Giáo xứ Vinh Hương

Chỉ có tình huynh đệ mới bảo đảm được một nền hoà bình bền vững

Thứ năm - 05/04/2018 01:08
Chú ý: Bài viết này chưa được xuất bản, chỉ có những người có quyền thao tác mới có thể xem được nội dung.

                                                 

Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng


Anh chị em thân mến!

Thứ Hai sau lễ Phục Sinh được gọi là "Thứ Hai Thiên  Thần", theo truyền  thống tốt đẹp từ Kinh Thánh về sự kiện Phục Sinh. Tin Mừng (Mt 28,1-10, Mc 16,1-7; Lc 24,1-12) kể rằng, khi các phụ nữ ra mồ, họ thấy cửa đã mở. Trước đó họ lo ngại không vào bên trong được vì cửa mồ đã đóng bằng một tảng đá lớn. Nhưng rồi cửa mồ đã mở ra và từ bên trong có tiếng nói rằng Chúa Giêsu không còn ở đó, Ngài đã sống lại rồi.  

Tin báo "Ngài đã sống lại" được phát ra đầu tiên. Các tác giả Tin Mừng cho ta biết rằng tin vui đầu tiên luôn được thiên thần là sứ giả của Thiên Chúa loan báo. Sự hiện diện của thiên thần luôn mang một ý nghĩa: cũng như sự kiện thiên thần Gabriel loan báo tin mừng Ngôi Lời Nhập Thể, ngôn từ loài người không đủ để công bố Tin Mừng Phục Sinh. Cần có một bản thể siêu nhiên để truyền đạt một sự thật gây sốc không thể tin nổi, mà con người không dám loan báo. Sau loan báo của thiên thần, các tông đồ bắt đầu lặp đi lặp lại: "Thầy đã sống lại thật rồi: Ngài đã hiện ra cùng Simon Phêrô" (Lc 24,34). Đây là một tin vui. Bây giờ chúng ta có thể cùng nhau thốt lên: "Chúa đã sống lại thật rồi". Tin mới này - "Chúa đã sống lại thật rồi" - đòi hỏi một trí năng siêu nhiên trong trí năng nhân loại.

Hôm nay là ngày mừng lễ và sống mật thiết trong gia đình. Đây là ngày gia đình. Sau khi cử hành thánh lễ Phục Sinh chúng ta thấy cần phải sum họp với người thân và bạn bè để mừng lễ. Bởi lẽ, tình huynh đệ là hoa trái Vượt Qua của Chúa Kitô, Đấng từ cõi chết sống lại, đã chiến thắng tội lỗi là tác nhân tách rời con người với Thiên Chúa, tách rời con người với chính mình, tách rời con người với anh em mình. Chúng ta biết rằng tội lỗi luôn chia rẽ, luôn gây oán thù. Chúa Giêsu đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa loài người và khôi phục nền hoà bình bằng cách dệt lại tấm lưới nối kết tình huynh đệ mới. Thời đại chúng ta cần phải tái khám phá tình huynh đệ như nó đã từng tồn tại nơi các cộng đoàn ki-tô hữu tiên khởi. Tái khám phá bằng cách dành chỗ cho Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ chia rẽ mà luôn luôn hiệp nhất. Không thể có một cộng đồng đích thực và một cam kết vì lợi ích chung, vì công bằng xã hội, nếu thiếu tình huynh đệ và chia sẻ. Không có chia sẻ huynh đệ thì không thể tạo lập một cộng đồng giáo hội hay xã hội, mà chỉ là một tập hợp những cá thể chuyển động hoặc liên kết với nhau vì quyền lợi riêng. Nhưng tình huynh đệ là ân sủng Chúa Giêsu ban cho.                       

Lễ Vượt Qua của Đức Kitô cũng làm bừng lên một điều mới mẻ khác trên trần gian: Mới mẻ trong đối thoại và liên đới, đây là trách nhiệm của ki-tô hữu. Vì Chúa Giêsu đã truyền dạy: "Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau" (Ga 13,15). Do đó chúng ta không thể khép kín trong riêng tư hay trong phe nhóm mình, nhưng chúng ta được mời gọi quan tâm đến lợi ích chung, được mời gọi chăm lo cho anh em, nhất là những người yếu đuối và những người bên lề xã hội. Chỉ có tình huynh đệ mới bảo đảm được nền hoà bình bền vững, chiến thắng được nghèo đói, ngăn chặn được áp bức và chiến tranh, mới trừ tận gốc tham nhũng và tội phạm. Vị sứ thần đã nói với chúng ta "Ngài đã sống lại rồi" sẽ giúp chúng ta sống tình huynh đệ, canh tân đối thoại và liên đới, cùng chuyên tâm đến lợi ích chung.  

Xin Mẹ Maria, mà hôm nay chúng ta cầu xin bằng tước hiệu Nữ Vương Thiên Đàng, chuyển cầu cho chúng ta để tình huynh đệ và sự thông hiệp chúng ta cử hành trong Lễ Phục Sinh trở thành qui tắc sống và tinh thần liên đới. 

Tác giả bài viết: ZENIT, 03.04.2018, Anne Kurian - Huuchanh dịch

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây