Giáo xứ Vinh Hương

Giáo viên – mừng ngày 20/11

Thứ ba - 17/11/2015 18:03

Giáo Viên là danh từ chung chỉ những người dạy học.

“Ôn Cố Tri Tân” bên cạnh những thành công đáng ghi nhận của sự tiến bộ trong khoa học, mà ngành giáo dục đã góp phần không nhỏ cho sự tiến bộ này. Tuy nhiên xét về mặt nhân văn thì có điều chưa ổn trong việc giáo dục, như những hiện tượng đáng buồn như: “thầy trò cá mè một lứa”, “trò đánh thầy, cô”, “nữ sinh đánh nhau”,...

Trước tiên chúng ta cùng suy gẫm chiết tự  hai chữ GIÁO và VIÊN để hiểu rõ hơn ý của tiền nhân khi sử dụng hai chữ này trong lĩnh vực giáo dục:

Chiết tự “GIÁO”

GIÁO / GIAO 教  (jiào, jiāo) (Truyền thụ, Tiếng gọi tắt của tôn giáo = Đạo. *2) = PHÁC攴 (đánh khẽ) + HIẾU 孝  (Hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Đạo lí phụng thờ cha mẹ. Lễ nghi cư tang. Tang phục. Họ Hiếu).

Theo phép Hội Ý của Lục Thư thì chữ GIÁO được ghép từ hai chữ PHÁC và HIẾU, vì nhằm giúp học trò tập và sống đạo hiếu đôi khi thầy dạy cũng phải dùng roi mà đánh khẽ nhằm răn đe: “thương cho roi cho vót” là vậy. Giáo đầu tiên là dạy đạo hiếu: kính trên nhường dưới, là sống hòa thuận yêu thương “tiên học lễ, hậu học văn” cũng là thế.

Chiết tự “VIÊN”

員VIÊN/VÂN (员 yuán, yùn) (Hình tròn, Chu vi. Người làm nghề nghiệp hoặc công việc nào đó. Người thuộc trong một đoàn thể) = KHẨU 口 (miệng) + BỐI 貝 (sò, hến = điều quý báo; tiền)

Tượng hình: miệng trên tiền. Ý nghĩa: là những người có khả năng nói ra tiền, tiền ở đây là điều quý như địa vị danh dự, xưa có câu “nhất sĩ nhì nông” là vậy (員外 viên ngoại: quan chức, phú hào).

Theo gợi ý từ chiết tự hai chữ Giáo-Viên, cho chúng ta một khẳng định: một nền giáo dục sẽ là “bất ổn” nếu thiếu quan tâm thật sự đến việc dạy cho học trò tình thương yêu tha thứ. Kiến thức luôn là kiến thức cần thiết và hữu dụng, nhưng kết qua của nó sẽ rất khác nhau do mục đích của người sử dụng. Người có lòng nhân sẽ dùng kiến thức mình học được để xây dựng và thăng tiến cuộc sống, ngược lại sẽ là thảm họa cho cuộc sống khi cũng những kiến thức ấy được kẻ gian ác sử dụng vào ý đồ riêng của nó.

Một ví dụ minh họa: DDT là một thứ thuốc độc, dạng bột màu trắng rất giống bột dùng lăn tôm để chiên. Hai học sinh khi học biết điều này qua giờ Hóa-Học; nhưng sẽ rất khác nhau trong cách sử dụng, trẻ được dạy và biết sống yêu thương tha thứ, em sẽ nghĩ ngay đến cách làm thế nào để chất độc hại ấy không gây nguy hiểm cho người khác như: phải để xa tầm với của trẻ em, phải ghi rõ trên đồ đựng và để xa nhưng bịch, hộp đựng bột chiên tôm... ngược lại với trẻ được dạy sự thù hằn ganh tỵ, DDT chính là phương tiện để nó dùng trả thù, như: được rồi, hãy đợi đấy!...

Người Công Giáo, chúng ta được Chúa Giê-su Bậc Thầy Chí Thánh đã dạy:

“Các con hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học với Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn các con sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29).

Chúa Giê-su có rất nhiều nhân đức có rất nhiều điều để con người học được nhưng Người muốn mỗi người chúng ta phải ưu tiên học cho được hai nhân đức nền tảng này. Thiếu lòng hiền hậu chẳng ai muốn gần, sẽ chẳng gây thiện cảm được cùng ai; thiếu khiêm nhường sẽ chẳng ai muốn gặp và cũng chẳng thể học thêm được gì mới. Học không chỉ là thu lượm kiến thức nhưng phải là luyện nhân cách. Học giỏi đến mấy mà không hiền lành và khiêm tốn để phục vụ và cống hiến cùng cộng tác với mọi người để thăng tiến cuộc sống nào có ích gì!

Người Giáo Viên Công Giáo, chúng ta được Chúa Giê-su Bậc Thầy Chí Thánh đã dạy: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, *dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,19-20)

Một trong những tội lớn của những người có trách nhiệm hướng dẫn người khác là dạy theo ý riêng mình, và không can đảm chống lại những lý thuyết sai lạc, những chủ trương thù hận trong các chương trình giáo dục. Phải dạy những gì làm cho nhân phẩm được triển nở; mọi việc học chỉ thật sự là hữu ích khi chúng hỗ trợ cho việc học-làm-người. Chúa dạy mỗi chúng ta chỉ dạy cho người khác những gì Chúa đã dạy chúng ta, đó là yêu thương tha thứ. Biết quan tâm làm điều tốt cho người khác là nhân bản (cái làm nên con người) “Tôi nếu chẳng còn yêu có còn là người nữa không?” (lời của bài hát “Tự Hỏi”). Chúa Giê-su thì khẳng định điều này: “Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12)

Cuối cùng, chúng ta là những người được gọi là thầy dạy, chúng ta cầu chúc nhau đạt được thành quả trong sứ vụ cao cả này. Với tất cả sự nhiệt tâm và trách nhiệm, xin Chúa giúp mỗi chúng ta học cho được sự hiền lành và khiêm tốn của Thầy Chí Thánh Giê-su, để mỗi chúng ta có thể hãnh diễn nói với học trò như Thánh Phao-lô, người học trò ưu tú của Chúa Giê-su đã nói: 

“Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô” (1Cr 11,1)

Để kết xin mượn lời bài hát “Tự Hỏi” như lời chất vấn về tình yêu và trách nhiệm giáo dục:

Nắng nếu không còn ấm có còn là nắng nữa không,

Rừng nếu không còn lá có còn là rừng được chăng,

Mây nếu chẳng còn bay sẽ được gọi tên là gì?

Tôi nếu chẳng còn yêu có còn là người nữa không ?

ĐK:

Nắng mãi xin mãi là nắng ấm, rừng mãi xanh lá bạt ngàn

Mây xin mãi cứ bay cho được luôn mãi yêu người

Yêu chan hoà như ánh nắng ấm ôm ấp khắp mọi loài,

Yêu như rừng tự do kết lá xôn xao tình hoa.

***

Muối nếu không mặn nữa có còn là muối nữa không,

Biển nếu không còn sóng sẽ còn là biển được chăng,

Hoa nếu chẳng toả hưong sẽ được gọi tên là gì,

Người nếu chẳng yêu người cõi đời còn gì vui không?

ĐK:

Muối mãi xin là muối nhé biển mãi dâng sóng dạt dào,

Hoa xin mãi ngát hương cho muôn người luôn mến yêu hoài,

Yêu như loài hoa không tính toán cho hương sắc nồng nàn,

Yêu như biển thuỷ chung sóng vỗ dạt dào ngàn năm..

Ngày Nhà Giáo Việt  Nam, Chia sẻ cùng Giáo Chức Công Giáo

Giu Đức 20-11-2014

Lm. JB. Trần Đinh Tử

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây