Giáo xứ Vinh Hương

Ai là tác giả sách Tin Mừng Gio-an?

Thứ ba - 06/09/2011 20:03

Ai là tác giả sách Tin Mừng Gio-an?

Xin giới thiệu biên khảo của Lm Giuse Lê Minh Thông OP. Hy vọng bài viết sẽ rất hữu ích cho những người quan tâm đến việc học hiểu Kinh Thánh.

Sau đây là trích dẫn phần Dẫn Nhập.

Truyền thống cho rằng tác giả sách Tin Mừng Gio-an (Tin Mừng thứ tư) là Tông Đồ Gio-an. Vị Tông Đồ này xuất hiện nhiều lần trong Tin Mừng Nhất Lãm. Truyền thống cũng đồng hoá Tông Đồ Gio-an với người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư. Tại sao truyền thống đồng hoá tác giả sách Tin Mừng thứ tư với Tông Đồ Gio-an? Phần phân tích sau đây sẽ thử trả lời câu hỏi này.

Từ hơn một thế kỷ nay, các nhà nghiên cứu Tin Mừng thứ tư đã đặt lại vấn đề tác giả sách Tin Mừng này. Năm 1984, tác giả Édouard Cothenet viết: “Kể từ nửa cuối thế kỷ thứ II, một truyền thống chắc chắn gán Tin Mừng thứ tư cho Tông Đồ Gio-an, con ông Dê-bê-đê. Sự quy kết này đã bị nghi ngờ lần đầu tiên vào năm 1820; kể từ đó, vấn đề này trở thành đối tượng của những cuộc tranh luận sôi nổi” (é. COTHENET, “L’évangile selon saint Jean” dans é. COTHENET, P. LE FORT, (et al.), Les écrits de saint Jean et l’épître aux Hébreux, (Petite Bibliothèque des Sciences Bibliques, NT 5), Paris, Desclée, 1984, p. 141).

Năm 1998, Raymond E. Brown (đã từng là thành viên của Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng) đã viết về lập trường của Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng liên quan đến vấn đề này như sau: “Vào năm 1907, trước sự khước từ ngày càng tăng về việc đồng hóa giữa người môn đệ Đức Giê-su yêu mến và tác giả Tin Mừng [thứ tư] với Gio-an, con ông Dê-bê-đê, Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng tại Rô Ma đã tuyên bố rằng Tông Đồ Gio-an là tác giả sách Tin Mừng. Nhưng đến năm 1955 thư ký của Uỷ Ban này đã viết rằng: Những nhà giải thích Kinh Thánh được ‘hoàn toàn tự do’ trước lời tuyên bố trên vì nó không liên quan đến đức tin và phong hóa. Vì thế, không có lập trường Công Giáo khép kín về việc xác định tác giả Tin Mừng Gio-an (hoặc các Tin Mừng khác)” (R. E. Brown, “Note sur l’identification de l’auteur du quatrième évangile” dans Id., Une retraite avec saint Jean ‘pour que vous ayez la vie’, Paris, Le Cerf, 2004, p. 126; original: A Retreat With John the Evangelist, That You May Have Life, 1998).

Lời trích trên đây cho phép độc giả “hoàn toàn tự do” để tìm hiểu vấn đề tác giả sách Tin Mừng thứ tư. Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng đã sáng suốt khi khẳng định: Những nhà giải thích Kinh Thánh được hoàn toàn tự do nghiên cứu về vấn đề tác giả Tin Mừng thứ tư, vì điều này không liên quan đến đức tin và phong hoá. Thực ra, hiện nay vấn đề ai là “tác giả thực sự” không còn quan trọng nữa trong việc tìm hiểu Tin Mừng. Dù ai là tác giả thực sự của Tin Mừng thứ tư đi nữa thì vẫn không làm thay đổi nội dung sách Tin Mừng. Điều thuộc thẩm quyền của Hội Thánh chính là nội dung mặc khải trong sách Tin Mừng thứ tư.

Vấn đề tác giả sách Tin Mừng thứ tư thuộc lãnh vực nghiên cứu lịch sử. Bài viết này không nhằm nghiên cứu lịch sử, mà chỉ trình bày sơ lược hai mục: (I) Tìm hiểu xem các tác giả thế kỷ II-III nói gì về tác giả sách Tin Mừng thứ tư. (II) Sau đó sẽ quan sát sách Tin Mừng thứ tư trong tình trạng hiện nay xem có thể nói gì về tác giả sách Tin Mừng này.

Xin đọc tiếp bản văn tại đây: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/09/ai-la-tac-gia-sach-tin-mung-gio.html

Bài liên quan: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/08/bon-mon-e-vo-danh-trong-tin-mung-gio.html

Tác giả bài viết: Lm Giuse Lê Minh Thông OP

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây