Giáo xứ Vinh Hương

Ra riêng cho con

Chủ nhật - 05/06/2011 07:55

Ra riêng cho con

- (Viết theo bài giảng của cha Phaolô Nguyễn Công Minh lễ Thăng Thiên)

Trong các gia đình Á Đông, khi con cái lập gia đình, thường chung sống một thời gian ngắn với cha mẹ để có một sự hòa nhập với đại gia đình, nhưng họ phải được ‘ra riêng’ để trưởng thành hơn. Đây là một điều cần thiết để họ trưởng thành, vì họ phải tự quyết định và lo liệu mọi chuyện liên quan đến gia đình mình, nào là chuyện cơm áo gạo tiền – đối nội đối ngoại – cả tâm linh cũng như vật chất.

 Chúa Giêsu về trời được xem như là biến cố ‘ra riêng’ cho Giáo hội, từ nay họ phải tự quyết mọi vấn đề: nên làm gì và không nên làm gì, đối xử với nhau và với các tôn giáo bạn như thế nào. Mừng lễ Chúa về trời, chúng ta sống lại những tâm tình mà Giáo hội sơ khai đã trải qua. Vào một ngày được ấn định, toàn thể giáo hội sơ khai ngày ấy – gồm các môn đệ - có cả Mẹ Maria và các phụ nữ nữa,  tập trung lên một ngọn núi, và có lẽ Chúa cùng đồng hành với họ quãng đường khoảng 800m đó. Đến một thời khắc quyết định, Chúa từ từ được nhấc lên và khuất dạng nơi chân trời.

Với khái niệm hạn hữu của trí óc con người và với ngôn ngữ loài người, kinh Tin kính từ thời các Tông Đồ đã diễn tả “Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha”, là muốn nói rằng: Chúa chuyển sang một trạng thái hiện diện khác, Chúa trở về với trạng thái hiện hữu trước khi nhập thể cứu đời, Chúa trở về trong tư cách kẻ chiến thắng vì đã hoàn thành ý định cứu chuộc ngàn đời và là Con yêu dấu của Cha.

Chúa ra đi là để dọn chỗ cho chúng ta, và rồi Chúa sẽ trở lại để đem ta về chung sống với Ngài. Ngày Chúa về trời hôm ấy, các môn đệ rất bàng hoàng vì bơ vơ lạc lõng, và chắc hẳn cũng có những giọt nước mắt nhỏ ra vì ly biệt… dù Chúa đã nói trước là sẽ sai Chúa Thánh Thần đến, điều đó có lợi hơn cho các ông, Thần Chân Lý sẽ nhắc nhở các ông nhớ và hiểu những lời Chúa Giêsu đã giảng dạy, Đấng An ủi sẽ vỗ về những kẻ tin vào Đức Kitô đang trải qua những cơn thử thách.

Chúa về trời là tiến đến một trạng thái hiện hữu khác, khuất khỏi tầm mắt con người và không còn lệ thuộc vào thời gian cũng như không gian. Bởi thế, Ngài lại có điều kiện hiện diện gần chúng ta hơn: Ngài ngự trong cõi lòng ta khi ta rước Thánh Thể, Ngài hiện diện trong Kinh Thánh như là Lời được trực tiếp nói với ta, Ngài hiện diện trong từng khuôn mặt tha nhân quanh ta, Ngài hiện diện khi 2 – 3 người hiệp nhất với nhau, cùng làm việc vì Danh Chúa cả sáng . Ngày xưa, thân xác Phục sinh đó đã xuất hiện tỏ tường khi các tông đồ khi họ rủ nhau đi đánh cá, Ngài trao đổi chuyện trò với họ, nhưng nào họ có nhận ra Ngài! Chỉ đến khi thấy mẻ cá lạ bắt được theo lời đề nghị của người lạ, Thánh Gioan mới nhạy bén nhận ra Chúa và nói với Thánh Phêrô: “Chính Chúa đó!”(Ga 21,1-14).

Mẻ cá lạ 153 con ngày hôm ấy ám chỉ hết mọi dân tộc trên địa cầu nầy (sách cổ động vật học Hy Lạp liệt kê 153 loài cá). Chúa thổi nhiệt tình và hướng dẫn các ông chỗ thả lưới, các ông vâng theo dù cả đêm đã thức trắng mà chẳng bắt được gì. Chúa vẫn hiện diện bên cạnh Giáo hội là hiền thê của mình suốt 2000 năm qua, dù trải qua những thăng trầm sóng gió thì Chúa luôn đồng hành cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Đọc tiểu sử các vị Thánh trong Giáo hội và tìm hiểu luật lệ các tu hội, việc kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể luôn được đề cao và thực hành kiên trì hằng ngày, nhiều giờ… dù công việc mục vụ có vất vả bao nhiêu chăng nữa. Đan cử hạnh Thánh Phanxicô Xaviê: ban ngày dù bận rộn với việc dạy giáo lý và thăm mục vụ, thì đêm đến cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể - có khi ngủ quên ngay trước nhan Chúa. Chân Phước Gioan Phaolô II thường cầu nguyện lâu giờ cho những nhu cầu Giáo hội, dù việc mục vụ dày đặc thì Ngài cũng thức dậy rất sớm để bước vào nhà nguyện. Trong bài giảng lễ phong Chân phước cho Ngài, Đức Bênêdictô XVI đã nói: “Tấm gương cầu nguyện của ngài không ngừng gây cảm kích và soi sáng cho tôi: ngài không ngừng kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa ngay cả khi lọt thỏm giữa bao yêu cầu của sứ vụ”.

Chúa về trời ngự bên hữu Chúa Cha, nhưng Người cũng vẫn ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Chúa rời xa ta là để hoạt động của Chúa Thánh Thần sinh ơn ích hơn cho Giáo Hội. Chúa khuất tầm nhìn của ta là để Giáo hội có cơ hội trưởng thành khi phát huy sự tự do và tự quyết của mình. Thế nhưng, Chúa vẫn chờ đợi ta đến tham khảo ý kiến và xin ơn trợ lực nơi Thánh Kinh và các Bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Sám hối. Vâng lệnh Chúa, hãy ra khơi thả lưới dù cho mệt nhọc vì đêm trường uổng công. Điều quan trọng duy nhất để bắt được mẻ cá lạ là biết cậy dựa vào Chúa và vâng nghe lời Ngài.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây