Giáo xứ Vinh Hương

Chào hỏi nhau thế nào cho xứng với phẩm giá

Chủ nhật - 27/01/2013 21:03
Thiên Chúa là Đấng đáng tôn thờ, vậy con người mang “hình ảnh” và “phẩm ảnh” của Ngài lại không đáng được tôn kính sao?
Chào hỏi nhau thế nào cho xứng với phẩm giá
Nhớ lúc ở bên Nhật, thấy người ta chào nhau: hai người cúi gập người xuống như bái nhau vậy; người này cúi, thì người kia lại cúi sâu hơn một chút,… cứ như thế “vái vái” nhau đến 2, 3 lần. Tìm hiểu mới biết, người Nhật quan niệm rằng trong mỗi người đều có Phật, cho nên tôn kính nhau là cần thiết (Người Nhật sau khi chết được gọi là “Hotoke” (Phật) chứ không như người Việt, dù sống có là ai, khi chết thì liền bị gọi là ma (cái thứ đáng sợ).

Nay, suy nghĩ về cách chào hỏi của người Việt Nam. Chúng ta chào nhau rất qua loa chiếu lệ, có khi còn giả dối. Quan niệm của Việt Nam về con người cũng đâu thua kém Nhật. Người Phật giáo thì được dạy: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật” (Tất cả chúng sinh đều có tính Phật). Người Công giáo ai cũng biết con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nói theo cách của nhóm học hỏi Giáo huấn Xã hội Công giáo Sài Gòn, con người được tạo ra theo “phẩm ảnh” của Thiên Chúa, tức theo sự tốt lành của Ngài: Chân, Thiện, Mỹ. “Hình ảnh” và “phẩm ảnh” của Thiên Chúa, còn gì quí trọng bằng.

Thiên Chúa là Đấng đáng tôn thờ, vậy con người mang “hình ảnh” và “phẩm ảnh” của Ngài lại không đáng được tôn kính sao? Thế nhưng lời chào và cách chào hỏi nhau của chúng ta hiện này đã thể hiện được “tính tôn kính” đó chưa? Không biết tôi có suy bụng ta ra bụng người, nhưng lắm khi thấy mình chào hỏi người khác còn thiếu cả tôn trọng, chứ đừng nói đến tôn kính. Thấy người đối điện nhỏ bé hơn mình, địa vị thấp, ít học hơn mình, có khi mình còn khinh. Chúng ta kỳ thị nhau nhiều điều lắm. Từ kỳ thị vùng miền, giọng nói, kỳ thị người thành phố với nhà quê; cho đến kỳ thị địa vị, học thức, giàu nghèo, đẹp xấu… Cho nên, người ta nhìn người bên cạnh thấp kém hơn mình, và không chào hỏi nhau bằng cung cách “tôn trọng” hay “tôn kính” được.

Giáo huấn xã hội Công giáo lấy con người làm trung tâm khi bàn đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhân vị (phẩm giá con người) là nguyên tắc hàng đầu trong các nguyên tắc. Mọi người đều bình đẳng về phẩm giá trước Thiên Chúa. Cái phẩm giá ấy mới là cái “giá trị thật” nơi mỗi con người. Còn những thứ như địa vị, giàu sang, sức mạnh, sắc đẹp…, mà người đời thường hay lầm tưởng là giá trị thật, và lấy làm thước đo đánh giá người khác, đó chỉ có “giá trị tương đối”. Những giá trị tương đối này là phụ trợ của giá trị thật, và phải phục vụ phẩm giá con người.

Xét như thế để suy ra rằng, người đối diện ta dù có là ai: có thể địa vị không bằng ta, không giàu bằng ta, không giỏi bằng ta,…, nhưng phẩm giá thì y như ta. Đặc biệt, họ cũng như ta, còn mang hình ảnh của Thiên Chúa, và được cứu chuộc bằng giá máu châu báu của Con Thiên Chúa làm người. Cho nên, khi chào hỏi họ, cung cách, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười của ta phải thể hiện sự tôn trọng và lòng tôn kính.

Người Việt có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, cũng hàm ý rằng việc chào hỏi nhau cách tử tế, có tình có nghĩa, thì còn quí hơn cả việc mời nhau đến ăn uống, tiệc tùng, sâu hơn là nhân cách và phẩm giá con người cao hơn vật chất.
 

Tác giả bài viết: Long Thành (Giáo Huấn Xã Hội Cônng Giáo)

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây