Giáo xứ Vinh Hương

Gia đình, Hội thánh tại gia

Chủ nhật - 29/12/2013 18:02

Gia đình là một tập thể nhỏ gồm có nam- nữ, già- trẻ, cha mẹ-con cái.
 
Công  đồng Vaticanô II gọi gia đình Kitô hữu là Hội Thánh thu nhỏ hay Hội Thánh tại gia. Các thành viên trong gia đình Kitô hữu, Hội Thánh nhỏ là những thành phần có đức tin và đã nhận phép rửa; họ là những con cái của Thiên Chúa, là con dân của Nước Thiên Chúa, là chi thể của Hội Thánh,Thân Thể Đức Kitô.
 
Toàn thể dân Thiên Chúa được tham dự vào ba chức năng mà Đức Kitô đã được xức dầu và tấn phong là “Tư tế, Ngôn sứ và Vua”, và lãnh trách nhiệm thực hiện sứ mạng phục vụ xuất phát từ ba chức năng ấy.
 
Là Hội Thánh tại gia, cộng đoàn gia đình Kitô hữu thuộc dân Thiên Chúa cũng được tham dự vào ba chức năng ấy và cũng có trách nhiệm thực hiện sứ mạng phát xuất từ ba chức năng ấy nhờ Bí tích Rửa tội và Bí tích Hôn phối.
 
Trước hết, Hội thánh nhỏ là một cộng đoàn yêu thương nhau.
 
Những bổn phận của các thành viên trong gia đình là: “ Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng sa ngã” ( Cl. 3: 18-21)
 
Riêng phận làm con, sách Huấn ca đã dạy: khi còn trẻ thì vâng lời tôn kính cha mẹ. “ Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ. Ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng”. Hc. 3: 2-6)
 
và khi cha mẹ về già thì lại phải: “ Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi  người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghiã đối với cha sẽ không bị quên lãng, và đền bù tội lỗi cho con”( Hc. 3: 12-14) 
 
Vợ chồng yêu thương và tùng phục nhau như Chúa Kitô yêu Hội thánh, và như Hội thánh tùng phục Chúa Kitô. Con cái vâng lời tôn kính cha mẹ và làm vẻ vang cha mẹ như  dân Thiên Chúa tôn kính tuân phục Thiên Chúa.
 
Những đức tính mà vợ chồng phải đối xử với nhau là yêu thương thủy chung với nhau, chấp nhận, tha thứ những thiếu sót của nhau như sự trung tín của Thiên Chúa với Giao ước của Ngài, như sự trung tín của Đức Kitô với Hội thánh. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại bằng một tình yêu vĩnh viễn và không bao giờ rút lại, thì tình yêu chung thủy của vợ chồng cũng được tham dự vào tình yêu thủy chung ấy. 
 
Cộng đồng yêu thương, chung thủy, hợp nhất phải được xuất phát từ Thiên Chúa Tình yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa.
 
Tại một làng ở miền nam nước Ý, có lệ làng đã trở thành truyền thống: nếu ai bắt được một người phụ nữ ngoại tình khi chồng còn sống, thì dân làng sẽ báo cho chồng biết trước một ngày. Ngày hôm sau, dân làng sẽ dẫn cô vợ mất nết ấy lên trên một triền núi, và xô xuống vực thẳm cho chết để là gương răn đe phụ nữ khác trong làng.
 
Không may cho bà Cathérine Margot đã bị dân làng bắt quả tang ngoại tình với một người làm công lúc chồng đi vắng. Người ta báo tin cho chồng bà là Auguste Maquet biết sẽ xử vợ anh theo luật lệ của làng.
 
Thế là anh chồng đi mua một tấm lưới rộng. Anh lẻn giăng lưới trước dưới chân núi. 
 
Lúc dân làng xô cô vợ xuống núi, lưới anh giăng đã cứu thoát cô vợ không rơi xuống vực thẳm. Anh đỡ lấy vợ và đưa vợ về nhà.
Từ đó, vợ anh yêu anh thắm thiết hơn. Tỏ ra biết ơn anh cách đặc biệt, cô luôn tìm cách làm vừa lòng chồng, hăng say mọi việc trong nhà.
 
Thứ đến, gia đình Kitô hữu, Hội thánh nhỏ phải là một cộng đoàn cầu nguyện và sống đức tin.
 
Để có được một cộng đoàn sống đức tin, phải đặt Thiên Chúa làm trung tâm của gia đình, phải biến gia đình thành cộng đoàn cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa. Hiệp thông với nhau trong kinh nguyện là phương tiện củng cố đức tin, đồng thời tạo được sự hiệp nhất trong gia đình. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện. Thánh Phaolô đã khuyên: “ Ước gì lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do thần khí linh ứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” ( Cl. 3: 16-17)
 
Văn phòng nghiên cứu các sự kiện xã hội, và đời sống hôn nhân gia đình của người Mỹ cho biết:
 
- 100 đôi vợ chồng ngoại đạo, sau 5 năm chung sống, có khoảng 80 đôi ly dị.
-  100 đôi vợ chồng công giáo, chỉ đi dự lễ ngày Chúa nhật, sau 5 năm chung sống, có khoảng 50  đôi ly dị.
-  100 đôi vợ chồng công giáo, đi dự lễ mỗi ngày, sau 5 năm chung sống, còn 3 đôi ly dị.
- 100 đôi vợ chồng công giáo, đi dự lễ mỗi ngày, và có giờ cầu nguyện riêng trong gia đình, sau 5 năm chung sống, còn 1 đôi ly dị.
 
Kết quả trên đây đã được Hội Đồng Giám Mục Tòa Thánh đặc trách về gia đình đưa vào tài liệu Bí tích Hôn phối năm 1989.
Siêng năng tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, cùng nhau cầu nguyện trong gia đình, học hỏi và thực hành Lời Chúa giúp cho Hội thánh tại gia đươc vững mạnh trong đức tin và được đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa.
 
Sau cùng, Hội thánh tại gia còn là một cộng đoàn ra đi phục vụ để Phúc –âm-hóa  thế giới.
 
Gia đình là một cộng đồng phục vụ sự sống, cộng tác với Thiên Chúa Sáng Tạo qua việc sinh con cái có trách nhiệm và giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên dạy con cái các đức tính nhân bản và sống đức tin. Mọi thành viên trong gia đình Kitô hữu là những người sống và làm chứng cho Tin Mừng bằng chính đời sống yêu thương hiệp nhất của mình trong tình yêu của Thiên Chúa. Từ đó, mới có thể ra đi chia sẻ, giới thiệu Đức Kitô cho người khác.Đó là nhiệm vụ của mọi Kitô hữu như Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông Huấn Evangelii Gaudium: “ Mọi người đã được rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Hội Thánh và trình độ giáo dục đức tin của họ, đều là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng, và thật là thiếu sót khi nghĩ về một chương trình truyền giáo được thực hiện bởi các chuyên viên có khả năng trong khi phần còn lại của các tín hữu chỉ là những người tiếp nhận cách thụ động” ( Chương 3, số 120)
 
Hội thánh tại gia nói riêng và Hội thánh Thân Thể của Đức Kitô nói chung là một cộng đồng gồm những thành phần “được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” thì phải “có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl. 3: 12-14). 
 
Thảo kính cha mẹ là dấu chỉ của sự thảo kính Thiên Chúa. Vâng lời  cha mẹ là vâng lời thánh ý Thiên Chúa. 
 
Gia đình cầu nguyện là giây phút hồi tâm đê canh tân đời sống gia đình  từ đó ra đi làm chứng cho Thiên Chúa bằng cuộc sống của mình.
Để thực hiện được những sứ mạng của mình, gia đình Kitô hữu haul noi gương Thánh Gia Thất trong sự yêu thương phục vụ lẫn nhau, luôn lắng nghe tìm biết thánh ý Thiên Chúa và mau mắn thực hành. 
 

Tác giả bài viết: Lm Trịnh Ngọc Danh

Nguồn tin: www.thanhlinh.net

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây