Giáo xứ Vinh Hương

Tại sao chúng ta không lắng nghe trẻ?

Thứ hai - 14/11/2011 18:00

Tại sao chúng ta không lắng nghe trẻ?

- Nếu chúng ta không nói gì về những khoảng thời gian tốt đẹp, con cái sẽ nghĩ chúng ta không hề có những khoảnh khắc ấy.

 

(EMTY) - Hành động từ chối lắng nghe hoặc không biết lắng nghe có rất nhiều nguyên nhân. Các trẻ thiếu niên thường buộc tội cha mẹ không bao giờ biết lắng nghe, và có những nguyên nhân chính đáng trong lời cáo buộc của chúng. Đôi khi chúng ta thật sự không lắng nghe.

Hãy xét bản thân dưới góc độ cha mẹ và tự hỏi tại sao chúng ta không lắng nghe. Dưới đây là 20 nguyên nhân vì sao người lớn không lắng nghe khi trẻ thiếu niên nói chuyện.

Hãy đọc và tự cho điểm theo thang điểm từ 1 đến 5. 1 đồng nghĩa bạn không bao giờ nghĩ như vậy, 5 đồng ý với lý do nêu ra là đúng với cách bạn nghĩ hoặc cảm nhận. (Tự xếp loại mức độ đồng tình của bạn với từng nguyên nhân được nêu ra.)

1.Tôi không tin những gì bọn trẻ thiếu niên nói. Tại sao phải lắng nghe những gì trẻ thiếu niên nói, khi chúng chỉ phóng đại sự việc và không nói sự thật? 1 2 3 4 5

2. Tôi xem mọi lời nói đều là lời cãi lại. Trẻ thiếu niên không nên trả lời lại khi chúng được nói cho biết điều phải làm? 1 2 3 4 5

3. Tôi biết điều đã xảy ra. Tại sao phải lắng nghe thêm? 1 2 3 4 5

4. Chúng không nói những gì bạn muốn nghe. Vì trẻ thiếu niên không muốn thừa nhận mình sai, nên không còn gì để bàn luận thêm. 1 2 3 4 5

5. Tôi không tin vào việc thảo luận. Đúng là đúng và sai là sai, tại sao phải bàn luận thêm? 1 2 3 4 5

6. Những bậc cha mẹ khác không lắng nghe. Thật phi lý khi phải lắng nghe những lý do trong khi những bậc cha mẹ khác một mực không lắng nghe. 1 2 3 4 5

7. Tôi ở vào thế thủ. Tôi không thích mình mắc sai sót vì tôi không chắc chắn những gì mình nói ra. 1 2 3 4 5

8. Lời nói chỉ là trò lừa. Trẻ cố lừa cha mẹ trong những trường hợp thật sự chúng cần phải thừa nhận lỗi lầm của mình. 1 2 3 4 5

9. Tôi không có hình mẫu cho việc lắng nghe. Cha mẹ tôi đã không lắng tôi và tôi vẫn trưởng thành tốt đấy thôi. 1 2 3 4 5

10. Việc lắng nghe làm mất thời gian. Tôi không nghĩ việc bàn luận cùng nhau là quan trọng. 1 2 3 4 5

11. Việc trẻ cảm nhận thế nào không thật sự quan trọng. Vâng phục mới là quan trọng, không phải cảm xúc. 1 2 3 4 5

12. Trẻ thanh thiếu niên không hiểu thế nào là uy quyền. Những người lính không bao giờ tranh luận về những mệnh lệnh của chỉ huy. 1 2 3 4 5

13. Tôi cần phải tỏ rõ uy quyền. Rất quan trọng khi tôi biết mình đang giữ quyền điều khiển. 1 2 3 4 5

14. Không ai lắng nghe tôi. Mọi người bên ngoài thế giới kia không quan tâm đến những gì tôi nghĩ; cuộc sống là thế. 1 2 3 4 5

15. Việc lắng nghe sẽ làm con cái tuổi thiếu niên của tôi trở nên yếu đuối. Cô bé/cậu bé sẽ trở thành một người luôn muốn giãi bày tâm sự thay vì là một người kiên định và cứng rắn. 1 2 3 4 5

16. Tôi đã có câu trả lời. Lệnh giới nghiêm là 11:00 tối; còn gì để nói thêm? 1 2 3 4 5

17. Nên nhìn và không nên nghe trẻ nói. Tôi muốn nhìn thấy chúng làm việc chăm chỉ, không phải cố tranh luận để thoát việc. 1 2 3 4 5

18. Tôi rất bận rộn. Tôi có rất nhiều việc cấp thiết hơn phải làm. 1 2 3 4 5

19. Trẻ cần có được những nguyên tắc không miễn trừ. Những người trẻ luôn muốn có những ranh giới. 1 2 3 4 5

20. Tôi hiểu ở vào tuổi thiếu niên là như thế nào. Chỉ mới cách đây 20 năm, thời gian không thay đổi nhiều. 1 2 3 4 5

Bây giờ, hãy cộng điểm lại. Nếu bạn có 100 điểm, bạn là người không biết lắng nghe; và bạn cần phải sử dụng đôi tai của mình thường xuyên hơn. Nếu bạn có 60 điểm, bạn đang chấp nhận thực tế và dám đương đầu với nó. Nếu bạn chỉ có 20 điểm, bạn là người chỉ biết lắng nghe chứ không đưa ra chính kiến của mình; và đã đến lúc ngừng lắng nghe và lên tiếng! Bạn có nhận thấy ít nhất 3 khía cạnh bạn cần thay đổi không? Hầu hết chúng ta đều có được lợi ích từ việc thay đổi một vài thái độ sống của mình.

Những người khôn ngoan học cách biết nói gì và không nên nói gì. Chúng tôi phỏng vấn rất nhiều trẻ thiếu niên để biết những cụm từ nào người lớn nói khiến trẻ có cảm giác nghẹn họng. Những trẻ được phỏng vấn đưa ra cho chúng tôi hơn 30 mẩu đàm thoại khiến chúng nghẹt thở. Từ ý kiến có được, chúng tôi tổng hợp lại thành 8 cụm từ dưới đây:

1. “Khi ba/mẹ ở tuổi con…”.

2. “Con không hiểu gì cả!”

3. “Con chỉ nghĩ mình khó khăn”.

4. “Hiện giờ, bố/mẹ không có thời gian để lắng nghe”.

5. “Làm theo những gì bố/mẹ bảo, không phải những gì bố/mẹ làm”.

6. “Vì bố/mẹ đã bảo con như thế!”

7. “Tại sao con không giống như…”.

8. “Một ngày nào đó, con sẽ nhìn lại…”.

Mỗi một lời nói ấy ẩn chứa nhiều ý nghĩa đối với trẻ thanh thiếu niên. Thay vì nghe đúng theo những lời cửa miệng của bạn, con của bạn sẽ lý giải những lời bạn nói như sau:

1.  Khó khăn của con không quan trọng bởi vì ở vào tuổi của con, bố mẹ còn gian khó hơn thế.

2.  Con không thể hiểu, vì thế không thể giải thích đúng sự việc.

3.  Những trẻ thanh thiếu niên chỉ gặp những khó khăn nhỏ nhặt.

4.  Ba/mẹ quá bận rộn không thể bị làm phiền bởi thế giới nhỏ bé của một trẻ thanh thiếu niên.

5.  Con phải làm đúng; còn bố mẹ thì không cần thế.

6.  Bố/mẹ không muốn bị quấy rầy bởi sự tranh luận của con.

7.  Bố/mẹ ước con có thể là ai đó khác.

8.  Hãy quên ngày hôm nay đi, và chỉ tập trung vào ngày mai.

Cho dù bạn có nói bất cứ lời nào được liệt kê ở trên không, không phải là cốt lõi của vấn đề. Hãy xem xét những gì ẩn chứa bên trong những gì bạn nói với trẻ. Bạn có ý tiêu cực, chỉ trích không?

Hãy thực hành câu nói: “Hãy làm theo cách con muốn” với những sắc thái khác nhau. Từ ngữ không quan trọng bằng ý nghĩa ẩn chứa bên trong. Một câu nói có thể mang rất nhiều ý nghĩa, tuỳ thuộc cách nó được nói ra:

     -  Con có quyền làm nếu con thích.

     -  Con có thể làm nếu con miễn cưỡng thích.

     -  Tốt hơn con không được làm điều đó
.

Sau đó, những bậc cha mẹ có thể nói: “Đấy, tôi đã bảo chúng có thể làm mà, đúng không?” Khi thực tế, trong giọng điệu của mình, bậc cha mẹ hàm ý rằng tốt hơn trẻ không được làm.

Hãy suy nghĩ những gì bạn nói, đặc biệt những gì bạn nói đi nói lại. Từ ngữ và/hoặc giọng điệu của bạn có thể tạo nên sự ngăn cách trong mối quan hệ giữa bạn và con cái tuổi thiếu niên của bạn.

Bạn có muốn làm cho một đứa trẻ khoẻ mạnh trở thành một đứa trẻ không thể tự kiểm soát? Bạn có muốn nghe tiếng nghiến răng của trẻ, nhìn thấy mắt trẻ lườm nguýt? Những bậc cha mẹ thường chỉ có một câu: “Khi bố/mẹ ở vào tuổi của con…”. Không còn câu nói mở đầu nào tệ hại hơn nữa. Tất cả trẻ thiếu niên khắp thế giới đều bị kích động mỗi khi nghe cụm từ ấy.

Đối với rất nhiều trẻ tuổi thiếu niên, cụm từ “Khi bố/mẹ ở vào tuổi của con…” tạo nên một vết rạn nứt sâu và nghiêm trọng giữa cha mẹ và con trẻ. Nó chứng tỏ:

1.  Cha mẹ không lắng nghe.

2.  Trẻ tuổi thiếu niên hầu như nghe câu chuyện này rất nhiều lần.

3.  Có thể cha mẹ vẫn còn sống thời quá khứ và không thể theo kịp tốc độ.

4.  Bản thân cha mẹ có thể vẫn còn hối hận.

5.  Cha mẹ không thể hiểu những vấn đề hiện tại mà trẻ đang phải đối mặt.

6.  Cụm từ này thường mang ý nghĩa rằng cha mẹ hầu như đơn giản quá mức vấn đề.

Những trẻ tuổi thiếu niên rất thông minh và tốc độ lập luận của chúng giống với tốc độ xử lý của máy vi tính. Khi cha mẹ vừa bắt đầu nói, trẻ nghĩ rằng ít nhất 4 trong 6 điều liệt kê ở trên là đúng.

Những bậc cha mẹ hoàn toàn có thể hiểu được những đứa con tuổi thiếu niên của mình. Chúng ta có thể tìm hiểu văn hoá ngày nay và những vấn đề đương đại. Rất nhiều bậc cha mẹ làm như thế. Đáng buồn thay, cụm từ “khi bố/mẹ ở vào độ tuổi của con…” nghe giống như chúng ta không nỗ lực xoá bỏ khoảng cách.

Một sự cân bằng

Chú ý những gì xảy ra:

Trẻ thiếu niên nói với cha mẹ của mình: “Thầy giáo luôn làm con cảm thấy xấu hổ trước lớp…”.

Và ba mẹ trả lời: Con nghĩ mình gặp vấn đề sao? Hãy để bố/mẹ nói cho con biết những gì bố/mẹ đã từng đối mặt… Họ vừa mới vượt qua nhau trên con đường cao tốc.

Trẻ thiếu niên đang lái chiếc xe thể thao còn cha mẹ đang lái chiếc xe đời cổ. Và họ đang chạy theo những hướng khác nhau.

Thay vì nói những lời mang ý nghĩa: “Ba/mẹ chỉ hiểu quá khứ và không có thời gian cho con”, hãy tìm kiếm những cách nói mang đến sự hoà hợp tức thì. Nói gì đó như thế này: “Lúc bố mẹ ở độ tuổi thiếu niên, bố mẹ cũng không thấy dễ dàng chút nào. Hãy kể bố/mẹ nghe chuyện gì đang xảy ra với con”.

Cha mẹ nên thông cảm với trẻ thiếu niên và nên biết quan tâm đến chúng. Nếu không, đó sẽ là một cuộc tranh cãi xem ai là người trải qua thời gian tồi tệ nhất.

Một cách mở đầu khác như: “Chắc hẳn phải rất khó khăn đối với một thiếu niên trong thế giới ngày nay. Đâu là đều con cảm thấy khó khăn?

Cách nói như thế không tự cho mình là trung tâm hoặc không sai hướng. Những bậc cha mẹ nói được những điều như thế biết rõ ai cũng có những tổn thương và cởi mở lắng nghe nỗi đau mà trẻ đang trải qua.

Hãy thử nói thế này: “Có những ngày tuyệt vời và cũng có những ngày tồi tệ. Dạo gần đây con thế nào?

Cách trao đổi này chứng tỏ cha mẹ hiểu rõ cuộc sống luôn có những lúc thăng trầm. Điều này mang đến cho trẻ tuổi thiếu niên cơ hội lựa chọn khía cạnh trao đổi. Cha mẹ chỉ đưa ra bảng chỉ dẫn nơi đường đời. Nếu mọi lời nói của người lớn đều tiêu cực, trẻ cũng có nhiều khả năng đi theo những phương hướng tiêu cực.

Mục tiêu chính là cải thiện sự giao tiếp với những đứa con tuổi thiếu niên của bạn. Một cách để cải thiện chính là hãy hỏi bản thân bạn liệu những lời nói của bạn có là dấu hiệu sẵn sàng mở ra cuộc đối thoại và khuyến khích con trẻ trò chuyện hay những gì bạn nói đóng lại mọi sự chia sẻ. Bạn đang xây những bức tường hay mở ra những con đường?

Đừng bắt đầu bằng cụm từ “Khi ba/mẹ ở vào độ tuổi của con…” khi kể lể về quá khứ. Những gì trẻ thiếu niên sẽ nghe sau cụm từ ấy chính là cha mẹ chúng đã từng khổ cực thế nào để có được ngày hôm nay và những người trẻ phải vô cùng biết ơn về tất cả.

Những quả nho xanh” là một cụm từ xuất hiện vài lần trong Kinh Thánh. “Cha ông ăn nho xanh, con cháu bị ê răng” (Gr 31,29b; Ed 18,2).

Nếu những người cha, người mẹ tỏ ra chua xót về thời thơ ấu của mình, chẳng có ích gì khi chia sẻ những ký ức đó với con cái. Đặc biệt nếu mục đích của việc kể những câu chuyện ấy là để làm trẻ cảm thấy tội lỗi vì chúng đang có rất nhiều điều tốt đẹp.

Thay vì kể về những khó khăn và hy sinh của chúng ta trong quá khứ, chúng ta có thể chú ý hơn đến những lúc tốt đẹp. Hãy so sánh đoạn Thánh Kinh nói về những quả nho xanh với những câu chuyện mà tác giả sách Thánh vịnh nói về niềm hạnh phúc và tấm lòng bao dung của Thiên Chúa.

Tôi sẽ công bố điều huyền bí thuở xa xưa. Điều chúng tôi đã từng nghe biết do cha ông kể lại cho mình, chúng tôi chẳng giấu gì con cháu cả, sẽ tường thuật cho thế hệ mai sau: sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của chúa, với những kỳ công Chúa đã làm” (Tv 78,2b-4).

Những đứa con tuổi thiếu niên của bạn thích được nghe kể về những ơn lành của Thiên Chúa nơi cuộc sống của bạn hơn là những khó khăn và rủi ro mà bạn gặp phải. Chúng muốn được nghe những chuyến dã ngoại thám hiểm của bạn hơn là nghe bạn đã phải vất vả làm việc thế nào. Chúng muốn được nghe về những thời gian gia đình vui đùa bên bàn ăn hơn là nghe ông bà đã nghiêm khắc ra sao.

Nếu chúng ta không nói gì về những khoảng thời gian tốt đẹp, con cái sẽ nghĩ chúng ta không hề có những khoảnh khắc ấy.
 

Tác giả bài viết: Nghi Ân dịch

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây