"Bấy giờ, Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó Người thấy đói." (Mt 4,1-2)
"Bốn mươi" là một con số đáng phải nhớ. Trong Kinh Thánh, số "bốn mươi" được sử dụng hơn 145 lần khác nhau. Ví dụ, mưa trong trận đại hồng thủy kéo dài bốn mươi ngày bốn mươi đêm. Mỗi lần Môisen lên núi Sinai, ông ở lại đó trong bốn mươi ngày đêm. Dân Israel lang thang trong sa mạc trong bốn mươi năm. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trong bốn mươi ngày trước khi về trời. Và có rất nhiều cách sử dụng khác của "bốn mươi" trong Kinh Thánh. Thật thú vị, bốn mươi thậm chí còn có ý nghĩa với bản chất con người ở chỗ chúng ta phát triển trong bụng mẹ bốn mươi tuần trước khi được sinh ra.
"Bốn mươi" mà chúng ta cử hành hôm nay là bốn mươi ngày bốn mươi đêm Chúa Giêsu trải qua nơi hoang địa để chịu cám dỗ trong khi Ngài ăn chay và cầu nguyện. "Bốn mươi" được sử dụng để tượng trưng cho thời gian thử thách, thanh lọc. Vì lý do đó, cũng nên được coi là một biểu tượng của toàn bộ cuộc sống chúng ta trên trái đất này. Trong Tin Mừng Matthêu về việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa, tác giả đặc biệt sử dụng cụm từ "bốn mươi ngày bốn mươi đêm". Thánh Bê-đa, khi giảng về điều này, chỉ ra rằng khoảng thời gian này không chỉ tượng trưng cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta, mà "ngày" đại diện cho nhiều ân sủng và phúc lành chúng ta nhận được, trong khi "đêm" tượng trưng cho thập giá mà chúng ta phải chịu đựng.
Khi bắt đầu hành trình Mùa Chay, điều quan trọng là một lần nữa áp dụng những bài học về thời gian Chúa Giêsu trong hoang mạc vào toàn bộ cuộc sống chúng ta. Hãy xem xét hai bài học có thể rút ra từ đoạn Tin Mừng trích dẫn trên.
Trước hết, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu "được Thánh Linh dẫn vào hoang mạc để bị quỷ cám dỗ." Điều này dạy chúng ta rằng Chúa Giêsu không chỉ chịu cám dỗ, Ngài còn đối phó với cám dỗ. Ngài không sợ ma quỷ và không sợ những cuộc tấn công của chúng. Trái lại, được Thánh Linh dẫn dắt, Ngài sẵn sàng đối phó với cám dỗ, để không những khắc phục chúng, mà còn cho phép chúng ta đối phó với mọi cám dỗ nhờ quyền năng và sáng kiến của Thánh Linh. Chúng ta đừng bao giờ ngại đối phó trực tiếp với cám dỗ và luôn tin rằng có Thánh Linh hướng dẫn.
Bài học quan trọng thứ hai là Chúa Giêsu đã tự nguyện giữ chay tịnh trong sa mạc. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tự chế trong cuộc sống. Nếu coi khoảng thời gian bốn mươi này là biểu tượng của cả cuộc đời mình, thì chúng ta sẽ hiểu rằng việc hãm mình phải luôn là một phần trong đời sống. Khi trải nghiệm niềm vui và ân phúc trong đời (bốn mươi ngày), chắc chắn chúng ta phải nhớ đến điều đó. Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng cần một sự từ bỏ nhất định, trong đó chúng ta không bao giờ được cho phép những gì chóng qua của thế gian này trở thành điều chính yếu cần tìm kiếm để được hài lòng.
Thánh Gioan Thánh Giá dạy rằng chúng ta thậm chí có thể trở nên quá gắn bó với những trợ lực thiêng liêng mà không nghĩ rằng khi trải nghiệm thập giá trong cuộc sống (bốn mươi đêm), chúng ta cần phải nỗ lực thực hành một sự từ bỏ nào đó. Đừng để những khó khăn phải chịu đựng khiến chúng ta nản lòng hoặc xao lãng việc tìm kiếm và thực thi ý Chúa. Giữ chay, nghĩa là cố gắng tự chế, phải luôn dẫn dắt mình vượt qua thăng trầm cuộc sống, giúp chúng ta để mắt đến lẽ thật mà Thiên Chúa đã mặc khải và chối bỏ những dối trá của ma quỷ.
Suy ngẫm về tầm quan trọng của việc can đảm chấp nhận hãm mình trong suốt cuộc đời. Cuộc sống có nhiều thăng trầm, buồn vui, ơn lành và thập giá, chúng ta cần để cho Thánh Linh dẫn dắt trong việc đối mặt trước mọi hoàn cảnh với lòng can đảm và tự chủ.
Suy ngẫm về những cách thức chúng ta phải chịu đựng thập giá hoặc quá bám víu vào những trợ lực thế gian. Tìm cách đón nhận đường nhân đức khi Mùa Chay đến để bước theo Chúa Giêsu trong bốn mươi ngày đêm nơi hoang địa.
"Forty Days - Your Entire Life", mycatholic.life