Lời Chúa: Lc 12, 35-38
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”
Suy niệm:
Chúng ta dành bao nhiêu thời gian để ăn, ngủ, và làm việc trong một đời? Nhiều người nghĩ mình có thể đưa ra những con số khá chính xác. Nhưng chúng ta dành bao nhiêu thời gian để chờ? Có thứ chờ tính được bằng thời gian. Có thứ chờ kéo dài liên tục nằm nơi trái tim mong ngóng. Mẹ chờ con, vợ chờ chồng, những người yêu chờ nhau. Trong một vở kịch của Samuel Beckett, văn sĩ được giải Nobel 1969, có hai người chờ một nhân vật mơ hồ tên là Godot. Cả hai chỉ quen sơ sơ ông này, nếu có gặp cũng chẳng nhận ra. Vậy mà họ vẫn chờ, nhưng ông Godot nào đó đã không đến. Có lẽ Samuel Beckett muốn nói đến cái phi lý của đời người. Cứ chờ cứ đợi một điều mơ hồ và chẳng xảy ra. Đức Giêsu dạy các môn đệ biết chờ đợi trong cuộc sống. Chờ như những đầy tớ chờ chủ mình đi ăn cưới về. Đám cưới ngày xưa hay vào ban đêm để tránh cái nóng. Chủ có thể về trễ, nên phải chịu khó chờ, nghĩa là phải tỉnh thức, không được ngủ quên. Nhưng chờ lại không phải là thái độ ngồi yên, thụ động.
Chờ là đặt mình trong tư thế sẵn sàng phục vụ. “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng” (c. 35). Người đầy tớ sẵn sàng bắt tay vào việc, vì chiếc áo đã được vén lên gọn gàng, và trong đêm, ngọn đèn được châm dầu vẫn luôn cháy sáng. Có một giây phút quan trọng, giây phút ông chủ về. Sự chờ đợi, sự tỉnh thức, sự sẵn sàng, tất cả hướng đến giây phút này. Lỡ giây phút này là lỡ tất cả. “Để khi chủ về tới, gõ cửa thì mở ngay” (c. 36). Mở ngay vì mình đang chờ, đang thức, đang sẵn sàng, áo đã được vén lên để chuẩn bị phục vụ, đèn đã được thắp sáng để soi trong bóng đêm. Chủ sẽ ngỡ ngàng vì sự mau mắn như vậy của các đầy tớ. Nhưng các đầy tớ còn ngỡ ngàng hơn nhiều. Chính khi các anh chuẩn bị phục vụ chủ, thì chủ lại phục vụ các anh. “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37). Rõ ràng đã có một sự đổi vai bất ngờ: chủ đã thắt lưng, phục vụ như đầy tớ. Đầy tớ đã trở nên trọng hơn chủ, vì Thầy ở giữa anh em như người hầu bàn. Đó là mối phúc dành cho người tỉnh thức vào giờ lẽ ra đang yên ngủ. Canh hai, canh ba, là đã quá nửa đêm về gần sáng (c. 38). Kitô hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến. Chờ một cách tích cực với thái độ sẵn sàng làm việc dưới ánh đèn. Hạnh phúc đến với tiếng gõ cửa đầu tiên trong đêm. Chúng ta mong nghe được tiếng gõ nhẹ ấy như một tiếng gọi. Xin mở cửa ngay để được thấy tận mắt Thiên Chúa phục vụ con người.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện, không có giờ đi vào sa mạc để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài. Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con. Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu là con có thể tạo ra sa mạc. Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa mà con đã bỏ mất : Khi chờ một người bạn, chờ đèn xanh ở ngã tư, chờ món hàng đang được gói. Khi lên cầu thang, khi đến nơi làm việc, khi kẹt xe, khi cúp điện bất ngờ. Thay vì bực bội hay nóng ruột con lại thấy mình sống an bình trong sự hiện diện của Chúa. Lạy Chúa, những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày giúp con tỉnh thức để nhạy cảm với ý Chúa. Xin cho con yêu mến Chúa hơn để tìm ra những sa mạc mới và vui vẻ bước vào.
(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn