Giáo xứ Vinh Hương

Bài học tha thứ

Thứ hai - 07/08/2023 21:30
Bài học tha thứ


Cứ mỗi chiều thứ Bảy, tôi lại được đi thăm viếng người nghèo. Những người mà chúng tôi gọi là “những người bạn của Chúa”. Thoạt nghe, sao cụm từ này thân thương đến nhẹ lòng, nhưng càng ngẫm nghĩ, càng đi vào với thực tế, cụm từ này lại làm lòng tôi nghẹn đắng.

Có hai đứa trẻ, có “bố” nhưng không có “cha”, có ‘má” nhưng chẳng có “mẹ”. Hai em được sinh ra, cha đi theo gái, mẹ đi theo trai, để hai em lại cho ông bà nội. Hai em bảo: “Thầy ơi, chúng con có bố là ông nội chứ không có cha đẻ. Có má là bà nội chứ không có mẹ sinh ra.” Qua hỏi chuyện, tôi biết cha mẹ hai em vẫn còn sống. Họ đã có gia đình riêng của mình. Họ không giàu nên chẳng chu cấp gì cho hai em cả. Ông bà nội còng lưng nuôi hai em từ khi đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ 1 tuổi, đến giờ đứa lớn đã 21 tuổi rồi. Nếu lời chia sẻ của em dừng lại ở đây thì cũng quá đủ để tôi suy nghĩ rồi. Nhưng em lại tiếp: “Khi con học lớp 11, trong lúc đóng học phí cho cô giáo, cô nhìn con với vẻ mặt khó chịu và nói rằng: “Sao cô cứ đóng cho tôi toàn tiền lẻ không vậy, cô có biết tôi phải kiểm lại mệt lắm không?” Em gái nói tiếp: “Con thinh lặng trong giây lát rồi từng chữ một con đáp lại lời cô: ‘Cô biết không, đây là số tiền bà nội em đi hái rau muống thuê cho người ta gần hai tháng đó. Em cũng đã định ra hàng tạp hóa đổi tiền chẵn rồi nhưng làm vậy không xứng đáng với công sức của bà.’” Và em đã bỏ học từ đấy. “Sao trên đời này chẳng ai coi trọng người nghèo cả vậy thầy? Cả những người có học cũng xúc phạm đến họ nữa” – em buồn bã nói với tôi.

Lời chia sẻ của em làm sống lại kí ức đã được chữa lành của tôi. Tôi muốn một điều gì đó nơi em, nên tôi đã chia sẻ với em kinh nghiệm tương tự của mình.

Từ lớp 9 chuyển sang lớp 10, thầy phải chuyển từ trường làng xã sang trường thị trấn. Chuyện xảy ra với thầy tương tự như đã xảy ra cho em vậy. Tôi kể tiếp, “đến lúc phải đóng học phí, ở quê thầy, học sinh đóng nguyên một học kỳ. 20.000 đồng cho mỗi tháng, vị chi là phải đóng 100.000 đồng một học kỳ. Thầy cũng đưa tiền cho cô giáo, cô cũng nhăn mặt và nói: “Nếu nhà em nghèo quá, em có thể nghỉ học giúp bố mẹ đó. 100.000 mà toàn tiền 500 đồng, 1000 đồng… thế này tôi phải đếm từng đồng mệt lắm.” Không giống em, tôi kể tiếp: “Với giọng vô cùng giận dữ, thầy nói với cô giáo: ‘Cô biết không, để có được số tiền này, mẹ em đã phải đạp xe đạp hàng chục cây số, bán từng củ khoai củ mì đó. Cô không tôn trọng em, không sao. Nhưng cô phải tôn trọng mẹ em, cô hiểu chứ? Cô không xứng đáng là giáo viên của em. Thầy ra khỏi lớp và nghĩ rằng cả đời này, thầy không thể tha thứ cho cô giáo bởi sự tổn thương cô đã gây ra.”

Thấy em được an ủi, tôi bắt đầu rỉ rả đoạn kết của câu chuyện.

“Nhưng em biết không, khi thầy ở trong Nhà Tập, thầy suy niệm bài Tin Mừng về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Thầy dừng lại ở hình ảnh Chúa quỳ xuống bên Giuđa – kẻ phản bội – rửa từng ngón chân đầy bụi đất của ông, rửa xong, Chúa lau khô rồi hôn chân ông và ánh mắt Chúa như muốn nói: ‘Giuđa ơi! Con nghĩ lại đi nhé, Thầy không loại bỏ con đâu, Thầy luôn yêu con. Chúa đã chữa lành vết thương lòng của thầy, và từ đó, thầy đã tha thứ cho cô giáo của mình.”

Thấy em xúc động, tôi bồi thêm:

“Sau khi khấn dòng, thầy đã điện thoại cho cô giáo và cô đã khóc như một trẻ thơ khi nhận ra thầy, và thầy cũng vậy. Cô thổn thức: ‘Cô biết nói lời xin lỗi em là không đủ. Nhưng 10 năm cũng đã đủ để cô nghiệm ra lỗi lầm của mình. Thầy cũng nghẹn ngào trả lời: “Em cám ơn cô, nhờ cô mà em biết thế nào là sự tha thứ.”

“Cám ơn lời chia sẻ của em” – tôi nói thế và ra về.

Ngô Sơn, S.J.

Nguồn tin: www.dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây