Giáo xứ Vinh Hương

Đừng “vật chất hóa lễ Giáng Sinh” !

Thứ tư - 16/12/2015 17:58

Kho tàng văn chương tu đức Ấn Giáo có chuyện kể như sau:

Ở một làng nọ, có vị đạo sĩ Sadhu, tu thân lâu ngày, gần đạt đến bậc thánh nhân. Dân chúng ngưỡng mộ, quý mến nhà đạo sĩ ấy lắm, kẻ đến thỉnh ý, kẻ tầm thầy học đạo.

Một ngày kia, thấy vị đạo sĩ rách rưới, kẻ qua đường biếu nhà đạo sĩ manh vải che mình. Những lúc Sadhu ngồi thiền niệm, bầy chuột tưởng tượng gỗ, rúc vào tấm vải gặm nhấm. Tội nghiệp, cũng lại một kẻ qua đường thấy thế, biếu Sadhu con mèo bắt chuột. Dân trong làng thương tình, thay nhau đem sữa nuôi con mèo. Rồi ngày nọ, có kẻ hành hương từ phương xa, nghe tiếng thơm nhân đức, đến viếng nhà đạo sĩ. Người đàn bà giàu có ấy tặng đạo sĩ Sadhu con bò lấy sữa nuôi con mèo. Để nuôi con bò, người ta làm cho nó cái chuồng. Từ dạo đó, con bò có chuồng, vị đạo sĩ không có nhà. Thấy thế không ổn, dân trong làng làm cho nhà đạo sĩ chiếc chòi lá.

Từ ngày ấy, nhà đạo sĩ không còn nhiều thời giờ tu niệm như xưa, bận rộn nuôi con bò để lấy sữa nuôi con mèo. Nuôi con mèo để đuổi lũ chuột. Phải lo sửa sang căn nhà. Dân trong làng không muốn nhà đạo sĩ mất thời giờ chăm sóc con bò, họ gởi một người đàn bà đến cắt cỏ nuôi con bò, săn sóc con mèo thay cho nhà đạo sĩ có giờ thiền tu.

Nhà đạo sĩ có tấm vải che thân, có con mèo đuổi chuột, có con bò cho sữa, có căn nhà để ở, có người đàn bà săn sóc cuộc đời mình. Chẳng bao lâu, nhà đạo sĩ không còn thời gian tĩnh mịch nữa, ông đầy đủ hết rồi.

Đâu là con đường tu đạo? Ông lấy người đàn bà làm vợ, thế là chấm dứt cuộc đời hạnh tu.

Trong câu chuyện nêu trên, những lý do khiến nhà đạo sĩ Sadhu bỏ cuộc, đánh mất hành trình tu giới của mình bắt đầu bằng những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt, rất đơn giản. Một miếng vải che thân, một con mèo, một ít sữa…tất cả chỉ là những nhu cầu tối giản cho đời sống của một con người. Thế nhưng chỉ vì không làm chủ được nhu cầu của mình, và cứ mãi chạy theo những nảy sinh của nó người đạo sĩ đánh mất tôn chỉ của mình, lạc mất phương hướng lúc nào không hay biết. Thật ra ranh giới giữa lòng ham muốn và nhu cầu thực sự của mỗi con người là một ranh giới rất mong manh, khó phân định và khi bị cuốn hút vào vòng xoáy của sự hấp dẫn vật chất, con người luôn cảm thấy có những lý do rất chính đáng để biện hộ cho sự đòi hỏi của mình.

Mùa Giáng Sinh về, ngoài việc chuẩn bị tâm hồn đón mừng Đấng Cứu Thế, chúng ta cũng có những hình thức chuẩn bị bên ngoài tại gia đình cũng như giáo xứ như trang hoàng nhà cửa, làm hang đá, tặng quà cho người thân, bạn bè để thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm lẫn nhau … Tự thân những việc như thế tự ban đầu là tốt và rất có ý nghĩa. Thế nhưng trong quá trình thực hiện thì cái ước muốn có được một hang đá thật hoành tráng, rực rỡ sắc màu với những vật dụng trang hoàng ngày càng lộng lẫy, hấp dẫn thị giác bắt đầu xuất hiện. Hang đá đôi khi không còn mang ý nghĩa tượng trưng, giúp nhân loại cụ thể hóa kỷ niệm nơi Chúa Hài Nhi đã sinh ra nhưng còn là dịp để các cá nhân và cộng đoàn phô trương sự bề thế của gia đình hay của một giáo xứ. Cũng vậy, khi xã hội thiên về chủ nghĩa tiêu thụ thì việc trao tặng nhau những món quà vào dịp Giáng Sinh từ lúc nào đã trở thành một cơ hội tốt để không khí lễ Giáng Sinh bị “ô nhiễm” bởi tính thương mại bao trùm ngày lễ hội thiêng liêng này. Mỗi năm doanh số mua bán từ những sản phẩm “ ăn theo” mùa Giáng Sinh càng tăng dần và như thế cũng có nghĩa là người nghèo sẽ khó khăn hơn trong việc đón nhận những niềm vui thật trọn vẹn của lễ Giáng Sinh. Và khi bị lôi cuốn vào hấp lực tiêu xài như thế, tự lúc nào chúng ta không thoát được sức hút của cái từ trường tiền bạc. Nghĩa là chúng ta đã đánh mất ý nghĩa đích thực của việc đón mừng Chúa Giáng Sinh và đêm Đấng Cứu Thế đến không còn là Đêm Bình An bởi tâm hồn chúng ta quá bề bộn với những lo toan quà cáp, tiệc tùng.

Tưởng cũng nên nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Benedicto XVI như một lời chỉ trích về tình trạng “vật chất hoá lễ Giáng Sinh”, một lời cảnh báo về các hình thức mà chủ nghĩa tiêu thụ đang khoác vào để xâm nhập trong đời sống con người. Trong bài phát biểu trước khoảng 10.000 người dự lễ trong thánh đường và hàng triệu người dân thế giới theo dõi qua truyền hình vào đêm thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh năm 2011, Đức Thánh Cha đã nói: “Ngày nay lễ Giáng sinh đã trở thành một ngày lễ mang tính thương mại. Ánh sáng của những ngọn đèn rực rỡ đã che đi ý nghĩa mầu nhiệm khiêm nhường của Chúa. Hãy cùng cầu xin Chúa giúp chúng ta nhìn xuyên qua sự hào nhoáng bề ngoài và khám phá sựthật về đứa trẻ trong chuồng ngựa ở Bethlehem, cũng như tìm ra niềm vui và ánh sáng thực sự. Chúng ta hãy rũ bỏ lối nghĩ đóng chặt trong đầu về vật chất, về cái có thể đo đếm và nắm bắt. Chúng ta hãy tự làm mình trở nên đơn giản”.

Trọng tâm của lễ Giáng Sinh phải là Đấng Cứu Thế ! Ngài đã xuống thế làm người trong thân phận một Hài Nhi bé nhỏ, nghèo hèn là để chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa. Ngài đã đến thế gian này hơn 2000 năm trước vì chúng ta vậy thì đừng để thêm một mùa Giáng Sinh nữa đến rồi lại đi mà chúng ta vẫn ở ngoài vòng tay yêu thương và Cứu Độ của Ngài. Đây mới là ý nghĩa quan trọng và giá trị nhất trên mọi điều chúng ta cần chuẩn bị để đón nhận lễ Giáng Sinh. Đừng biến dịp mừng lễ Giáng Sinh thành nỗi ám ảnh, lo toan cho người nghèo bởi những không khí mua sắm, tiêu xài. Hãy trả lại giá trị Tin Mừng của ngày lễ này vì “Tất cả tạo vật được kêu mời hát lên dâng Chúa một bài ca mới, để vui mừng và hân hoan  chung với mọi nước trên mặt đất” như ghi chú trong bài giảng năm 1997 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II.

 

Tác giả bài viết: Điền Phương Thảo

Nguồn tin: www.thanhlinh.net

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây