Giáo xứ Vinh Hương

Chuyện mẹ tôi

Thứ hai - 06/06/2011 00:58

Chuyện mẹ tôi

- Tuổi thơ tôi mồ côi cha sớm, còn lại mẹ ấp ủ vỗ về. Tôi luôn sống bên mẹ. Mẹ thường kể tôi nghe chuyện về cuộc đời mẹ.

 

Mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo đất cằn sỏi đá, và cũng mang đậm chất hò vè. Năm 20 tuổi mẹ tôi lập gia đình. Bên nội thì cũng có cái ăn, cái mặc, cái để hơn nhiều. Nhưng mẹ tôi về làm dâu vẫn chân bùn tay lấm ngoài đồng với thửa vườn nương rau. Thời gian trôi đi được 5 năm, mẹ tôi sinh được 2 trai và 1 gái.

  Một gia đình sống bên xóm đạo thế là cũng hạnh phúc lắm rồi. Chồng cày vợ cuốc, có sản phẩm để nuôi năm thành viên chúng tôi. Cha tôi, một người đàn ông siêng năng chăm chỉ, làm việc không quản mưa nắng. Thậm chí vào những ngày mưa lũ lụt, vẫn một mo cau cơm lận lưng, vẫn lên rú lên nương để làm việc. Vì quá thương vợ con, làm việc quá sức mà dẫn đến sức khỏe yếu dần.
Vào năm 1954, khi hiệp định Genveve tạm chia cắt đất nước , cha tôi dẫn cả nhà theo đoàn người di cư vào Nam, lên "tàu há mồm" đi tìm đất hứa .Nơi dừng chân đầu tiên là vùng đất cát trắng Tầm Hưng (Phan Thiết),và cũng nơi đây ,cha tôi lâm bệnh lao lực và mất vào tuổi thanh niên đang sung sức, để lại mẹ và 3 con dại.

   Vào thời điểm này, mẹ tôi hãy còn rất trẻ, mới 25 tuổi đời .Lúc này gánh nặng lại đè lên vai mẹ: công việc gia đình và nuôi con thơ dại. Mẹ luôn dạy chúng tôi đọc kinh cầu nguyện để Chúa xót thương đoái nhìn tới cơn thử thách này , nhưng thương con, mẹ đã dần vượt qua.

   Thế rồi, năm 1955 đoàn người lại theo Cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Diệu lên lập nghiệp tại vùng Tây Nguyên (trại trong,Vinh An).Đặt chân lên vùng đất mới và cùng bà con đi phát hoang, tìm một thửa vườn để trồng đậu, trồng rau.Lúc này anh tôi cũng theo phụ giúp mẹ, còn tôi và em út ở nhà chung với một số ông bà già giữ trẻ. Phải nòi lúc này gia đình nào cũng gặp khó khăn. Có người đã trở lại Phan Thiết nhưng mẹ tôi vẫn bám trụ tại đây và những nỗ lực cũng được đền đáp, đã có lương thực sống qua ngày. Hằng ngày miệt mài trên nương rẫy không quản nắng mưa, mẹ tôi đã quên cả bản thân mình

  Số phận nghiệt ngã, mẹ tôi lâm bệnh nặng,trong khi anh lớn mới 8 tuổi , tôi lên năm và em út 2 tuổi . lúc này , dù hoàn cảnh còn khó khăn, nhưng với bản chất xứ Nghệ, ai cũng chịu thương chịu khó và bà con cũng bớt chút phần ăn mình giúp mẹ tôi. Họ lo lắng, sợ mẹ tôi lại ra đi nữa, thì ai sẽ là người chăm sóc bầy con nhỏ đây? bà con, người động viên tinh thần, tối tối đọc sách Thánh cho mẹ, người giúp ít thuốc thang. Tôi nhớ nhất là hôm ấy mẹ đang sốt nặng, tôi và cậu em chơi ngoài vườn, nghe tiếng gọi khàn khàn của mẹ xin nước uống, tôi chạy vào chỉ biết múc cho mẹ một ca nước lạnh ngoài lu để mẹ uống. Tiếc sao hồi ấy tôi khôn hơn một tí để giúp mẹ có phải đỡ hơn không? và mỗi tối, bà con làng xóm lại tới đọc kinh, cầu mong mẹ mau khỏe và chúng tôi nằm im trong tiếng cầu kinh và chìm dần vào giấc ngủ trẻ thơ.

Có lẽ nhờ ơn trên và tình làng xóm, mẹ tôi đã gượng dậy được. Tưởng như đã suy sụp hoàn toàn, nhưng vì đàn con , mẹ đã phải cố gắng sống và làm việc vì con.Tài sản lúc này chả con gì cả, có chút đỉnh tiền dành dụm thì đã tiêu hết vì bệnh tật.

 Mẹ tôi sau cơn đau, thân gầy lại hàng ngày trồng rau ,vay mượn ai đó, nuôi dăm con gà, rồi hàng ngày lại quang gánh lang thang các vườn rau trái gánh hàng chục cây số ,ra tới Tư Minh (trại ngoài Vinh Hương), tới Daklao để bán đổi ít gạo về nuôi con. Cuộc sống cứ bắt mẹ tôi phải ngược xuôi với đôi chân trần để tồn tại.

   Thời gian cứ trôi theo năm tháng và chúng tôi cũng được đi học ở trường làng-mãi sau này, khi có chút vốn liếng khá hơn, mẹ tôi đi buôn bán bầu bí đậu đỗ. Mẹ vốn tính chất phác thật thà nên bà con cho thiếu chịu rồi bán xong trả. Cũng nhờ vậy, mẹ rất được dân lang thương yêu giúp đỡ . Khi chúng tôi học hết tiểu học, vốn tích lũy của mẹ khá hơn và vì không có lớp trung học tại trường làng nên mẹ gửi chúng tôi học nội trú tại dòng Mến Thánh Giá Nha Trang. Hàng tháng mẹ đi buôn ghé thăm , đóng tiền học và cho chúng tôi chút ít để ăn quà . Nói thế chứ ở nội trú kỷ luật cũng rất khắt khe , chúng tôi chả biết mua gì nhiều


  Thời gian này thì mẹ tôi đã vượt qua được thời vất vả, nhưng mẹ vẫn luôn tần tảo, chắt chiu nuôi các con ăn học. Nhìn các con khôn lớn , chăm ngoan học hành , mẹ đã quên đi bao vất vả lo toan nhọc nhằn, và đây cũng là động lực giúp mẹ càng cố gắng hơn nữa, mẹ tôi dựng vợ gả chồng cho chúng tôi, bà lại sống có con rồi có cháu.

Sau biến cố 1975, hai người con trai phải đi cải tạo vì là sĩ quan chế độ cũ, mẹ tôi lại tằn tiện khăn gói thăm nuôi hết ra Bắc vào Nam. Ôi! tình mẹ thật bao la, tình mẹ thương con thật không có gì thay đổi!
Thời thế  lúc này đang là bao cấp , kinh tế ai cũng khó khăn . Mẹ vẫn sống với chúng tôi và các cháu. Nói đến đây, tôi lại thấy cuộc đời của mình lặp lại cuôc đời mẹ : chồng mất sớm và  cũng để lại nuôi 3 con nhỏ và tần tảo nuôi con ăn học. Ôi hai mảnh đời bé nhỏ côi cút âm thầm mãi sống bên nhau.

Cách đây không lâu, tôi cùng mẹ được may mắn đi du lịch thăm con trai ở nước ngoài theo diện HO. Trở về Việt Nam được 3 tháng, mẹ trở bệnh suy tim, tôi dã theo chân mẹ chạy vạy nuôi bênh. Trải qua 5 bệnh viện, hy vọng những tiến bộ khoa học sẽ cứu được me qua khỏi tử thần, nhưng mẹ đã được Chúa goi về vào ngày 28 tháng 3 năm 2006.

"Tạ ơn sự sống dẫu chua cay
  Tạ ơn sự chết dẫu không hay 
  Tay Chúa an bài dẫn về ngày mai".(Viết Chung).

 Khi còn là trẻ thơ chứng kiến mẹ tôi ốm thập tử nhất sinh , bà con, xóm giềng tới thăm hỏi, đọc kinh cầu nguyện , hình ảnh này đọng lại trong tôi cách sống đạo, hành đạo của các bậc ông bà thật đẹp, thật thực tế, đầy ăm ắp tình người.

"sợi tóc trên đầu rụng đi. Chúa biết Chúa lo từng khi"

Với cảnh tang tóc chia lìa, tiếng khóc hòa lệ rơi khi mất mẹ là lúc tôi đón nhân nhiều ân huệ nhờ đức tin mà mẹ tôi đã ươm trồng.
   - Được an ủi khi quí cha thăm viếng chia buồn
   - Được cộng đoàn góp lời cầu nguyện
   - Nhất là thân xác mẹ được Đất Thánh giáo xứ Vinh Hương đón nhận
Mượn chuyện mẹ cha để cảm tạ Chúa đã rộng tay ban muôn phước tròn đầy theo năm tháng.

(Đã đăng Kỷ yếu Giáo xứ Vinh Hương Trang 132 - Vui mừng và hy vọng - Kỷ niệm 50 năm thành lập 1957 - 2007)


                                                                                                                   

Tác giả bài viết: Anna Kim

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây