Giáo xứ Vinh Hương

Biết ơn người đã khuất

Thứ bảy - 30/08/2014 20:01

Ai trong chúng ta lại không có người thân đã khuất. Người thân đó có thể là ông bà, cha mẹ, chú bác, vợ chồng, anh em, con cháu, họ hàng hay bạn bè thân thiết…
 
Thỉnh thoảng ta nhớ lại hình bóng, lời nói, việc làm của người thân lúc sinh thời. Những điều đó như còn lưu truyền, phảng phất mãi đến hôm nay. Bởi lẽ, ông cha ta đã nói: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Hay: “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”.
 
Điều tưởng nhớ đó đem đến cho ta những bài học bổ ích trong cuộc sống này. Giúp ta biết điều nên làm, và điều không nên làm qua hệ quả những việc làm của người thân còn vang vọng để lại. Điều hay, điều tốt thì ta nên theo: “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”; điều dở, điều xấu thì ta nên tránh: “Của phi nghĩa để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ” và “Làm chi để tiếng về sau/ Ngàn năm ai có khen đâu Hoàng Sào” (Truyện Kiều, Nguyễn Du).
 
Điểm qua một vài phong tục, tập quán, nghi lễ thể hiện lòng biết ơn đối với tiền nhân, những người đã khuất trên quê hương ta.
 
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó là những lời dạy quí báu của tổ tiên để lại cho con cháu muôn đời sau. Như để làm gương sáng cho con cháu, ông cha ta đã thiết lập nên ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm, hầu tưởng nhớ công ơn các vị vua sáng lập nên nước Văn Lang xưa kia cách nay 4000 năm, mà ngày nay là nước Việt Nam:
 
“Dù ai đi ngược về xuôi.
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”.
 
Dù lịch sử các vua Hùng chỉ là truyền thuyết về khởi nguồn lịch sử của đân tộc Việt.
 
Để tưởng nhớ công ơn của tiền nhân ông bà, cha mẹ… còn có lễ Thanh Minh vào tháng 3 Âm lịch hàng năm. Thi hào Nguyên Du (1765-1820) trong truyện kiều đã phác hoạ cảnh Thanh Minh như sau:
 
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh Minh trong tiết tháng ba.
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân…”                                      
 
Ngoài ra còn có Lễ Vu Lan vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch hàng năm. Anh em bên Phật Giáo còn gọi là mùa, hay tháng Vu Lan báo hiếu. Ta bắt gặp những vần thơ  tác giả vô danh nói về công ơn trời bể của mẹ cha:
 
 
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ.
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha….”
 
“Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc.
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghen con.”
 
Về phía Giáo Hội Công giáo, trong 10 Điều Răn Chúa dạy chúng ta phải giữ, thì chỉ có 3 điều nói về thờ phượng Thiên Chúa, còn lại 7 điều nói đến nhiệm vụ của ta với anh em, trong đó Điều Răn thứ bốn dành riêng cho cha mẹ: “Thứ bốn thảo kính cha mẹ”. Vì thế, Giáo Hội ngoài việc dạy ta cầu nguyện hàng ngày cho người đã khuất; xin lễ đọc kinh cầu nguyện kỷ niệm ngày người thân lìa đời; Giáo Hội Công giáo còn dành riêng ngày mùng 2 tết Âm lịch, và cả tháng 11 dương lịch hàng năm để cầu nguyện và tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ, những người đã có công dưỡng dục sinh thành ra ta, nay đã khuất.
 
Kính nhớ ông bà tổ tiên, những người đã khuất là một nét văn hoá của nhân loại nói chung và của người Việt nói riêng đã có từ ngàn xưa. Tuy cách thực hiện mỗi miền, mỗi quốc gia có phần khác nhau. Tại Việt Nam, khi đến bất cứ gia đình nào, từ nông thôn đến thành thị, từ vùng núi xuống đồng bằng, từ giầu sang đến nghèo khó, đâu đâu ta cũng bắt gặp trong nhà dành một nơi trang trọng nhất như tủ thờ hay bàn thờ để tôn kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất.
 
Từ những điều vừa nêu trên, chúng ta thấy rằng xã hội và tôn giáo đã có nhiều cố gắng thiết lập nên những lễ nghi, phong tục…để tỏ lòng biết ơn công đức của những người đã khuất. Đặc biệt là tưởng nhớ đến những người lúc sinh thời đã dành cả cuộc đời để hy sinh làm việc cho công ích xã hội. Công đức của họ đã đóng góp nhiều cho quốc gia, cho nhân loại ngày được phong phú hơn, văn minh hơn, cho xã hội tiến bộ, văn minh như ngày nay. Đó có thể là các nhà hoạt động xã hội, các nhà khoa học, các nhà truyền giáo, các văn sĩ, thi sĩ, bác sĩ, kỹ sư…
 
Thế giới mãi mãi ghi ơn những người đã có công lớn với nhân loại như: Louis Pasteur (1822-1895), người có công lớn trong việc tạo vaccine phòng ngừa bệnh chó dại... Khắp nơi trên thế giới đều có viện Pasteur. Cristoforo Colombo, còn gọi là Kha Luân Bố (1451-1506), người có công tìm  ra lục địa Mỹ (12-10-1492). Ông được tưởng nhớ hàng năm trong ngày 12-10 (Columbus day), và biết bao các nhà khoa học, các danh nhân khác được biết đến trong cuốn tự điển danh nhân thế giới như: Archimède, Albert Einstein, Paraday, Alfred Nobel, Mahatma Gandhi, Martin Lutherking…
 
Dân tộc Việt Nam mãi ghi nhớ công ơn bao thế hệ cha anh đã lấy cả mạng sống mình để bảo vệ nền độc lập đất nước; sự tự do dân chủ và nhân quyền cho cho dân tộc. Biết bao danh tướng, bao chiến sĩ đã hy sinh trong 1000 chống lại sự đô hộ của giặc Tầu, nhân dân ta mãi ghi ơn. Người dân Việt nhớ mãi bài tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên trong lịch sử của dân tộc ta: “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/  Nhữ đẳng hành khan thử bại hư” nghĩa là “Sông núi nước Nam vua nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phậm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” của danh tướng  Lý Thường Kiệt (1019-1105); làm sao người Việt Nam có thể quên công ơn của: Alexandre De Rhodes (1591- 1660) còn gọi là cha Đắc Lộ, người có công tạo ra chữ quốc ngữ cho nước ta. Chỉ với 24 chữ cái, mà mọi người có thể đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ trong vài tháng, trong khi các chữ viết của các nước khác phải mất bao năm vẫn chưa đọc thông viết thạo được. Còn biết bao danh nhân khác như: Hai Bà Trung, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Lê Quí Đôn, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tường Tộ…luôn được đất nước tưởng nhớ tôn vinh.
 
Về phía Giáo Hội Công giáo, những người có công lớn trong việc phục vụ con người với niềm tin sắt son nơi Thiên Chúa, đôi khi các Ngài đã sẵn sàng hy sinh mạng sống để thực hiện lý tưởng, niềm tin mà các Ngài đã theo đuổi. Những vị đó đã được Giáo Hội phong Thánh, được nhắc đến trong kinh cầu các thánh để tín hữu trên toàn cầu tôn kính và cầu nguyện như các Thánh Phêrô, Phaolô, Giacôbê, Giuse, Augustinô….
 
Giáo Hội Công giáo Việt Nam được ghi nhận: “Trong lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, ước tính đã có hàng trăm ngàn người đã tử vì đạo làm chứng cho đức tin Kitô giáo. Trong đó có 117 vị đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, và Thánh Anrê Phú Yên được phong Chân phước vào ngày 5 tháng 3 năm 2000” nguồn (wikipedia).
 
Ta có thể nói rằng, để biết ơn tiền nhân, những người đã có công trong việc giúp cho xã hội loài người được phát triển và tiến bộ như ngày nay, cả tôn giáo lẫn xã hội đã có những cố gắng không ngừng lập ra những phong tục, nghi thức, nghi lễ để ghi công và tưởng nhớ đến người đã khuất.
 
Phần chúng ta, noi gương các vị tiền nhân, ta cố gắng sống đúng vài trò là con như những người con thảo đã khuất; sống đúng bổn phận và trách nhiệm của cha mẹ như các bậc cha mẹ đã làm gương sáng; sống đúng mẫu mực là ông bà như các bậc ông ba ta đã sống.
 
Sống đúng sứ mạng mà Chúa đã yêu thương trao phó cho ta trong cuộc sống trần gian này vừa là quyền lợi vừa là bổn phận và cũng chính là điều kiện để ta được Chúa đón nhận về nước hàng sống mai ngày.
                                                                                 
            
 

Tác giả bài viết: Inhaxiô Đặng Phúc Minh

Nguồn tin: www.gpcantho.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây