Giáo xứ Vinh Hương

Các lời khuyên giúp con cái được tự tin

Thứ bảy - 01/06/2024 21:53
Các lời khuyên giúp con cái được tự tin


Tự tin phải được xây dựng vì khi có tự tin, trẻ em sẽ đối phó được với thất bại, với nạn bắt nạt, giúp các em tương đối hóa nỗi sợ và lạc quan tiến về phía trước.

Chìa khóa của một giáo dục trọn vẹn là lòng tự tin được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương, lòng tốt và được khuyến khích. Làm thế nào để cân bằng giữa sự dịu dàng và ý thức cố gắng để con cái thành người vững vàng và thoải mái trong cuộc sống?

1- Lời nói khẳng định và cử chỉ trìu mến

“Tôi không cần nói tôi yêu con, nó biết!” Sai! Tình cảm phải được nói lên và nói mỗi ngày. Một em bé được ru, được che chở, em bé cần những hành vi bản năng để khơi dậy và phát triển cảm xúc. Còn với các em lớn hơn? Cha mẹ nên chú ý theo từng lứa tuổi: “Với đứa nhỏ nhất sẽ kể chuyện trước khi ngủ; với đứa lớn thì ở một mình trong phòng với con.”

Nếu không biểu lộ tình cảm thường xuyên, một số cha mẹ sẽ gặp khó khăn. Bóng đá, thủ công hay đạp xe, qua các sinh hoạt này, cha mẹ biểu lộ tình thương của mình. Pierre thích đi săn, ông đưa đứa con trai 9 tuổi đi theo, đứa bé rất thích và tự hào được theo cha.

2- Khuyến khích con theo tính tình của con

Khuyến khích đứa con nhút nhát trước khi chơi đàn, khen khi con có điểm tốt, chỉnh sửa khi con ăn hiếp bạn… Cha mẹ phải tôn trọng sự khác biệt trong tính tình của con, chỉnh sửa tật xấu trước khi thành thói quen. Công việc này đòi hỏi tình yêu và kiên quyết.

3- Đôi khi nên để con cái tự làm

Cha mẹ thường bị một cám dỗ rất mạnh là làm thay cho con để nhanh và tốt hơn. Nhưng xin cha mẹ chịu khó mất thì giờ và kiên nhẫn, các bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy con cái làm một mình: chúng cũng làm tốt như chúng ta! Con cái cần có kinh nghiệm làm việc một mình và tự hào đã làm nên việc!

4- Thường xuyên đặt các giới hạn

Tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Nhà tâm lý học Béatrice Copper-Royer giải thích: “Con cái chúng ta chưa là người lớn. Lo lắng các con không làm tốt, các cha mẹ thường rơi vào bẫy cấm. Nhưng thật ra đứa bé cần giới hạn để xây dựng bản thân, cần thiết như các dấu hiệu tình cảm cần có để con cái có được lòng tự trọng.”

Cần đặt giới hạn, nếu không trẻ con quá tự tin sẽ thành đứa bé ta đây, khó ưa, một giáo viên phân tích: “Các đứa bé tự do làm mọi chuyện thường bị lo lắng. Rào cản trấn an mang lại tự tin cho nó. Cô giáo Béatrice giải thích: “Cha mẹ nên đặt giới hạn rõ ràng: ‘Con có thể qua nhà bạn chơi, nhưng mẹ xin con về lúc 5 giờ chiều.’ Không la hét: Con phải về đúng giờ!’”

5- Tránh những câu tiêu cực

Nhiều lúc bực bội, cha mẹ nói: “Con phải noi gương chị, chị có điểm cao, con chẳng nên tích sự gì!”… đứa con nhớ mãi những lời tổn thương đến lòng tự trọng. Những lời nhạo báng làm con cái có hình ảnh xấu về bản thân. Các nhà tâm lý học đều cảnh cáo, nếu cứ lặp lại những lời mỉa mai này, đứa bé sẽ mất tự tin và không còn thấy được giá trị của mình.

6- Phân biệt con cái với học sinh

Khi con cái đến trường, trường lo cho chúng. Điểm kém, hơn thua, trêu chọc làm lòng tự tin bị thử thách. Các giáo viên quan sát: đứa bé tự tin sẽ có điểm cao, điều quan trọng là cha mẹ kết hợp với trường. Họp lớp, gặp giáo viên, trẻ con cần cảm nhận sự quan tâm của cha mẹ. Kinh nghiệm học hành cho thấy con cái của các cha mẹ chuyên chế… học không khá! Cha mẹ nên cẩn thận với những áp lực không cần thiết. Nhất là cẩn thận với ám ảnh phải có điểm cao, làm con cái mất tự tin. Bà Emmanuelle Rigon, nhà trị liệu tâm lý cảnh báo: “Phải phân biệt con cái và học sinh.”

7- Tầm quan trọng của giải trí

Các sinh hoạt giải trí như thể thao, thủ công, nghệ thuật phù hợp sẽ giúp các em được tự do… tránh các hình thức cạnh tranh. Bà Françoise Darrieu-Merlot, giáo sư âm nhạc giải thích: “Âm nhạc giúp trẻ con tự chủ. Ngoài niềm vui chơi đàn, trẻ em còn học cách làm chủ cơ thể, kiểm soát hơi thở và nỗi sợ khi lên sân khấu.” Âm nhạc đóng vai trò trị liệu cho các em  thụ động, khó tính hoặc bị ức chế. Cũng như thể thao hay hội họa, âm nhạc giúp trẻ em phát triển và giải phóng bản thân.

8- Không so sánh

Chẳng ích gì để nói những câu: “Ở tuổi con, cha/mẹ toàn được điểm 20! hoặc cha đã thắng tất cả các trận đấu!” Vô ích! Cha mẹ không phải là những nhà vô địch nhưng là tấm gương để con cái noi theo. Triết gia Marcel Clément nói: “Đứa trẻ không vâng lời, nó bắt chước!”

9- Tầm quan trọng của tha thứ

Xin con cái tha thứ hoặc thừa nhận mình yếu đuối (Con thấy đó, đôi khi cha mẹ cũng vấp lỗi), đứa bé thấy được tình yêu và tính khiêm nhường giúp đứa bé tin cậy. Sống trong tâm tình tha thứ, trẻ em sẽ tránh được oán giận và cảm giác tội lỗi không được kiểm soát khi đến tuổi trưởng thành.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây