“Đoàn con cung kính, nén hương lòng dâng cha tổ phụ, ngát tỏa trầm hương nhớ về người cha kính yêu”: những lời ca này được hát bằng tiếng Việt trong căn phòng nhỏ ở giáo phận Roma vào một ngày thứ sáu ấm áp của tháng năm, dẫn cộng đoàn vào thánh lễ bế mạc phiên điều tra cấp giáo phận đối với cha Benoît Thuận.
Một bộ hồ sơ dày được đóng dấu niêm phong bằng sáp đỏ sẽ được chuyển cho cáo thỉnh viên, người sẽ phải biện hộ tại Vatican cho việc công nhận “nhân đức anh hùng” của cha Benoît. Đây là bước đầu tiên trong tiến trình phong thánh.
Trong hội trường sang trọng của cung điện Lateranô, một số lượng lớn các đan sĩ, với áo trùng trắng và vạt áo đen, thắt lưng da đơn giản. Họ đều là những đan sĩ dòng Xitô và nhiều người trong số họ là người Việt Nam.
Ảnh: Camille Dalmas | Aleteia
Cha Mauro-Giuseppe Lepori, Viện phụ Tổng quyền của hội dòng cho biết: “Hôm nay, gần một nửa các tu sĩ Xitô là đến từ Việt Nam”. Điều này có ý nghĩa rất nhiều đối với vị anh hùng ngày đó, cha Benoît Thuận (1880-1933), người xuất thân từ xứ Pas-de-Calais.
Sinh năm 1880 ở Boulogne-sur-Mer, nước Pháp, chàng thiếu niên lúc đó được biết đến với cái tên Henri Denis gia nhập tiểu chủng viện của thành phố cảng lúc 12 tuổi, sau đó chuyển sang đại chủng viện Arras năm 1900. Nhưng người con của vùng Opal Coast, phía Bắc nước Pháp này ước mơ vượt biển để trở thành nhà truyền giáo. Sau đó, ngài rời quê hương vào năm 1901 để gia nhập Hội Thừa sai Paris.
Sau một thời gian đào luyện ngắn, ngài được thụ phong linh mục vào năm 1903 và sai đi thi hành sứ vụ. Bài sai của ngài là Huế, ở một nơi mà thời đó được gọi là Cochinchina, tức Việt Nam bây giờ. Ở đó, vị đại diện tông tòa giúp ngài hội nhập với giáo xứ của mình, và đặt cho ngài một cái tên mới: Benoît Thuận – có nghĩa là “thuận theo” trong tiếng Việt.
Cha Thuận rất tận tâm với công việc mục vụ của mình và nói được cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung. Ngài phát triển mạnh mẽ ở vùng đất mới này, nhưng ngài cảm thấy có nhu cầu sống đời chiêm niệm, nên đã quyết định thành lập một cộng đoàn tu sĩ. Đây là cộng đoàn tu sĩ nam đầu tiên ở Việt Nam. Tòa Thánh chấp thuận, và vào năm 1917, ngài thành lập tu viện Đức Mẹ Annam ở Phước Sơn với chỉ một tu sĩ.
Ngay từ đầu, ngài muốn tu viện của mình thuộc về gia đình Xitô, và đã đề khởi các thủ tục để trở thành thành viên. Những năm đó vô cùng khó khăn, đặc biệt là nạn đói và sự thù hằn của một số người dân địa phương, nhưng ngài đã từng bước thu phục và có được sự đồng cảm, kính trọng của người dân trong cộng đồng.
Ngài đã nhận được sự hậu thuẫn bất ngờ cho sứ vụ của mình khi vào năm 1924, ngài viết một lá thư cho các Sơ dòng thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, ngay sau khi vị thánh nhỏ này được phong chân phước vào năm 1923 (sau đó được phong thánh vào năm 1925).
Trong thư phản hồi, Mẹ Agnes Giêsu tuyên bố rằng Sơ Têrêsa Hài Đồng Giêsu – lúc đó là chân phước, người suýt nữa được gửi sang Việt Nam, sẽ là “người bảo trợ cho cộng đoàn”.
“Cha Thuận rất nổi tiếng vào thời của ngài”, viện phụ Gioan XXIII Nguyễn Văn Sơn chia sẻ. Hiện cha Sơn đang là viện phụ của tu viện do cha Thuận thành lập. Cha Thuận được Chúa gọi về năm 1933, trước khi tu viện của ngài được chính thức gia nhập dòng Xitô vào năm 1935, nhưng ngài vẫn được công nhận là người sáng lập cộng đoàn dòng tu tại địa phương.
Ngày nay, người Công Giáo Việt Nam biết rất ít về cha Thuận, một phần cũng là bởi bối cảnh chính trị. Thế nhưng tiến trình tuyên thánh có thể làm thay đổi hoàn cảnh: “Đây là một niềm vui lớn đối với tín hữu Công giáo Việt Nam”, cha viện phụ Gioan XXIII chia sẻ.
“Cha Thuận đã sinh hoa kết trái”, vị viện phụ tiếp lời, đồng thời nhớ lại chứng từ từ các đan sĩ lớn tuổi trong cộng đoàn của mình, những người từng gặp cha Thuận. Dòng Thánh Gia, vốn là một nhánh tại Việt Nam của dòng do cha Thuận thành lập, hiện nay có 12 tu viện khắp cả nước, trong đó có 3 cộng đoàn nữ, và có hơn 1300 thành viên.
Viện phụ Tổng quyền Mauro-Giuseppe Lepori giải thích: “Cha Thuận rất hợp với thời đại, và ngài đã truyền cảm hứng cho cá nhân tôi”. “Đời sống đan tu thường thiếu đi chiều kích truyền giáo, và đời sống truyền giáo đôi khi thiếu đi chiều kích chiêm niệm của người đan sĩ”, viện phụ người Thụy Sĩ giải thích, xét thấy rằng mẫu gương thánh nhân như cha Thuận sẽ đem lại “sự cân bằng” và có thể trở thành mẫu người đan sĩ cho tương lai của hội dòng mình.
Tác giả: Camille Dalmas
Chuyển dịch: Lê Vũ
Nguồn: Aleteia
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn