Giáo xứ Vinh Hương

5 phút Lời Chúa tháng 02.2022

Thứ năm - 03/02/2022 02:59
5 phút Lời Chúa tháng 02.2022

5 PHÚT LỜI CHÚA MỖI NGÀY

THÁNG 02/2022

02/02/22 THỨ TƯ TUẦN 4 TN

Đức Mẹ Dâng Chúa Trong Đền Thánh

Mồng Hai TẾT NHÂM DẦN (Lc 1,67-75)

Lc 2,22-40

SỨ ĐIỆP CỦA HAI CỤ GIÀ

          Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa. (Lc 2,22)

          Suy niệm: Người đời thường nói “lão lai, tài tận.” Câu nói đó hẳn không thể áp dụng cho cụ ông Simêon và cụ bà Anna là những người “lão lai, tài bất tận”. Quả thật, hai cụ là tấm gương sáng cho hậu thế về sự trung kiên bền bỉ trong việc mong đợi Đấng Cứu Thế. Điều đó đối với các cụ thật quan trọng, bởi vì các cụ đã dành cả cuộc đời dài để được nhìn ngắm Ngài tận mắt dù chỉ một khoảnh khắc, bồng ẵm Ngài tận tay dù chỉ một lần trong đời. Hơn nữa sứ điệp của hai cụ vẫn còn nguyên tính thời sự đối với chúng ta. Với cuộc sống công chính, tâm hồn tràn đầy Thánh Thần và cặp mắt đức tin sắc sảo, các cụ đã nhận ra Đấng Cứu Thế dưới dáng vẻ tầm thường của một hài nhi. Và một khi đã nhận ra Ngài, các cụ mau mắn làm ngôn sứ cho Ngài: “nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc” (c. 38).

          Mời Bạn: Tuổi già là chỗ dựa tinh thần cho tuổi trẻ bởi vì không các cụ chỉ có những kinh nghiệm quá khứ mà còn có cái nhìn thấu thị thấy được những gì là giá trị trường cửu vượt thời gian. Lời nói và đời sống đức tin của các cụ là chứng tá sống động và giá trị mà con cháu không thể khinh suất bỏ qua.

          Chia sẻ: Ông bà, cha mẹ là mẫu mực sống đức tin cho con cháu, con cháu hiếu thảo và vâng nghe lời giáo huấn của ông bà cha mẹ, đó là niềm vui và hạnh phúc của đời sống gia đình

          Sống Lời Chúa: Tổ chức và duy trì giờ kinh nguyện trong gia đình.

          Cầu nguyệnLạy Chúa, con xin dâng gia đình con cho Chúa, xin gìn giữ và chúc phúc lành cho gia đình con.

03/02/22 THỨ NĂM TUẦN 4 TN

Thánh Blasiô, GM tử đạo và Ansgariô, GM

Mồng Ba TẾT NHÂM DẦN (Ga 5, 16-20)
Mc 6,7-13

SỨ MẠNG RAO GIẢNG

Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (Mc 6,12)

          Suy niệm: Qua Bí Tích Rửa tội, người Kitô hữu được lãnh nhận 3 chức vụ: Tư tế, Vương đế và Ngôn sứ. Do đó sứ mệnh Rao Giảng hay Truyền giáo làm nên bản chất của Kitô hữu. Họ hành động với lòng nhiệt thành các đặc sủng: giải phóng tâm hồn bị ràng buộc bởi tội ác – chữa lành bệnh tật thân xác – khơi dậy lòng sám hối – làm tăng trưởng Đức Tin và cải thiện đời sống. Bạn có tin rằng nếu mỗi Kitô hữu trung thành với sứ vụ Ngôn sứ của mình thì chẳng bao lâu Giáo Hội sẽ được phát triển và lớn mạnh không?

          Mời Bạn: Bạn nghĩ sao về sứ mệnh mà bạn đã lãnh nhận ngày Bạn chịu ơn Bí tích Rửa Tội? Rao giảng Tin Mừng là gì, nếu chẳng phải là loan báo và làm chứng cho mọi biết người Chúa yêu thương họ ? Nhưng để cho lời chứng của chúng ta trở nên “khả tín” chính chúng ta phải sống và cảm nghiệm tình yêu đó trước đã! Miệng chỉ nói ra điều gì tràn đầy trong lòng.

          Chia sẻ: Bạn muốn trở nên Tông đồ của Chúa không? Tông đồ không phải là một công chức chỉ làm việc theo giờ hành chánh mà là người tự nguyện lo cho việc Nước Trời vì Chúa đã nói: “Điều gì anh em đã nhận lãnh cách nhưng không thì phải trao ban lại cách nhưng không” (Mt 10,8).

          Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho một người bạn lương dân được ơn nhận biết Chúa và xin cho mình sẵn sàng làm chứng về Chúa cho người ấy.

          Cầu nguyệnChúa ơi, xin Ngài hãy mở tâm lòng khép kín của con ra! Ước chi tiếng kêu thảm thiết của Thánh Tông Đồ Phaolô vang vọng mãi trong tâm hồn con: “Khốn cho tôi, nếu tôi không Rao giảng Tin Mừng”!

04/02/22 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN

Kính Thánh Tâm Chúa
Thánh Têôphan Vêna Ven, LM tử đạo
Mc 6,14-29

ẤN TƯỢNG VỀ GIOAN TẨY GIẢ

          Vua Hêrôđê nghe biết về Đức Giêsu, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Đó là ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” Ke khác nói: “Đó là ông Êlia”. Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.” Vua Hêrôđê nghe thế, liền nói: “Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy.” (Mc 6,16)

          Suy niệm: Gioan Tẩy giả đã chết, nhưng ấn tượng về ông vẫn còn sâu đậm. Ông trở nên “vấn đề” cho nhiều người, thậm chí trở thành “nỗi ám ảnh” của vua Hêrôđê, đâu có phải vì Gioan làm phép lạ hấp dẫn hay ý tưởng của ông thâm sâu, cách rao giảng hùng hồn. Đơn giản chỉ vì Gioan có cuộc sống phù hợp với lời mình rao giảng. Kêu gọi người ta ăn năn sám hối, ông đã vào sa mạc, ăn châu chấu, uống mật ong rừng. Kêu gọi người ta tin vào Đấng là Chiên Thiên Chúa, ông đã dám hy sinh mạng sống để nói lên sự thật, lên án tội lỗi. Đời sống và lời ông rao giảng phù hợp khiến mọi người thấy ông nên giống Đấng ông đi mở lối dọn đường.

          Mời Bạn: Đời sống gương lành của bạn có thể làm sáng đức tin của bạn và lời bạn rao giảng. Nhưng có khi nào bạn nhận thấy cách sống của bạn làm lời bạn nói thiếu sức thuyết phục chưa?

          Chia sẻ: Để rao giảng Tin Mừng cách thuyết phục, người trẻ cần có một cách thức làm chứng thật rõ nét, mạnh mẽ thể hiện qua nếp sống của mình. Cách thức làm chứng của bạn là gì?

Sống Lời Chúa: Xét mình xem tôi có nói gì, làm gì chưa đúng với Tin Mừng, với lời tôi tuyên xưng hay không.

          Cầu nguyệnLạy Chúa, xin ban cho chúng con một khi đã xưng mình là Kitô hữu biết sống đúng với những điều mình tuyên xưng.

05/02/22 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN

Kính Khiết Tâm Mẹ

Thánh Agata, đồng trinh tử đạo
Mc 6,30-34

CHỦ CHĂN CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT

          Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy họ nhiều điều. (Mc 6,34)

          Suy niệm: Thời Chúa Giêsu, ở Do Thái không thiếu các thượng tế, kinh sư, luật sĩ, những người Pharisêu, những Rábbi, v.v… Thế mà Chúa lại thấy dân chúng “như bầy chiên không người chăn dắt” – kể cũng lạ! Họ là gì đi nữa nhưng chắc chắn không phải là “những chủ chăn như lòng Chúa mong muốn” (Gr 3,15). Trước tình trạng đó Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương cho những cảnh đời bơ vơ vất vưởng, Ngài đã chẳng nề mệt nhọc mà “dạy dỗ họ nhiều điều”; ngoài ra, Ngài còn kêu gọi các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38). Quả thực Ngài chính là chủ chăn đích thực của dân, người chủ chăn hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (x. Ga 10,11-15).

          Mời Bạn: Thế giới năm 2012 được đánh dấu bởi những vụ án mạng kinh hoàng mà kẻ thủ ác là những vị thành niên rất trẻ, có em còn độ tuổi thiếu niên. Trước tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng, phạm pháp gia tăng, –mà  một trong những nguyên nhân là do cách giáo dục có vấn đề– chúng ta không thể bàng quan, nhưng hãy tha thiết xin Chúa ban thêm những mục tử của Chúa, và chính mình cũng sẵn sàng dấn thân cho sứ mạng qui tụ và chăn dắt đoàn chiên của Chúa.

          Sống Lời Chúa: Trong Năm Đức Tin, quyết tâm canh tân đời sống đạo gia đình và nỗ lực học hỏi đào sâu giáo lý.

          Cầu nguyệnLạy Cha, xin gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con, xin giúp biến đổi trường học và xã hội trở thành những môi trường tốt giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha.

06/02/22 CHÚA NHẬT 5 TN – C

(Thánh Phaolô Miki và các Bạn tử đạo)

Lc 5,1-11

VÂNG LỜI THẦY, CON THẢ LƯỚI

          “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” (Lc 5,5)

          Suy niệm: Qua sự  kiện mẻ cá lạ lùng, Đức Giêsu dẫn chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Người ngư phủ lão luyện là Phêrô lại vâng lời một bác thợ mộc để thả lưới dù suốt đêm hôm trước vất vả chẳng bắt được gì. Lạ hơn nữa là việc Phêrô vâng lời Thầy thả lưới đã đem lại kết quả nằm mơ cũng không thấy: cá nhiều đến nỗi lưới hầu như rách, hai chiếc thuyền đầy khẳm muốn chìm. Không chỉ dừng lại ở sự kiện lạ lùng đó, Ngài muốn đưa Phêrô và các môn đệ đi xa hơn nữa, đó là Ngài muốn các ông đi “thả lưới bắt các linh hồn”. Lời đầy quyền năng của Đức Kitô không chỉ làm các môn sinh “tâm phục khẩu phục” mà vâng lời Thầy một cách hoàn toàn tin tưởng phó thác, mà còn đi xa hơn, vượt lên trên những giới hạn của trần thế này để đáp lại những đòi hỏi của Nước Trời.

          Mời Bạn: Được mời gọi tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội, về phía chúng ta không ỷ lại nhưng đem hết khả năng, thiện chí của chúng ta để hoàn thành sứ mạng. Nhưng bạn đừng quên rằng chỉ khi cậy dựa vào quyền năng của Chúa và vâng phục thánh ý Ngài, công việc tông đồ mới đem lại những thành quả thiêng liêng đích thực.

          Chia sẻ: Trong việc tông đồ khi bạn cảm thấy ý định của Chúa đi ngoài dự phóng của mình bạn phản ứng thế nào?

          Sống Lời Chúa: Thường xuyên nhắc mình sống vâng theo ý Chúa: “Vâng lời Thầy con xin thả lưới.”

          Cầu nguyệnLạy Chúa xin cho chúng con khi làm việc tông đồ biết sử dụng những khả năng Chúa ban đồng thời cũng luôn biết trông cậy vào sự trợ giúp của Ngài. Amen.

07/02/22 THỨ HAI TUẦN 5 TN

Mc 6,53-56

LƯƠNG Y TOÀN HẢO, TOÀN NĂNG

Bất cứ ai chạm đến Người, thì đều được khỏi.” (Mc 6,56)

          Suy niệm: Kỹ thuật y khoa hiện đại đã chữa trị được biết bao chứng bệnh mà trước đây vẫn bị liệt vào những chứng bệnh nan y. Hơn nữa, nhờ sự tận tâm và đôi tay khéo léo của y bác sĩ, nhiều người được cứu sống trong gang tấc. Tuy nhiên cũng có những trường hợp sai sót hay tắc trách khiến nhiều bệnh nhân phải chết oan. Thật ra những sự cố như thế, chẳng y bác sĩ nào muốn để cho xảy ra cả. Nhưng không ai không có những giới hạn của người phàm. Và nhất là không ai vượt qua được giới hạn của cái chết. Đức Giêsu là lương y toàn hảo, toàn năng, mọi bệnh nhân đến với Người đều được lành bệnh, dù chỉ chạm vào tua áo choàng của Người. Được Ngài đụng chạm đến thì mọi bệnh tật và cả cái chết cũng bị đẩy lui.

          Mời Bạn: Chúa chữa bệnh cho ai thì Ngài cũng chữa cả tật bệnh phần hồn. Bạn đã để Ngài đụng chạm đến bạn để bạn được chữa lành những bệnh tật linh hồn chưa? Trung thành với giờ cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể là phương thế để được Ngài đụng chạm đến và thánh hoá xác hồn và cả cuộc sống của bạn.

          Chia sẻ: Khi thăm viếng bệnh nhân bạn có “kỹ năng” nào để giúp bệnh nhân sống vui tươi lạc quan và phó thác vào Chúa trong cơn bệnh của họ?

          Sống Lời Chúa: Dành thời giờ đi thăm viếng một bệnh nhân, trước khi đi nhớ dành ít phút hướng về Chúa, cầu nguyện xin Chúa đồng hành với bạn.

          Cầu nguyệnLạy Chúa, con đến với Chúa mang theo mọi tật nguyền của đời con. Xin Chúa cứu chữa con. Xin làm cho con nên mạnh mẽ tiến bước trên con đường thánh thiện. Amen.

08/02/22 THỨ BA TUẦN 5 TN

Thánh Giêrônimô Êmillianô, LM

Thánh Josephine Bakhita, trinh nữ

Mc 7,1-13

SỐNG THẬT ĐI … !

          “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mc 7,6)

          Suy niệm: Vở kịch “Tốt-xấu-giả-thật” của nhà hát kịch 5B Võ Văn Tần “dẫn dắt khán giả đi vào vấn đề cốt lõi của đời sống hôm nay: cái giả nhiều quá, cái xấu nhiều quá! Làm sao để có cái thật, làm sao để có cái tốt?” Sứ điệp của tác phẩm là: “Chỉ có sự thật và lòng tốt có trong mỗi người mới làm cho cuộc đời này tốt hơn, thật hơn, con người sống với nhau tử tế hơn” (x. Lê Quí Dương, “Sống Thật Đi, Cuộc Sống Sẽ Đổi Thay”, Tuổi Trẻ 26.12.2011, tr. 13). Không rõ thời Chúa Giêsu hàng dỏm, hàng nhái, bằng giả,… có nhiều không chứ thói đạo đức giả đã thành tệ nạn nơi những người Biệt phái. Chúa Giêsu đả phá thái độ đó vì họ: “tôn kính Chúa bằng môi miệng, còn lòng thì xa Chúa, gạt bỏ điều răn Thiên Chúa, duy trì truyền thống người phàm.”

          Mời Bạn: Thiện căn ở tại lòng ta.  (Nguyễn Du). Gốc rễ của sự thiện nằm sâu trong tâm hồn bởi thế để sống đạo thật sự trước hết phải bồi dưỡng, thanh tẩy, chỉnh đốn nội tâm của mình. Phải sống thật trước cái nhìn của Chúa chứ không phải chỉ lo tô điểm cái vỏ đạo đức trước mặt người ta.

          Chia sẻ: Trong các dịp đại lễ, cùng với việc tổ chức lễ bái, rước xách đẹp đẽ hoành tráng bên ngoài, chúng ta có để ý chuẩn bị phần thiêng liêng như: tĩnh tâm, học hỏi, cầu nguyện không?

          Sống Lời Chúa: Lòng tôi luôn gắn bó với Chúa. Tôi năng tìm gặp Chúa nơi nội tâm của mình.

          Cầu nguyệnLạy Chúa, Chúa biết rõ con người thật của con. Xin cho con biết nhận ra và khiêm tốn sám hối vì những lỗi lầm thiếu sót của mình. Xin Chúa giúp con sống với Chúa và với anh em với tình yêu chân thành không giả dối.

09/02/22 THỨ TƯ TUẦN 5 TN

Mc 7,14-23

SẠCH TỪ TRONG TÂM HỒN

          “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,15)

          Suy niệm: Trên báo chí thường có mục “mẹo vặt” bày cách giữ sạch: nào là làm sạch cơ thể, nào là làm sạch đồ dùng, thức ăn… Những điều “lặt vặt” này xem ra ăn khách vì có lợi ích thực tế cho cuộc sống. Đạo Do Thái có nhiều luật lệ chi li về việc làm sạch, được coi là luật lệ không the thiếu, nằm trong 613 khoản luật buộc, đó là rửa sạch chén đĩa, đồ dùng, rửa tay trước khi ăn… Nhưng đây tẩy rửa không phải vì lý do vệ sinh mà là những nghi thức tôn giáo, ai không tuân giữ sẽ bị coi là tội lỗi. Chúa Giêsu lên án gắt gao thói nệ luật đó. Chẳng những nó không thể thanh tẩy tâm hồn mà còn làm cho con người ra cứng cỏi và ảo tưởng mình đã là công chính chỉ dựa vào hình thức bề ngoài.

          Mời Bạn: Chủ trương “sống và hành động theo pháp luật” thật cần thiết đối với sinh hoạt xã hội, nhưng đưa điều đó vào đời sống đạo thì thật là bất cập. Lúc đó người ta chỉ bị coi là có tội khi vi phạm một điều luật cấm có qui định trong bộ luật với khung hình phạt hẳn hoi, và nhất là chỉ khi việc vi phạm đó bị bắt và bị kết tội. Với não trạng đó, nhiều tín hữu giản lược đời sống đạo vào việc tuân giữ một số nghi thức luật lệ tối thiểu mà quên rằng tội lỗi là xấu xa vì xúc phạm đến Đấng Thánh và việc thanh tẩy phải bắt đầu từ trong tâm hồn.

          Sống Lời Chúa: Không nói lời có ý phê bình hay chỉ trích người khác.

          Cầu nguyệnXin ban cho con cặp mắt đức tin, để con biết nhìn ra giá trị thật sự giúp con sống xứng đáng là con cái Chúa, con cái của Sự Sáng. Amen.

10/02/22 THỨ NĂM TUẦN 5 TN

Thánh Scôlastica, trinh nữ   

Mc 7,24-30

TẤT CẢ VÌ CON

          “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” (Mc 7,27)

          Suy niệm: Ai nghe câu nói trên đây của Chúa Giêsu hẳn đều bị sốc nhất là nếu như mình lại là đối tượng mà câu nói đó nhắm đến. Là phụ nữ và hơn nữa là “người Hy Lạp, gốc Phênixi,” là người “dân ngoại,” bà đã bị coi là thấp kém dưới con mắt của người Do Thái. Bà đã không nề hà chuyện đó mà đến “sấp mình dưới chân Chúa Giêsu” để van xin Ngài chữa lành đứa con gái nhỏ của bà đang bị quỷ ám. Vậy mà câu nói của Ngài coi mẹ con bà như “lũ chó con” thể hiện một thái độ cao ngạo đến mức phũ phàng! Thế nhưng, vì thương con, bà có thể hy sinh đến cả tính mạng, chứ một chút nhục nhã này đối với bà có đáng kể là gì! Tình thương đã đưa bà lại gần với Chúa Giêsu trở thành niềm tin tưởng và phó thác đích thực.

          Mời Bạn: Vì muốn cứu nhân loại, Thiên Chúa sẵn sàng chịu sự nhục nhã: trở nên một con người, chịu người đời khinh khi, nhục mạ, khạc nhổ vào mặt và chết trần trụi trên thánh giá. Nhưng sẽ nhục nhã hơn nếu sự hy sinh của Thiên Chúa không cứu được mỗi người chúng ta -là con của Ngài.

          Chia sẻ: Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương, nhưng nhiều người vẫn chưa cảm được tình yêu mà Thiên Chúa đã ưu ái dành cho. Đâu là nguyên nhân của sự phũ phàng này?

          Sống Lời Chúa: Dành ít phút cuối ngày để suy gẫm sự hiện diện của Chúa trong những hành động đời sống ta mà dâng lời ca tụng Thiên Chúa.

          Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho con luôn xác tín vào lời mà Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia: dù có người mẹ nào quên ngươi đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi.

11/02/22 THỨ SÁU TUẦN 5 TN

Đức Mẹ Lộ Đức – Ngày Thế Giới Bệnh Nhân

Mc 7,31-37

ÊPNATHA, HÃY MỞ RA!

          Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: “Ép-pha-tha, hãy mở ra!” Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. (Mc 7,34-35)

          Suy niệm: Đã không nghe lại không nói được, cuộc đời của người câm điếc như bị đóng lại trước một thế giới đang mở ra. Anh giống như người tù biệt giam không thể có mối tương quan  nào với tha nhân. Chúa Giêsu không chữa lành cho anh theo kiểu người thợ chữa một cái máy. Thái độ ân cần của Chúa “kéo riêng anh ra khỏi đám đông” và những cử chỉ chăm sóc tận tình, đụng chạm đến tai anh, xức nước miếng vào lưỡi anh, đã giúp anh tái lập mối tương quan với Ngài trước khi mở lại mối quan hệ với người khác. Khi “tai được mở ra và lưỡi hết bị buộc lại” là lúc anh ta cũng được mở ra với thế giới và có khả năng cần thiết để nối kết tương giao với mọi người.

          Mời Bạn: Về phương diện thiêng liêng, có lẽ lắm khi chúng ta cũng đã từng bị câm điếc mà không biết. Điếc là đóng tai lòng lại, làm ngơ trước Lời Chúa, và lời giảng dạy của những người có trách nhiệm. Câm là hờ hững, sợ sệt không dám mở miệng loan báo Tin Mừng. Để chữa bệnh câm điếc thiêng liêng, trước tiên mời bạn mỗi ngày hãy mở sách Tin Mừng để đọc và suy niệm Lời Chúa, và xin Chúa mở lòng bạn để tâm hồn bạn được đánh động và biến đổi nhờ Lời Chúa. Lúc đó môi miệng bạn mới sẵn sàng để mở ra và loan báo Tin Mừng.

          Sống Lời Chúa: Cầu nguyện mỗi sáng khi thức dậy: “Lạy Chúa Trời xin mở miệng con, để con nói lời của Chúa.”

          Cầu nguyện:  Lạy Chúa, nhiều lúc tâm hồn con đã bị đóng lại không nghe và không nói Lời Chúa. Xin Chúa nói lời “Ép-pha-tha” với tâm hồn con như xưa Chúa đã nói với người câm điếc.

12/02/22 THỨ BẢY TUẦN 5 TN

Lễ Đức Mẹ ngày Thứ Bảy

Mc 8,1-10

THẾ GIỚI KHÔNG CÓ NGƯỜI ĐÓI

          “Thầy chạnh lòng thương đám đông vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn.” (Mc 8,2)

          Suy niệm: Đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu đã ba ngày nay để nghe Ngài giảng. Có lẽ thời gian kéo dài vượt quá dự kiến, chút lương khô đi đường cũng đã cạn. Họ đói. Thế là Chúa lại chạnh lòng thương và Ngài ngưng công việc giảng dạy để lo chuyện ăn uống cho họ trước khi giải tán họ về nhà. Chúa không muốn cho ai phải đói; vì thế “cho kẻ đói ăn” để cho mọi người có điều kiện sống xứng hợp với nhân phẩm, đó là công việc của lương tri và còn là mệnh lệnh của tình bác ái nữa.

          Mời Bạn: Mới đây Hội nghị Quốc Tế An Ninh Lương Thực cho biết cứ năm giây có một trẻ em chết đói. Tổ chức Lương Nông Quốc Tế vừa công bố số người đói trên thế giới vừa giảm xuống dưới một tỷ người trong năm 2010 dự kiến sẽ lại tăng lên trong năm 2012 này. Nước ta chưa giàu, vẫn còn đó biết bao người cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, tiền không có để đi học; thế mà vẫn có những người ăn uống xa xỉ phung phí; có quan chức “đánh bạc triệu đô,” đánh cờ tướng ăn thua vài tỷ bạc một ván. Sự chông chênh đó có làm bạn nhức nhối? Chung quanh bạn có ai đang túng thiếu hơn bạn mà bạn chưa tìm cách chia sẻ không?

          Chia sẻ: Làm thế nào để việc bạn cho đi không trở thành việc của kẻ trên bố thí cho kẻ dưới, hoặc cho tay này lấy lại tay kia, nhưng là một sự chia sẻ trong yêu thương, cảm thông và tôn trọng?

          Sống Lời Chúa: Luôn dành một khoản trong số thu nhập của bạn để dành vào việc giúp những ai lầm than cơ nhỡ.

          Cầu nguyệnLạy Chúa, xin giúp con biết nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi những anh chị em đói nghèo bất hạnh.

13/02/22 CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – C

Lc 6,17.20-26

NGHÈO LÀ MỐI PHÚC (Daobinh.com)

          Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20)

          Suy niệm: Con người trần thế tìm mọi cách để dành cho bằng được giàu sang, quyền thế, cho dù phải gây thù chuốc hận, cho dù phải gây ra những cuộc chiến tương tàn khốc hại… Đang khi đó, Chúa Giê-su lại coi nghèo là một mối phúc. Chắc chắn, Ngài chống lại thứ nghèo làm tổn thương nhân phẩm. Ngài muốn con người được sự giàu có vĩnh cửu: được cả Nước Trời làm gia nghiệp, chứ không phải thứ giàu có chỉ đem lại niềm hạnh phúc chóng vánh, tạm thời ở đời này. Để đạt được thứ giàu sang bền vững ấy phải biết làm cho mình nghèo đi những thứ của cải tạm bợ và giả trá. Nghèo có phúc là: – nắm giữ chức quyền nhưng không tham quyền cố vị trái lại phục vụ trong khiêm tốn; – làm ra của cải vật chất nhưng không bị lệ thuộc vào chúng, trái lại biết “hằng ngày dùng đủ” và cảm thông chia sẻ với nhau trong tình anh em. Nghèo như thế, chiến tranh, hận thù mới biến mất, và thế giới này chỉ còn có tình mến chan hoà. Nghèo như thế mới là mối phúc.

          Mời Bạn: “Trong thế giới chúng ta, tiền, lợi nhuận, sự khao khát của cải vật chất phá hỏng mọi tương quan, đức nghèo chọn lựa cách tự nguyện trong đoàn kết và chia sẻ dạy ta lòng biết ơn và biết sống cách vô vị lợi, cậy trông và phó thác” (Sr Christianne, fmm). Lời chia sẻ đó có làm cho chúng ta suy nghĩ để sống nghèo như mối phúc của Chúa Giê-su không? Bạn hãy chia sẻ mục đích sống nghèo mà bạn sẽ chọn lựa.

          Sống Lời Chúa: Trong tương quan với người khác, ta nghĩ đến tình nghĩa hơn là tư lợi.

          Cầu nguyệnLạy Chúa, con xin ký thác đường đời con cho Chúa. Amen

14/02/22 THỨ HAI TUẦN 6 TN

Thánh Cyrillô, đan sĩ – Thánh Mêthôđiô, GM

Mc 8,11-13

DẤU LẠ NƠI CHÚA GIÊSU

“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” (Mc 8,12)

          Suy niệm: Chuyện kể rằng một vị thánh đang chầu Thánh Thể thì có người vào báo tin ở ngoài đang xảy ra một phép lạ và người ta kéo tới xem đông lắm. Vị thánh đã trả lời ở đây cũng đang diễn ra một phép lạ vĩ đại, đó là chính Chúa Giêsu hiện diện trong nhà chầu, nơi bí tích Thánh Thể và ngài đang chiêm ngắm. Người Do Thái đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ trên trời, nhưng chính Ngài là dấu lạ đang ở trước mặt họ thì họ không nhận biết: Ngài sẽ là Dấu Lạ đích thực cho họ, “dấu lạ Giona,” qua cái chết và cuộc phục sinh của Ngài.

          Mời Bạn: Biết bao phép lạ lớn lao Chúa đã thực hiện không phô trương ồn ào, mà kín đáo tế nhị, âm thầm khiêm tốn. Làm cho nước hoá thành rượu tại tiệc cưới Cana, làm cho bánh và cá hoá ra nhiều, Chúa đã làm như một việc bình thường, tự nhiên tới mức không ngờ! Và giờ đây, ngày ngày, Ngài vẫn hiện diện trong Lời của Ngài, trong bí tích Thánh Thể; bạn có ý thức sự hiện diện đó chưa?

          Chia sẻ: Chúa Kitô hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể nhưng lại có vẻ thầm lặng và quá tầm thường; điều đó có làm bạn quên lãng hoặc coi thường “dấu lạ” bí tích này không?

          Sống Lời Chúa: Trong tuần dành thời gian đến chầu Thánh Thể ít là một lần.

          Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn hiện diện và đồng hành với con nhưng nhiều khi con không nhận biết; và con cứ mãi tìm kiếm một giải pháp theo kiểu thế gian mà quên hành động trong sự kết hiệp với Chúa. Xin cho chúng con nhận ra rằng chỉ có Chúa Giêsu là dấu chỉ đích thực mang lại ơn cứu độ cho con mà thôi. Amen.

15/02/22 THỨ BA TUẦN 6 TN

Mc 8,14-21

ANH EM CHƯA HIỂU SAO?

          “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao?” (Mc 8,17)

          Suy niệm: Trên thuyền, chỉ còn lại một chiếc bánh nhỏ không đủ cho thầy trò qua bữa. Các môn đệ áy náy và tranh luận xem ai là người chịu trách nhiệm về việc này. Chúa Giê-su đã can thiệp và nhân cơ hội này, Ngài đã dạy dỗ các môn đồ kém tin của Ngài. Vừa hôm nào đây, họ đã chẳng chứng kiến Chúa khiến cho bảy chiếc bánh sau khi nuôi ăn no nê bốn ngàn người vẫn còn dư bảy thúng sao? Đối với Ngài, thiếu bánh là chuyện nhỏ, chỉ đáng sợ khi thiếu niềm tin. Các môn đệ dường như thiếu cả Chúa, quên rằng Ngài đang ở ngay giữa họ.

          Mời Bạn: Những cuộc cãi vã hằng ngày giữa chúng ta, trong các cộng đoàn, đặc biệt trong đời sống gia đình, dường như cũng thường xoay quanh vấn đề “thiếu” này. Thiếu tiền bạc, thiếu cơm áo, thiếu cửa nhà, thiếu tiện nghi… Chúng ta muốn tìm cho ra “thủ phạm” để rồi làm cho nhau đau khổ. Nhưng cái chúng ta thiếu thật sự lại là tình yêu, dẫn đến việc thiếu niềm tin và cuối cùng thiếu Chúa. Chúng ta hành xử như là chúng ta có thể tự mình lo liệu mọi việc. Chúa hoàn toàn đứng bên lề cuộc đời.

          Chia sẻ: Có nhiều điều bạn không hiểu tại sao Chúa để xảy ra cho cuộc đời của mình. Mời bạn chia sẻ và tìm ra lời giải đáp của lòng tin và lòng mến.

          Sống Lời Chúa: Dành những phút suy niệm hằng ngày để nghiền ngẫm những ơn lành Chúa đã ban cho mình.

          Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được “nghe” và được “thấy” bằng đức tin, để chúng con luôn hiểu được Chúa yêu thương chúng con dường nào và mong ước chúng con đáp trả bằng một cuộc sống tin yêu và phó thác.

16/02/22 THỨ TƯ TUẦN 6 TN

Mc 8,22-26

ÁNH SÁNG TÌNH YÊU

          “Anh có thấy gì không?” Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta…” ( Mc 8,23b-24)

          Suy niệm: Bạn có bao giờ cảm nhận được tâm trạng người mang thân phận mù loà như những vần thơ não nuột dưới đây nói lên chưa?

          “Tôi đây thân phận mù lòa – Ngày dài đêm vắn âm u cũng là –

          Nghe tiếng cha biết vậy mà – Nghe tiếng mẹ, mẹ ấy à, mẹ ơi!”

        Họ không thấy được vẻ huy hoàng của ánh sáng ban ngày, không biết được sự huyền diệu của đêm thanh, không biết thế nào là màu sắc quyến rũ của muôn hoa, cũng không thấy được cả hình ảnh của những người thân. Tin Mừng hôm nay thuật lại viec Chúa chữa lành người mù. Ngay khi đón nhận được ánh sáng, khám phá đầu tiên của anh mù là về con người: “Tôi thấy người ta”. Đó là nhận thức đầu tiên của người mù được sáng mắt. Cũng vậy, ánh sáng đức tin đưa chúng ta đến với thế giới con người và nhận diện ra người chung quanh.

          Mời Bạn: Thế giới hôm nay cũng đang sống trong “mù lòa,” không nhận ra đâu là ý Chúa, không nhìn thấy Chúa nơi anh em mình, nên vẫn sống trong tối tăm của tranh chấp, tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, hững hờ. Nhiều khi chúng ta như “ông nhà giàu” không nhận biết “người nghèo Ladarô” sống ngay trong cùng một mái nhà với mình. Chúng ta đã trở nên mù loà trước những nỗi thống khổ của anh chị em.

          Sống Lời Chúa: Làm một hành động bác ái với một người vẫn đang sống gần bên bạn mà lâu nay bạn đã không quan tâm hoặc cố tình làm ngơ.

          Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, xin mở mắt con để con nhìn người khác bằng ánh mắt yêu thương, như chính Chúa nhìn con và nhìn họ. Amen.

17/02/22 THỨ NĂM TUẦN 6 TN

Bảy Thánh Lập Dòng Tôi tớ Đức Mẹ

Mc 8,27-33

XÁC THỰC TRONG LỜI LOAN BÁO

“Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đo.” Chúa Giêsu lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,28-29)

          Suy niệm: Không phải hễ loan báo bất cứ thông tin nào về Chúa Giêsu cũng là thi hành sứ mạng truyền giáo. Đã từng có những lời loan báo sai lầm, khiến người nghe không thể gặp Chúa Giêsu đích thực. Thời các Tông Đồ, người ta bảo Chúa là Gioan Tẩy Giả, là ngôn sứ Êlia, hay là một ngôn sứ. Những lời này rốt cuộc đưa người nghe đến gặp một ai khác chứ không phải Chúa Giêsu. Thời nay cũng không thiếu những sai lầm như thế. Đức Gioan Phaolô II lưu ý trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu rằng “điều nghịch lý là phần lớn người Á châu có khuynh hướng nhìn Đức Giêsu, sinh ra trong phần đất Á Châu, như là một nhân vật Âu châu hơn là Á châu” (số 20). Theo ngài, sở dĩ Chúa Giêsu bị trình bày như xa lạ với Á châu là do một chuỗi dài lịch sử, các tín hữu đã không chú ý đến hoàn cảnh người nghe, văn hóa châu Á của họ. Trái lại, chỉ dùng văn hóa Tây phương trình bày về Chúa Giêsu. Việc thiếu học biết giáo lý cũng khiến người ta  hiểu sai và loan báo sai về Chúa Giêsu.

          Mời Bạn: Bạn có trau giồi giáo lý để biết và trình bày Chúa Giêsu cách chính xác  không?

          Chia sẻ: Người ta có thể loan báo Chúa Giêsu cách chính xác khi họ không chịu khó học biết giáo lý không?

          Sống Lời Chúa: Ghi danh học một lớp giáo lý hoặc bắt đầu tìm đọc một sách giáo lý của Giáo Hội.

          Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho con chuyên cần học hỏi giáo lý, nhờ đó, con trình bày Chúa cách chính xác cho anh em con hiểu và sẵn sàng tin theo Chúa.

18/02/22 THỨ SÁU TUẦN 6 TN

Mc 8,34-9,1

ĐIỀU KIỆN LÀM MÔN ĐỆ

          Khi ấy, Chúa Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại, Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mc 8,34)

          Suy niệm: Đang khi vị tướng La Mã lừng danh Fabiô Maximô thảo luận với bộ tham mưu về chiến thuật đánh chiếm một vị trí quan trọng, thì một cố vấn đề nghị phương cách chiến thắng với số thương vong ít nhất có thể. Maximô nhìn thẳng vào vị cố vấn ấy và hỏi: “Thế ông có sẵn lòng làm một trong số ít người đó không?” Chúa Giêsu không phải là một vị tướng ngồi từ xa đùa giỡn với sinh mạng con người như những con tốt thí. Nếu Ngài đòi hỏi người ta phải đương đầu với điều gì, chính Ngài cũng sẵn sàng đối đầu với nó. Nếu Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người chúng ta vác thập giá, bởi vì chính Ngài đã từng vác một cây như vậy.

          Mời Bạn: Chúa Giêsu không mời gọi bạn theo Ngài bằng cách hứa hẹn một con đường dễ dãi, nhưng bằng cách thách đố bạn, khơi dậy chí khí đang ngủ trong tâm hồn bạn, cũng như đề nghị với bạn một con đường ngày càng gian khổ hơn, nhưng vươn cao hơn. Ngài không hứa hẹn sẽ làm cho đời bạn được dễ dàng hơn, nhưng sẽ giúp bạn trở thành vĩ đại hơn.

          Chia sẻ: Muốn trở thành môn đệ thật sự của Chúa Giêsu, bạn phải luôn luôn trả lời “không” với chính bản thân và đáp “vâng” với Chúa.

          Sống Lời Chúa: Tôi xác tín: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

          Cầu nguyệnLạy Chúa, xin ở với con lúc con gặp thử thách gian truân, để con có đủ sức mạnh và can đảm mà trung thành theo chân Chúa đến cuối hành trình trần gian này. Amen.

 

 

19/02/22 THỨ BẢY TUẦN 6 TN

Lễ Đức Mẹ ngày Thứ Bảy

Mc 9,2-13

CẮM LỀU

          “Thưa Thầy, chúng con ở đây hay quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy  một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái.” (Mc 9,5)

          Suy niệm: Ba môn đệ thật bất ngờ và vui sướng ngây ngất khi chứng kiến cảnh Thầy mình dung nhan chói ngời, đàm đạo với hai vĩ nhân của dân tộc là ông Môsê và Êlia. Các ông muốn “cắm lều” ở lại mãi trên chốn bồng lai tiên cảnh này, giã từ sứ vụ loan báo Tin Mừng nhọc nhằn dưới kia. Thế nhưng, tiếng của Chúa Cha từ đám mây kéo các ông trở về với sứ vụ của mình: “Hãy vâng nghe lời Người,” nghĩa là hãy lắng nghe và tiếp tục tiến bước với Thầy Giêsu, Người tôi tớ của Thiên Chúa, trên con đường Khổ Nạn Ngài sắp bước vào, để có thể đạt đến vinh quang vĩnh cửu nhờ sự phục sinh của Ngài.

          Mời Bạn: Theo lẽ thường, ai cũng muốn “cắm lều” ở lại trong sự ổn định, sung sướng mình đang tận hưởng. Sự kiện Hiển Dung là điểm dừng chân tạm thời của hành trình lên núi và xuống núi, là trạm tiếp sức cho các môn đệ chuẩn bị bước vào cuộc Khổ Nạn. Tựa như các môn đệ, bạn cũng được mời gọi lắng nghe Đức Giêsu, hiệp thông trong tình thương và sứ vụ của Ngài, để tiếp tục tiến bước trên hành trình dương thế.

          Chia sẻ: Những “căn lều” nào trong cuộc sống bạn đang muốn dựng lên hay bám trụ và cần được gỡ bỏ?

          Sống Lời Chúa: Thứ bốn thì gẫm: “Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần” (Mầu nhiệm sự Sáng).

          Cầu nguyệnLạy Chúa, giữa những bận rộn và buồn vui của phận người, xin cho con biết dừng chân tìm đến bên Chúa, lắng nghe Lời Chúa, thấy Chúa hiện diện trong đời và đang tiếp thêm sức mạnh cho con. Amen.

20/02/22 CHÚA NHẬT 7 TN – C


Lc 6,27-38

YÊU THƯƠNG, MỘT ĐÒI BUỘC

          “Hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, vì anh em sẽ là con Đấng Tối Cao.” (Lc 6,35)

          Suy niệm: Chúa Giê-su cho biết không hề có sự chia cắt giữa mến Chúa và yêu người, vì là hai khía cạnh của một điều răn duy nhất: điều răn yêu thương. Vì thế, chúng ta không thể hẹp lòng với tha nhân, kể cả với kẻ thù, mà vẫn nghĩ rằng mình mở lòng với Thiên Chúa. Hẹp lòng với tha nhân cũng là hẹp lòng với Thiên Chúa. Điều này được giải thích ở lời khấn xin trong kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Không phải Thiên Chúa từ chối ban ơn tha thứ cho chúng ta, nhưng vì lòng chúng ta quá hẹp không thể đón nhận ơn tha thứ của Ngài. Theo thánh Phao-lô, mở lòng đối với tha nhân chính là yêu thương. Yêu thương thì tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả. Vào lúc từ giã cuộc đời, khi đối diện với Thiên Chúa, mọi ân huệ khác đều biến mất, chỉ còn duy đức yêu thương tồn tại vĩnh viễn, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

          Mời Bạn: Chiến tranh xảy ra nhiều nơi, xung đột, hiềm khích, bất công và đàn áp như chuyện thường ngày, khiến nhiều người xem đó là chuyện bình thường và không còn tôi luyện bản thân hằng ngày bằng đức yêu thương. Lời dặn dò yêu thương của Chúa có tác dụng gì trong tâm trí và cuộc đời bạn?

          Sống Lời Chúa: Tôi thực hiện một cử chỉ tha thứ, bao dung, giải hòa.

          Cầu nguyệnLạy Chúa, xin dạy con biết mở rộng trái tim, để con dễ dàng mến Chúa và yêu người. Mỗi ngày xin cho con biết quan tâm thực hiện một nghĩa cử cao đẹp cho Chúa và cho người anh em con. Amen.

21/02/22 THỨ HAI TUẦN 7 TN

Thánh Phêrô Đamianô, GM tiến sĩ

Mc 9,14-29

SỨC MẠNH CỦA CẦU NGUYỆN

          “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” Người đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.” (Mc 9,28-29)

          Suy niệm: Cha Henry M. Nouwen xác tín: “Cầu nguyện là sống với Chúa ở đây và lúc này.” Quả thế, cầu nguyện là lúc chúng ta ở với Chúa, Chúa ở bên ta để dạy dỗ, giúp đỡ, trợ lực và làm cho ta nên giống Ngài hơn. Cho nên, thiếu cầu nguyện là thiếu vắng Chúa. Thiếu cầu nguyện là thiếu niềm tin cũng như chưa có đủ lòng trông cậy vào sức mạnh của Ngài. Thiếu cầu nguyện là thiếu hẳn quyền năng của Chúa. Tóm lại, thiếu cầu nguyện là thiếu Đức Kitô, mà thiếu Đức Kitô, chúng ta không thể làm gì được. Hôm ấy nếu cầu nguyện sốt sắng như Thầy đã dạy, chắc chắn các môn đệ đã trừ được tên quỷ dữ ấy.

          Mời Bạn: Thiên Chúa là Đấng toàn năng và hay thương xót. Người biết rõ chúng ta dễ gắn bó với những thực tại trần gian mà bỏ quên Ngài. Ngài muốn chúng ta đến với Ngài, nương tựa vào Ngài để Ngài ban cho ta quyền năng của Ngài, quyền năng mà chính bản thân ta chẳng bao giờ có nếu không qua cầu nguyện. Bạn hãy cầu nguyện với Chúa luôn để cảm nhận được Ngài yêu thương. Cầu nguyện để Chúa trừ tên quỷ tội lỗi trong bạn, đồng thời nâng đỡ bạn cộng tác với Ngài trong việc diệt trừ sự dữ trong môi trường bạn sống.

          Chia sẻ những ơn bạn nhận được khi cầu nguyện.

          Sống Lời Chúa: Cảm tạ Chúa, đồng thời xin Ngài ban sức mạnh của Ngài mỗi lần cầu nguyện.

          Cầu nguyện: “Lạy Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn lũy chở che, con tin tưởng vào Ngài.”( Tv 91,2) “Xin chỉ dạy con đường lối phải theo, vì con nâng tâm hồn lên cùng Chúa.” (Tv 143,8)

22/02/22 THỨ BA TUẦN 7 TN

Tông Toà Thánh Phê-rô
Mt 16,13-19

CHỈ MỘT CHÚA, MỘT ĐỨC TIN

Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)

          Suy niệm: Một trong những đề tài ưa thích của nhà danh hoạ El Greco (En Grê-cô) là trình bày hai thánh Phê-rô và Phao-lô như hai nhân vật hết sức đối nghịch nhau đứng chung trong một bức tranh. Quả thực trong Tân Ước nhiều chỗ cho thấy hai ngài có nhiều khác biệt, thậm chí chống đối nhau gay gắt, trong tính cách cá nhân cũng như trong đường lối loan báo Tin Mừng, chẳng hạn thánh Phao-lô đã từng lớn tiếng chỉ trích thái độ nhân nhượng của thánh Phê-rô trước những người Do-thái chủ trương bắt các Ki-tô hữu phải giữ luật Mô-sê, cụ thể là phải chịu phép cắt bì (x. Gl 2,11-14). Thế nhưng hai ngài lại có một điểm chung nổi bật, đó là tình yêu đến độ say mê dành cho Đức Ki-tô. Đối với thánh Phao-lô, Đức Ki-tô là tất cả, là lẽ sống (Pl 1,21; 3,8); còn thánh Phê-rô thì bộc bạch: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Chính nhờ điểm chung này mà các ngài trở thành hai trụ cột xây dựng Giáo hội hiệp nhất cùng tuyên xưng “một Chúa, một Đức Tin, một phép rửa” (Ep 4,5).

          Mời Bạn: Chính Thánh Thần là vị kiến trúc sư xây dựng Giáo Hội hiệp nhất trong Chúa Ki-tô. Thay vì triệt hạ tha nhân vì những khác biệt của họ, chúng ta tôn trọng tha nhân, phát huy tính cách độc đáo của họ, để cùng xây dựng Giáo hội duy nhất là thân thể mầu nhiệm Chúa Ki-tô.

          Sống Lời Chúa: Khi có điều bất đồng ý kiến, tôi cầu xin ơn Chúa Thánh Thần và đối thoại với nhau trong tình bác ái.

          Cầu nguyệnLạy Chúa Giê-su, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.

23/02/22 THỨ TƯ TUẦN 7 TN
Thánh Polycarpô, GM tử đạo
Mc 9,38-40

CHẤP NHẬN LẪN NHAU

Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,40)

          Suy niệm: Ông Gioan này đúng là “con thiên lôi” (x. Mc 3,17), khi thấy có người không thuộc nhóm của mình mà lại dám trừ quỷ thì khó chịu và xin Chúa cấm người ấy. Chúa chẳng những không cám, mà còn dạy các môn đệ bài học bao dung, chấp nhận lẫn nhau: Một người có thể không đi theo Chúa, thậm chí không ở trong Giáo Hội, nhưng nếu không minh nhiên chống đối Chúa, thì phải kể là họ thuận với Chúa. Độc quyền, háo thắng, coi mình là đúng và nhất… dễ là khuynh hướng của con người. Vì thế mà có những âm mưu loại trừ nhau, tiêu diệt đối phương, dành quyền bá chủ, độc tài thống trị…, thậm chí đưa đến chiến tranh! Người môn đệ còn phải học nhiều tấm gương bao dung, hiền lành, khiêm nhường của Chúa.

          Mời Bạn: Bạn xét coi mình, nhóm hay hội của mình có khuynh hướng độc quyền, thống trị, coi mình là nhất và khinh thị người khác, nhóm hay hội khác không? Bạn có tinh thần chấp nhận hay loại trừ người khác? Mời bạn học gương của thánh Phaolô khi ở Philípphê: biết có những người cũng rao giảng Chúa Kitô nhưng thuộc nhóm khác, thánh Phaolô không tỏ vẻ ganh tị hay buồn bực, mà ngài viết: “Miễn là Đức Kitô được rao giảng thì tôi vui mừng rồi” (Ph 1,12-18).

          Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi loại bỏ những lời nói, hành động gây chia rẽ, bất hòa; trái lại tôi nhìn người khác với tâm tình nhẫn nại, bao dung và tích cực chấp nhận lẫn nhau.

          Cầu nguyệnLạy Chúa, Chúa đã đón nhận chúng con, dù chúng con khiếm khuyết, yếu hèn; xin giúp chúng con cũng biết chấp nhận mọi anh em dù họ có khác biệt với chúng con. Amen.

 

24/02/22 THỨ NĂM TUẦN 7 TN
Mc 9,41-50

LỬA VÀ MUỐI TRONG TÂM HỒN

          “Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hòa thuận với nhau.” (Mc 9,49-50)

          Suy niệm: Môn đệ của Chúa Giêsu không phải là những người thụ động, yếm thế, nhưng luôn tràn trề nhựa sống, làm biến đổi môi trường. Họ luôn cần được thanh luyện, một cuộc thanh luyện thật gắt gao như phải chặt tay, chặt chân, móc mắt khi cần! Thanh luyện để luôn có lửa trong mình, thanh luyện để luôn là muối mặn và để khuấy động cuộc đời. Dầu vậy, với lửa và muối trong mình, người có Chúa lại luôn là những người sống hòa thuận và gây dựng hòa bình. Họ là những chứng nhân của tình yêu, là hạt nhân của một thế giới hòa bình.

          Mời Bạn: Đừng để muối trong lòng mình bị nhạt, đừng để nhiệt tình sống trong ta bị mai một. Đó là điều Chúa Giêsu yêu cầu những ai muốn theo Ngài. Vì thế, mỗi chúng ta đều phải vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn để phát huy một sức sống nội tâm, để lửa nhiệt thành trong tâm hồn luôn mạnh mẽ và nhờ đó có sức biến đổi môi trường sống.

          Sống Lời Chúa: Nhớ lời Chúa Giêsu cảnh báo các môn đồ để cảnh giác bản thân: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42).

          Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, chúng con ước ao nên muối cho đời để làm cho người khác biết Chúa và biết đến tình yêu của Chúa. Xin giúp chúng con giữ được nhiệt huyết và tình yêu trong tâm hồn để chúng con luôn là nhân chứng trung thành cho Ngài giữa cuộc đời. Amen.

25/02/22 THỨ SÁU TUẦN 7 TN
Mc 10,1-12

NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU

          “Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con ngưòi có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (Mc 10,6-8)

          Suy niệm: Nhà văn Nga I. Tourguéniev tâm sự: “Tôi sẵn sàng đổi hết tài năng và tác phẩm của tôi để được cái thú êm đềm biết rằng ở một nơi nào đó có một người đàn bà lo âu vì tôi về trễ.” Không gì hạnh phúc cho bằng biết rằng mình được yêu, cũng như không có gì chua xót cho bằng từ tình yêu chuyển thành thù hận. Hôm nay, Đức Giêsu nhắc ta hai điều: 1/ Con người cần có người bạn đời chung sống với mình (“sỏi đá cũng còn có nhau”, huống gì con người!). 2/ Hai người nam nữ hợp nhất nên một, không phải chỉ nên một trong thân xác, nhưng còn cả trong lý tưởng, trong trách nhiệm, trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình… Nhờ vậy, vợ chồng vừa đem lại hạnh phúc cho nhau, vừa dìu nhau tiến về hạnh phúc Nước Trời.

          Mời Bạn: Nhớ rằng hôn nhân không phải chỉ đem lại thú vui, mà còn mang đến trách nhiệm. Bạn chỉ tìm thấy niềm vui thật sự khi nào bạn chu toàn trách nhiệm của mình trong gia đình.

Chia sẻ: Trong đời sống gia đình, tôi tìm thú vui riêng cho bản thân, hay tôi quên mình để chăm lo hạnh phúc của những người thân?

          Sống Lời Chúa: Làm một việc nhỏ để phục vụ, giúp đỡ vợ, chồng, cha mẹ tôi.

          Cầu nguyệnLạy Cha nhân ái, xin Cha thương bảo vệ gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của Thánh Gia, từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ. Xin Cha sai Thánh Thần tình yêu đem hạnh phúc đến mọi gia đình trong đại gia đình nhân loại. Amen.

26 /02/22 THỨ BẢY TUẦN 7 TN

Mc 10,13-16

TỰA TÂM HỒN TRẺ THƠ

          “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào.” (Mc 10,15)

          Suy niệm: Nhà khoa học lừng danh Isaac Newton chia sẻ: “Trong đời mình, tôi nhận biết được hai sự thật: thứ nhất, tôi là kẻ hèn mọn tội lỗi và thứ hai, Đức Giêsu Kitô vĩ đại vô cùng là Đấng cứu độ tôi.” Đứng trước Thiên Chúa cao cả và Nước Trời cao quý của Ngài, nhà khoa học, người trí thức hay kẻ ít học đều phải có tâm hồn của trẻ thơ để có thể đón nhận. Tâm hồn trẻ thơ hay con đường thơ ấu thiêng liêng theo chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là cung cách sống như trẻ thơ: ý thức mình thuộc về Chúa, cần đến Chúa là Cha nhân lành, hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào Ngài, không tính toán lời lỗ thiệt hơn khi làm theo ý Thiên Chúa hay khi hy sinh từ bỏ để đi theo Ngài.

          Mời Bạn: Vào Nước Trời là mục tiêu cao nhất của đời bạn; có tâm hồn trẻ thơ là khả năng nằm nơi tầm tay của bạn. Vấn đề còn lại là bạn có muốn đạt mục tiêu và sử dụng phương cách ấy hay không? Để trả lời cho câu hỏi sinh tử này, bạn cần xác tín hai điều. Trước hết, bạn thấy mình cần có Chúa, cần Ngài tựa như cần không khí để thở. Thứ đến, bạn cũng tin rằng Ngài cần bạn vì Ngài là Cha nhân lành, yêu thương và muốn bạn hạnh phúc.

          Sống Lời Chúa: Tôi tập trở nên như tâm hồn trẻ thơ qua việc ý thức mình lệ thuộc vào Thiên Chúa, cũng như hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi tình yêu thương, quan phòng của Ngài.

          Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống tâm tình trẻ thơ khi tuyệt đối vâng phục, tín thác vào tình thương của Chúa Cha. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, luôn cậy trông, tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha nhân lành.

27/02/22 CHÚA NHẬT TUẦN 8 TN – C


Lc 6,39-45

 

TÍNH CÁCH NGƯỜI MÔN ĐỆ (daobinh.com)

          “Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã…. Xem quả thì biết cây.” (Lc 6,42.44)

          Suy niệm: Bằng những lời ngắn gọn – và dí dỏm nữa – Chúa Giê-su nêu rõ tính cách người môn đệ cần phải có để họ “tri hành hiệp nhất”: cuộc sống của họ nhất quán với lời họ rao giảng. Bằng hình ảnh thật buồn cười của người đang bị cái xà to đùng che kín mắt mình mà còn “le te” đòi nhặt cái rác trong mắt anh em, Chúa dạy các môn đệ thay vì xét đoán tha nhân, trước tiên phải nhìn lại chính mình và sửa đổi bản thân trước đã. Phải lấy cái xà ra khỏi mắt mình rồi mới có thể sáng suốt phân định và giúp người khác phân định dưới ánh sáng của Lời Chúa. Có cái nhìn sáng suốt rồi, nhiệm vụ kế tiếp của người môn đệ là phân định – chứ không phải xét đoán – dựa trên một nguyên tắc chắc chắn đó là “xem quả thì biết cây”: một công việc đem lại kết quả tốt đẹp trước mặt Chúa hẳn là xuất phát từ động lực ngay chính và thánh thiện.

          Mời Bạn: “Lòng đầy thì miệng mới nói ra”. Qua đời sống cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, lòng bạn sẽ “đầy” Chúa. Và như thế bạn sẽ sinh nhiều hoa trái tốt lành đẹp lòng Chúa. Và cũng vậy, lời rao giảng của bạn mới có sức thuyết phục và đáng tin theo.

          Sống Lời Chúa: Chúng ta hãy khiêm tốn xin Chúa cho chúng ta biết được mình để khiêm tốn sửa những điều sai trái. Xin Chúa cho ta biết được người để góp ý chân thành.

          Cầu nguyệnLạy Chúa Giê-su, Chúa dạy chúng con phải sáng suốt, đừng xét đoán và lời nói phải đi đôi với việc làm. Xin cho chúng con luôn nhớ nhiệm vụ của mình để thi hành Lời Chúa cách tốt nhất trong tình yêu và sự trợ giúp Của Chúa. Amen.

28/02/22 THỨ HAI TUẦN 8 TN
Mc 10,17-27

GIẤC MƠ KHÔNG THÀNH

          Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy bán đi những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn sầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,21-22)

                                                         

          Suy niệm: Ai cũng mơ. Có những giấc mơ chưa tròn, có những giấc mơ không bao giờ trở thành hiện thực. Thành công ở đời thuộc về những ai có thể biến giấc mơ của mình trở thành hiện thực. Chàng thanh niên kia đến với Chúa Giê-su trong khi đang ôm ấp một ước mơ: được sự sống đời đời là gia nghiệp. Anh đã tuân thủ mọi giới răn từ thuở nhỏ. Nhưng vẫn chưa hết trăn trở. Chỉ có Chúa mới biết anh còn thiếu một điều: chiếc chìa khóa thần biến giấc mơ của anh thành hiện thực, đó là: “Hãy bán đi tất cả những gì anh có…” Chàng thanh niên không đáp trả. Anh thất vọng như người tìm sai địa chỉ. Anh đã đứng trước ngưỡng cửa, nhưng không cầm lấy chìa khóa. Tiếc thay, một giấc mơ không thành!

          Mời Bạn: Thiên Chúa có một giấc mơ cho bạn, cho tôi. Chu toàn các giới răn chưa đủ; còn cần phải biết cho đi một cách thật quảng đại và vô vị lợi nữa. Mời bạn lắng nghe, đón nhận đề nghị của Chúa trong từng khoảnh khắc của cuộc đời và cộng tác với Ngài để biến giấc mơ đó thành hiện thực.

          Sống Lời Chúa: Mỗi sáng bạn hãy hỏi Chúa muốn bạn hôm nay phải làm hoặc từ bỏ một điều gì để làm người môn đệ của Ngài cách trọn vẹn.

          Cầu nguyệnLạy Chúa, tinh thần thì mau mắn, nhưng xác thịt thì nặng nề yếu đuối. Xin Chúa giúp con biết hy sinh từ bỏ mỗi ngày để thánh ý Chúa có thể thành sự nơi con

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây