Giáo xứ Vinh Hương

Nhận lỗi

Chủ nhật - 09/12/2012 17:44

Nhận lỗi

- Xin Chúa soi sáng để con luôn nhớ rằng thờ ơ và xúc phạm đến anh em con chính là thờ ơ và xúc phạm đến Chúa.

           Mùa Giáng sinh năm nay cũng là những ngày khởi đầu năm Đức Tin (11/10/2012 - 24/11/2013) của Giáo hội Công giáo trên toàn cầu. Đức Tin là một Hồng ân Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Có Đức Tin là điều tối cần thiết, nhưng có Đức Tin không chưa đủ, mà Chúa đòi buộc mỗi người phải sống đạo tốt, phải làm chứng nhân giữa đời nữa. Chính vì thế mà thánh Giacôbê đã nói: “Một thân xác không có hơi thở là một xác chết, Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết.” (Gc 2,26). 

           Để mừng Chúa một cách sống động, cụ thể, chúng ta cùng tìm hiểu một vấn đề. Đó là việc nhận lỗi của con người nói chung và của riêng ta với anh em ta. Đặc biệt là những lỗi lầm với Thiên Chúa, để ta sớm nhận ra, biết hối lỗi mà trở về với Chúa để được Chúa đoái thương tha thứ.
 
           Trong đời sống của xã hội loài người, từ trước tới nay, khi xẩy ra một thiếu sót, một sai lầm, một thất bại, một tranh chấp từ nhỏ đến lớn giữa người này với người khác, giữa nhóm này với nhóm khác, nước này với nước khác, ta thấy thường có hai cách thể hiện. Cá nhân hay tập thể đó nhận lỗi về phần mình. Cá nhân hay tập thể đó tìm cách đổ lỗi cho người khác, cho nhóm khác. Thánh Luca đã cảnh báo chúng ta: “Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình anh lại không để ý tới” (Luca 6; 41)  có khi còn đỗ lỗi cho hoàn cảnh nữa.
 
           Theo cách tự nhiên, thông thường người ta không muốn nhận lỗi
 
về phần mình, về nhóm mình, mà thường đổ lỗi cho người khác, cho nhóm khác. Đôi khi còn đổ lỗi cho Chúa không công bằng nữa. Ông cha ta đã từng nói: “Đẹp tốt thì khoe ra, xấu xa thì che lại”. Câu chuyện trong Kinh Thánh, sách Sáng thế Cựu ước chương 3 từ câu 11 đến câu 14 đã cho ta thấy điều đó. Khi ông bà Adam và Evà, Tổ phụ của chúng ta đã phạm lỗi ăn trái cây giữa vườn mà Chúa đã cấm. Chúa hỏi ông Adam: “Có phải ngươi đã ăn trái cây mà ta đã cấm ngươi không?”. Ông Adam đã thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (Stk 3;11,12). Chúa lại hỏi bà Evà: “Ngươi đã làm gì thế?”. Bà Evà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (Stk 3; 13). Tiếp đến là việc chối tội. Cain đã giết em mình, thế mà khi Chúa hỏi: “Cain! Em con là Eben đâu rồi?” Cain thưa: “Con đâu biết, con đâu phải là người giữ em con”(St 4; 9). Như thế, việc đổ lỗi cho người khác đã có từ khởi đầu của nhân loại và vẫn đang kéo dài tới hôm nay.
 
           Biết nhận lỗi và sửa lỗi đúng nơi, đúng lúc, đúng cách, đúng việc luôn tìm được sự bình an đích thực trong tâm hồn, được Chúa tha thứ và được mọi người thông cảm, yêu mến, nể phục, đôi khi còn được kính trọng nữa. Tội lỗi như vua Davit đã giết tướng Uri để chiếm vợ của ông là bà Bétxabe, nhưng khi được Ngôn sứ Na-than khéo léo chỉ ra, ông đã nhận lỗi: “Tôi đã phạm tội tới Thiên Chúa”. Chúa đã tha thứ cho ông. Gương sáng từ việc nhận lỗi và xin lỗi của Đức Chân phước Gioan Phaolô đệ nhị, vị Giáo hoàng thứ 264 của Giáo hội Công giáo vào ngày 30/10/1992 với nhà bác học Galilei đã làm cho cả nhân loại yêu mến và kính trọng Ngài hơn. Ngược lại, nếu cứ tìm cách đổ lỗi cho người khác, nhóm khác, trong khi lỗi thuộc về mình, nhóm mình thì tâm hồn ta không được bình an, và nếu có chỉ là thứ bình an giả tạo. Không được Thiên Chúa tha thứ. Ngoài ra còn bị người đời sẽ cười chê, khinh rẻ. Trường hợp Tổng trấn Phi-La-Tô đã không đủ can đảm nhận lỗi của mình khi mình có đủ quyền để tha Chúa. Ông đã chiều theo dân để giết Chúa rồi lại rửa tay và nói: “Ta vô can trong việc đổ máu người này, mặc các ngươi liệu đấy” (Matthêu 27;24)
 
           Để biết lỗi thì thật sự không phải là dễ dàng. Điều đó đòi buộc mỗi người phải học tập để biết được bổn phận và trách nhiệm của mình. Bổn phận và trách nhiệm với chính bản thân, với gia đình, với xóm làng, với mọi người, với quê hương, với mọi tạo vật và trên hết với Thiên Chúa. Những người tin thờ Chúa, họ còn xét xem có thực hiện giới răn trọng nhất mà Chúa đã truyền dạy: “Mến Chúa và yêu người”.
 
           Mà ngay cả khi được học hỏi đầy đủ, được giáo dục chu đáo thì không phải tất cả mọi người khi có lỗi đều nhận lỗi, đều xin lỗi, đều sửa lỗi. Điều đó đang xẩy ra tràn lan trong xã hội loài người, không nơi nào là không có. Chính vì lẽ đó mà mỗi Quốc gia mới đặt ra các tòa án từ thấp tới cao để xem xét căn cứ theo Hiến pháp và Luật pháp của nước mình: Ai, nhóm nào có lỗi;  ai, nhóm nào không có lỗi, một khi họ không có sự tự giác nhìn nhận lỗi lầm của mình. Thế giới thì có tòa án Quốc tế vì Công lý do Liên hiệp quốc thành lập tại The Hague, Hà Lan để xem xét và phán quyết nước nào có lỗi, nước nào không có lỗi; nước nào đúng nước nào sai như vụ tranh chấp ngôi đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia, vụ diệt chủng ở Camphchia.
 
         Nhưng tất cả đều là tương đối. Con người không thể tìm được sự Chân thật tuyệt đối chỉ ở nơi con người. Thiên Chúa xuống trần gian đã dạy ta Ngài là Đấng chân thật. Chính Người đã phán: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống, không ai có thể đến với Chúa Cha, mà không qua Thầy” (Gioan 14,6)
 
         Ngoài ra, cùng một sự việc, người này, nhóm này cho là lỗi, trong khi người khác, nhóm khác lại cho là không lỗi. Điều đó tùy thuộc vào sự giáo dục họ được lãnh nhận. Chẳng hạn như việc phá thai với người Công giáo là một lỗi lớn, lỗi giết người, trong khi xã hội không những không lên án mà thường làm ngơ, thậm chí còn khuyến khích khi vợ chồng đó đã có hai con, hoặc cô gái đó chưa có tấm chồng... Hệ quả xã hội ta có hàng triệu bào thai bị giết chết mỗi năm. Thật kinh hoàng! khủng khiếp! Một dẫn chứng khác: đạo Công giáo không cho phép vợ chồng được ly dị, trong lúc xã hội thì hợp pháp việc ly dị cho những đôi vợ chồng không muốn sống với nhau nữa. Điều đó lại dẫn đến hàng triệu cháu bé không cha, không mẹ bơ vơ bụi đời, hận đời tạo ra một xã hôị bất an về nhiều mặt.
 
         Để biết lỗi, nhận lỗi, sửa lỗi một cách đúng đắn buộc ta phải học hỏi và tập luyện. Học hỏi và tập luyện liên tục ngay từ bé. Mà trên hết phải học theo đường lối chính Thiên Chúa đã dạy bảo chúng ta qua Kinh Thánh, qua Thánh truyền mà Người đã Mặc Khải cho Tổ phụ chúng ta. Ngày nay, Giáo hội qua các vị chủ chăn tiếp tục rao giảng. Có như thế chúng ta mới không bị lạc đường. Một điều ta cần biết: điều tốt ta có được chính là một thói quen được lập đi lập lại nhiều lần. Nó sẽ trở thành tập quán trong đời sống của ta. Nhận thức và ý thức sau này sẽ làm thăng hoa những thói quen tốt đó. Chính vì thế,  ta phải  tập luyện việc đạo đức ngay từ bé. Ông cha ta đã nói: “Bé không vin, cả gẫy cành”.
 
          Trong mùa Giáng sinh đang đến gần, và cũng là năm Đức Tin, xin Chúa cho con biết và sửa những lầm lỗi con đã thờ ơ và xúc phạm đến anh em con. Xin Chúa soi sáng để con luôn nhớ rằng thờ ơ và xúc phạm đến anh em con chính là thờ ơ và xúc phạm đến Chúa. Tin Mừng thánh Mat-thêu nói về ngày Phán Xét chung chương 25 từ câu 31 đến câu 46 đã cho ta biết rõ điều đó. Những người đứng bên trái thưa với Đức Vua: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yêu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”.
 
         Cuộc đời Chân phước Mẹ Têrêxa Calcutta (1910 – 1997), Người mẹ của những người nghèo là mẫu gương sáng ngời, sống động thực hiện đoạn Tin Mừng mà thánh Matthêu nói về ngày phán xét ta vừa nêu trên. Xin Chúa thêm sức để con luôn biết học hỏi gương sáng từ Mẹ trong đời sống của con.
 
                                                              

Tác giả bài viết: Inhaxiô Đặng Phúc Minh

Nguồn tin: www.gpcantho.com

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây