Giáo xứ Vinh Hương

Chiếc ghế

Chủ nhật - 02/10/2011 01:27

Chiếc ghế

- Một ngày trước kia mở mắt chào đời, làm quen với thế giới chung quanh. Rồi sẽ tới ngày nhắm mắt buông xuôi, vĩnh biệt dương thế.

 

Trong những dịp đại lễ, số người đông đến nỗi hàng ngàn chiếc ghế nhựa được dự trù sẵn đều hết sạch, và người ta mới xoay xở để ‘tiếp tế’những chồng ghế nhựa khác nữa. Quang cảnh thật hỗn độn và ồn ào, vì ai cũng muốn giành cho mình một chiếc ghế để ngồi.

Trong bối cảnh ấy, chiếc ghế xem chừng là điều quý giá nhất và người chiếm hữu được tỏ ra rất mãn nguyện, vì nó bảo đảm cho mình một sự dễ chịu và là bằng chứng sự tài khéo của mình hơn những người khác. Người đã dành được vật quý lại sợ bị mất, nên họ cứ loay hoay động đạc liên tục, họ bị gò bó vì không dám di chuyển quá nửa bước… tâm trí họ bị phân tâm nhiều vì chiếc ghế.

Quyền lực và danh dự có thể là điều làm ta bận tâm trên cõi đời: loay hoay bảo vệ và củng cố. Ta vui khi có ai đó khen tặng tài năng và thành công; và ngược lại ta buồn khi không ai để ý đến những việc tốt đẹp và hơn người mà ta đã thể hiện. Ta thường “phùng mang trợn má” để minh chứng sự sáng suốt và trổi vượt của ta, sự lanh lợi của ta giữa trường đời, sự tinh tế của ta về ngôn từ, sự tinh nhạy của ta về nghệ thuật. Đúng ra, mọi sự tôi có được đều là bởi ơn Thiên Chúa ban, tất cả chúng chỉ là bọt bèo khi đến giờ tôi trình diện Chúa, người có bản lãnh không cần phải lớn tiếng biện minh cho những gì mình làm.

‘Ý riêng và cái tôi’ cũng là một sở hữu gây nhiều rắc rối trên con đường trọn lành. Biết quên mình để hy sinh cho người khác là một cuộc chiến gay cấn. Đứa trẻ sinh ra đã có khuynh hướng ích kỷ ẩn sẵn nơi mình, nó phải đấu tranh dữ lắm mới biết hy sinh cho chính mẹ mình; lớn lên, nó phải biết dẹp tự ái để biết nghĩ đến người khác, từng ngay…;chính tập thể và nhà trường giúp nó quên mình vì đại nghĩa, vì tha nhân, vì đất nước và nhân loại; khi đến tuổi yêu, người ta dạy nó: “Yêu là mưu cầu hạnh phúc cho người kia, chứ không phải là tìm thỏa mãn những đòi hỏi của bản thân mình –yêu là cùng nhìn về một hướng – yêu là biết quảng đại trao ban chính bản thân mình, như Đức Kitô đã hiến mình vì Hội Thánh”. Người ta thường loay hoay với những lý lẽ nực cười, để biện minh cho cái tôi, khi nó bị tổn thương. Người ta muốn loại trừ Thiên Chúa để tôn vinh cái tôi, muốn làm gì thì làm: ‘tự dương tự tác’.

Của cải trần thế mà ta đã vất vả mưu sinh cả cuộc đời cũng là một mối bận tâm đáng kể, và có thể nói là mối ràng buộc lớn nhất mà ta bị trói buộc vào, vì có tiền là có tiện nghi và được người đời kính trọng. Thánh Phêrô đã nói: “Lòng ham muốn của cải là đầu mối sinh ra mọi tội lỗi trên trần gian nầy”. Hà tiện là một trong 7 mối tội đầu, nó khiến ta không dám xài tiền cho những nhu cầu sức khỏe của chính mình, phụng dưỡng cha mẹ, đóng góp xây dựng Giáo hội, hy sinh thời giờ cho việc phục vụ tha nhân. Khi lần hạt mầu nhiệm thứ 3 mùa vui, ta chiêm ngắm Chúa Giêsu được sinh ra trong hang đá – xin cho mình biết ‘ít dính bén vào của cải để cậy dựa nhiều hơn vào Thiên Chúa’.

Vẫn biết rằng đến giờ chết, ta phải bỏ lại mọi sự và ra đi với hai bàn tay trắng; nhưng tự nhiên mà rứt bỏ một phần của cải thì đau lòng như ‘rứt ruột’ vậy, nên đôi lúc Chúa cho phép gian nan xảy đến để giúp ta biết từ bỏ những thứ ta hằng ôm ấp: sức khỏe, danh vọng, tài năng và cả thế giới nầy cùng với người thân - bạn bè. Thánh Phaolô đã nói: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé”(1Tm 6,10). Thật thú vị khi đọc lại bài Đường Đời sau đây:

Đường đời vòng quanh như một con rắn tự ngoặm lấy đuôi mình. Con người trần trụi từ lúc bắt đầu mở mắt, năm này qua năm khác, đi lên cho tới giữa cuộc đời, vào tuổi trung niên, rồi dần dần đi xuống. Rốt cuộc, với tấm hình hài trần trụi, con người lại trở về vị trí khởi hành.

Dần dần, con người tăng trưởng, tầm vóc cao lên. Rồi một ngày, lưng thêm còng, gối thêm mỏi, thân hình như lụn dần, cuối cùng thì nghiêng mình cúi xuống cát bụi.

Dần dần con người khai triển ngũ quan, mở rộng tầm nhìn tầm nghe, những quan năng khác cũng tăng tiến hoàn chỉnh như thể buổi sáng mở toang các cánh cửa sổ. Rồi mỗi ngày, mắt thêm mờ, tai thêm lãng, khép dần các ngũ quan như thể đóng cửa về đêm.

Mỗi ngày một chút, kiến thức đủ loại tích lũy trong trí nhớ. Đến lúc về già, nói trước quên sau, để đâu quên đấy.

Mỗi ngày một chút, chân thêm vững, tay thêm khéo, miệng thêm lưu loát. Tới ngày xế bóng, tay chân run rẩy vụng về, nói năng chậm chạp lung túng.

Một ngày trước kia bắt đầu tập nói. Một ngày sau này lại nói chẳng ra hơi.

Một ngày trước kia rời vòng tay mẹ, chập chững biết đi. Một ngày sau này không còn sức xê dịch, phải vịn cánh tay con cháu.

Thuở còn nằm nôi, mẹ cho bú mớm, thay lót đổi tã. Rồi sẽ tới ngày phải nằm liệt, con cháu chăm nom, lau mặt thay áo, xúc cơm đổ thuốc.

Một ngày trước kia mở mắt chào đời, làm quen với thế giới chung quanh. Rồi sẽ tới ngày nhắm mắt buông xuôi, vĩnh biệt dương thế.

Một ngày trước kia lần đầu hô hấp, con người sinh ra. Rồi sẽ tới ngày thở hắt ra lần cuối, con người đi vào cõi chết.

Một ngày xa xưa, trước khi ra đời, chín tháng mười ngày nằm trong dạ mẹ ấm áp, thêm thịt thêm xương mà hình thành cơ thể. Tới ngày cuối cùng đi vào lòng đất giá lạnh, hình hài dần dần phân hóa, thịt xương trở về với tro tàn.

Một ngày xa lắm, con người xuất phát từ người cha mình như một hạt giống truyền sinh. Tới ngày chấm hết cuộc đời trần thế, con người trở về trong Cha của mọi người cha phàm trần, để rồi được tái sinh nơi cõi trường sinh bất tử.

Tới lúc đó, trong một bản thể mới, tất cả lại bắt đầu...

(nữ tác giả Marie Noel  1883 – 1967, nguồn: cha Quang Uy với bản dịch của ba mình là ông Lê Văn Lộc).

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 

 

 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây