Giáo xứ Vinh Hương

Đức Giám mục Ôn Châu không được làm chủ tế lễ an táng vị tiền nhiệm

Thứ năm - 15/09/2016 00:29
 
Đức tân Giám mục của Ôn Châu, thành phố đông Kitô hữu nhất của Trung Quốc, bị các nhân viên an ninh đưa đi nghỉ ‘gardening leave’, ở xa nhằm ngăn cản ngài cử hành thánh lễ an táng cho vị tiền nhiệm là Đức cha Vincent Zhu Weifang. Ngài qua đời hôm 7-9, hưởng thọ 89 tuổi.

“Gardening leave” (nghỉ có hưởng lương) là một uyển ngữ trong tiếng Anh theo đó một người làm việc (đã từ chức hoặc hết việc) được yêu cầu đi nghỉ trong thời gian được thông báo, vẫn được hưởng lương. Trong trường hợp này, vị giám chức sẽ trở lại làm việc.

Đức Giám mục phó Peter Shao Zhumin, người được Vatican công nhận nhưng không được chính quyền Trung Quốc nhìn nhận, là một trong bốn giáo sĩ bị đưa đi khỏi giáo phận của họ ở tỉnh Chiết Giang hơn một tuần nay khi sức khỏe của Đức cha Zhu trở nên xấu đi.

Một linh mục yêu cầu không nêu tên cho biết ba người kia là Cha Paul Jiang Sunian, chưởng ấn giáo phận, bị đưa tới tỉnh Vân Nam; Cha John Kong Guocun bị đưa tới tỉnh Phúc Kiến kế bên; và Cha Joseph Lu Xiaozhuo bị đưa đi Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.

“Tôi nghe các quan chức chính quyền nói rằng họ sẽ đưa các giáo sĩ này về lại vào ngày 14-9 như mục đích ban đầu của họ là để ngăn họ có mặt tại lễ an táng”, vị linh mục nói với ucanews.com.

“Các ngài không bị bắt cóc hoặc bị bắt nhưng đang “đi nghỉ”. Họ bị đưa đi riêng lẻ trong các chuyến tham quan có nhân viên an ninh tháp tùng”, ngài nói thêm.

Vatican lo ngại, Đức cha Shao là người có quyền thừa kế Đức cha Zhu và vụ bị “đi nghỉ” của ngài gợi lên những nghi vấn về tính xác thực của các cuộc đàm phán của Vatican với Bắc Kinh nhằm đạt được một thỏa thuận trong việc bổ nhiệm giám mục.

Hiện tại, Đức Thánh cha bổ nhiệm những giám mục được chính quyền đồng ý. Nhưng hội đồng giám mục chịu sự kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm giám mục riêng lại không cần sự chuẩn thuận của Vatican.

Cùng lúc, khoảng 30 giám mục thuộc giáo hội thầm lặng kể cả Đức cha Shao không có sự công nhận của Bắc Kinh.

Đức cha quá cố Zhu cai quản cộng đoàn giáo hội “công khai” với sự chấp thuận kép của Vatican và chính quyền Bắc Kinh.

Đức cha phó Shao, 53 tuổi, cai quản cộng đoàn “thầm lặng” với khoảng 80.000 người Công giáo, gần gấp đôi số người Công giáo của cộng đoàn công khai.

Các bức ảnh trên mạng xã hội

Hai bức ảnh được đăng trên tài khoản Wechat của Đức cha Shao hôm 7-9 cho thấy vị giám chức cùng một giáo dân tại Công viên Guide National Geo ở tỉnh Thanh Hải, miền tây bắc xa xôi.

“Đi nghỉ ở vùng tây bắc Trung Quốc để thưởng lãm sự hùng vĩ và nét đẹp của công trình sáng tạo của Thiên Chúa”, bức ảnh chú thích.

“Những hình ảnh này được thiết kế nhằm cho thấy vị giám mục vẫn còn an toàn về mặt thể lý trong chuyến đi của mình và giáo dân có thể thăm ngài”, vị linh mục yêu cầu không nêu tên cho biết.

Một nguồn tin khác, hiểu rõ cả cộng đoàn giáo hội thầm lặng lẫn công khai ở Ôn Châu, cho biết “Nếu các hình ảnh này được tải lên theo yêu cầu của nhà chức trách, thì nó sẽ gieo rắc bất hòa giữa cộng đoàn thầm lặng và công khai khiến cho hai cộng đoàn khó mà đối thoại được”.

Nguồn tin này nói, điều cuối cùng mà chính quyền muốn nhìn thấy là sự thống nhất giữa hai cộng đoàn, dựa trên việc vị giám mục của cộng đoàn thầm lặng hiện là giám chức duy nhất trong giáo phận.

Một nhà nghiên cứu về chính trị Trung Quốc, yêu cầu không nêu tên, nói với ucanews.com rằng “Với các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Vatican về việc bổ nhiệm giám mục đang xúc tiến, tôi nghĩ hành động này đã được tham vấn và chấp thuận từ Bắc Kinh”.

Hàng ngàn người đi đưa đám tang

Lễ an táng của Đức cha Zhu được tổ chức tại nhà thờ nhỏ trên đỉnh đồi ở làng Ma’ao tại hạt Yongjia hôm 13-9.

Nhà chức trách trước đó đã giới hạn số người tham dự lễ an táng không quá 400 người và 3.000 đi đưa đám tang. Hôm đó có khoảng 600 người Công giáo tham dự lễ tang trong khi có 5.000 người kể cả một số thuộc cộng đoàn thầm lặng đi đưa tiễn biệt vị giám mục của mình.

Cha Ma Xianshi, người hiện đang lãnh đạo cộng đoàn công khai, giảng trong lễ tang.

“Các giám mục ở đâu, thì ở đó có giáo hội. Và giám mục là chỉ dấu của sự hiệp thông của giám mục đoàn”, Cha Ma nói.

“Nhưng Giáo phận Ôn Châu đã tiếp tục chịu đựng sự chia rẽ mặc cho các nỗ lực của các đời giám mục và giáo phận vẫn chưa đạt tới sự hiệp thông hoàn toàn”, ngài nói. “Chúng ta cầu xin Chúa và xin Đức cha Zhu cầu bầu để xây dựng sự thống nhất trong giáo hội Ôn Châu”.
 

Tác giả bài viết: Phóng viên ucanews.com từ Hồng Kông

Nguồn tin: www.ucanews.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây