Toàn văn bài giảng lễ sáng ngày 12.4.2024 tại nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam do Đức TGM Paul Richard Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh chủ tế:
Sự hiện diện đông đảo của các thành phần Dân Chúa TGP Huế tại nhà thờ Chánh tòa trong thánh lễ này biểu lộ sự hiệp nhất, tin mến và hy vọng.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy trái tim nhân hậu và lòng xót thương của Chúa. Khi nhìn thấy dân chúng đi theo, Ngài đã chạnh lòng thương nỗi đau đớn thể xác và khốn cùng tinh thần của họ. Biết bao lần Ngài cũng đã nhìn thấy cả nhân loại cần sự nâng đỡ. Chỉ có Chúa mới nhìn thấy và giúp lấp đầy những khát vọng thâm sâu của con người. Thánh Gioan thuật lại chuyện hóa bánh và cá khởi đi tự chuyện Dân Chúa tụ họp quanh Ngài, lắng nghe lời rao giảng. Chúng ta cảm nhận được Chúa Giêsu luôn quan tâm tới những nhu cầu thiết yếu của con người. Dân chúng đói lời hằng sống, đói tình yêu thương, tha thứ, chữa lành, đói tình người, đói những nhu cầu cụ thể… Trong Tin Mừng, Chúa muốn các môn đệ bận tâm các điều này để giải quyết giúp dân chúng. Đối với đám đông, Chúa đã trao ban nhưng không: lời của ngài, sự an ủi, ơn cứu độ và sự sống của ngài. Ngài không quên cả nhu cầu trước mắt là lương thực nuôi thân xác những con người đang hiện diện. Chúa Giêsu hỏi Philipphê: “Ta đi đâu mua được bánh cho các người này ăn?”. Người nói thế để thử các môn đệ nhưng ngài biết mình sẽ phải làm gì. Phần các tông đồ thì lúng túng. Các ông nhận ra mình chẳng làm được gì nếu không có Chúa. Bản thân các tông đồ cũng không khác dân chúng ở sự chuẩn bị chu đáo cho mình và người khác.
Khi các môn đệ khác bối rối thì Anrê đã nói có một bé trai có 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng thánh nhân cũng biết rằng con số này quá ít ỏi. Chúa Giêsu chờ điều đó. Chúa muốn chúng ta cộng tác vào chương trình của ngài, dù sự cộng tác ấy nhỏ bé. Chúa đã đón nhận tấm lòng quảng đại của cậu bé. Chúa đã làm phép và phân phát cho 5000 người no nê. Kết quả thu lại được 12 thúng bánh vụn sau khi mọi người ăn no nê. Người ta bàn tán nhau về Chúa, về phép lạ… Nhưng lúc đó, thiên hạ không biết rằng món quà mà Chúa ban không chỉ là bữa ăn mà còn thỏa mãn cho họ sự đói khát ý nghĩa cuộc sống, về niềm tin và khát vọng nơi Thiên Chúa.
Chắc chắn trong những ngày này, Đức Tổng Ngoại Trưởng Tòa Thánh thăm Việt Nam đã mang lại bao hy vọng tốt đẹp. Niềm vui và hy vọng về chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Còn nhớ, trong thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam dịp công bố thỏa thuận quy chế đại diện thường trú và đặt văn phòng đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, ngài nhắc Dân Chúa: “Anh chị em tại Việt Nam thân mến, các tín hữu Công giáo vốn luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu thường ngày của tha nhân một cách hiệu quả và tham gia đóng góp cho thiện ích chung trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên đất nước mình; anh chị em được mời gọi thực thi giáo huấn của Chúa Giêsu là trở thành “ánh sáng của thế gian và muối của đất” để “ánh sáng của các con chiếu tỏa trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc làm tốt lành của các con và tôn vinh Cha các con trên trời”(Mt 5,16)”. Đức Thánh Cha còn dẫn lời Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII cách đây 60 năm trong thông điệp Hòa bình cho toàn thế giới: “Chúng ta hy vọng rằng, khi gặp gỡ và đàm phán với nhau, người ta sẽ nhận thức rõ hơn mối dây liên kết họ với nhau phát xuất từ chỗ cùng mang chung một bản tính nhân loại, và họ cũng khám phá ra rằng một trong những đòi hỏi sâu xa nhất của bản tính nhân loại chung là giữa họ với nhau và giữa các dân tộc, chính tình yêu phải ngự trị, chứ không phải nỗi sợ hãi, và tình yêu ấy biểu lộ qua sự cộng tác chân thành, đa dạng, đem lại nhiều thiện ích. Tôi nài xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn anh chị em, để trong cuộc sống và trong các tương quan với chính quyền dân sự và với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay văn hóa, anh chị em biết cách làm chứng cho tình yêu và lòng bác ái của Chúa Giêsu, để tôn vinh Thiên Chúa”.
Ngày hôm nay, khi vui mừng hiện diện với nhau trong tinh thần đức tin hiệp nhất, với niềm vui gặp gỡ sẻ chia, chúng ta cũng nhận thế giới đang trải qua nhiều khủng hoảng, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tình yêu đích thực, còn đó nỗi khó khăn hậu đại dịch Covid-19. Hơn nữa, còn sự lạm dụng tự do dẫn tới xuống cấp chuẩn mực đạo đức. Chúng ta đối diện với nỗi đau khổ, cô đơn, nghèo khó của biết bao người… Chúng ta có thể làm gì? Hãy học ở tông đồ Anrê sự quan tâm người khác với tâm tình như một người bạn để lắng nghe và cảm thông, dẫn họ gặp Chúa, gặp anh chị em của mình. Chúng ta cũng sống tâm tình như cậu bé trai trong câu chuyện là dám trao tặng cho Chúa và mọi người điều ít ỏi đang có. Ai cũng có thời gian, vật chất, tinh thần… nếu dám quảng đại dâng Chúa thì ngài sẽ biến đổi thành tình thương, an bình, công lý, tha thứ và yêu thương cho nhân loại…
TGM Phó TGP Huế Giuse Đặng Đức Ngân
(A.N ghi)