Giáo xứ Vinh Hương

Dạy con kết bạn

Thứ ba - 11/07/2023 20:53
Dạy con kết bạn


Một người mẹ hỏi tôi về chuyện làm thế nào để con trai mình chơi với các bạn mà không bị bắt nạt, nếu bị các bạn chơi xấu hoặc không cho chơi cùng thì người lớn nên xử lý như thế nào?

Tôi kể cô ấy nghe chuyện một người bà đưa cháu mình xuống sân, chơi cầu trượt với đám trẻ cùng khu chung cư. Ngay khi cậu bé vừa tuột xuống, bà mau mắn bế cháu lên cho chơi tiếp lượt nữa rồi lượt nữa, bất chấp những bạn nhỏ đang xếp hàng đợi đến lượt được vào chơi. Khi các phụ huynh xung quanh nhắc nhở, bà bao biện: “Cháu nó đang thích, lũ trẻ nhường em một tẹo thì đã sao. Tôi cũng chỉ cho cháu chơi vài lượt rồi về sớm”.

Được bà bênh, đứa cháu liền xô đẩy các bạn khác, xông lên chơi trước, thậm chí giở “võ bẩn” phun nước miếng vào người các bạn. Ngán ngẩm trước cảnh tượng ấy, mấy cha mẹ lập tức dắt con rời khỏi đó, không muốn dây dưa với bà cháu nọ. Kể từ hôm đó, thằng bé vừa đến sân chơi lập tức chen lên đầu hàng, không chịu chờ đợi; gặp đối thủ không chịu nhường thì lì lợm bám chặt vào thành cầu trượt, không cho ai bước qua; bí quá thì gào khóc để bà lao vào dỗ dành, can thiệp giúp… Nếu không đạt được mục đích, sẵn sàng gây rối, ăn vạ. Nhiều người chép miệng coi bà cháu nhà ấy như phần tử Chí Phèo và tránh từ xa.

Chẳng ai muốn chơi cùng hoặc làm bạn với 1 kẻ chỉ biết giành mọi thứ cho bản thân, lúc nào cũng sợ bị thiệt.

Cách tốt nhất để con hòa hợp với bạn bè và trở nên một người bạn dễ mến:

- Cha mẹ/ông bà cần làm gương về đối nhân xử thế với mọi người. Chuyện trẻ con thì nên để con tự giải quyết. Hai đứa trẻ cãi nhau nhiều lần chưa chắc đã là “bắt nạt” mà là cơ hội để các con học cách “đối đầu, đối thoại, thương lượng, rút lui” và đó chính là cách giải quyết vấn đề với các mối quan hệ khác trong đời nó sau này. Người lớn chỉ can thiệp khi tình huống “leo thang” dẫn đến… đổ máu, sứt đầu mẻ trán.

- Một khi con không kiểm soát được cảm xúc của mình, nóng nảy hoặc khóc lóc, mè nheo hoặc nổi khùng sẽ phải chấp nhận những hậu quả trực tiếp của việc chơi thua/ chơi ăn gian/ chơi không đúng luật/ không chịu xin lỗi bạn khi mình sai. Hãy ghi nhận/ khen ngợi khi con biết giữ lời hứa và không bỏ rơi bạn khi gặp khó khăn.

- Đừng buộc con tìm mọi cách chiều lòng người khác để được khen, được ưu tiên. Trẻ càng để ý tới những đánh giá của người khác càng dễ đánh mất chính mình. Ai đó đã nói rằng: kể cả khi con nằm xuống cho người ta giẫm lên con mà đi thì họ vẫn phàn nàn rằng như thế không thoải mái. Cũng đừng cấm con chơi với bạn nghịch ngợm, bị gắn mác “trẻ hư”, con cần được tiếp xúc với mọi kiểu người trong xã hội trong khi còn trong tầm mắt của gia đình.

- Cha mẹ lúc nào cũng chăm chăm làm thay, làm giúp con sẽ khiến trẻ quen với việc được người khác phục vụ, dần trở nên lười biếng, ỷ lại. Khi chơi với bạn hoặc khi đến trường sẽ thụ động, không thích ứng kịp, bị mọi người chê bai, chẳng ai muốn kết thân.

- Dạy con “quá ngoan”, “luôn vâng lời” có thể biến con cái thành quá phụ thuộc vào cha mẹ, và đằng sau điều này là cảm giác tự ti của đứa trẻ. Trẻ luôn trốn tránh sự cạnh tranh và cảm thấy cô đơn. Ngược lại, cha mẹ dạy con luôn giành phần thắng có thể làm con thích chơi trội, hay ghen tỵ với bạn, lúc nào cũng sợ bản thân thua kém người khác, không có suy nghĩ tích cực.

Nhà tâm lý học, tiến sĩ Karen Able cho rằng: “Khi đứa trẻ không được trao cơ hội để vật lộn với các khó khăn thì chúng sẽ không học được cách giải quyết vấn đề. Chúng không học được cách tự tin với khả năng của chính mình và điều đó có thể ảnh hưởng đến lòng tự tôn của trẻ”.

Ths-Bs Lan Hải

Nguồn tin: www.cgvdt.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây