đời như thế nào? Tôi có thể xem ảnh lúc sinh được không? Tôi có thể thấy tôi khi còn nhỏ không? Tôi có thể nhìn thấy tôi trong bụng mẹ không? Đây là những câu hỏi chúng ta hỏi khi còn nhỏ và đó là những câu hỏi tôi không có câu trả lời. Đúng vậy, vì nó đánh dấu sự khởi đầu, dù sao thì đó là quá trình xây dựng của tôi. Và điều đó thật phi thường.
Bà trải nghiệm sự chẽ đôi này như thế nào? Vừa rất chống việc mang thai hộ, lại vừa được sinh ra từ nó và ở một khía cạnh nào đó bà sống, tồn tại nhờ nó?
Trước hết, nếu tôi không được sinh ra bằng phương pháp mang thai hộ thì tôi đã không có được ngày hôm nay. Câu hỏi thậm chí cũng không có. Tôi được hỏi câu hỏi này rất nhiều nhưng thực tế thì nó rất đơn giản. Nếu tôi không sinh ra với GPA, nếu nó không tồn tại thì tôi đã không có mặt ở đây. Kệ. Tôi sẽ không ở đây để trả lời những câu hỏi này và tôi sẽ không có kinh nghiệm những chuyện đã xảy ra. Sau đó, tôi có thể chống lại quá trình đưa tôi sinh ra đời. Thật không may, chẳng hạn, trên thế giới này có những trẻ em được sinh ra do bị hiếp dâm, nhưng chúng sẽ không cám ơn việc hiếp dâm vì hiếp dâm là xấu. Chúng ta có thể sinh ra từ một thực tiễn và đấu tranh chống lại thực hành này vì về cơ bản, chúng ta thấy đó là điều xấu với trẻ em và phụ nữ. Tôi không đấu tranh vì nó gây rắc rối cho tôi. Tôi nhắc lại, có những trường hợp thật tuyệt vời. Sẽ có những đứa trẻ rất hạnh phúc và may mắn chúng rất hợp pháp, nhưng điều đó không làm cho việc thực hành trở nên đạo đức hơn. Bản thân việc làm này thật khủng khiếp và đáng ghê tởm.
Nhóm đã gặp Đức Phanxicô ngày thứ năm 4 tháng 4, nhân hội nghị quốc tế bãi bỏ hoàn toàn việc mang thai hộ được tổ chức tại Rôma ngày 5 và 6 tháng 4. Cuộc trao đổi của bà và Đức Phanxicô là gì? Theo bà, có lẽ có điều gì đó gần như cam kết về mặt tinh thần hay không?
Không có cam kết tâm linh nào. Tôi viết thư cho ngài tháng 12 năm ngoái trước khi ngài phát biểu trước ngoại giao đoàn ngày 8 tháng 1, trong đó ngài nhắc lại mong muốn bãi bỏ việc mang thai hộ. Tôi viết thư gởi đến ngài trong tư cách nguyên thủ quốc gia chứ không phải giáo hoàng. Tôi là người vô thần và ủng hộ nữ quyền. Trong cuộc thảo luận, tôi nhắc lại tôi là người vô thần theo chủ nghĩa nữ quyền, tôi không hề chia sẻ một số giá trị nào đó của Giáo hội. Tôi rất thành thật với ngài vì tôi nghĩ mình phải thành thật trong những trường hợp này. Ngài không hề phán xét tôi chút nào, ngài rất vui khi tiếp chúng tôi, ngài lặp lại nhiều lần với chúng tôi. Thật ra ngài là người rất am hiểu về việc mang thai hộ. Ngài biết rất rõ chủ đề này. Ngài là người rất thông minh và ngài lặp lại ngài ủng hộ Tuyên bố Casablanca của chúng tôi, ủng hộ ý tưởng xây dựng một hiệp ước quốc tế chống việc mang thai hộ. Ngài nói, rõ ràng mục đích của chúng tôi rất quan trọng. Ngài còn nhắc lại, đây là một thị trường, thị trường buôn phụ nữ và trẻ em. Năm 2022, thị trường này trị giá 14 tỷ đô la. Năm 2032, ước tính sẽ trị giá 130 tỷ đô la. Vì thế ngài rất hiểu. Ngài cũng nói với tôi một điều khá khó tin vì không phải nguyên thủ quốc gia hay bất kỳ chính trị gia nào cũng có được hiểu biết này. Ngài nhắc lại một sự thật khoa học: khi người phụ nữ sinh con, dù không cùng huyết thống với đứa trẻ, đứa trẻ này sẽ tích trữ tế bào gốc bên trong cơ thể của người mẹ và người mẹ này sẽ mang dấu vết của đứa trẻ này sau 30 năm sinh con. Ngài nhắc nhở tôi về điều này và tôi hơi choáng váng vì tôi không hề mong đợi nghe điều này từ một vị giáo hoàng và một nguyên thủ quốc gia. Hoàn toàn chưa từng có. Chúng tôi đã cười rất nhiều. Ngài nhắc tôi giữ tâm trạng vui vẻ dù cuộc chiến này sẽ rất khó khăn và sẽ kéo dài. Thật tuyệt.
Đó là cuộc chiến không đi theo hướng mà xã hội với phát triển kỹ thuật, phát triển khoa học mang lại cho chúng ta ngày nay. Chúng ta xem những câu chuyện đẹp về những gia đình có được nhờ mang thai hộ. Chúng ta có thể vui mừng vì đó cũng là cuộc sống.
Khi tôi thấy những lời chứng vui, tôi mừng cho những người này. Tôi cho rằng họ hợp pháp. Một lần nữa, nó thật đẹp, thật tốt và họ tồn tại. Và may mắn thay, vì bản chất của GPA là xấu. Vì thế nếu những câu chuyện tuyệt vời có được thì càng tốt. Và bây giờ chúng ta thấy rất nhiều trẻ nhỏ trên truyền hình nói tất cả những chuyện này ở Pháp. Tôi hơi khó chịu vì tôi, 8 tuổi, 10 tuổi, 11 tuổi, 15 tuổi, 18 tuổi và ngay cả khi 28 tuổi, sẽ không bao giờ nói xấu cha mẹ mình, vì khi còn nhỏ rất khó để nói ra những gì ngược với cha mẹ. Khi lên tiếng, trong thâm tâm, tôi biết tôi sắp phá vỡ điều gì đó giữa cha mẹ và tôi. Và nó đã vỡ. Vì vậy, tôi biết điều đó sẽ làm cho tôi phải trả giá và trả giá bằng mối quan hệ với cha mẹ. Thật phức tạp khi hỏi đứa trẻ với sự việc đã rồi và nói với nó: nghe này, con có hạnh phúc khi được sống không? Ôi chúa ơi… Đúng là ngày nay, trên các phương tiện truyền thông, chúng ta thấy rất nhiều câu chuyện hay, thậm chí còn hay hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là việc thực hành này có đạo đức hơn và điều đó không có nghĩa là nó không có câu chuyện hay. Thật không may, chủ yếu là các phương tiện truyền thông ngày nay ở Pháp, và tôi không có gì chống lại họ hoặc bất kỳ ai, nhưng chúng tôi không đặt mọi người vào điều ngược lại. Chúng tôi không đưa những người chống lại GPA vào. Chúng tôi chỉ đưa ra những câu chuyện hay.
Cha mẹ đã nuôi dạy, đã yêu thương bà. Bà đã cùng họ xây dựng câu chuyện đời mình. Bây giờ có phức tạp không? Họ có hiểu cam kết của bà với GPA không?
Đúng, nó phức tạp. Nhưng nó phức tạp vì tôi nghĩ tôi đang tấn công họ. Nhưng tôi không tấn công cha mẹ tôi. Tôi không tấn công những người ra nước ngoài mua một đứa trẻ và trở về Pháp. Tôi không tấn công mọi người. Tôi không có gì chống lại cha mẹ tôi. Tôi không ghét họ, tôi không trách họ, tôi không muốn chỉ tay vào họ, tôi yêu họ. Tôi nghĩ họ nghĩ tôi tấn công họ, tôi không tấn công họ mà tấn công các hệ thống, đó là đẻ thuê, chính các bang cho phép điều này, không phải họ. Vì vậy, họ có suy nghĩ này: ôi Chúa ơi, con đang làm gì với cha mẹ vậy? Trong thực tế, không phải con đang làm gì với cha mẹ mà đang làm gì với GPA. Hôm nay, tôi nghĩ, theo thời gian, mối quan hệ này sẽ có thể được xây dựng lại và tôi hy vọng như vậy.
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn tin: www,phanxico.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn