Giáo xứ Vinh Hương

Viết về mẹ

Thứ tư - 24/08/2011 19:57

quang gánh cuộc đời

quang gánh cuộc đời
- Nhân dịp lễ Thánh Monica bổn mạng các bà mẹ công giáo, chúng tôi xin giới thiệu một số bài viết về Mẹ.

 

Trích từ  BÁO MẸ HIỀN

Số tháng 8.09

Nguồn: http://tgpsaigon.net/

Trái tim người mẹ

Mùa Xuân không là của Mẹ

Người Mẹ

Monica của đời thường

Lòng Mẹ

Bàn tay Mẹ

Gia đình và Đức Tin

 

 

Trái tim người mẹ

ĐTGM.  Ngô Quang Kiệt

Trong các vẻ đẹp Chúa đã dựng nên, không có gì đẹp bằng trái tim. Trái tim được coi là trung tâm phát xuất tình yêu. Tình yêu là một vẻ đẹp làm say đắm lòng người. Vì tình yêu là hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên chúa là nguồn mạch mọi sự tốt đẹp ở đời. Thiên chúa đáng yêu mến vô song. Nên tất cả những gì phản ánh dung nhan Thiên Chúa đều đáng yêu đáng mến. Trái tim, nơi phát xuất tình yêu là hình ảnh của Thiên Chúa. Chính vì thế mà trái tim được yêu mến trân trọng. Vì mang hình ảnh Thiên Chúa tình yêu, nên trái tim đẹp nhất trong các vẻ đẹp.

Trong các trái tim, không có trái tim nào đẹp bằng trái tim người mẹ. Có thể nói trái tim người mẹ gần với trái tim Thiên Chúa nhất. Thiên Chúa là tình yêu hoàn hảo. Nơi Ngài chỉ có tình yêu, không hề có một chút gì oán ghét hận thù. Trái tim người mẹ cũng chan chứa tình yêu thương. Trong trái tim người mẹ chỉ có tình thương, sự hiền hoà, sự tha thứ. Thiên Chúa yêu thương ta trước khi ta yêu mến Ngài. Người mẹ yêu con cái trước khi con cái biết yêu mẹ. Thiên Chúa yêu thương ta không vì giá trị của ta nhưng vì Chúa là tình yêu. Người mẹ yêu con cái là do tình yêu tự nhiên Chúa đặt vào trái tim người mẹ. Chúa yêu thương những người bé nhỏ nghèo hèn. Người mẹ yêu thương từng đứa con. Nhưng đứa con bệnh tật yếu ớt lại được yêu thương chăm sóc đặc biệt hơn. Trái tim người mẹ thật gần với trái tim Thiên Chúa. Trái tim Thiên Chúa chỉ biết yêu. Yêu cả khi con người phản bội. Trái tim của người mẹ cũng tựa như dòng suối, chỉ biết chảy xuống không ngừng qua năm tháng, dù không nhận được giọt nước nào ngược dòng trở lại biết ơn. Chính vì thế trái tim người mẹ đẹp nhất trong các trái tim.

Trái tim người mẹ là trái tim lý tưởng. Chúa dựng nên con người để yêu thương. Chúa dựng nên trái tim để yêu thương. Càng yêu thương con người càng đạt tới lý tưởng Chúa mong muốn. Trái tim người mẹ là trái tim yêu thương không ngừng nghỉ. Nếu người mẹ chỉ cưu mang con trong lòng chín tháng thì người mẹ tiếp tục cưu mang con trong trái tim suốt cả cuộc đời. Hình ảnh con cái lúc nào cũng đậm nét trong trái tim người mẹ. Trái tim người mẹ hoà với nhịp sống của con cái. Mẹ vui khi con thành công, khoẻ mạnh. Mẹ buồn khi con gặp rủi ro, thất bại. Mẹ đau nỗi đau của con. Mẹ khổ nỗi khổ của con. Có thể nói lòng dạ người mẹ chỉ đau một lần khi sinh con, nhưng trái tim người mẹ đau đớn, thổn thức, bồi hồi cả đời vì con.

Tất cả những điều ấy, ta thấy được phần nào qua cuộc đời của thánh nữ Mônica. Tất cả những điều ấy ta thấy được phần nào qua cuộc đời của mẹ chúng ta. Tất cả những điều ấy ta thấy được phần nào qua các Bà cố đang hiện diện trong Thánh lễ hôm nay.

Thế giới hôm nay đang có nguy cơ trở nên khốc liệt như sa mạc nắng cháy. Tình mẹ như những bóng cây xanh làm dịu mát cuộc đời.

Thế giới hôm nay đang có nguy cơ trở nên khô cằn sỏi đá. Tình mẹ như dòng suối mát tưới gội cho tâm hồn mềm mại xanh tươi.

Thế giới hôm nay đang gắng sức xây dựng nền văn minh khoa học kỹ thuật. Tình mẹ góp phần xây dựng nền văn minh tình thương.

Chúng ta hãy biết ơn các bà mẹ. Chúng ta hãy biết trân trọng tình mẹ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho trái tim các bà mẹ luôn là hình ảnh của trái tim Thiên Chúa.

Lạy Chúa là nguồn mạch yêu thương, xin thương đến các bà mẹ và thánh hoá trái tim của các ngài. Amen.

Trang tâm lý giáo dục và giải đáp thắc mắc

 

Để đáp ứng nhu cầu của đa số Bà Mẹ. Chúng tôi đã ghi chép lại đầy đủ ý trong bài giảng 2 ngày tĩnh tâm Mừng Bổn Mạng Anê Lê Thị Thành. Do Cha Giacôbê Phạm Văn Phượng. Cha Giáo Học Viện Đaminh Gò Vấp hướng dẫn.

 

TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC CON CÁI

I.Giáo dục con là tự giáo dục chính mình

Chúng ta vẫn thường nghe nói: không ai cho cái gì mình không có. Khi giáo dục con Cha Mẹ cũng phải tự giáo dục chính mình , muốn con nên người thì chính ta phải nên người trước và không có gì có thể thay thế ảnh hưởng của cha mẹ trên con cái. Ta không thể là người mẹ tốt thì không thể là người mẹ Công Giáo tốt được. Gia đình của chúng ta ví như con thuyền rất cần người thuyền trưởng tài ba là chính chúng ta, những người làm cha mẹ. Để tự giáo dục mình ta phải áp dụng giáo dục về tính nhân bản.

Có 10 Đức Tính Nhân Bản: trong đó có 5 đức tính sống cho mình và 5 đức tính sống cho tha nhân.

-5 điều sống cho mình:

1.Cần: chuyên cần, chăm chỉ

2.Kiệm: tiết kiệm, tiết độ

3.Liêm: trong sạch, ngay thẳng

4.Chính: công chính

5.Dũng: kiên cường, kiên quyết

-5 điều sống cho tha nhân:

1.Nhân: lòng nhân hậu

2.Nghĩa: tình nghĩa, ơn nghĩa

3.Lễ: lễ phép, lễ độ

4.Trí: sáng suốt, khôn ngoan, biết tổ chức gia đình

5.Tín: tạo được niềm tin của mọi người

Có những cha mẹ là người rất giỏi giang, thành công ở đời làm ông này bà nọ, nhưng thất bại trong việc giáo dục con, chính vì họ sống không gương mẫu. Ngược lại, có những cha mẹ quê mùa, trình độ hạn chế nhưng con cái họ đều thành đạt và sống có ích cho đời. Đó chính là nhờ tính chất gương mẫu của cha mẹ. Tóm lại: Cha mẹ hãy sống cho nên người để con cái cũng trở nên người.

II.Giáo dục con sống niềm tin Kitô Giáo:

Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên không những về các Đức tính nhân bản, mà còn về niềm tin Kitô Giáo nữa.Gia đình chính là ngôi trường đầu tiên để Đức Tin được trưởng thành, triển nở.Không nơi nào thuận tiện để cho con cái học được bài học vỡ lòng về Giáo Lý và cuộc sống Đức Tin cho bằng gia đình Cha mẹ siêng năng cầu nguyện để tập cho con thói quen cầu nguyện. Dạy con ngay từ khi còn thơ biết làm Dấu Thánh Giá trước khi ăn, cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ là những bài Giáo Lý sơ đẳng sơ đẳng nhất không thể thiếu được trong việc giáo dục Đức Tin. Thực vậy, nếu cha mẹ muốn tìm một phương cách để giúp con cái quí chuộng sự cầu nguyện thì không gì hay hơn là chính cha mẹ hãy cầu nguyện sốt sắng hơn. Nếu muốn con tham dự Thánh Lễ thì không gì hay hơn là cha mẹ tham dự Thánh Lễ một cách tích cực hơn. Có những đám cưới tổ chức rất linh đình hoành tráng. Thế mà sau phần giới thiệu, cắt bánh, khui champagne, chủ hôn mời mọi người nâng ly chúc mừng mà chẳng thấy mời vị Linh Mục lên xin Chúa thánh hoá buổi tiệc, dù có mấy vị Linh Mục đi dự tiệc hôm đó..Giáo dục Đức Tin không chỉ có nghĩa truyền thụ một số kiến thức liên quan đến nội dung về Đức Tin hay kinh kệ. Giáo dục Đức Tin thiết yếu chính là chia sẻ cuộc sống Đức Tin mẫu gương của Cha Mẹ.Nếu cha mẹ không cố gắng thể hiện Đức Tin bằng việc thực thi các nhân đức Kitô giáo làm sao có thể truyền đạt Đức Tin cho con cái.Hơn nữa, ngoài các phương thế tự nhiên như kiến thức, phương pháp sư phạm, gương sáng và lời dạy dỗ. Cha mẹ phải xem đời sống Đức tin như  một phương thế siêu nhiên. Thánh Monica đã dùng nước mắt và tình yêu nhưng vẫn không hoán cải được con mình, chỉ khi dùng lời cầu nguyện mới làm cho con trở về. Đây chính là mẫu mực của phương thế này.Chính lúc cha mẹ hầu như rơi vào bế tắc và thất vọng, họ bỏ cuộc trước sự hư hỏng của con cái, thì đây chính là lúc phải tin tưởng tìm đến phương thế siêu nhiên và hãy nhớ rằng: nhà giáo dục đích thực và duy nhất chính là Thiên Chúa, Đấng hoán cải con người.Bậc làm cha mẹ hãy cố gắng sống niềm tin Kitô trong gia đình, là kho tàng đạo đức không bao giờ múc cạn. Hãy luôn ý thức trách nhiệm Chúa trao là cộng tác với Chúa sinh ra con người và giáo dục Đức Tin cho chúng.

III.Trách nhiệm của Cha Mẹ:

Xã hội hôm nay phát triển rất mạnh trong nền văn minh hiện đại, cũng chính vì thế cạm bẫy luôn rình rập con cái chúng ta. Trên mạng internet không thiếu 1 thông tin nào khi ta cần đến, đây cũng chính là cơ hội tốt cho những người muốn tiến thân học hỏi, nhưng cũng không thiếu những thông tin hình ảnh tội lỗi lôi kéo con cái chúng ta vào con đường trụy lạc sa đọa.Nên người cha mẹ phải có trách nhiệm quan tâm sâu sát đến con của mình. Ở phương trời Tây, tại toà Đại Hình Paris, quan tòa đã kết án một thanh niên còn rất trẻ. Trước khi chết người thanh niên xin toà ban cho 1 ân huệ cuối cùng là được gặp mặt người cha đã sinh ra anh. Toà cho phép anh được toại nguyện, khi người cha đến gần thay vì ôm hôn vĩnh biệt, anh ta đã đến gần cắn đứt lìa tai của người cha. Anh ta nói tôi có thể tha thứ cho tất cả mọi người nhưng trừ người đàn ông mà tôi gọi là bố. Vì chính ông ta đã đẩy tôi vào con đường tội lỗi để có kết cục hôm nay. Một câu chuyên bên Tầu. Có 1 thiếu niên 14 tuổi đã cầm dao giết mẹ và treo cổ tự tử chỉ vì bà mẹ 52 tuổi này đã không kịp dọn cơm cho người con trai công tử, hỏi ra mới biết vì bà đã quá nuông chiều con trong cách giáo dục của mình. Còn câu chuyện ở VN cũng không thiếu, báo SGGP đã đăng tin 1 bà mẹ liệt sĩ ở Quảng Ngãi đã bị cháu nội hành hung đến chết, và không thiếu những trường hợp thầy giáo bị học trò đâm chết trên bục giảng, anh em chem giết nhau vì tranh giành của cải. Đây chính là hậu quả của việc buông lỏng giáo dục từ gia đình tới nhà trường. Trong số tội phạm thì giới thanh thiếu niên chiếm tỉ lệ rất cao về phạm pháp. Nguyên nhân đều bắt đầu từ sự sụp đổ của gia đình và sự quan tâm chưa đúng mức của cha mẹ. Muốn giáo dục con phải dựa theo nguyên tắc, phương pháp, kỷ luật, hướng đi. Có những người giáo dục con rất nghiêm khắc, khắt khe, độc tài, bảo thủ, nên luôn dùng bạo lực áp đặt con phải theo ý mình. Lối giáo dục này sẽ tạo ra những đứa con nhút nhát, nhu nhược, khiếp đảm. Lớn lên chúng sẽ mất tự tin, mặc cảm, sợ sệt. Có những bà mẹ luôn để trong bộ nhớ tất cả lỗi lầm của con để khi có dịp mang ra nhai đi nhai lại, cằn nhằn, càm ràm, như thế sẽ làm cho con cái sợ thay vì yêu mến và phục mình. Nhưng có những cha mẹ lại chủ trương dạy con một cách quá dễ dãi, chiều chuộng, phóng khoáng, tự do. Đây chính là mấu chốt làm hỏng con mình, lớn lên chúng coi trời bằng vung, tạo ra những đứa con sống vô trách nhiệm, vô kỷ luật làm hư hỏng nền tảng gia đình và xã hội. Trong các phiên tòa xét xử những thanh niên hư hỏng phần lớn thuộc thành phần con nhà giầu có và nuông chiều con thái quá. Lại có những gia đình cha mẹ chỉ lao vào làm kinh tế, làm giầu bằng đủ mọi cách, cả những cách bất chính. Vì giầu có nên đã cung cấp cho con cái tiền bạc vật chất dư thừa, tưởng rằng đó chính là cánh cửa bước vào đời thênh thang rộng mở nhất, vì họ lý luận có tiền mua tiên cũng được, nhưng có thể chỉ là mua “tiên nâu” mà thôi. Có gia đình cha mẹ lại có cách giáo dục trái ngược nhau, cha thì nghiêm khắc, mẹ lại nuông chiều, cách này không htể thành công được. Giáo dục tốt nhất là biết cách dung hoà, quân bình, trung dung giữa kỷ luật và yêu thương, cứng rắn nghiêm nghị nhưng cần kết hợp uyển chuyển mềm mại và phải bằng chính tình thương và gương sáng. Một hình ảnh dí dỏm về cách giáo dục đó là: Lời nói là anh lùn. Gương sáng là anh khổng lồ. Đúng vậy không gì có thể thay thế được gương sáng.

KẾT LUẬN:

1.Hãy nhớ bổn phận giáo dục con là hết sức quan trọng, không thể thiếu xót, không thể lơ là. Không có quyền viện bất cứ lý do nào mà bỏ qua việc giáo dục con cái. Ta nuôi chúng không để chúng chết đói phần xác, thì không thể để con chết về phần linh hồn.

2.Giáo dục con ngay từ lúc còn trong bụng mẹ, lúc con còn thơ bé. Thật hạnh phúc cho cha mẹ nào thấy công lao giáo dục của mình đơm hoa kết trái.

Maria Nguyễn Thị Ngọc (ghi chép)

 

Mùa Xuân không là của Mẹ

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

“Mẹ” chỉ một từ ngữ thôi đã biết bao tâm tình bao dung được trải rộng với những người con, ai lớn lên mà chẳng có mẹ. Mẹ được ca ngợi như mùa xuân của con, mẹ được tán tụng như bầu trời con đi hoài mà chẳng hết, mẹ được ví như xôi nếp mật như đường mía lau.

Viết về mẹ là trải tấm lòng tạ ơn của những người con đối với mẹ chẳng khi nào hết, bởi mẹ luôn là mẹ tình thương cao vời như ánh trăng soi vào những đêm.

Mẹ là mùa xuân của con:

Thời gian bốn mùa nối tiếp nhau như định luật đất trời, nhưng mẹ là mùa xuân của những đứa con mà chưa thấy ngày nào là mùa xuân của mẹ.

Mùa hạ: Mẹ đã gánh chịu hết những mùa hạ nóng bức: “Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”. Những ngày hè nắng chang chang, mẹ cặm cụi ngoài ruộng đồng, chăm cấy từng cây lúa, nhổ từng gốc cỏ; mẹ với những chiếc xe đạp chạy quanh các vùng ngõ hẻm, rao bán mớ rau, mớ cá; mẹ gánh từng gánh hàng rong hết chỗ đông người này đến chỗ đông người khác, với thúng với mẹt, mẹ tìm những đồng tiền nhỏ gom góp về nuôi con; mẹ chẳng bao giờ đủ giàu có mà chỉ mong cho con lớn lên tìm những đồng tiền sạch để nuôi dạy con. Những đồng tiền sạch của mẹ được đổi bằng gian nan vất vả, mẹ chỉ mong con sống trong mùa xuân của sự trong lành. Mẹ, bao giờ mới là mùa xuân của mẹ.

Mùa thu: Tóc mẹ mỗi ngày bạc thêm, dáng mẹ mỗi ngày hao gầy đi; mùa thu của mẹ ghi lại bao nỗi ưu tư về cuộc sống của những đứa con. Những đứa con vì muốn sống ngay lành mà bị ức hiếp, những đứa con muốn sống cho nên người lại luôn bị hành hạ, những đứa con tội nghiệp của mẹ, đau khổ lớn lên trong những hoàn cảnh không thuận lợi. Mùa thu của mẹ kéo dài đến bao lâu, con hao gầy lòng mẹ có vui? Mẹ của mùa thu muốn gánh hết cho con những phiền toái, mẹ lên tiếng thay cho những đứa con giữa đời, chịu cho con những đêm dài thức trắng đòi lẽ công bình, mẹ đau khổ thay cho con những ngày nắng mưa để đổi lấy mùa xuân dịu dàng ấm áp. Bao giờ mới đến mùa xuân của mẹ, mẹ ơi! Tóc mẹ mỗi ngày bạc thêm, con cũng mỗi ngày còm cõi.

Mùa Đông: Cái lạnh, cái rét của da thịt chẳng bằng cái rét buốt của tâm hồn. Những mong mỏi điều tốt đẹp của bao nhiêu chắt chiu, bỗng một ngày trắng tay. Ruộng lúa, vườn rau hoang tàn theo ngày đông tước đoạt. Mẹ đã nghèo, còn nghèo hơn khi bao việc quen làm trước nay cũng chẳng còn được làm. Mùa đông khắc nghiệt không khắc nghiệt bởi thời tiết nhưng khắc nghiệt bởi sự lạnh giá của bao kẻ nhẫn tâm thất đức. Mùa đông của mẹ vẫn là mùa đông của những ngày rong ruổi với những thúng xôi, thúng bắp, hàng quà bánh ấp ủ nóng hổi cho người mua. Cái hơi nóng ấp ủ lấy từ tấm lòng mẹ, mẹ đã ấp ủ qua bao thời, bao ngày muốn để dành cho con cháu nhưng cứ bị đào bới lên. Mùa đông vì thế cứ lạnh và lạnh thêm mãi cho đến bao giờ?

Không có mùa xuân của mẹ, những hạ, thu, đông làm mẹ héo gầy, mẹ không đủ sức bênh vực cho những đứa con thật thà của mẹ, không đủ ngăn nổi những đứa con tham lam và khờ dại, bất hiếu và bất kính, đem cả mẹ ra bán buôn, bỏ bê, và rút tỉa thân xác mẹ. “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày".

Hạ đau buồn, Mẹ đau khổ nhìn những đứa con bị những người ngoài bắt nạt, giam hãm. Nước mắt mẹ dường như đã khô, trên khóe mắt đọng lại những nhẫn nhịn, đau khổ, lo buồn. Mẹ vẫn đau khổ, cái đau khổ của nhục nhã, xót xa khi thấy những đứa con ngay chính của mẹ chẳng người bảo vệ, chúng vẫn phải cúi đầu trước kẻ gian ác để xin được xót thương.

Thu tàn phai trên thân xác, tâm hồn mẹ. Mùa thu lấy dần mất màu xanh tươi trẻ của các con và của mẹ, chỉ con xác lá, cảnh khô, môi trường nhiễm bẩn. Mùa thu lấy nhiều đi sản phẩm để có thể sống qua mùa đông khắc nghiệt, con đói nào mẹ được no? “ Của đời cha mẹ để cho; làm không ăn có, của kho cũng rồi”

Đông lạnh, thân gầy, đói nghèo, làm sao chịu nổi giá rét mùa đông. Chăn mẹ rách tả tơi, không đủ sưởi ấm, mùa đông bao giờ qua và mẹ có còn đủ sức? “Mẹ già hết gạo treo niêu; mà anh khăn đỏ, khăn điều vắt vai”.

Thương mẹ và thương những đứa con của mẹ, mùa xuân không của mẹ, mẹ khóc con và con khóc mẹ.

Muốn viết về mẹ nữa nhưng tâm tình cứ ngổn ngang, cái ngổn ngang của nỗi thương nhớ, cái ngổn ngang của những điều ấm ức, những ngổn ngang của trái đắng cuộc đời. Chỉ cầu xin cho mẹ những ngày bình yên, những ngày mùa xuân của mẹ.

 

Người Mẹ

TKH

Bà mẹ có ba đứa con, đứa con lớn của bà năm nay vừa tròn mười tám, một tuổi đẹp của thời thiếu nữ, nhưng tiếc thay, đời thiếu nữ con của bà không khoẻ mạnh như những cô gái khác, nó bị ung thư đại tràng từ năm mười sáu đến nay. Từ ngày đứa con gái của bà chớm bệnh, bà đã đưa con đi nhiều bệnh viện chữa trị, bệnh không thuyên giảm, ngày càng đau nặng hơn. Hôm gặp tôi tai phòng khám bệnh, nhìn đưa con của bà không khỏi xót xa, từ ba tháng nay, cô gái không còn đi lại được, cũng chẳng ăn uống gì cho khá hơn, nhìn bệnh nhân, da bọc xương, thân hình bị căn bệnh làm cho tiều tuỵ, bà mẹ chỉ nói một ước mơ: Giá gì mà đổi được những gì bà có lấy lại được sức khoẻ cho con của bà, bà cũng đổi. Bà vừa kể vừa ứa nước mắt, trước đây nhiều năm, bà nghĩ rằng, có tiền là mua được tất cả, cả gia đình đã cố gắng làm lụng và có được một gia tài lớn, nhưng có gia tài lớn ấy rồi, con của bà ngã bệnh, bà chạy chữa, tốn bao nhiêu cũng không ngại, tình trạng đau bệnh của con gái bà cứ mỗi ngày kiệt quệ, bây giờ chi ao ước phép nhiệm màu nào đó chữa lành cho con của bà, bà đã không còn tin rằng tiền có thể mua được tất cả. Sự thực ấy bà nói ra: “ Mỗi ngày chăm con, bà lại cảm thấy xa dần đứa con thân yêu của bà”, đứa con bà cũng nghe thấy và trên khuôn mặt cũng rớm nước mắt. Tình yêu thương của bà mẹ lớn hơn tất cả những gia sản trên đời, cô gái cũng ước ao, nếu như mình lành bệnh, sẽ tri ân cha mẹ biết bao. Chỉ là ước ao thôi sao, tôi thầm cầu nguyện cho gia đình của họ, cho đứa con gái của bà. Tin rằng trong sự khốn khó này sẽ có lối mở hạnh phúc nào đó, một lối mở hạnh phúc chưa biết là gì, bởi vì họ đã sẵn sàng trả giá đắt để đổi lấy hạnh phúc ấy.

Bạn thân mến! Giá trị của cải vật chất có những giới hạn, chúng ta chỉ biết giới hạn của nó khi nó đụng trần cố gắng của chúng ta khi đi tìm hạnh phúc. Một khi đụng trần, chúng ta mới hiểu vật chất của cải phải cần thiết mang lấy sự bền vững hơn, phải mua được hạnh phúc viên mãn hơn. Vật chất của cải thật phi lý khi nó không mang đến hạnh phúc thật, phải không bạn?

 

Monica của đời thường

Hiền Tâm

Nước mắt của Monica Âu Tinh, Chúa đã cứu người con tội lỗi.

Nỗi trông chờ mòn mỏi, đợi con vui những cuộc chơi qua đêm.

Lòng sầu héo tìm kiếm sao, con cứ mãi đi hoang.

Âu lo khắc khoải bởi, con say lạc thú trần gian.

Chật vật bôn ba để, con được ăn học nên người

Hy sinh quên mình mong, con trọn bước tiến.

Thầm lặng nguyện gẫm cầu, con trở nên thánh

Cho đi cứ cho đi mãi

Chỉ mong nhận lại, đáp trả một cuộc đời

Cuộc đời ý nghĩa, là cuộc đời phục vụ

Phục vụ trong tín thác, trong tin yêu.

Hy vọng, hy vọng một đời luôn hy vọng

Những khắc khoải trong Monica của đời thường.

Vinh quang Chúa luôn tỏa sáng, vì Chúa đã làm nên một Monica Âu Tinh.

Chúng con những Monica của đời thường, dẫu đang lần bước cõi gian trần. 

Chắc chắn Chúa đang thanh luyện chúng con, để mỗi người cũng sẽ lĩnh được phần rỗi.

Chúc khen vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi.

Và nếu được Ngài cho phép, xin bày tỏ nỗi lòng cùng Ngài, cho con một chút vinh quang của Ngài thôi.

 

Lòng Mẹ

Con Chiên Nhỏ  

Bế đứa con trai vừa mới chào đời lên, bà mẹ nhè nhẹ đong đưa đôi tay và hát:

Thương con mẹ thương con

Yêu con mẹ yêu con

Yêu suốt một cuộc đời

Đến ngày con lớn khôn...

Đứa bé càng lúc càng lớn lên. Khi được hai tuổi, nó chạy chập chững bước thấp bước cao nô đùa quanh nhà, lôi sách vở trên kệ xuống để nghịch phá. Nó bày đủ thứ đồ chơi ra sàn nhà. Nó tè trong quần. Nó ị trên giường. Nó khóc. Nó la. Và bà mẹ đôi lúc phải thốt lên: "Cái thằng này, con làm mẹ điên mất!".

Nhưng đêm đến, khi nó ngủ thật say, bà mẹ đến bên chiếc nôi trìu mến nhìn nó và khẽ hát:

Thương con mẹ thương con

Yêu con mẹ yêu con

Yêu suốt một cuộc đời

Đến ngày con lớn khôn...

Đứa bé tiếp tục lớn lên thành một thằng nhóc chín tuổi. Nó không hề thích ăn uống đúng giờ. Nó không bao giờ muốn tắm rửa. Khi bà ngoại đến thăm, nhiều lúc nó lại buông giọng gắt gỏng với bà. Và bà mẹ đôi lúc muốn đưa nó đi đâu cho khuất mắt.

Nhưng đêm đến, khi nó ngủ thật say, bà mẹ rón rén đến bên giường, kéo tấm chăn đắp lên người nó và khẽ hát:

Thương con mẹ thương con

Yêu con mẹ yêu con

Yêu suốt một cuộc đời

Đến ngày con lớn khôn...

Ngày qua ngày, thằng bé đến tuổi dậy thì. Nó dẫn về nhà những thằng bạn kì quặc. Nó ăn mặc những bộ đồ kì quặc. Nó nhún nhảy một cách kì quặc theo những bản nhạc cũng rất kì quặc. Và bà mẹ đôi lúc có cảm giác như thể đang ở trong sở thú.

Nhưng đêm đến, chờ nó ngủ thật say, bà mẹ nhẹ nhàng mở cửa phòng riêng của nó, bước đến hôn lên trán nó và khẽ hát:

Thương con mẹ thương con

Yêu con mẹ yêu con

Yêu suốt một cuộc đời

Đến ngày con lớn khôn...

Thằng bé kì quặc tiếp tục lớn lên thành một thanh niên trưởng thành. Nó rời nhà lên thành phố để làm việc và sống trong một căn phòng trọ. Thỉnh thoàng bà mẹ đón xe lên thăm nó. Những lần như thế, bà phải ngồi trước cửa phòng trọ và chờ đến tận khuya thì thấy nó say khướt trở về. Bà dìu nó vào phòng, lau mặt cho nó rồi đỡ nó lên giường. Sau đó, bà lắc đầu ngao ngán nhìn nó. Nhưng khi nó ngủ say, đượm buồn, bà khẽ hát:

Thương con mẹ thương con

Yêu con mẹ yêu con

Yêu suốt một cuộc đời

Đến ngày con lớn khôn...

Và rồi đứa con lập gia đình và hoạ hoằn lắm mới về thăm bà. Nó còn phải bươn chải để chăm lo cho mái ấm riêng của nó. Thời gian trôi qua và lạnh lùng khắc những nếp nhăn lên khuôn mặt già nua ngày càng hốc hác của bà mẹ. Một hôm, thấy yếu trong người, bà gọi điện bảo đứa con về thăm. Nó lái xe về thăm bà và ngủ lại nhà một đêm. Tối đó, bà nằm trong giường và khẽ hát:

Thương con mẹ thương con

Yêu con mẹ yêu con

...

Nhưng cơn ho khan khiến bà không hát được trọn bài hát thuở nào. Đêm đó, bà lặng lẽ qua đời.

Sau đám tang, đợi tối đến, khi đứa con của mình ngủ thật say, người đàn ông vừa mất mẹ bước đến hôn lên trán nó và khẽ hát:

Thương con mẹ thương con

Yêu con mẹ yêu con

Yêu suốt một cuộc đời

Đến ngày con lớn khôn...

Hát xong, hắn lặng lẽ khóc một mình.

(Sưu tầm)

Marie gentille Nguyễn Lê Đan Thục Hiền

 

Bàn tay Mẹ

Bàn tay Mẹ đã từng ấp ủ con

Đã nâng niu cho con giấc ngủ tròn

Đã chăm sóc tập cho con từng bước

Những bước đầu đời trên gót son.

Bàn tay Mẹ dạy con làm dấu Thánh

Dạy tri ân tốn kính Chúa nhân lành

Ngôi Hai đã hiến mình trên thập tự

Để ban cho nhân loại ơn phục sinh.

Bàn tay Mẹ cho con từng miếng ăn

Khâu cho con từng manh áo tấm khăn

Bàn tay Mẹ thật dịu dàng nhân ái

Uốn cho con từng nét chữ hoa văn.

Thời gian trôi con mê mải đường đời

Con lãng quên bàn tay Mẹ, Mẹ ơi!

Con nhảy nhót trong phù hoa đô hội

Trong hoang dại say đắm những cuộc chơi.

Mẹ vẫn thương, vẫn dõi bước theo con

Bàn tay Mẹ lần hạt chẳng mỏi mòn

Vẫn hy sinh nguyện cầu van xin Chúa

Xót thương con bằng cả tấm lòng son.

Cho hôm nay con bừng tỉnh cơn mê

Gót lãng du con quay bước trở về

Khép nhẹ mi dấu lệ mừng ân phúc

Mẹ vẫn chờ lặng lẽ bến sông quê.

Bàn tay Mẹ lại vỗ về yêu thương

Trong tim Mẹ con nhỏ bé vẫn như thường

Khắp nhân loại suy tôn noi gương Mẹ

Monica hạnh Thánh tỏa ngát hương.

 

Gia đình và Đức Tin

 

Một người giáo dân tốt trưởng thành vững vàng trong đời sống Kitô hữu, tôi nghĩ phần lớn do được đào tạo trong nếp sống gia đình. Vì gia đình là một Giáo Hội thu nhỏ, một trường học tự nhiên có một nền giáo dục Kitô giáo căn bản, bởi trong đó từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ ông bà  cha mẹ đến con cái cháu chắt, mọi thành viên của gia đình ai cũng có lòng sống đạo nhiệt thành, đó chính là truyền thống phát triển và nâng đỡ, đức tin Kitô giáo cho con cháu.

Tôi nhớ ông bà cha mẹ tôi chẳng học cao biết rộng, không bằng này cấp kia nhưng đời sống mẫu mực từ việc nhỏ đến việc lớn giúp tôi luôn được tiếp cận và thực hành, được dạy bảo một cách chu đáo. Những bài học thực tế đó được lặp đi lặp lại suốt thời thơ ấu, bằng những thói quen với tâm tình sốt mến, nuôi sống lòng đạo đức sâu sa, lòng tin yêu tôn kính Thiên Chúa là cha nhân lành. Bởi ngay những ngày còn ngồi trên gối mẹ, mở mắt ra với những lời ngọng nghịu trẻ thơ, mẹ ôm tôi cầm tay vẽ từng dấu thánh giá trên trán, trên môi, trên ngực cách cung kính, từng lời kinh đơn sơ mẹ dạy tôi cách đọc theo với một đức tin mạnh mẽ.

Mỗi bữa cơm cả nhà nghiêm trang làm dấu đọc kinh nhớ ơn chúa đã ban của ăn nuôi sống hàng ngày. Sau bữa cơm biết cám ơn chúa trong niềm tri ân, khi cả gia đình đi chơi xa phải ăn cơm ở những chỗ đông người, ngoài quán xá mẹ tôi cư xử như chỗ không người: cả nhà vẫn quây quần bên bàn ăn, mẹ làm dấu cất kinh lạy cha, mọi người đọc tiếp và làm dấu tôn kính tạ ơn chúa, mặc cho mọi người chung quanh nhìn với những con mắt ngỡ ngàng thắc mắc và cũng đầy thán phục. Tối đến trước khi nghỉ đêm, chúng tôi quây quần trước bàn thờ cầu nguyện bằng những lời kinh tiếng hát. Mùa nào thức ấy, cha mẹ tôi mở mắt cho chúng tôi làm quen với phụng vụ Giáo Hội và khi lớn lên, chúng tôi được học hỏi giáo lý, học kinh học bổn, những lời dạy bảo của ông bà quản ngày đó, thật đơn sơ dễ hiểu với cái tuổi còn non dại, để cho đến suốt đời tôi vẫn tiếp tục học hỏi qua sự dạy bảo của các sơ, chỉ mong vững vàng hơn trong đời sống đức tin. Bởi tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức nơi gia đình, chính là việc đề cao lòng đạo đức nơi mỗi con người. Đến trường tôi được thầy cô giáo dục trước tiên về lễ phép, “tiên học lễ, hậu học văn” bởi theo quan niệm: văn chương thi phú giỏi giang mà đạo đức kém cỏi, con người ta cũng chẳng có gì đáng hãnh diện nếu tinh thần đạo đức kém cỏi, không biết phân biệt thiện ác để sống đúng cương vị một con người biết giúp ích cho tha nhân thì người đó cũng chỉ là đồ vứt đi.

Về đời sống thiêng liêng của chúng tôi, mẫu gương người mẹ ăn miếng gì cũng nhớ đến Chúa, làm việc gì cũng than thở nói chuyện với Chúa. Mẹ tôi rất siêng đi lễ mỗi ngày dù Bà rất bận, nhìn Bà rước chúa thật nghiêm trang, tôi đọc được trong mắt mẹ lòng thành kính và yêu mến Chúa, lớn lên được rước chúa tôi cũng noi gương mẹ, hết lòng yêu mến Bí tích Thánh Thể. Việc Ba tôi tham gia Hội đồng Giáo xứ, suốt ngày lo việc nhà Chúa đã góp phần nuôi dưỡng đức tin chị em tôi rất nhiều. Không chỉ bằng lời, mà chính là bằng hành động. Giả như Ba Mẹ tôi chỉ bắt tôi đi học giáo lý, đi nhà thờ mà không diễn đạt niềm tin của mình vào cuộc sống, không thể hiện bằng việc làm, hoàn toàn  xa lạ với những đòi hỏi của tôn giáo, coi tôn giáo chỉ là một thứ trang điểm cho cuộc sống, chưa là linh hồn hay trung tâm của gia đình thì những ép buộc tôi đi nhà thờ hay học giáo lý có ích gì? Tôi cũng sẽ lại lơ mơ, gặp chăng hay chớ mà thôi! “Bởi đức tin và lòng đạo đức không phải là một mớ kiến thức được truyền đạt từ người khác, mà thiết yếu là mối quan hệ với thiên chúa. Chỉ khi nào con người thực sự đi vào quan hệ ấy với thiên chúa thì con người đó mới trưởng thành trong đức tin và đó chính là mục tiêu gia đình phải đề ra trong việc thông truyền để giáo dục đức tin và lòng đạo đức cho con cái.”

“Gia đình là một cộng đoàn để ngay từ tuổi thơ, người ta học được những giá trị luân lý, bắt đầu biết tôn thờ thiên chúa, và sử dụng sự tự do của mình”  

Nguồn tin: gpcantho.com

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây