Giáo xứ Vinh Hương

Một cách để đứng vững

Chủ nhật - 19/11/2023 18:32
Một cách để đứng vững

Trên một hội nhóm Facebook, có người đăng chủ đề thảo luận: “Tại sao thanh thiếu niên thời nay yếu ớt về mặt tinh thần hơn các thế hệ trước?” và nêu ví dụ về nhiều vụ học sinh tự kết liễu cuộc đời mà báo chí đưa tin. Mọi người đưa ra nhiều nguyên nhân: do áp lực học tập nặng nề hơn xưa, bắt nạt học đường phổ biến hơn, trẻ nhỏ không có nhiều thời gian tham gia hoạt động xã hội… Trong đó, ý kiến được nhiều người đồng tình nhất là: giới trẻ - nói đúng hơn là con người thời nay - ngày càng cảm thấy cô đơn, lạc lõng, khiến họ yếu đuối rồi dễ dàng gục ngã.

Nhiều người thế hệ 8x - 9x hồi tưởng về tuổi thơ của mình, tâm sự rằng họ vốn học không giỏi, không có thành tích thể thao, lớn lên không làm ông này bà nọ. Thứ đẹp đẽ nhất đọng lại không phải bằng khen, giải thưởng, mà là kỷ niệm với bạn bè; ngay cả khi những tình bạn ấy chẳng kéo dài mãi mãi, hồi ức đẹp vẫn sống trong tim mỗi người. Đó có thể là gói quà vặt hoặc bịch bánh tráng trộn hùn tiền mua để ăn chung; những buổi hẹn nhau ra quán net sau giờ học, nghịch ngợm rồi cùng chịu phạt nhưng vẫn khoái chí cười; là khi cả lớp bận rộn chuẩn bị cho ngày Nhà giáo hoặc lễ hội trường…

Vài người kể hồi còn đi học, gia đình gặp nhiều khó khăn, cha mẹ bất hòa, bản thân thì bị đánh mắng, bỏ bê. Nếu không nhờ bạn bè ở bên nâng đỡ, thỉnh thoảng rủ đi chơi để tạm thoát khỏi áp lực gia đình, có lẽ họ cũng giống những trường hợp đau lòng mà báo đài đưa tin. Mặc dù sau khi ra trường, bạn bè mỗi người một phương nhưng họ nhấn mạnh rằng, nhờ có tình bạn thời niên thiếu mà mình đã được cứu để còn có cơ hội lớn lên, bước ra thế giới và tìm thấy lẽ sống.

Có lẽ vì thế, những học sinh bị xem là “cá biệt” thường dễ “xả sì-trét” hơn “con ngoan trò giỏi” luôn phải gồng mình theo ý gia đình, chỉ biết vùi đầu vào học, chẳng còn thời gian vui chơi, kết bạn. Ở Nhật Bản, nhiều người từng là học sinh ưu tú, nhân viên mẫn cán, cử nhân đại học đầy tố chất lại tự tách mình khỏi xã hội, trở thành Hikikomori (“ẩn sĩ” thời hiện đại) vì quá cô đơn, khó hòa đồng và bị đánh giá là kém giao tiếp. Điểm chung dễ thấy nhất của họ là không có bạn bè và chán nản với các mối quan hệ. Điều đáng quan ngại, hiện tượng Hikikomori đã lan sang Việt Nam và các nước châu Á khác. Khi môi trường học tập/làm việc ngày càng mang tính cạnh tranh khốc liệt, con người dần trở nên khép kín, khó tin tưởng nhau, thì người ta thà chìm vào thế giới ảo còn hơn là xây dựng mối liên kết ngoài đời.

*

Người yêu thích truyện tranh Nhật Bản cảm nhận được “sức mạnh tình bạn” trong những bộ truyện nổi tiếng dành cho thiếu niên (shounen manga) như “7 viên ngọc rồng”, “One Piece”, “Naruto”, “Fairy Tail”… Trong tình huống vô cùng hiểm nghèo, dù đối phương hùng mạnh đến mức bất khả chiến bại, nhân vật chính vẫn có thể lật ngược thế cờ nhờ nhớ lại kỷ niệm đẹp trong quá khứ - nơi luôn có mặt bạn bè, đồng đội thân yêu khiến anh như được tiếp thêm sức mạnh và tung chiêu hạ đo ván kẻ địch. Hoặc chiến thắng của nhân vật chính không đến từ sức mạnh của hồi ức, mà từ sự trợ giúp của bạn bè, mỗi người đều góp sức đánh bại “trùm cuối”. Trải qua nhiều thăng trầm, thể loại truyện này có nhiều thay đổi so với các bộ truyện xưa nhưng “sức mạnh tình bạn” chưa bao giờ lỗi thời. Chỉ cần tác giả viết chắc tay và không lạm dụng tình tiết quá đà, thông điệp muôn thuở về tinh thần đoàn kết luôn gây xúc động và truyền cảm hứng cho bạn đọc, nhất là giới trẻ.

Không phải ai cũng là anh hùng hay siêu nhân như trong truyện tranh dành cho thiếu niên mà hầu hết là “vai chính” hết sức bình thường trong câu chuyện của đời mình; chẳng có phép thuật hay sứ mệnh cao cả nào, chỉ có chuyện học hành, thi cử, áp lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu của gia đình/trường lớp… Thế nhưng, giữa anh hùng và người thường đều có một điểm chung: Không thể đơn độc chiến đấu và giành thắng lợi, như nhà văn Hy Lạp cổ Aesop đã viết: “Đoàn kết, chúng ta đứng vững. Chia rẽ, chúng ta sụp đổ” (United we stand, divided we fall).

Kết nối bạn bè là một trong những cách để nhiều học sinh vượt qua khủng hoảng tuổi mới lớn và không bị suy sụp trước những cảm xúc tiêu cực, tựa những chiếc cọc được ràng với nhau để hàng rào đứng vững, bảo vệ “góc sân và khoảng trời” tuổi niên thiếu.

Tác giả bài viết: Ths-Bs Lan Hải

Nguồn tin: www.cgvdt.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây