Giáo xứ Vinh Hương

Nét văn hóa nới các xứ đạo Công giáo làm phong phú nền văn hóa Việt Nam

Thứ hai - 08/12/2014 17:40

Để làm rõ vấn đề nét văn hoá nơi các xứ đạo Công Giáo làm phong phú nền văn hoá Việt Nam. Chúng ta tìm hiểu hai vấn đề:
 
Khái quát đôi nét về văn hoá; một vài định nghĩa căn bản về văn hoá.
Các xứ đạo Công Giáo đã làm được gì để nền văn hoá Việt Nam phong phú ?
 
Khái quát đôi nét về văn hoá; một vài định nghĩa căn bản về văn hoá.
 
Khái quát đôi nét về văn hoá.
Hai từ văn hoá đã có từ lâu đời và ở khắp mọi nơi trên thế giới. Người ta mặc nhiên thừa nhận mỗi quốc gia đều có một nền văn hoá riêng biệt. Việt Nam có nền văn hoá khác với Lào, Thái Lan, Campuchia…Dù đây là ba nước về mặt đia lý đứng bên nhau, có khá nhiều điểm tương đồng với nhau. Trung Quốc cổ đại đã coi văn hoá là phương thức giáo hoá con người “văn  trị, giáo hoá”.  Mỗi nước trong một giai đoạn lịch sử lại có nền văn hoá khác nhau. Việt Nam có các thời kỳ văn hoá như: văn hoá thời đại đồ đá cũ; văn hoá thời đồ đá mới; văn hoá thời đại đồ đồng đá; văn hoá thời đại đồ đồng; văn hoá thời kỳ đồ sắt… Trong giai đoạn văn hoá thời kỳ đồ sắt lại bao gồm: văn hoá Đông Sơn; văn hoá Sa Huỳnh; văn hoá Đồng Nai; văn hoá Óc Eo. Ngày nay, có văn hoá du lịch, văn hoá ẩm thực, văn hoá trang phục, văn hoá kiến trúc, văn hoá giao thông, văn hoá ứng xử…
 
Nhiều nước phương tây như Pháp, Anh thì người ta dùng từ culture; người Nga dùng từ kyltypa; người Đức dùng từ kultur để chỉ văn hoá. Những từ trên đều có chung nguồn gốc từ tiếng Latinh là cultus animi có nghĩa là “trồng trọt tinh thần”.
 
Như thế, văn hoá chiếm mọi lãnh vực hoạt động có giá trị trong đời sống tinh thần cũng như vật chất của con người.
 
Từ bao đời nay, văn hoá đã để lại bao cách nhìn nhận, quan điểm, tham luận, hội thảo, tranh luận khác nhau của con người. Xem ra những điều đó vẫn chưa có hồi kết! Tuy nhiên nhân loại cũng đã thống nhất với nhau về văn hoá qua một số định nghĩa…
 
Một vài định nghĩa căn bản về văn hoá.
Chính vì văn hoá quá phong phú, lại có những nhìn nhận khác nhau, nên đã nảy sinh ra biết bao định nghĩa về văn hoá. Năm 1952 hai nhà khoa học Mỹ là Alfred kroeber và Clyde Kluckhohn đã thống kê có tới 164 định nghĩa về văn hoá (nguồn Wikipedia)
 
Xin gới thiệu ba định nghĩa có tính đại diện về văn hoá:
 
Định nghĩa văn hoá theo Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam.
“Văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử
 
Đinh nghĩa văn hoá theo Unesco
Năm 2002 Unesco đã đưa ra định nghĩa về văn hoá như sau: “Văn hoá nên được đề cập đến như một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin.” (nguồn Wikipedia)
 
Định nghĩa theo Công Đồng Vaticanô II
Văn hoá chỉ tất cả những gì con người có thể sử dụng để trau giồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng tri thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở thành nhân đạo hơn nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết diễn tả, thông truyền trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của thời đại, để giúp con người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn” (Giáo Hội trong thế giới ngày nay, chương II, cổ vũ việc phát triển văn hoá, Vaticanô II)
 
Các xứ đạo Công Giáo đã làm được gì để nền văn hoá Việt Nam phong phú ?
 
Xứ đạo làm phong phú những giá trị văn hoá tinh thần:
Đạo Công Giáo đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1533, tính đến nay gần 5 thế kỷ.
 
Ngày nay, số người Việt Nam theo đạo Công Giáo đã có trên 7 triệu người thuộc 26 giáo phận, nơi hàng ngàn xứ đạo ở rải rác khắp nơi trên 63 tỉnh thành của Việt Nam.
 
Ta có thể nói, ngày nay nét văn hoá của đạo Công Giáo đang được thể hiện khá đầy đủ nơi các xứ đạo của Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị; từ đồng bằng đến rừng núi cao nguyên; từ người Kinh đến người Thượng; từ người Mông đến người Nùng, từ người Dao đến người Thái. Gia đình giáo xứ được đoàn ngũ hoá các giới, từ giới ấu nhi đến giới thiếu nhi; từ giới gia trưởng đến giới hiền mẫu…cùng với các phong trào và đoàn hội. Tất cả đều được học những nội dung phù hợp với lứa tuổi như lớp dự bị hôn nhân, lớp vào đời I vào đời II; “học sống làm con người và làm con Chúa”; lớp nhân bản... Nhờ đó ta thấy nơi giáo xứ ít ly dị, ít tệ nạn xã hội.
 
Văn hoá nơi xứ đạo làm cầu nối hai nền văn hoá Đông Tây
Văn hoá Công Giáo, tuy có những giai đoạn thăng trầm đáng tiếc đã xẩy ra trong quá khứ, nhưng ngày nay, văn hoá Công Giáo đã gắn bó với văn hoá Việt, hoà quyện với văn hoá Việt. Nó đã được Việt hoá một cách khắng khít, làm phong phú nền văn hoá Việt Nam, tạo cầu nối làm bớt đi những dị biệt cố hữu giữa hai nền văn hoá Đông và Tây. Chính giới răn yêu thương là cội nguồn của những thành quả đó.
 
Trước năm 1533 người Việt mới biết cầu Trời khấn Phật mỗi khi gặp những tai ương vạ gió để mong được ấm no hạnh phúc: “Lạy Trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cầy/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy rơm đun bếp/ lấy nếp nấu xôi..”(Đồng dao). Từ khi đạo Công Giáo đến, người giáo dân được biết rõ ràng qua Thánh Kinh và lời diễn giải của các Nhà Truyền Giáo thì ông Trời đó chính là Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ đó, văn hoá tín ngưỡng Việt có cơ duyên vừa mở rộng, vừa đi tới cội nguồn của vũ trụ nhân sinh, tim gặp được Đấng Vua vũ trụ muôn loài để tôn thờ Ngài và chỉ một mình Ngài, bớt đi bao mê tín dị đoan, lầm lạc đáng tiếc đã diễn ra trong quá khứ.
 
Ngoài ra, các nhà truyền giáo gặp bao khó khăn về chữ viết. Chữ Nôm, chữ Nho chỉ dành cho người có học thức. Chữ nào dành cho giới bình dân đây? Ngày đó Việt nam 100% là nông dân. Chính những thao thức đó đã giúp Cha cố Alexandre De Rhodes (1591-1660) “việt hoá” các mẫu tự  Latinh thành chữ quốc ngữ trong cuốn tự điển Việt-Bồ-La. Một thứ chữ người bình dân nơi các giáo xứ chỉ cần ba tháng là đọc thông viết thạo. Đây quả là công trình văn hoá trọng đại bậc nhất của người Việt, nó làm phong phú cho nền văn hoá nước nhà biết bao!
 
Tiếng chuông nơi giáo đường.
Một điểm nữa là tiếng chuông chùa sáng chiều trầm buồn ngân toả khắp nơi như để cảnh tỉnh chúng sinh phải hồi tâm nhớ rằng “đời là bể khổ”, với 108 nỗi phiền não, đau khổ: sinh, lão bệnh, tử ... Vì thế cần phải diệt “tham sân si” tức là phải bỏ tham lam, bỏ tức giận ghen ghét, bỏ si mê say đắm, trở về với chính cõi lòng của mình để có an vui, có hạnh phúc. Trong khi đó tiếng chuông nhà thờ nơi các xứ đạo sáng chiều thánh thót ngân vang khắp nơi như hối thúc mọi người mau hồi tâm, tỉnh thức. Tiếng chuông còn hối thúc ta trỗi dậy và đi loan báo tin vui Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến trần gian, Ngài đã chịu chết và sau ba ngày Người đã sống lại, và Ngài sẽ đến trần gian trong ngày tận thế. Tiếng chuông nơi xứ đạo hối thúc mọi tín hữu mau đem vui mừng và hy vọng đó đến cho anh em ta.
 
Về mặt kiến trúc, hàng ngàn ngôi Thánh đường nơi các xứ đạo ở Việt nam với nét kiến trúc đa dạng, phong phú từ cổ kính đến hiện đại đã làm phong phú nét kiến trúc của người Việt qua mấy thế kỷ qua như: Nhà thờ Sapa (Lào Cai 1895), nhà thờ Hà Nội (năm 1887), nhà thờ Phú Nhai (Nam Đinh 1860), nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình 1899), nhà thờ Đức Bà (TP. HCM 1865)… đã để lại đấu ấn đậm nét trong lòng du khách. Nơi mỗi giáo xứ, ta còn gặp nét văn hoá độc đáo là các nghĩa trang. Gần như mỗi giáo xứ đều có một nghĩa trang, và cố gắng làm cho nghĩa trang đó ngày một văn minh hơn, bình đẳng hơn, xanh sạch đẹp hơn.
 
Tóm lại, tuy nét văn hoá nơi các xứ đạo đã có những đóng góp rất tích cực làm phong phú nền văn hoá Việt Nam nói trên, ta không thể kể hết, nhưng so với Giáo Hội thời sơ khai thì các giáo xứ còn cần cố gắng rất nhiêu. Điều này đã được Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu Giám Mục giáo phận Long Xuyên nhắc nhở trong thư mục vụ tháng 9 năm 2010 “Một Hội Thánh Mầu Nhiệm và Hiệp Thông vì Sứ Vụ”. Ngài đẫn chứng năm 1960 giáo phận có 7,3% là người Công giáo; năm 2010 tỉ lệ đó giảm còn 6,9%. Vậy, việc Loan Báo Tin Mừng là cấp bách.
 
Theo Cha giáo Mt Hoàng Đình Ninh Đại chủng viện Cần Thơ thì: “Giáo xứ phải là cộng đoàn niềm tin; cộng đoàn cầu nguyện; cộng đoàn bác ái yêu thương; và cộng đoàn Loan Báo Tin Mừng”. Xét theo các tiêu chuẩn đó thì quả thực, các giáo xứ còn cần cố gắng nhiêu hơn nữa. Có lễ vì thế, mà HĐGM Việt Nam chọn năm 2015 là năm: “Tân Phúc Âm hoá đời sống giáo xứ và các cộng đoàn sống đời sống thánh hiến”.
                                                                                            

Tác giả bài viết: Inhaxiô Đặng Phúc Minh

Nguồn tin: www.gpcantho.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây