Phúc Âm: Ga 15, 9-17
“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm 1: Ở LẠI TRONG TÌNH THƯƠNG
“Tôi là một linh mục công giáo Ba Lan, tôi đã già, tôi muốn chết thay cho ông này, vì ông có vợ con”. Quyết định của Cha Kônbê (Maximilianus Maria Kolbe) đã cứu được ông Francis. Không phải chỉ mình ông và gia đình ông, cha còn cứu được 9 người khác, khỏi nỗi tuyệt vọng, những người sẽ cùng bị bỏ đói đến chết với cha.
Từ hầm giam, không còn nghe thấy tiếng khóc than nguyền rủa. Chỉ có tiếng hát và lời kinh...
Cái chết của cha làm mọi người kinh ngạc, vì nó là bằng chứng của một tình yêu. Không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu hiến mạng cho người bạn của mình.
Ông Francis chẳng phải là bạn của cha Kônbê, nhưng ông thành bạn của cha vì được cha hiến mạng. Hãy ở lại trong Thầy, ở lại trong tình yêu của Thầy.
Ðây không phải là một lời mời đầy tính lãng mạn của một người đang yêu. Ðây cũng không phải là một mệnh lệnh cao siêu dành cho những nhà thần bí.
Ðức Giêsu dạy ta biết cách ở lại trong Ngài. Ai muốn ở lại trong tình yêu của Thầy thì phải giữ các điều răn (x. câu 10), mà điều răn quan trọng nhất là yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Như thế chúng ta có một kết luận kỳ diệu: muốn ở lại trong Thầy thì cũng phải ở lại trong nhau. Cành nào muốn hiệp thông với cây thì cũng phải hiệp thông với các cành khác. Có một dòng nhựa từ cây nuôi các cành. Chúng ta là những cành cây được nuôi bằng một dòng nhựa. Khi gắn bó thân thiết với Chúa, chúng ta cũng được gắn bó với nhau sâu thẳm. Yêu anh em là thước đo đáng tin cậy để thấy được tình yêu của mình đối với Chúa. Chỉ có một dòng tình yêu duy nhất luân chuyển: như Cha đã yêu Thầy, Thầy đã yêu anh em; như Thầy đã yêu anh em, anh em hãy yêu nhau. Dòng tình yêu phát xuất từ Cha và đi khắp thế giới. Yêu thương là không làm cho nó ngừng lại thành ao tù. Thế giới hôm nay đói khát tình yêu đích thực. Môn đệ Ðức Kitô phải là chứng nhân tình yêu, yêu như Chúa đã yêu, yêu bằng tình yêu lớn nhất. Chúng ta không có dịp để chết như cha Kônbê, nhưng mỗi ngày ta có nhiều dịp để sống cho người khác. Sống cho tha nhân đòi hỏi những cái chết nho nhỏ. Những cái chết nhỏ chuẩn bị cho cái chết lớn khi cần. Mỗi lần trái tim ta héo khô và chai cứng, hãy trở lại với Ðức Giêsu như suối nguồn để được Ngài tưới đẫm yêu thương.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, có những ngày đón nhận những người khác là điều vượt quá sức con, vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, có những ngày con không thể nào kính trọng kẻ khác được, vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con có những ngày mà yêu mến người khác làm cho tim con đau nhói, vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau và những giới hạn của bản thân con. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con trong những ngày khó khăn đó, xin hãy nhắc cho con nhớ rằng tất cả chúng con đều là con cái Chúa và đừng để con quên lời Chúa nói: “Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho chính Ta”. Amen.
(Trích trong PRIER)
Suy niệm 2: RA ĐI SINH HOA TRÁI
Có người cho rằng Tin Mừng Gioan có tính cục bộ vì Đức Giêsu chỉ đòi các môn đệ rửa chân cho nhau, hay yêu thương nhau (Ga 13,14; 15,12). Không thấy Ngài nói đến việc yêu thương dân ngoại, hay yêu thương kẻ thù (Mt 5,44). Có vẻ cộng đoàn của Gioan là một cộng đoàn khép kín, Thầy trò chỉ biết lo cho nhau, ở lại trong nhau (Ga 15,4).
Thật ra Tin Mừng Gioan là một Tin Mừng mở ra với thế giới. Đức Giêsu đã đến với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng, và đã ở lại với thành phố ngoại giáo Xy-kha hai ngày (Ga 4,40). Ngài không chỉ quan tâm đến những con chiên trong ràn, mà còn muốn đưa về những con chiên ngoài ràn nữa (Ga 10,16). Ngài đòi các môn đệ phải đi rao giảng, phải dùng lời của mình mà làm cho người ta tin (Ga 17,20). Biết bao lần Đức Giêsu sai phái họ vào trong thế gian (Ga 17,18), dù đó là thế gian thù ghét và toan tính hãm hại Ngài (Ga 15,18). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu đã gọi môn đệ là bạn. Bạn là người được Thầy yêu đến cùng, yêu đến độ dám hy sinh mạng sống (Ga 15,9.12). Bạn là người được Thầy thổ lộ tương quan giữa Thầy với Cha, những mặc khải mà chỉ mình Thầy mới có thể vén mở (Ga 15,15),
vì Thầy hằng ở trong cung lòng Cha (Ga 1,18). Bạn là người đã thi hành những điều Thầy truyền, đã tuân giữ nghiêm cẩn điều răn Thầy dạy (Ga 15,14), mà điều răn quan trọng và mới mẻ là hãy yêu mến nhau. Bạn của Thầy là người có khả năng yêu mến anh em mình, yêu như Thầy đã yêu, yêu bằng tình yêu lớn nhất, tình yêu dám hiến mạng cho anh em (Ga 15,12). Bạn là người được hưởng niềm vui trọn vẹn, vì luôn ở lại trong tình yêu của Thầy (Ga 15,10-11). Bạn hữu của Thầy Giêsu là những cành nho của cùng một cây, Thầy chính là cây nho trao ban sự sống. Thầy và từng người bạn nối kết với nhau như cành với cây. Từ đó Thầy tạo ra sự liên kết giữa các cành. Các cành không phải là những đơn vị rời rạc, nhưng là những người được nuôi bằng cùng một dòng nhựa. Họ gắn bó với nhau vì cùng gắn bó với Thầy Giêsu, cùng được cắt tỉa và cùng sinh trái ngọt. Một cành bị sâu cũng ảnh hưởng trên các cành khác. Cành sinh trái nhiều là niềm vinh dự cho Chúa Cha (Ga 15,8), và là niềm vui cho cả cây nho lẫn các cành (Ga 15,11). Các môn đệ sinh trái khi họ ở lại trong Thầy Giêsu, và sống yêu thương nhau như Thầy đã yêu. Nhưng tình Thầy trò lại không dẫn vào một thế giới khép, vì chính Thầy đã chủ động chọn các môn đệ, và đã cắt đặt để họ ra đi và sinh trái (Ga 15,16).
“Ở lại trong” Thầy không chỉ là để hưởng thụ một tình bạn, nhưng còn là được sai vào thế giới những người chưa tin. Chỉ ai “ở lại trong” mới được sai vào thế giới.
Có cả một thế giới mênh mông, một đồng lúa chín vàng đang chờ. Người môn đệ phải sinh trái vừa nhiều, vừa bền vững,ngay giữa lòng một thế giới đầy hận thù, ích kỷ, đói nghèo, một thế giới bệnh tật cần được chữa lành, cần được yêu thương. Cộng đoàn các kitô hữu là cộng đoàn của những người bạn, bạn của Thầy Giêsu và bạn của nhau, ở lại trong Thầy và ở lại trong nhau. Từ đó họ cũng là cộng đoàn được sai vào thế giới, để gặp gỡ và tạo nên những tình bạn mới trong Giêsu. Chỉ mong ở đâu họ cũng sinh trái xum xuê.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha. Xin Cha nhìn đến hàng tỷ người chưa nhận biết Đức Giêsu, họ cũng là những người được cứu chuộc. Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giê su cho thế giới. Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng. Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ quen biết Đức Giê su và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con. Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo. Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn