Giáo xứ Vinh Hương

Di hài Thánh Antôn thu hút đông người tại Bangladesh

Thứ năm - 09/02/2017 18:16
- Thánh nhân là một trong những nhân vật tôn giáo được yêu mến nhất tại Bangladesh, chiếc lưỡi không hư nát của ngài đang thu hút hàng ngàn khách hành hương
 
Khách hành hương kéo nhau đến kính viếng chiếc lưỡi vẫn còn nguyên vẹn của Thánh Antôn Padua tại nhà thờ Công giáo Rất Thánh Mân Côi ở Dhaka hôm 1-2.
Ảnh: ucanews.com

Thánh tích gần 800 năm tuổi của Thánh Antôn Padua đến Bangladesh trong chuyến rước vòng quanh đất nước, khơi lên lòng nhiệt thành nơi hàng ngàn Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo, vốn xem thánh nhân người Bồ Đào Nha là ‘á thánh’ vì nhiều phép lạ được cho là do ngài làm.

Hai tu sĩ dòng Phanxicô rước thánh tích từ Vương Cung Thánh Đường Thánh Antôn ở Padua, Ý, đi vòng quanh 8 giáo phận Công giáo từ ngày 1-9/2.

Vào ngày thứ nhất, họ đặt thánh tích tại nhà thờ Rất Thánh Mân Côi trong thánh lễ tại trung tâm Dhaka. Có khoảng 30.000-35.000 người tham dự thánh lễ, theo linh mục chánh xứ Kamal Corraya.

“Thánh Antôn là thánh nhân được yêu mến nhất tại Bangladesh và chúng tôi nghĩ có rất nhiều người tham dự nhưng tổng số người tham dự đông hơn chúng tôi dự kiến nhiều. Lúc đầu, chúng tôi được cho phép đặt thánh tích cho người dân kính viếng trong một vài giờ nhưng sau đó chúng tôi phải kéo dài thời gian thêm”, cha Corraya phát biểu với ucanews.com.

Rini Chambugong, người Công giáo dân tộc Garo làm việc cho tổ chức phi chính phủ, cho biết nhờ sùng kính Thánh Antôn mà bà được đặc ân lớn lao.

“Từ lúc còn nhỏ tôi đã chứng kiến bố mẹ và những người hàng xóm rủ nhau đi cầu xin Thánh Antôn ban ơn, và bản thân tôi đã được thánh nhân nhậm lời cầu nguyện. Tôi tin rằng nếu chúng ta cầu nguyện xin ngài, ngài sẽ bảo vệ chúng ta tránh khỏi mọi sự dữ”, Chambugong nói.

Muzammel Hossain đầu đội mũ của người Hồi giáo kiên nhẫn đứng đợi bên ngoài cổng nhà thờ. Ông cho biết Thánh Antôn đã giúp ông có con.

“Tôi đã kết hôn 14 năm, nhưng không thể có con. Một người bạn Kitô giáo khuyên tôi cầu nguyện xin Thánh Antôn và chúng tôi đã có con. Hiện nay chúng tôi đã được ban cho một đứa con gái xinh đẹp”, Hossain kể với ucanews.com.

Tuy nhiên, ông lấy làm tiếc là các chức sắc nhà thờ không cho phép người ngoài Kitô giáo vào bên trong mà lại đề nghị ông đến viếng thánh địa chính ở Panjora gần Dhaka vào ngày 3-2, ngày lễ kính Thánh Antôn hàng năm.

“Tôi dự định đi viếng thánh địa Thánh Antôn cùng với gia đình. Tôi tin rằng Thánh Antôn không chỉ thuộc về người Kitô hữu mà thuộc về tất cả mọi người”, ông nói thêm.

Thánh tích dự kiến sẽ đến thánh địa chính, nơi đặt tượng thánh nhân trong nhà nguyện tại làng Panjora. Thánh địa thu hút hàng chục ngàn khách hành hương vào ngày lễ kính Thánh Antôn mỗi năm, thường được tổ chức vào tháng 2 vì điều kiện thời tiết, mặc dù ngày lễ kính thánh nhân chính thức là ngày 13-6.

Cha Joyanto S. Gomes, chánh xứ nhà thờ Thánh Nicholas Tolentino tại Nagari, nơi trông coi thánh địa, cho biết người dân hết sức sốt sắng.

“Năm nay, ngày càng nhiều người tham dự giờ kinh trong tuần cửu nhật và chúng tôi dự kiến sẽ có rất nhiều người tham dự ngày lễ”, vị linh mục cho biết.

“Một viên chức cấp cao trong Bộ Phong Thánh biết Thánh Antôn rất được yêu mến ở Bangladesh nên đã tổ chức rước thánh tích đến đất nước này để người dân địa phương có thể kết nối với thánh nhân mà họ rất yêu mến và tôn kính”, cha Gomes cho biết thêm.

Thánh Antôn sinh tại Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 15-8-1195. Ngài chịu chức linh mục và sau đó trở thành tu sĩ dòng Phanxicô. Ngài được nhiều người hoan nghênh vì giảng hay, luôn yêu thương người nghèo và bệnh nhân và thông thạo Kinh Thánh.

Ngài qua đời năm 1231 ở tuổi 35 tại Padua, Ý, vì chứng phù nề mãn tính. Ngài được Vatican tôn phong thánh một năm sau đó và năm 1946 ngài được tôn phong Tiến sĩ Hội Thánh.

30 năm sau khi ngài qua đời, các chức sắc trong Giáo hội khai quật thi thể ngài và đưa vào một vương cung thánh đường thích hợp nhưng phát hiện thấy lưỡi ngài vẫn còn nguyên vẹn mặc dù các phần còn lại của thi thể ngài đã thối rữa.

Các chức sắc xem đây là bằng chứng về ơn rao giảng của Thánh Antôn. Chiếc lưỡi được lấy ra khỏi thi thể, cùng với xương hàm và cẳng tay trái, để dùng làm thánh tích.

Tác giả bài viết: Stephen Uttom và Rock Rozario từ Dhaka, Bangladesh

Nguồn tin: www.vietnam.ucanews.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây