Giáo xứ Vinh Hương

Tại sao các gia đình công giáo khó trao truyền đạo cho con cái

Thứ hai - 08/05/2023 19:28
Tại sao các gia đình công giáo khó trao truyền đạo cho con cái

Theo một khảo sát của INSEE (Viện thống kê Quốc gia và các Nghiên cứu kinh tế) được công bố vào tháng 3, việc truyền bá tôn giáo trong các gia đình công giáo thấp đáng kể so với các gia đình do thái giáo và hồi giáo. Trong một xã hội phi kitô giáo, truyền thống giữ đạo trong gia đình là điều kiện cần thiết để duy trì việc giữ đạo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
 

Nói về người công giáo Pháp có lẽ nghệ sĩ hài Gad Elmaleh là người nói về điều này hay nhất. Trong lần trình diễn gần đây của ông, nghệ sĩ hài người do thái, gốc pháp-ma-rốc, người gần với kitô giáo trong những năm gần đây, đã nhẹ nhàng chế giễu điều mà ông cho là thiếu niềm kiêu hãnh của người công giáo với tôn giáo của họ, so với người do thái giáo hay người hồi giáo khi được hỏi về danh tính tôn giáo của họ.

Trong khi người do thái giáo và hồi giáo không do dự khi khẳng định danh tính của họ thì người công giáo lại bối rối: “Ồ, nó hơi phức tạp. Ồ, làm thế nào để nói đây? Ồ, mẹ tôi được rửa tội, chị tôi vô thần… Còn bố tôi, bố ở đâu tôi cũng không biết!”

Ra khỏi tôn giáo một cách dửng dưng

Đoạn thoại trên minh họa một cách hài hước cuộc khủng hoảng trong các gia đình công giáo và các con số trong một nghiên cứu gần đây của INSEE nói lên cách thuyết phục. Kết quả được công bố vào ngày 30 tháng 3: tỷ lệ người công giáo liên tục giảm ở Pháp, chiếm 29% số người được hỏi từ 18 đến 59 tuổi vào năm 2020, so với 43% mười năm trước đó.

Các tác giả giải thích việc suy giảm này là do sinh sản từ thế hệ này sang thế hệ khác suy giảm. Trong khi ở các gia đình do thái giáo và hồi giáo tỷ lệ sinh suất cao hơn – 91% người được lớn lên trong các gia đình hồi giáo và 84% trong các gia đình do thái và họ được cha mẹ truyền đức tin cho con cái. Chỉ có 67% những người được cha mẹ công giáo nuôi dạy còn giữ đạo. Giữ đạo – cầu nguyện, đi hành hương, đi xem lễ – là những yếu tố then chốt để trao truyền tôn giáo. Ông Yann Raison du Cleuziou, nhà xã hội học công giáo nhận xét: “Nếu trong gia đình, cha mẹ không làm gì để mang lại giá trị cho việc giữ đạo thì trong ba thế hệ, những người giữ đạo lúc đầu có con không giữ đạo, những đứa con này sẽ sinh ra con cái không giữ đạo.”

Các gia đình quan tâm đến việc trao truyền đạo

Rời khỏi Giáo hội công giáo lại càng dễ hơn vì không như do thái giáo hay hồi giáo, bây giờ kitô giáo còn rất ít ảnh hưởng trên đời sống xã hội. Ông Pierre Bréchon, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại trường Science Po Grenoble nhận xét: “Việc bỏ đạo không là một thảm kịch như trước, con cái ra khỏi nhà cha mẹ là xong, cha mẹ gần như không còn biết đến đời sống đạo của con.”

Ông đã có một nghiên cứu về các giá trị của người Pháp, ông nhận xét thấy sự truyền bá đức tin hiệu quả ”trong các gia đình giữ một hình thức không thẩm thấm với các văn hóa xung quanh khác”. Những gia đình công giáo cẩn trọng và khá bảo thủ này đã hướng dẫn thành công cho con cái họ trên con đường thiêng liêng, cẩn thận lựa chọn việc xã hội hóa tôn giáo cho con cái (trường công giáo, các phong trào thanh thiếu niên, vòng bạn bè của con cái, v.v.).

Một nhất quán sẽ thành công? Theo nhà xã hội học Yann Raison du Cleuziou, việc truyền đạt thành công từ thế hệ này sang thế hệ khác, chính xác hơn, là kết quả của sự kết hợp hai chiều: nêu cao giá trị của nghi thức và chiều kích “tổng thể” đức tin mà một đứa trẻ có thể tiếp nhận và thấm nhuần trong tất cả khía cạnh đời sống của nó. Nếu “các gia đình công giáo ‘ủy quyền’ cho các tổ chức tập thể việc trao truyền đức tin (các chương trình của ban tuyên úy, các phong trào thiếu niên…v.v.) – như một khía cạnh giáo dục – thì tỷ lệ truyền tải tôn giáo sẽ thấp hơn nhiều”.

Một ý thức thiểu số thúc đẩy truyền tải

Trên thực tế, những người công giáo trả lời phỏng vấn báo La Croix là cha mẹ có con cái đã trưởng thành ở độ tuổi 30, họ cho biết họ đã thất vọng vì đã không thành công trong việc trao truyền đức tin cho con cái. Một số người đặt lại vấn đề, hồi đó họ nghĩ nên “để con cái chọn lựa tôn giáo của chúng khi chúng trưởng thành”. Một bà phụ trách giáo lý cấp quốc gia nhớ lại: “Chúng ta đã không cho con cái đủ hiểu biết để chúng có lựa chọn sáng suốt. Để loại bỏ đạo của cha mẹ, thì trước hết phải hiểu đạo của cha mẹ là đạo gì để biết mình có nên bỏ hay không.”

Các số liệu là không thể chối cãi: chỉ 2% người lớn lên trong gia đình công giáo không giữ đạo sẽ trở lại đạo khi trưởng thành. Thực tế là công giáo đã trở thành thiểu số ở Pháp. Nhà xã hội học  Yann Raison du Cleuziou lưu ý: “Trong bối cảnh thiểu số, một tôn giáo sẽ có khuynh hướng tái cấu trúc để không biến mất. Việc tái cấu trúc này dẫn đến việc làm mạnh hơn các hoạt động quan trọng trong nội bộ.”

Tuy nhiên, trong vấn đề tôn giáo, quy luật số đông luôn tồn tại cùng với bí ẩn của những trải nghiệm mật thiết. Ngay cả với những gia đình đặt đức tin vào trọng tâm đời sống gia đình, việc truyền bá đức tin vẫn là một ẩn số lớn. Bà Catherine, mẹ của bảy người con giải thích: “Bốn đứa con đầu tiên của tôi có đức tin sâu đậm, ba đứa con sau ít nhiều gần gũi với tôn giáo. Tôi không biết vì sao đứa này tin, đứa kia không tin vì chúng tôi cùng giáo dục một cách,” bà là bà mẹ nội trợ ở Dijon.

Tuy nhiên, bà nêu lên hai yếu tố cần thiết đối với bà: trước hết là cầu nguyện chung trong gia đình buổi tối, sau bữa ăn tối. Bà nói: “Thành thật mà nói, không có chuyện huyền bí vĩ đại nào trong thời gian cầu nguyện này, nhưng chúng có giá trị tồn tại. Với một độ lùi, tôi nhận ra chúng ta có thể nuôi dưỡng lòng biết ơn với những điều tốt đẹp trong gia đình.”

“Thiếu nhất quán”

Yếu tố thứ nhì là làm cho phù hợp. Bà Catherine tin chắc, với điều này, nghi thức phải vào trong thông điệp tình yêu được in trong đức tin công giáo và tìm con đường đến với trái tim. Hình ảnh của cha mẹ, người trao truyền đức tin nhưng cũng là người có thẩm quyền, có thể mâu thuẫn. Ông Frédéric, 67 tuổi, một cựu thương gia nói chứng từ: “Có thể có những nút thắt trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, nên có thể làm ngăn cản sự trao truyền nếu mối quan hệ này bị xung đột, hoặc nếu con cái nhận thấy thiếu sự nhất quán trong gia đình”.

Bây giờ chỉ có hai người con của ông cảm thấy đủ gần gũi với Giáo hội để chúng có thể nói về Chúa Giêsu cho các con của chúng, ông phân tích: “Tôi nghĩ hai đứa con đầu đã may mắn gặp xung quanh chúng những người công giáo thực sự sống với Chúa Kitô, trong khi hai đứa sau bị loại giảng dạy công giáo theo mô hình lặp lại của xã hội, kiểu phải thành công về kinh tế.” Một ví dụ cho thấy, số phận của một tôn giáo chắc chắn phụ thuộc vào logic tái sản xuất xã hội của nó, nhưng cũng phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân về sự nhất quán trong tinh thần phúc âm được xem là đích thực.

Công giáo vẫn là tôn giáo đầu tiên ở Pháp

Năm 2019 2020, 51% dân số từ 18 đến 59 tuổi ở Pháp tuyên bố  họ không theo tôn giáo nào.

Công giáo vẫn là tôn giáo hàng đầu (29% dân số theo công giáo), hồi giáo nổi bật với số lượng tín hữu ngày càng tăng (10% dân số) và khẳng định chỗ đứng tôn giáo thứ nhì của họ tại Pháp.

Sự phát triển nhanh chóng nhất là với giáo phái phúc âm. Mười năm trước họ chỉ có 2,5%, năm 2019-2020 họ chiếm 9% dân số. Chưa có nghiên cứu việc trao truyền đức tin trong giáo phái này, sự phát triển của họ tại Pháp là do người châu Phi nhập cư gần đây, họ đem tôn giáo ở quê hương họ đến Pháp.

76% người hồi giáo nói tôn giáo rất quan trọng với họ, so với 27% người công giáo và 39% những người theo các đạo kitô giáo  khác.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây