Giáo xứ Vinh Hương

Họp mặt các Ban Giáo lý Giáo tỉnh Huế - Ngày 05 tháng 12 năm 2013.

Thứ sáu - 06/12/2013 18:04
 

Sau thánh lễ lúc 5g00 sáng ngày 5. 12. 2013, cha Phanxicô Xaviê Phạm Ngọc Quang, Trưởng Ban Giáo lý Giáo phận Kontum chia sẻ:

Bài chia sẻ thứ 3

Giáo phận Kontum - Cha Phanxicô Xaviê Phạm Ngọc Quang, Trưởng Ban Giáo lý, trình bày về thực trạng loan báo Tin Mừng trong xã hội ngày nay. Theo Cha, “càng lớn càng ít quan tâm tới việc học giáo lý, không tha thiết với nếp sống đạo nơi anh em sắc tộc cũng như người Kinh. Giáo lý không còn sức thu hút, hướng dẫn giới trẻ”.

Sau khi trình bày và phân tích những nguyên nhân xã hội và tâm linh khiến lớp trẻ ngày nay ít quan tâm tới việc học giáo lý. Cha  Phanxicô Xaviê, từ kinh nghiệm về việc truyền giáo nơi vùng anh em sắc tộc Giáo phận Kontum, cho biết: “Chúng ta không là Kitô hữu mà trở thành Kitô hữu suốt đời. Để trở thành môn đệ Chúa và sống chứng nhân cho Chúa, tức là đáp ứng sứ vụ truyền giáo dựa trên 5 cột trụ: Cầu nguyện, phục vụ, đời sống huynh đệ, hướng dẫn thiêng liêng và truyền giáo. Kinh nghiệm các cộng đoàn nhỏ, đến và lắng nghe những người nghèo, khó khăn trong giáo xứ, trong xã hội”.

Trong phần trình bày của mình, Cha giới thiệu các nhân chứng đã hoạt động truyền giáo bằng cách riêng của họ và đã đem lại kết quả, để nói về những việc làm thực tế để cùng chia sẻ.

Theo Cha, thao thức “làm sao để Tin Mừng hấp dẫn và thuyết phục con người hôm nay” và nhận thấy rằng “loan báo tin mừng được thể hiện bằng sự hiện diện của người mục tử cùng cộng đoàn trong lúc khó khăn và đồng hành với họ trong những lúc khó khăn”.

Nếu có được tinh thần như vậy, Cha kết luận: “Những thay đổi trái chiều, những khủng hoảng xã hội tuy là một thử thách, nhưng cũng là một cơ may để loan báo Tin Mừng, để cảm nhận bối cảnh chung quanh theo cách nhìn của Chúa”.

Bài chia sẻ thứ 4

Tình hình Giáo Lý Giáo phận Đà Nẵng - Cha Trưởng ban Giáo lý giáo phận Giuse Nguyễn Văn Phú.

Từ sau 1975 việc dạy giáo lý gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các linh mục quản xứ vẫn tìm đủ mọi cách có thể để giúp thiếu nhi và người lớn học hỏi giáo lý tùy theo hoàn cảnh. Lúc này, đa số các giáo xứ dạy theo sách Giáo Lý Tân Định hoặc phổ biến giáo lý bằng thơ dễ nhớ.

Năm 1994, Giáo phận soạn giáo trình giáo lý theo các cấp: Rước Lễ lần đầu, Thêm Sức và Dự  Tòng và các khoá đào tạo GLV được mở hàng năm. Đến cuối năm 2010, các lớp giáo lý được phân cấp từ Khai tâm, Rước Lễ lần đầu, Thêm sức, Phụng vụ, Thánh Kinh đến Vào Đời, dành cho thiếu nhi từ 5 đến 18 tuổi. Tuy nhiên chưa có một giáo trình Giáo Lý thống nhất trong giáo phận.

Ban Giáo Lý chú trọng đến việc đào tạo GLV nhằm mục đích trang bị cho họ những kiến thức cần thiết về Tín lý, Luân lý, Tân Ước, Phụng vụ bí tích, nhân bản và linh đạo GLV và phương pháp sư phạm.

Cha Trưởng Ban GL giáo phận kết thúc bài chia sẻ bằng một vài nhận xét và đề nghị: “Chương trình giáo lý còn giới hạn trong việc trang bị hành trang cho học sinh, chứ chưa có tác dụng giúp học sinh ý thức và sử dụng hành trang ấy phục vụ sứ mạng truyền giáo, trong ki sứ mạng này là bản tính của Giáo Hội. Vì vậy, sau một thời gian dài học xong chương trình giáo lý phổ thông, các em không biết truyền giáo là  gì, làm thế nào để truyền giáo và sứ mạng truyền giáo đòi buộc sống như thế nào”. Và ngài đề nghị dạy môn Truyền Giáo trong các lớp vào đời và đào tạo GLV dạy môn này.

Bài chia sẻ thứ 5

Cha Trưởng Ban giáo lý Giáo phận Quy Nhơn, Giuse Đặng Công Anh giới thiệu chương trình giáo lý đặc biệt chuẩn bị mừng kỷ niệm 400 năm Giáo phận.

Đây là một chương trình học song song với chương trình Giáo Lý Phổ Thông trong giai đoạn này, theo từng chủ đề hàng năm và kéo dài trong 7 năm (2012 đến 2018). Nội dung chương trình triển khai trong 2 chiều kích: thiêng liêng và truyền giáo.

Chủ đề hàng năm như sau:
- 2012: Sám hối và Thanh tẩy.
- 2013: Củng cố niềm tin.
- 2014: Gia tăng đức ái.
- 2015: Chiếu tỏa niềm tin.
- 2016: Cậy trông phó thác.
- 2017: Yêu thương phục vụ.
- 2018: Tri ân cảm tạ.

Cha cho biết: “Để thể hiện chiều kích thiêng liêng, chương trình nay sẽ được tổ chức theo lươc đồ 7 ngày trong công trình tạo dựng vũ trụ theo sách Sáng Thế, chương I”. Và “để thể hiện định hướng truyền giáo, trong 6 năm chuẩn bị gần (2012-2018), toàn thể giáo phận sẽ cùng nhau học hỏi và thực hiện giáo huấn truyền giáo của Giáo Hội qua sắc lệnh truyền giáo Ad gentes của Công đồng Vaticanô II”. Song song với việc học hỏi và thực hành Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, toàn thể cộng đoàn dân Chúa còn ôn lại những chặng đường lịch sử 400 năm của giáo phận, để từ đó rút ra những bài học quý giá cho cuộc sống đức tin và công cuộc truyền giáo hiện nay.

Bài chia sẻ thứ 6



Ban giáo lý giáo phận BMT chia sẻ với nạn nhân bão lụt Qui Nhơn

Ban giáo lý giáo phận Banmêthuột :Cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu trình bày thao thức riêng của giáo lý BMT trong giai đoạn hiện nay: Giáo lý viên dự tòng và hôn nhân.

Sau khi sơ lược về việc rửa tội cho người Dự Tòng trong lịch sử Giáo Hội từ buổi sơ khai đến nay, Cha Trưởng Ban nhấn mạnh đến thực tế tình hình xin học đạo và gia nhập đạo ngày càng nhiều của Giáo Hội tại Việt Nam. Người ngoài Công giáo biết đến Chúa và xin gia nhập đạo bằng nhiều con đường nhưng con đường hôn nhân là rất thường tình và phổ biến. Do đó, việc dạy Dự Tòng và Hôn Nhân trong thực tế Giáo phận Ban Mê Thuột luôn là quá tải, và họa hiếm lắm mới có một dự tòng “đúng nghĩa”.

Đứng trước thực tại ngày càng cần có người dạy Giáo Lý Dự Tòng và Hôn Nhân, ngay từ đầu năm 2005, BGL bắt đầu đào tạo 4 khóa GLV dạy Dự Tòng và Hôn Nhân mang tên Anrê Phú Yên.
Giáo lý Dự Tòng và  Hôn Nhân không chỉ học về luân lý, tín lý, phụng vụ bí tích, cầu nguyện .v.v… mà còn một vấn đề lớn nữa: Bảo Vệ Sự Sống. Do đó BGL đã cử người đi học và lập Nhóm Bảo vệ sự sống theo phương pháp rụng trứng Billings. Cha trăn trở: “Mình Phải đồng hành với Giáo Hội, cho hạnh phúc gia đình như thế nào? Chúng con đã vạch ra, và cùng nhau bắt đầu vào công việc âm thầm nhưng quan trọng và cần thiết này, chả lẽ chúng ta cứ loay hoay với việc làm xem ra là bác ái, an tâm nhất, là chôn cất thai nhi?”.

Nhân dịp này, một chuyên viên của BGL về Phương pháp Rụng trứng Billings giới thiệu sơ lược về tổ chức WOOMB quốc tế và WOOMB Ban Mê Thuột.

Bế mạc.

Cha thư ký BGL Giáo tỉnh Giuse Lưu Thanh Kỳ đúc kết các chia sẻ và ý kiến thảo luận.

Cha Trưởng Ban Phêrô Nguyễn Văn Hiền nhận xét về tinh thần ngày làm việc là thân tình, vui tươi đầy tình huynh đệ. Ngài nêu bật tinh thần thẳng thắn, phản ánh đúng thực tại giáo lý hiện nay trong các chia sẻ và thảo luận. Cho dù về phương pháp còn có những quan điểm tưởng như trái ngược nhau, nhưng để loan báo Tin Mừng, chúng ta đang cùng nhau áp dụng những phương thức thích hợp cho từng hoàn cảnh trong môi trường xã hội hiện nay nhằm giới thiệu trung thực hình ảnh Chúa Giêsu đến với muôn dân
 

Sau nghi thức bế mạc, Đức Cha Vinh Sơn ban phép lành lên đường.
Hội nghị kết thúc lúc 15g00.

Ban Giáo lý và Ban VH-TT / GP. BMT

(XIN XEM HÌNH) (1)

HÌNH (2)

HÌNH(3)

 

Nguồn tin: www.gpbanmethuot

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây