Giáo xứ Vinh Hương

Nguyên tắc liên đới

Thứ ba - 25/10/2011 21:53
Sống liên đới là sống giới răn yêu thương, đỉnh cao của liên đới chính là tình thương và đức ái Ki tô giáo.
Nguyên tắc liên đới

Nguyên tắc liên đới bàn về những tương quan giữa người với người trong cộng đồng xã hội. Bởi mỗi chúng ta sống là SỐNG VỚI, SỐNG CÙNG và SỐNG CHO NGƯỜI KHÁC, nên có thể hiểu liên đới như là một hình thức hiện đại hóa của bác ái Ki tô giáo hay “toàn cầu hóa” tình yêu thương phổ quát. Sống liên đới là sống giới răn yêu thương, đỉnh cao của liên đới chính là tình thương và đức ái Ki tô giáo.

Liên đới thường được thể hiện dưới hai hình thức: liên đới hoàn cảnhliên đới thân phận.

Liên đới hoàn cảnh đòi hỏi ta phải nhìn về những con người có số phận, hoàn cảnh kém may mắn, bất hạnh hơn bằng trách nhiệm. Cũng như  người nhà giàu và anh Lazaro trong Kinh Thánh, người nhà giàu xem ra không có lỗi tội gì với anh Lazaro, nhưng ông ta vẫn bị sa hỏa ngục vì Chúa đòi buộc ông ấy phải có trách nhiệm chia sẻ những hồng ân mà Chúa đã trao ban cho ông, cho những người yếu thế mà Chúa đã đặt bên cạnh ông ta. Sự chia sẻ ấy nếu không làm là mắc tội, chứ không phải là một sự làm phước, ban ơn như người đời vẫn thường lầm tưởng.

Liên đới thân phận đòi hỏi một sự từ bỏ, hy sinh triệt để hơn, như Chúa Giêsu từ bỏ tước vị Thiên Chúa để liên đới với con người tội lỗi yếu hèn, Người đã trở nên giống hệt chúng ta về mọi mặt, chỉ trừ tội lỗi. Đó là một minh chứng sống động về liên đới thân phận. Hoặc như khi Chúa Giêsu mời gọi anh nhà giàu về bán hết tài sản để theo Chúa, là Chúa mời gọi anh ta liên đới thân phận với những người nghèo khổ. Sự mời gọi liên đới thân phận đòi hỏi anh ta phải tách ra khỏi vị trí an toàn của mình, hòa nhập vào một thân phận mới đầy bất trắc. Anh nhà giàu này đã không làm được vì sự liên đới thân phận đòi hỏi nơi anh một lòng mến dồi dào, một đức tin trổi vượt và một hy sinh lớn lao.

Chân phước Gioan Phaolô II định nghĩa “liên đới không phải là một cảm xúc trắc ẩn mơ hồ hay cái xót xa hời hợt trước bất hạnh của nhiều người gần xa. Ngược lại đó là quyết tâm vững chắc và kiên trì để dấn thân phục vụ thiện ích chung”.

Hơn thế, ngài còn gọi “liên đới” là một “nhân đức”, nghĩa là một thói quen tốt phải thường xuyên luyện tập, để không còn phải tự chất vấn nên làm hay không nên. Không phải nên mà là phải; không phải trao mà là trả lại cho anh em những quyền mà họ đã đón nhận từ Thiên Chúa: quyền được sống, được yêu, được tự do, được tôn trọng nhân phẩm...

Tác giả bài viết: Mẩu Bút Chì (lược ký bài chia sẻ của nữ tu Maria Josephine Trần Thị Thanh Lương op.)

Nguồn tin: ghxhcg.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây