Giáo xứ Vinh Hương

Người Công giáo Trung Quốc không từ bỏ đức tin dù bị tra tấn

Thứ ba - 14/08/2018 06:00
 

Ảnh chụp người dân đọc áp phích chỉ trích Giáo hội Công giáo trong bảng thông báo trên phố.
Ảnh: Lang Tao Sha

Thomas Zhang sinh ra tại làng Yaozhang thuộc hạt Liquan, tỉnh Thiểm Tây, miền trung Trung Quốc, năm 1944. Gia đình ông biết về đạo Công giáo từ bà ngoại, và một trong các cậu của ông là linh mục.

Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1961, ông Zhang giúp gia đình làm trang trại và theo cậu mình và các cha chánh xứ khác truyền giáo trong vùng.

Trong cái gọi là Phong trào 4 Dọn dẹp do Mao Trạch Đông phát động năm 1963 nhắm mục tiêu vào những người được gọi là phản động, các hạt Jingyang, Gaoling và Sanyuan của Thiểm Tây bị ảnh hưởng nhiều nhất vì các thành viên trong nhóm làm việc do đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập được bố trí trong từng nhà tín hữu, sống chung để tẩy não họ.

Ông Zhang, 74 tuổi, kể: “Lúc bắt đầu thời Cách mạng Văn hóa, xã hội hỗn loạn, vô tổ chức, vô kỷ luật. Nhiều linh mục bị bỏ tù và gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng”.

Năm 1966, khi ông Zhang được 22 tuổi, các thành viên trong Giáo hội bị ép buộc giao nộp tượng thánh và sách thánh. Hồng vệ binh (sinh viên đại học hay học sinh trung học hiếu chiến) đánh trống và la hét trước cửa nhà của các tín hữu. Người Công giáo bị gọi là yêu quái.

Sinh viên trong thành phố Tây An, thủ phủ của Thiểm Tây, tổ chức tuyên truyền trên cả nước, một trong những biện pháp vận động xã hội được Mao áp dụng trong thời Cách mạng Văn hóa (1966-1976), từ nửa cuối năm 1966 đến đầu năm 1967. Hồng vệ binh đi tuyên truyền khắp cả nước Trung Quốc.

Những người trẻ này gây hấn với bất kỳ người nào không chịu nghe theo Mao và thường treo các tấm bảng lớn trước ngực người Công giáo và gán cho họ tội làm tay sai.

Ông Zhang cho biết nhiều thành viên trong Giáo hội còn bị ngược đãi. Có một người bị súc vật tấn công đã không được điều trị y khoa vì người đó là người Công giáo, và sau đó bị chết vì bệnh uốn ván.

Một ngày nọ có một hồng vệ binh đến làng của ông và hô vang: “Đảng Cộng sản muôn năm!”. Cậu của ông đáp lại: “Thiên Chúa muôn năm! Đức Giêsu Kitô muôn năm!”.

Vị linh mục bị gán cho là phản động và bị bắt diễu hành qua các đường phố cùng với vợ chồng người em trai. Một người đánh cồng chiêng dẫn đường để thu hút sự chú ý của công chúng và mặt họ bị sơn màu đen và đỏ. Vị linh mục sau đó bị bỏ tù cùng với nhiều linh mục khác trên cả nước.

Mặc dù thời Cách mạng Văn hóa rất hỗn loạn, gia đình ông Zhang vẫn giữ vững đức tin.

Hàng đêm ông Zhang và người cậu làm linh mục lén lút đạp xe đạp đến các làng không có người giảng đạo để chia sẻ Lời Chúa và động viên các tín hữu ở đó. Lúc nào ông Zhang cũng đi cùng.

Họ giảng đạo trong nhà các tín hữu tin cậy. Trong lúc họ giảng đạo, các thành viên trong Giáo hội đứng canh ở cổng làng và tại cửa nhà. Nếu có người đáng nghi xuất hiện, các thầy giảng đạo sẽ rời khỏi đó ngay.

Ông Zhang đọc nhiều sách cất giấu trong nhà người cậu linh mục của mình. Các sách nói về Giáo hội làm giàu thêm kiến thức tâm linh của ông và giúp ông viết nhiều bài báo sau này để làm chứng cho Chúa.

Sau đó gia đình ông Zhang công khai tuyên bố từ chối bỏ đạo. Thế là người cậu cùng vợ cậu ấy bị làm nhục trước công chúng và anh trai cùng các anh chị em họ của ông Zhang bị phạt tù từ 2-10 năm.

Ông rất tức giận khi thấy người cậu cùng vợ cậu ấy, vốn chỉ là nông dân bình thường, bị ép đội mũ giấy vì từ chối tuyên bố bỏ đạo.

“Tôi không thể chịu được và đã bước lên chỗ họ bị làm nhục và tra tấn để lấy mũ của họ xuống”, ông Zhang kể.

Hồng vệ binh kéo ông xuống đất và gán cho ông là phản động. Ông bị sỉ nhục và tra tấn vào ban đêm. Sau đó ông bị đưa đến một đội sản xuất để lao động.

“Trong đội này, một người làm việc một ngày có thể kiếm được 10 điểm để đổi lấy thức ăn vào cuối tháng. Thậm chí những người được cho là có tư tưởng không trong sáng cũng có thể kiếm được 8 điểm một ngày, nhưng tôi là kẻ phản động nên không có điểm nào cả”, ông Zhang kể.

Sau thời Cách mạng Văn hóa, ông Zhang vẫn hăng hái giảng đạo. Lúc 50 tuổi, đáng lẽ ông phải giúp gia đình làm nông trại nhưng ông lại đi giúp nhà thờ làm việc tình nguyện không lương.

Kể lại trải nghiệm trong thời Cách mạng Văn hóa, ông Zhang nói cách đầy xúc động: “Nếu không có Chúa giúp, tôi không được yên lành như thế này. Mọi việc đều do Chúa sắp đặt”.

Nguồn tin: www.vietnam.ucanews.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây