Giáo xứ Vinh Hương

Nỗi cô đơn của phận người

Chủ nhật - 24/04/2011 20:52

Nỗi cô đơn của phận người

- “Mỗi người trong anh em hãy mau nghe, nhưng chậm nói”.

 

Những tác phẩm văn học hiện đại được giải thưởng thường khai thác phần nội tâm của con người. Con người hiện đại đối diện với thế giới công nghiệp và công nghệ đã không dành cho nhau thời giờ để lắng nghe và thấu hiểu. Dường như ai cũng cảm thấy bơ vơ lạc lõng giữa biển người hơn 6 tỷ trên hành tinh nầy.

Ngay trong gia đình, vợ chồng có khi mong cho người kia chết đi để mình được lãnh một số tiền bảo hiểm lớn, đủ cho mình sống dư giả cả đời. Khuynh hướng trọng vật chất và tâm trạng ích kỷ đã đẩy mỗi người vào trạng thái cô độc một cách không ngờ! Ngay trong mỗi gia đình, con cái không còn thời gian chuyện trò với anh chị em mình hoặc vui đùa với cha mẹ, vì ai lo phận nấy và vì màn hình tivi quá hấp dẫn. Đến giờ cơm, cả nhà tay gắp miệng nhai, mắt dán vào bộ phim đang chiếu trên truyền hình, chẳng ai nói với ai một lời thân ái – vì sợ bỏ sót mất một tình tiết gay cấn của bộ phim. Người cha người mẹ chẳng nói cho ra hồn một câu chuyện từng gây khúc mắc trong gia đình, bởi vì khi người nầy rảnh thì người kia lại bận, câu chuyện ‘khó chịu’ lại càng khó chịu hơn vì đã nói nhiều lần mà chẳng đến hồi kết!

Con người hiện đại thường bận tâm đến màn hình tivi hoặc vi tính, đến những cuộc điện thoại xa gần mà quên mất người đối diện: họ ngồi bên nhau nhưng ai nấy đang căng thẳng với những cuộc gọi liên tục. Con người hiện đại thường đi vào chuyên môn trong mọi lãnh vực, đến nỗi khó tìm được những điểm chung để trao đổi, ai cũng tự hào với những kiến thức và cách thế làm việc của riêng mình đến nỗi sẵn sàng cự tuyệt cách thế của người khác. Thật tai hại khi ngắt lời người khác, vì người nói thì bị ức chế tâm lý (Stress), còn người nghe lại mất đi cơ hội học hỏi một điều gì đó…Thái độ không biết lắng nghe làm nghèo tâm hồn cho cả 2 người.

Đức Kitô đã phục sinh! Ngài đã tự hiến để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét và chia rẽ. Ngài đã thực hiện một công cuộc tạo dựng mới, trong đó mọi người là anh em với nhau, vì cùng chung một Cha trên trời. Và Ngài hiện diện trong từng khuôn mặt tha nhân, đó là cách thế mà Chúa Phục sinh đã chọn – cho đến ngày tận thế. Vâng, Đấng Phục sinh lại còn ưa thích hiện diện nơi những người nghèo khổ và bé mọn nữa đấy!

Lệnh truyền yêu thương nhau như gương Thầy Giêsu đòi buộc người Kitô hữu phải biết quan tâm đến người thân cận, đó là người đang nói chuyện với tôi đây: hãy lắng nghe người khác nói. Nghệ thuật lắng nghe là một nghệ thuật mà con người hiện đại phải học hơn cả! Phải nghe một cách chăm chú, không ngắt lời, không ‘nhiễu sóng’ lung tung. Khi ta muốn thấu hiểu cõi lòng của người anh em là ta đang thực hành đức bác ái Kitô giáo rồi đó. Vì có những người luôn bị người khác ngắt lời, cúp điện thoại… đã đâm ra hoang mang về giá trị con người mình, có khi dẫn đến tự kỷ và có khi còn là tự tử… vì cho rằng mình chẳng có ích gì cho ai nữa! Thật là đáng thương cho phận người. Khi nói về những trẻ nghiện games online, theo sự phân tích thì nguyên nhân chính là do trẻ cảm thấy cô đơn ngay trong chính gia đình mình, ai cũng bận rộn nên trẻ phải chui vào thế giới ảo để khẳng định mình khi nhập vai trong games. Và phương cách chữa trị là phải quan tâm đến trẻ ngay trong từng gia đình, tập lại sinh hoạt ăn ngủ học hành cho chúng.

Với niềm vui Chúa Phục Sinh tràn ngập trần thế nầy, hãy cởi mở tâm hồn mình để biết lắng nghe cõi lòng của anh em quanh ta. Lời thánh Giacôbê: “Mỗi người trong anh em hãy mau nghe, nhưng chậm nói”.

Tác giả bài viết: nguoiluhanh

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây