Giáo xứ Vinh Hương

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

Chủ nhật - 19/06/2011 18:52

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

- Viết theo bài giảng của cha Phaolô Nguyễn Công Minh - Lễ Chúa Ba Ngôi

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được mạc khải một cách tiệm tiến và được trở nên sáng tỏ khi Ngôi Hai nhập thể. Khi nói về Chúa Ba Ngôi, chúng ta thường nghĩ về hoạt động riêng biệt của mỗi ngôi: Ngôi Cha tạo dựng muôn loài, Ngôi Con cứu chuộc và Ngôi Ba Thánh Thần thánh hóa. Nhưng hôm nay chúng ta để ý đến sự cộng tác của cả Ba Ngôi, chia sẻ trách nhiệm với nhau giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, vì Ba Ngôi luôn hiện diện và hoạt động trong nhau

Một gia đình, một cộng đoàn và một quốc gia được lớn mạnh là nhờ sự cộng tác và chia sẻ trách nhiệm của các thành viên. Một vị Tổng thống Mỹ đã từng nói: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho tôi, mà phải hỏi tôi đã làm gì cho tổ quốc”. Tôi nhớ lại trong một lần họp mở rộng của giáo xứ, gồm có cha xứ, HĐGX cùng các ban ngành đoàn thể, để bàn về những sinh hoạt trong dịp tết – phân công cho các đoàn thể phụ trách về văn nghệ, hội chợ, giữ xe… Ai cũng tìm cách chối khéo với những lý lẽ rất đa dạng và thuyết phục.  Buổi họp trôi qua khá nặng nề mà việc phân công hầu như đi vào bế tắc. Cha quản xứ phát biểu: “Nếu ai có khả năng gì thì nên đem ra mà phục vụ giáo xứ, chính lúc phục vụ đoàn thể mình mới lớn mạnh được, đừng tìm cách đẩy quá bóng trách nhiệm cho người khác vì sợ mệt”. Kể từ đó đến nay, các buổi họp phân công trong giáo xứ luôn nhẹ nhàng và nhanh gọn, dường như ai cũng muốn góp một tay để giáo xứ được lớn mạnh, ai không cáng đáng được công việc nào đó thì cứ lên tiếng để người khác giúp một tay.

Ba Ngôi Thiên Chúa luôn chia sẻ trách nhiệm với nhau, luôn hoạt động trong nhau. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói cho ta biết điều đó: “Cha với Ta là một, Ta không hành động một mình, Ta không tự mình mà nói hay làm gì, Cha luôn ở trong Ta và Ta luôn ở trong Cha” (Ga 10,30); và dĩ nhiên Chúa Thánh Thần là Tình Yêu luôn liên kết để tuy Ba Ngôi, nhưng lại là Một Chúa.

Để nhìn ra được sự chia sẻ trách nhiệm với nhau trong một giáo xứ, ta hãy nhìn khía cạnh tiêu cực của một số người quanh ta. Có những người khi giáo xứ mời gọi đóng góp xây dựng nhà thờ thì họ lại tìm cách gia nhập vào một giáo xứ khác, đến lượt giáo xứ đó xây dựng thì họ lại tìm cách nhập lại giáo xứ cũ. Có những người khi có những người quyên góp tiền cho một công việc nào đó thì họ đóng cửa lại, chờ khi đoàn đi qua thì lại mở cửa ra. Ngày xưa chúng ta học giáo lý có 6 điều răn Hội Thánh, nhưng nay sách giáo lý mới chỉ còn lại 5 điều răn Hội Thánh, và điều răn thứ năm dạy ta phải có bổn phận đóng góp xây dựng giáo hội địa phương.

Chúng ta phải thừa nhận rằng: ‘Dấn thân phục vụ là bằng chứng xác thực của niềm tin’; vì có vững tin thì người ta mới dám bỏ thế gian mà đi tu, mới dám bỏ công việc nhà mà giúp việc cho giáo xứ. Khi quan sát một xứ đạo nào đó, tuy lớn về số lượng giáo dân và các tổ chức bề ngoài, nhưng thực sự xứ đạo đó  không vững mạnh khi có nhiều rạn nứt chia rẽ, khó kiếm người làm việc cho các hội đoàn và HĐGX. Thật may mắn được sống trong một xứ đạo mà ở đó còn có những tấm gương hy sinh của các vị mục tử và những người làm việc ‘không lương’, vì những gương sáng đó như những ngọn đuốc hâm nóng quả tim những người khác muốn bắt chước họ phục vụ vô vị lợi. Có người đến tuổi 60 đã chia sẻ: “càng ngày mình càng nghiệm ra rằng những người sống quảng đại với người khác thường có một cuộc đời thanh thản, thành công và sung túc; còn những kẻ bon chen với đời và với người thì cuộc đời mãi trôi nổi”. Âu đó cũng là lời tiền nhân để lại cho ta: “Xởi lởi thì trời gửi của cho – Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.

Thánh Gioan Tông Đồ đã diễn tả “Thiên Chúa là Tình Yêu”, hay đảo ngược lại “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời”. Một gia đình, một cộng đoàn hay một giáo xứ có những người biết chia sẻ trách nhiệm cho nhau, biết cộng tác với nhau để làm việc thiện một cách vui vẻ, thì quả thật nước trời đang ở giữa họ.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây