Giáo xứ Vinh Hương

Sao lại kỳ thị nạn nhân nhiễm virus Covid-19?

Thứ năm - 26/08/2021 21:00
Tôi rất đau lòng và cảm thông với những người không may nhiễm phải virus Covid-19 vì nỗi cô đơn, buồn tủi và tình trạng bị ghẻ lạnh, xa lánh, kỳ thị của một số người dành cho họ. Đã mấy lần tôi muốn lên tiếng nhưng cứ chần chừ. Hôm nay tôi quyết tâm dành chút thời gian viết vài dòng suy nghĩ, hy vọng đóng góp một góc nhìn cảm thông, một nhãn quan tích cực về các nạn nhân Covid-19.

Đầu tiên, phải khẳng định rằng, không phải hễ cứ ai nhiễm virus Covid-19 là trở thành bệnh nhân. Điều này ai cũng biết, vì nhiều người bị nhiễm mà không có triệu chứng. Đúng hơn phải nói rằng, họ là nạn nhân của đại dịch Covid-19. Chỉ khi nào nạn nhân xuất hiện triệu chứng, hoặc triệu chứng nặng, khi đó mới gọi họ là bệnh nhân. Ngay từ đầu, cách “gọi tên” của chúng ta đã “có vấn đề.” Mãi đến gần đây, ngày 25/07/2021, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới điều chỉnh lại rằng, Người nhiễm Covid-19 chưa phải là bệnh nhân.[1] Tuy nhiên, cách gọi những người liên quan là “F này” hay “F kia” (F0, F1…), hay Bệnh nhân số này số nọ (BN số xyz…) cũng là một cách gọi không ổn, dẫu biết rằng đó chỉ là những “hạn từ kỹ thuật” để gọi tên vấn đề cách đơn giản và dễ hiểu hơn. Khi cách gọi ấy gợi lên, hoặc dẫn đến một sự kỳ thị nào đó đối với người kém may mắn (vì bị nhiễm Covid-19) thì chúng ta nên điều chỉnh lại. Trên thực tế, hiện nay trên các phương tiện truyền thông, người ta chỉ còn dùng hạn từ “F này, F kia” thôi, chứ không ai còn đủ sức để gọi tên BN số mấy trăm ngàn, hay số mấy triệu nữa. Và hiện nay, người ta cũng đang có xu hướng muốn thay đổi cách gọi này.[2]

Trở lại với thái độ cần phải có với các nạn nhân của đại dịch Covid-19 toàn cầu. Ngay sau khi nó bùng phát, vào tháng 3 năm 2020, nơi tôi ở có một người bị nhiễm Covid-19. Tôi là một trong số những người đã ở trong cùng một không gian với nạn nhân (tiếp xúc gần), mà theo cách dùng từ của Việt Nam thì đó là F1. Xung quanh tôi, trừ một vài người tỏ ra “sợ sệt,” đa số còn lại đều không quá kinh hãi đến mức không dám nói chuyện với người khác dù đứng cách xa nhau vài mét. Dĩ nhiên những ai tiếp xúc gần với nạn nhân thì phải nghiêm chỉnh cách ly trong phòng riêng. Sau 14 ngày mới trở lại sinh hoạt bình thường. Có lẽ vì “quá hiểu biết” sự nguy hiểm của Covid-19, nên một số ít người luôn giữ thái độ dè dặt quá mức cần thiết, nghĩa là không dám đụng chạm đến bất cứ đồ vật gì trong nhà khi chưa “xịt cồn khử khuẩn;” lúc nào cũng khẩu trang kín mít dù ở ngay trong chính ngôi nhà của mình; không dám đụng chạm tới ai hay để ai đụng chạm tới mình. Kể cả khi người bị nhiễm Covid-19 kia đã khỏi bệnh, hễ thấy họ từ đàng xa, người nọ đã lảng tránh tìm lối đi khác. Cứ như người ta là “hủi” không bằng.

Điều trớ trêu là, không ai có thể miễn trừ cho mình khỏi việc ăn uống. Ngày ba bữa, khi ăn họ vẫn 5-6 người một bàn, truyện trò, cười đùa rôm rả. Sao lúc đó họ không nghĩ tới chuyện con virus Corona có thể “văng” từ người này qua người kia, vì họ đang ngồi khá gần nhau. Sao khi ăn họ không tiếp tục đeo khẩu trang nhỉ, mà chỉ vô tư “tuột” chiếc khẩu trang xuống dưới cằm, rồi lúc ăn xong, lại kéo nó lên che miệng. Họ không biết rằng, cách sử dụng khẩu trang như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác nữa.

Một gia đình kia có người thân bị Covid-19. Ngay trong thời gian người đó đang bị cách ly nghiêm ngặt ở bệnh viện, người thân của họ, dù không hề có tiếp xúc gần, nghĩa là không phải là F này F nọ, nhưng cũng bị mọi người đối xử ghẻ lạnh, xa lánh, bị hàng xóm láng giềng bàn ra tán vào. Ai cũng nói, nhà nó bị Covid-19 đấy, tránh voi chẳng xấu mặt nào, cứ tránh xa thì hơn... Hơn nữa, sau khi người đó khỏi bệnh về nhà, hết thời gian bắt buộc phải cách ly, cả gia đình họ vẫn bị mọi người xung quanh chỉ trỏ, dòm ngó, bàn tán, ngoài đời thật cũng như trên mạng ảo, thậm chí có người còn thêu dệt lên những chi tiết li kỳ nhằm câu view, câu like. Trong trường hợp này, ai là “hủi” và ai là lành nhỉ? Còn có nhiều chuyện dở khóc dở cười khác nữa tương tự hoặc hơn, đã và vẫn tiếp tục xảy ra xung quanh mỗi người chúng ta, ngay giữa cơn đại dịch.

 
Như đã nói, cách gọi những người nhiễm Covid-19 là bệnh nhân là không chính xác. Vì có những người nhiễm Covid-19 mà không có triệu chứng nào, hoặc chỉ có triệu chứng rất nhẹ, như hắt hơi, sổ mũi, mất vị giác… Dĩ nhiên, vì mức độ lây lan của Covid-19 nên cần cẩn trọng, hạn chế tiếp xúc gần hầu tránh lây lan dịch bệnh. Nhưng tránh tiếp xúc gần không có nghĩa là chúng ta có quyền kinh tởm, kỳ thị, và khinh dể họ. Tuy nhiên, từ cách hành xử thực tế của những người có trách nhiệm, đến việc phóng đại của giới truyền thông, nhất là với sức mạnh của mạng xã hội bình luận, suy diễn, mà hiện nay, ngoại trừ các nhân viên y tế hàng ngày chăm sóc cho người nhiễm Covid-19 và một số ít người hiểu biết khác, đại đa số dân chúng đều đang có cái nhìn rất tiêu cực, thậm chí kỳ thị với những người bị nhiễm Covid-19. Họ bị đối xử kỳ thị từ chính đồng bào mình. Dĩ nhiên, điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới, khi ít khi nhiều, nơi nào cũng có.

Những cách hành xử bất công như trên đã để lại những hệ luận nghiêm trọng nơi các nạn nhân Covid-19 mà giới chuyên môn gọi là hội chứng “xấu hổ vì Covid-19” (Covid-19 shaming). Điều này không quá khó hiểu. Với các loại bệnh lý thông thường khác, mọi người đều được bảo vệ bởi quyền bí mật thông tin sức khỏe cá nhân. Tuy nhiên, từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, quyền này (dường như) được miễn trừ, và tại nhiều nơi trên thế giới, nó thậm chí còn bị lạm dụng không thương tiếc. Người ta không ngại đăng thông tin của những người bị nhiễm Covid-19 lên các phương tiện truyền thông, từ tên tuổi đến địa chỉ, lịch sử đi lại và giao tiếp (tên thì được viết tắt, nhưng tuổi và địa chỉ thì tương đối rõ ràng, cũng có trường hợp nêu đích danh, đầy đủ). Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh của đại dịch Covid-19, việc hy sinh quyền bí mật sức khỏe cá nhân là điều cần thiết, nhưng cái gì cũng cần phải có giới hạn. Dù không ai bảo ai, nhưng dường như đa số dân chúng đều cũng có chung một cách suy nghĩ đại loại là, những người này chắc là đã đi lại lung tung, tiếp xúc bừa bãi, hoặc đã bất cẩn không giữ đúng các quy tắc phòng ngừa dịch bệnh… Một số người thậm chí còn “nhiệt tình thái quá trong việc bới lông tìm vết,” đi lục tung các trang mạng xã hội của nạn nhân và làm tất cả những gì có thể để “bốc phốt” họ. Đây là điều chưa từng xảy ra. Tình trạng nghiêm trọng đến độ cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn, thậm chí tương quan gia đình cũng vì thế mà bị rạn nứt. Chính những thái độ này đã dẫn đến một số trường hợp khai báo gian dối, giấu giếm thông tin vì sợ bị “bêu tên” trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Dĩ nhiên, cũng có một số người ý thức trách nhiệm kém nên đã khai báo gian dối để trốn tránh cách ly… Tất cả những điều này lại càng gây khó cho việc ngăn chặn dịch bệnh. Thực ra, không ai là người muốn bị nhiễm Covid-19, vì tất cả đều chỉ là nạn nhân mà thôi.

Cũng vì hội chứng xấu hổ vì Covid-19 mà hiện nay, nhiều người, nếu may mắn đã vượt qua được lưỡi hái của tử thần Covid-19, thì vẫn chưa vượt qua được sự kỳ thị, ghẻ lạnh, xa lánh của những người đồng bào mình. Vì thế, nhiều nạn nhân Covid-19 không muốn công khai thông tin mình đã bị nhiễm ra sao; không muốn cho người quen biết mình đã khỏi bệnh thế nào. Và nhất là, họ không muốn những người “tỏ ra hiểu chuyện” công bố thông tin của cá nhân và gia đình họ lên mạng xã hội. Họ sợ rằng, chỉ trong một vài ngày, thông tin ấy sẽ lan truyền đến tận chân trời góc biển. Và nỗi sợ này là có thật. Nhiều người đã căng thẳng, nổi khùng, có người tìm đến cái chết để vì không vượt qua được nỗi xấu hổ không đáng có mà những người xung quanh đã gây nên cho họ. Xin được khẳng định lại rằng, họ chỉ là nạn nhân mà thôi. Chính những người chưa bị nhiễm Covid-19, vì vô tình hay cố ý, đã và đang khoét sâu thêm nỗi đau của họ, từ thể lý đến tinh thần.

Bên cạnh sự kỳ thị nạn nhân Covid-19. Tại một số nơi còn có cả chuyện kỳ thị người đến từ vùng đang có dịch hoành hành. Trong những ngày qua, nhiều tỉnh thành bị phong tỏa, các công ty xí nghiệp đóng cửa, công nhân thất nghiệp kéo nhau về quê tìm đường sống sót. Nhưng họ bị người đồng hương ghẻ lạnh, xa lánh, thậm chí từ chối đón tiếp trở về quê nhà. Đúng ra trong lúc cơ hàn này, các địa phương đã phải tổ chức đưa đón họ trở về rồi hỗ trợ, nâng đỡ. Họ đã phải rời xa quê hương vì miếng cơm manh áo, nay không còn kế sống, phải trở về, thì lại bị chính những người đồng hương từ chối. Lập luận rằng, các cơ sở cách ly đã kín chỗ, điều kiện cơ sở vật chất của địa phương không thể chu cấp được, tất cả đều là ngụy biện. Nó chứng tỏ sự yếu kém trong quản lý, hoặc xuất phát từ thái độ kỳ thị đã nói trên. Hãy bình tâm ngẫm nghĩ xem, hiện nay cuộc sống của những người bị từ chối đó như thế nào? Có phải chúng ta đang đẩy họ vào tình trạng “thừa sống thiếu chết” nơi điểm nóng của dịch Covid-19 không? Nếu những người này may mắn vượt qua được đại dịch, chúng ta phải cùng nhau tạ ơn trời đất. Còn nếu họ phải cô đơn kết thúc cuộc đời nơi bệnh viện dã chiến (và chắc chắn sẽ có), thì liệu những người đưa ra quyết định từ chối, những người có thái độ kỳ thị với người đồng hương của mình sẽ nghĩ thế nào. Lương tâm họ có day dứt không?

Ai cũng biết, tại Sài Gòn và một vài tỉnh thành lân cận phía Nam, số người bị nhiễm Covid-19 đã khá nhiều, dường như người ta không còn nơi nào để né tránh nữa. Và thực tế là, nhiều người không còn đủ sức để tiếp tục kỳ thị nữa, vì hầu như gia đình nào cũng có người thân, người quen nhiễm Covid-19. Ra khỏi nhà, ngó xung quanh, chỗ nào cũng dây giăng, rào chắn, chỗ nào cũng thấy màu đỏ, màu vàng, nếu có thấy màu xanh thì lại là màu “rằn ri” của các anh bộ đội… Nếu ai đó muốn tiếp tục né tránh người nhiễm Covid-19 thì chỉ còn một cách là cứ “rụt cổ” ở yên trong nhà. Thực tế trong những ngày này, dù muốn dù không, nhiều người đều đang phải “ở đâu ở đó” theo đúng nghĩa đen.

Cứ thử tưởng tượng, nếu vào thời điểm này (nghĩa là sau mấy tháng giãn cách, mấy tuần CT 16++), dù cho dịch bệnh vẫn “tràn đồng,” và nếu chính quyền của các tỉnh thành kể trên bỗng dưng cho phép mọi người được đi lại tự do, mọi sinh hoạt trở lại bình thường, tôi dám chắc đường phố Sài Gòn, Bình Dương hay Biên Hòa lại tấp nập như hội, thậm chí còn nhộn nhịp hơn thời gian bình thường trước đây. Tại sao vậy? Vì mọi người đã quá “cuồng chân” trong một không gian nhỏ hẹp mấy chục mét vuông trong một thời gian dài. Vì mọi người đều đã cảm nhận được nỗi đau buồn mất mát vì sự ra đi của thân nhân, bạn bè, hàng xóm mà chưa có dịp chia sẻ ủi an trực tiếp. Tuy nhiên, cho đến lúc này, điều tưởng tượng trên chưa thể là sự thật. Chúng ta phải tiếp tục chấp nhận ở yên trong nhà hầu an toàn tính mạng bản thân cũng như cộng đồng. Chấp nhận hy sinh lùi một bước để lấy lại sức mạnh cho những bước kế tiếp, để tiếp tục sống và phát triển kinh tế.

 
Paralympic Tokyo 2020 (2021) đang diễn ra tại Nhật. Đại hội thể thao này cho thấy và mời gọi những người khỏe mạnh trân trọng người khuyết tật. Đây cũng là cơ hội để những người khuyết tật chứng tỏ cho thế giới biết họ “tàn” nhưng không “phế.” Ngày nay, chúng ta đã thay đổi khá nhiều trong cách ứng xử với người khuyết tật, từ việc nhường quyền ưu tiên đến việc dành cho họ sự trân trọng cần thiết. Đây là điều chính đáng vì ai cũng có phẩm giá, nhân phẩm như nhau. Hơn nữa, vì họ kém may mắn hơn, nên chúng ta cần dành quyền ưu tiên và tình thương cho họ nhiều hơn. Nạn nhân của đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia. Việt Nam chúng ta không phải là ngoại lệ. Hơn lúc nào hết, họ đang cần cái nhìn cảm thông thay vì kỳ thị từ chính đồng bào mình, để vượt qua nỗi đau tinh thần và thể xác. Hơn nữa, những người lành, nghĩa là chưa bị nhiễm Covid-19, hãy tỏ ra hiểu biết hơn, để giữ đúng những nguyên tắc y tế cần thiết nhằm bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng, và nhất là để trân trọng phẩm giá của người khác, trân trọng quyền được tôn trọng của mỗi người. Bên cạnh đó, hãy có cái nhìn cảm thông với những nạn nhân trước mình. Biết đâu mai đây chúng ta lại là người kế tiếp. Bộ y tế đã từng gợi ý, mỗi người hãy coi như mình đã mang virus trong người. Và nếu như chúng ta may mắn không trở thành nạn nhân, thì hãy đặt mình vào vị trí của người bị nhiễm Covid-19, chúng ta sẽ biết mình phải có thái độ, tâm tình và cách ứng xử như thế nào.

Mong cho đại dịch mau qua, và mong sao người dân chúng ta bớt khổ. Nhất là, mong sao mỗi người nhìn nhận các nạn nhân Covid-19 như là anh chị em, là người ruột thịt của mình.

 

[1] X. Người nhiễm Covid-19 chưa phải là bệnh nhân. X. https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/nguoi-nhiem-Covid-19-chua-phai-la-benh-nhan.
[2] Báo tuổi trẻ online ngày 25/8/2021 có bài, Không gọi nhau là 'F', mà gọi nhau là 'Friend - Bạn'. X. https://tuoitre.vn/khong-goi-nhau-la-f-ma-goi-nhau-la-friend-ban-20210824224046452.htm.
114.864864865135.135135135250

Tác giả bài viết: Tiến Hưng, OP.

Nguồn tin: www.daminhvn.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây