Giáo xứ Vinh Hương

ĐTC Phanxicô sửa đổi quy chế của “Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng”

Thứ hai - 08/07/2024 18:23
2024.01.26 Delegazione della Rete Mondiale di Preghiera del Papa  (Vatican Media)
2024.01.26 Delegazione della Rete Mondiale di Preghiera del Papa (Vatican Media)

Ngày 8/7, Phòng báo chí Toà Thánh đã công bố quy chế sửa đổi của “Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng” đã được Đức Thánh Cha phê chuẩn ngày 1/7/2024.

 

Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng được khởi xướng tại Pháp năm 1844 bởi linh mục Dòng Tên François-Xavier Gautrelet, S.J., nhắm đến các tu sĩ trẻ Dòng Tên trong giai đoạn huấn luyện, và đã nhanh chóng lan rộng như là tông đồ cầu nguyện cho sứ mạng của Giáo hội với 13 triệu thành viên tại nhiều quốc gia khác nhau.

Hiện nay, “Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng” thuộc về Toà Thánh được Đức Thánh Cha uỷ thác cho Dòng Tên. Với quy chế mới, tổ chức này vẫn tiếp tục được uỷ thác cho Dòng Tên, nhưng mở ra một chiều kích phổ quát, phục vụ mọi Giáo hội cụ thể trên thế giới, để điều phối ở cấp độ hoàn vũ, nơi các quốc gia và Giáo phận nhận việc cầu nguyện như một hình thức tông đồ, đặc biệt là nhận các ý cầu nguyện hằng tháng được Đức Thánh Cha đề xuất cho Giáo hội như là chủ đề hay chất liệu cho cầu nguyện cá nhân hay nhóm.

Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng mở ra cho tất cả các tín hữu Công giáo muốn tỉnh thức, canh tân và sống đặc tính truyền giáo bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội.

Nền tảng của Mạng lưới cầu nguyện là linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu, trao cho người môn đệ Chúa Giêsu một con đường để có cùng cảm thức và hành động hợp với trái tim Chúa Kitô, trong sứ mạng thương cảm với thế giới.

Về quản trị, tổ chức này trực tiếp thuộc thẩm quyền của Đức Thánh Cha và ngài điều hành thông qua Phủ Quốc vụ khanh, trong khi tôn trọng sự ủy thác lịch sử cho Dòng Tên kể từ khi bắt đầu Tông đồ Cầu nguyện.

Về việc quản lý tài sản, tổ chức này có năng lực pháp lý trên các tài sản tạm thời theo giáo luật và thuộc Quốc gia Thành Vatican, nhưng không có năng lực pháp lý cũng như không có quyền giám sát đối với hoạt động hành chính của các văn phòng quốc gia.

Quy chế mới này có hiệu lực ngay từ ngày ký và quy chế cũ được ký ngày 17/11/2020 hết hiệu lực.

Vatican News

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây