Giáo xứ Vinh Hương

Phỏng vấn Đức Phanxicô: “Điều tệ nhất cho Giáo hội là thói thời thượng thiêng liêng”

Thứ hai - 07/02/2022 19:29
Phỏng vấn Đức Phanxicô: “Điều tệ nhất cho Giáo hội là thói thời thượng thiêng liêng”

Cuộc phỏng vấn của ông Fabio Fazzio với Đức Phanxicô. Từ một phòng của Nhà Thánh Marta, Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn trên Đài RAI 3 vào giờ cao điểm, điều chưa từng có với một giáo hoàng.


Chương trình có tên “Thời tiết như thế nào” (Che tempo che fa), một chương trình với lượng khán giả lớn, phát sóng vào tối chúa nhật hàng tuần trên kênh RAI. Buổi phỏng vấn do ông Fabio Fazio, một trong các người dẫn chương trình nổi tiếng nhất nước Ý, ông thường mời các nhân vật từ nhiều lĩnh vực khác nhau, ông hỏi về các vấn đề hiện tại. Trước đây, ông đã phỏng vấn cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Tổng thống Pháp đương nhiệm, Emmanuel Macron, nhà làm phim người Ý và từng đoạt giải Oscar, Paolo Sorrentino, Pelé và ông Bill Gates, người sáng lập Microsoft.

Dù chương trình loan báo cuộc phỏng vấn “trực tiếp đầu tiên trong lịch sử” của giáo hoàng, nhưng thực sự đó không phải là buổi phát sóng trực tiếp. Chỉ cần phóng to chiếc đồng hồ nhựa Đức Phanxicô đeo ở cổ tay trái, chúng ta có thể thấy buổi phỏng vấn được ghi lại vài giờ trước đó và buổi phát trễ hơn. Khó hiểu vì sao họ không nói ra. Ngoài chi tiết này, Đức Phanxicô đã ngoài 85 tuổi, được ông Fazio giới thiệu là “nhà trí thức trong tâm hồn giáo hoàng đã chọn cách tiếp cận với mọi người,” một lần nữa ngài thể hiện kỹ năng giao tiếp tuyệt vời.


Không hỏi đến các vấn đề rắc rối: ấu dâm, tham nhũng trong hàng giáo sĩ, các kẻ thù trong nội bộ Vatican. Ngoài ra thì Đức Phanxicô trả lời tất cả các câu hỏi.

“Một người sinh tại Buenos Aires không nhảy tango thì không phải là người Buenos Aires”: Đây là một trong những câu đầy hài hước của Đức Phanxicô trong buổi phỏng vấn này.

Mặc dù ngài không nói bất cứ điều gì mới trong tất cả những gì liên quan đến các vấn đề của thế giới: người di cư, chiến tranh, các người sản xuất vũ khí khai thác chiến tranh, biến đổi khí hậu, nhưng cách nói thẳng thắn, đơn giản và trực tiếp của ngài đã nhận được tràng vỗ tay nồng nhiệt từ khán giả có mặt tại Studio Milan, nơi ông Fazio phỏng vấn ngài. Cuối cùng, khán giả đứng dậy vỗ tay hoan nghênh ngài.

Nhiều người đặt vấn đề về việc Đức Phanxicô tham dự vào một chương trình “thông tin giải trí”, một số nhà biên tập xem đây là dấu hiệu hạ thấp hình ảnh giáo hoàng. Nhưng ông Fabio Fazio, người công giáo, hướng dẫn chương trình và là thành viên của cộng đồng Nuovi Orizzonti, một cộng đồng truyền bá phúc âm hóa đường phố, vui mừng và xúc động: “Giáo hoàng đã chọn cách để nói với mọi người, để tiếp cận mọi người!”

Về chiến tranh

Chiến tranh tạo ra những em bé chết vì lạnh, nhưng cũng có những em bé Syria chết trên bãi biển như em Aylan và nhiều em khác mà chúng ta không biết”. Chiến tranh chiếm hàng đầu trong thế giới ngày nay, thống trị bởi loại “văn hóa thờ ơ” như chiến tranh ở Yêmen từ bao nhiêu năm nay.

Chiến tranh là “đi ngược với tạo dựng vì chiến tranh luôn là hủy diệt. Làm việc với đất đai, chăm sóc con cái, nuôi dạy con cái, làm cho xã hội phát triển, đó là xây dựng. Gây chiến tranh là tiêu diệt. Đó là cơ chế hủy hoại.”

Về người di dân tị nạn và nạn buôn người

Một lần nữa ngài tố cáo loại “văn hóa thờ ơ” đang thống trị khi đứng trước hàng trăm ngàn người di cư rời bỏ đất nước của họ vì chiến tranh và bị áp bức. Ngài lấy làm tiếc Biển Địa Trung Hải đã trở thành “nghĩa địa” ảo của hàng trăm người tuyệt vọng, đàn ông, phụ nữ, trẻ em, những người liều mạng vì một tương lai tốt đẹp hơn và những người chết ở đó, nạn nhân của những kẻ buôn bán cái chết, buộc họ phải đi trên những chiếc sà lan. Ngài tố cáo: “Những gì xảy ra với người di cư là tội ác”, ngài nhấn mạnh họ phải chịu đựng nỗi kinh hoàng và nhiều người trong số họ, trước khi vượt Địa Trung Hải, đã bị nhốt trong những “nhà kho” ảo, các trại tập trung ở Libya, nơi họ phải chịu đựng tra tấn dưới bàn tay của những kẻ buôn người.

Trong hình ảnh do lực lượng bảo vệ bờ biển Libya cung cấp, những người di cư châu Phi trên những chiếc thuyền gặp khó khăn ở Địa Trung Hải cố gắng đến châu Âu, và được lực lượng bảo vệ bờ biển Libya vớt, dạt vào bờ biển phía đông thủ đô Tripoli, Libya, ngày 24 tháng 6 , 2018.

Cái ác và tha thứ

Khi được hỏi làm sao ngài có thể ôm tất cả mọi người và chịu đựng một gánh nặng quá lớn, ngài trả lời: “Tôi không phải là nhà vô địch chịu đựng, tôi cũng chịu đựng như mọi người. Hơi gượng ép, vì tôi thấy quá nhiều người chịu đựng đau khổ mỗi ngày. Tôi sẽ không trung thực nếu tôi nói tôi chịu đựng nhiều như vậy. Và tôi không đơn độc, có rất nhiều người cùng gánh với tôi.”

Ngài cũng suy nghĩ về cái ác và sự tha thứ. “Tôi muốn nói một điều sẽ gây sốc, nhưng tôi nói sự thật: khả thể được tha thứ là một quyền của con người. Tất cả chúng ta đều có quyền được tha thứ nếu chúng ta xin được tha thứ. Chúng ta đã quên, ai xin tha thứ, người đó có quyền được tha thứ,” ngài nhắc đến câu chuyện người con hoang đàng được người cha nhân hậu tha thứ. Người con vì không biết nên đã nghi ngờ.

Thờ ơ dửng dưng

Ngài nói về sự dửng dưng hiện nay: “Luôn có cám dỗ rất xấu: không nhìn, quay nhìn chỗ khác. Khi có thảm kịch, chúng ta than phiền một chút và sau đó coi như không có chuyện gì xảy ra. Nhìn thôi chưa đủ nhưng cần phải cảm nhận, đụng chạm. Chúng ta bỏ lỡ việc chạm vào những đau khổ, chạm vào chúng sẽ dẫn chúng ta đến chủ nghĩa anh hùng, tôi nghĩ các bác sĩ và y tá đã chạm vào cái ác trong đại dịch và họ chọn ở lại đó. Chạm vào là ý nghĩa đầy đủ nhất”. Thay vào đó, ngày nay “tâm lý thờ ơ chiếm ưu thế: Tôi thấy, nhưng tôi không cảm thấy liên quan”.

Thời thượng thiêng liêng và nạn giáo quyền

Như những lần khác, ngài cảnh báo, “tội ác lớn nhất của Giáo hội là “thói thời thượng thiêng liêng”, một xấu xa thậm chí “còn tệ hơn các giáo hoàng phóng đãng”. Ngài nhấn mạnh: “Và thói thời thượng thiêng liêng trong Giáo hội phát sinh một xấu xa khác, đó là chủ nghĩa giáo sĩ, là một đồi bại đối với Giáo hội. Chủ nghĩa giáo quyền ở trong sự cứng nhắc; và dưới mọi hình thức cứng nhắc, luôn có sự thối rữa.” Chủ nghĩa giáo sĩ là một trụy lạc, một hệ tư tưởng chiếm chỗ của Phúc âm.

Cha mẹ con cái

Cha nói gì với các cha mẹ của những đứa con tuổi vị thành niên dường như không cảm nhận được sự đau khổ của người khác? “Tôi chỉ nói một từ: gần gũi”. Khi các cặp vợ chồng trẻ xưng tội, tôi luôn hỏi: ‘Các con có chơi với con cái không?’. Đôi khi tôi nghe những câu trả lời rất đau lòng: ‘Thưa cha, Khi con đi làm thì chúng còn ngủ, khi con về thì chúng đã đi ngủ’. Đây là điều xã hội đã tạo ra. Quan trọng là phải chơi với con, ở bên con, đừng sợ những điều con nói. Ngay cả khi đứa bé vấp váp, bạn phải gần gũi với con. Cha mẹ phải thế, tôi dám nói là phải đồng tình với con cái”.

Đau khổ của trẻ em

Ngài nhắc lại, ngoài đức tin vào Chúa, ngài không có lời nào để giải thích cho sự đau khổ của các em bé. “Tại sao trẻ em phải chịu đau khổ? Tôi chỉ thấy có một cách duy nhất: cùng chịu đau với các em. Và đối với tôi, Dostoevski là người thầy tuyệt vời trong lãnh vực này.”

Cha muốn khi lớn lên cha sẽ làm gì?

Khi còn nhỏ, cha muốn mình làm gì sau này? “Mọi người sẽ sốc, nhưng tôi muốn thành bác hàng thịt,” vì tôi đi theo bà tôi đi chợ, tôi rất thích khi thấy ông hàng thịt có phong bì nhiều tiền trong túi tạp dề. Sau đó thì tôi học hóa học chuẩn bị vào y khoa, nhưng tôi vào chủng viện, nhưng tôi luôn mê môn hóa.

Tương lai Giáo hội

Khi được hỏi ngài hình dung tương lai Giáo hội công giáo sẽ như thế nào, ngài nhắc đến Đức Phaolô VI và tông huấn Loan báo Tin Mừng, Evangelii Nuntiandi. “Tôi đã làm một tông huấn khác là Tông huấn Niềm vui Tin mừng, Evangelii Gaudium, không giống nguyên bản lắm vì nó là đạo văn của Aparecida và của Evangelii Nuntiandi,” ngài hài hước nhấn mạnh con đường dẫn tới tương lai của Giáo hội là một Giáo hội đang trên đường đi.

 Đơn độc hay có bạn bè

Khi được hỏi liệu ngài là người đơn độc hay có bạn bè, ngài trả lời ngài có bạn bè, giống như bất kỳ người bình thường nào và đó chính là lý do vì sao ngài không sống ở Dinh Tông Tòa. “Tôi cần các mối quan hệ giữa con người với nhau, và đó là lý do vì sao tôi sống ở Nhà Thánh Marta. Cuộc sống như thế dễ dàng hơn cho tôi. Bạn bè tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Hơn nữa, tôi cần bạn bè. Tôi có ít nhưng là những người bạn chân thành. Ngoài ra ngài còn nói về tầm quan trọng của thái độ luôn giữ vui vẻ.

Chuyến đi bất ngờ đến tiệm bán băng đĩa

Khi ông Fazio hỏi ngài về chuyến đi bất ngờ đến tiệm bán băng đĩa ở trung tâm thành phố, ngài cho biết, ngài không thực sự đi mua đĩa hát, nhưng ngài là bạn của một trong các người làm chủ, ngài đến để làm phép cho tiệm vừa sửa xong. Ngay khi đó có nhà báo đang chờ bạn đi taxi, và tin được loan ra. Ngài nói: “Đúng là tôi mê nhạc, tôi rất thích các tác phẩm cổ điển và điệu tango. Một người sinh tại Buenos Aires không nhảy điệu tango thì không phải là người Buenos Aires”, ngài nói làm mọi người cười rộ.

Đức Phanxicô trong cửa hàng băng đĩa ở Rôma
 

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây