Giáo xứ Vinh Hương

"EFFATA!", còn hơn cả chữa lành

Chủ nhật - 05/09/2021 09:03
Chúa Kitô truyền lệnh "EFFATA" hai ngàn năm trước với mọi sắc dân, chúng ta cầu xin Ngài truyền lệnh lần nữa cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta.
EFFATA!  HÃY MỞ RA!
EFFATA! HÃY MỞ RA!
Trong trình thuật Tin Mừng Chúa Nhật 23TN hôm nay (Mc 7,31-37), Chúa Giêsu không chỉ hài lòng với việc chữa lành tai và lưỡi cho người câm điếc, mà Ngài mở ra trọn vẹn bản thể con người anh ta. Nói rộng ra, toàn thể đám đông ngoại giáo được Thánh Linh mở rộng tâm trí để ngợi khen và kính phục.

Năm 1796, một nhà phê bình âm nhạc người Đức bình luận rất gay gắt về thành công của một nhà soạn nhạc trẻ: "Anh ta cuốn hút đôi tai mà không phải trái tim chúng ta", ông viết, "đó là lý do tại sao anh ta sẽ không bao giờ vươn tới trình độ của Mozart được. Nhà soạn nhạc trẻ này tên là Ludwig van Beethoven và tương lai đã mỉm cười với anh, bất chấp những nhà phê bình âm nhạc khó tính. Tiếc thay, một căn bệnh lạ bắt đầu ập đến với anh trong năm đó: ù tai, càng ngày càng đau và nhức hơn. Beethoven vẫn tiếp tục sáng tác, nhưng đôi tai của ông đã phản bội ông; ở tuổi năm mươi, ông bị điếc hẳn, và vô cùng buồn vì sự không may này. Tuy nhiên, ông vẫn viết nhạc cho đến khi qua đời vào năm 1827. Sống ngược đời, ông trở thành người có khả năng sáng tác âm nhạc tuyệt vời, nhưng lại mất đi niềm hạnh phúc được nghe âm nhạc của mình.

Liệu pháp phi lý nhưng hiệu quả

Không phải nói về người đàn ông Chúa Giêsu gặp gỡ trong trình thuật Tin Mừng hôm nay trong lãnh thổ Decapolis như là một tác gia âm nhạc cổ điển điêu luyện, nhưng anh ta có ít nhất một điểm chung với Beethoven: âm thanh quyền lực nhất trong cuộc đời được nói ra với anh cho dù tai anh không nghe được (Mc 7,31-33). Bởi vì âm thanh ấy vẫn còn đáng kinh ngạc: từ mà mọi người không thể quên được trong trình thuật này - một từ Aram ngắn gọn "Effata", "Hãy mở ra" - một tiếng không mang nhiều ý nghĩa, vì hai lý do: Đầu tiên là việc Chúa Giêsu nói tiếng Aram, thổ ngữ của quê hương Ngài, trong một vùng mà mọi người đều nói tiếng Hy Lạp: đây là một cách nói để không ai hiểu được. Và thứ hai là Chúa Giêsu nói với một người điếc! Vì hai lý do này, liệu pháp của Chúa Giêsu dường như hoàn toàn phi lý.

Khuyết tật của người đàn ông này - nói một cách hiện đại hơn - không phải là một căn bệnh, mà là một dạng giam cầm trong chính bản thân mình, Chúa Giêsu không tìm cách chữa trị nhưng là biến đổi anh.

Phi lý, nhưng hiệu quả: "Tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị trói buộc, anh ta nói được rõ ràng". Làm thế nào mà một phương pháp không thể chấp nhận được về mặt logic lại tạo ra điều kỳ diệu như vậy? Trở lại một chút về lời chỉ trích Beethoven trẻ tuổi của nhà nhạc học người Đức: "Anh ta cuốn hút đôi tai mà không phải trái tim chúng ta". Chúa Giêsu làm điều ngược lại: Ngài không nói với tai và lưỡi anh ta, mà nói với trái tim, nghĩa là với cả con người anh ta. Effata không diễn đạt như một lời chữa lành, bởi vì không phải vậy; và không ai là tật nguyền với chúng ta. Chúa Giêsu không nhìn con người bị chia thành nhiều mảnh nhỏ có thể được phục hồi riêng lẻ, nhưng Ngài thấy con người trong chương trình từ thuở ban đầu của Thiên Chúa: con người được yêu thương, hợp nhất, là hình ảnh của Đấng Tạo Hóa. Khuyết tật của người này không phải là một căn bệnh, mà là một dạng giam cầm trong chính bản thân mình, Chúa Giêsu không chữa trị nhưng Ngài biến đổi; khi ấy Chúa Giêsu nói với trọn vẹn bản thể của anh, truyền cho anh hãy mở ra, EFFATA, và đã có tác dụng ngay lập tức vì lệnh này được gửi đến trái tim chứ không chỉ nói với đôi tai điếc của anh.

Hương vị Lễ Ngũ Tuần

Ngay từ đầu trình thuật Tin Mừng Máccô đã mang hương vị Ngũ Tuần rồi. Decapolis là không gian nhỏ hẹp tập hợp các dân và tôn giáo từ khắp Trung Đông, và sự chào đón dành cho Chúa Giêsu cho thấy những người này có lòng hiếu khách và cởi mở. Thế nhưng cởi mở với người khác là chưa đủ nếu không mở lòng ra với Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa của "Effata", "Hãy mở ra". Tại nơi qua lại, buôn bán và hội họp này, Chúa Giêsu mở ra một cánh cửa đang đóng kín, cánh cửa Nước Trời mà Ngài đang hướng tới, cánh cửa của một thực tại vô hình có khả năng biến đổi cuộc sống của họ. Chúa Giêsu chạm vào lưỡi người câm điếc, nói với anh ta bằng ngôn ngữ Aram, và như thể lưỡi lửa truyền đến cho đám đông một ngôn ngữ mới để công bố những điều kỳ diệu của Thiên Chúa, Đấng hoàn thiện mọi công trình.

Đây là hai khía cạnh nổi bật của trình thuật Tin Mừng: Chúa Giêsu không hài lòng chỉ chữa lành tai và lưỡi, nhưng Ngài mở ra toàn vẹn con người này; và nói rộng ra, cả đám đông ngoại giáo này đều mở lòng ra với tinh thần ngợi khen và kính phục. Trong thông điệp về phát triển các dân tộc mang tên Populorum Progressio, Đức Thánh Cha Phaolô VI công bố năm 1967 rằng "sự phát triển đích thực phải là trọn vẹn, nghĩa là thăng tiến con người toàn diện" (14). Mục tiêu của lệnh truyền "Effata" là để mở ra, phát triển và giải thoát con người toàn vẹn.

Một trái tim biết lắng nghe

Chúa Kitô truyền lệnh "Effata" hai ngàn năm trước, chúng ta cầu xin Ngài truyền lệnh lần nữa cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta.
- Chúng ta là những người có đôi tai điếc: Xin Chúa cho trái tim ta biết lắng nghe.
- Chúng ta là những người có miệng lưỡi ngọng nghịu ú ớ khi nói về niềm tin của mình: Xin Chúa tháo cởi ngôn ngữ và đặt những lời giản dị và chính trực trên môi miệng chúng ta.
- Cầu xin Chúa mở rộng trái tim chúng ta để đón nhận Thánh Linh vì không có Ngài, chúng ta không thể làm được gì, ngay cả với ý chí tốt nhất trên thế gian này.
- Chúng ta hãy để Chúa sai đi phục vụ con người, con người toàn diện.
"Effata! bien plus qu’une parole de guérison", Lm Martin Charcosset, fr.aleteia.org 04/09/21

Tác giả bài viết: Huuchanh dịch

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây