Giáo xứ Vinh Hương

Đạo hiếu dưới cái nhìn tâm lý và truyền thống

Chủ nhật - 12/01/2014 18:29
Tóm lược bài
Trình bày trong Đêm Gia Đình, 10 tháng 1 năm 2014
Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange
 
NHỮNG NGÀY ĐẦU NĂM
TRUYỀN THỐNG HIẾU THẢO:
 
Quan niệm Xã Hội :
 
Theo truyền thống xã hội Việt Nam, những ngày đầu năm mới là những ngày thiêng liêng cao cả; đặc biệt, khi nói về lòng biết ơn và hiếu thảo:
 
“Mùng một tết cha,
Mừng hai tết chú,
Mừng ba tết thầy.”
 
Trong những ngày này, những lời chúc tốt đẹp nhất cũng được con, cháu dùng để chúc cho ông bà, cha mẹ:
 
“Phúc như Đông Hải,
Thọ tựa Nam Sơn”.
 
Hoặc:
           “Chúc ông, bà, cha, mẹ, sống lâu trăm tuổi”.
                                                                             
Quan niệm Đạo Đức:
 
-Cha mẹ Phật tại gia - Phật Giáo: Phật tại gia chứ không phải Phật ở chùa. Nếu con cháu đến chùa dâng hương, niệm Phật cầu phúc cho ông bà, cha mẹ mà ở nhà lại coi thường, bất kính với “phật” đang ngồi ngay trước mặt mình, thì lòng sùng mộ, và đạo hiếu ấy cần phải xét lại.
 
-Tam đại bất hiếu  -  Nho Giáo: Nhưng phần đông người Việt Nam, nhất là những thế hệ cao niên vì ảnh hưởng của Nho Giáo, nên vẫn coi quan niệm hiếu thảo là một thực hành căn bản đòi hỏi một số điểm thực hành trong đời sống. Đa số thường nhắc đến ba điều mà theo Mạnh Tử (372-289 B.C), như một luật sống. Nếu vấp phải một trong ba hay cả ba những sai lầm này thì được coi như “đại nghịch bất hiếu”. Ba trong “tam đại bất hiếu” ấy là:
 
-Không con nỗi dõi tông đường.
-Không nuôi dưỡng cha mẹ.
-Có hành động xấu làm điếm nhục gia phong.
 
Dưới một góc nhìn nào đó, ảnh hưởng của tư tưởng Mạnh Tử vẫn có những nét ứng dụng thực hành rất giá trị, ít là về phương diện đạo đức xã hội hôm nay.
 
Giới răn thứ 4  - Kitô Giáo: Là người Công Giáo và theo tinh thần đạo hiếu Kitô Giáo, hiếu thảo ở đây không còn là một lời khuyên, một hành vi đạo đức xã hội mà là một lề luật, một giới luật có tính cách quyết định không chỉ cho cuộc sống xã hội, đạo đức cá nhân, mà còn liên quan đến sự thánh thiện, đến phần rỗi của một người. “Ngươi phải thảo kính cha mẹ ngươi”.
 
Đó là giới răn thứ 4 trong 10 giới răn của Chúa. Giới răn này chỉ đứng sau 3 giới răn đầu quan trọng dành riêng cho Thiên Chúa. Điều này chứng tỏ rằng đối với Thiên Chúa, cha mẹ chỉ đứng sau Ngài, và là những người mà Ngài ban cho quyền được thông phần vào công việc sáng tạo của Ngài. Không có cha mẹ sẽ không có con cái. Và kính yêu, tôn trọng, hiếu thảo cha mẹ là kính yêu, tôn trọng và hiếu thảo đối với Thiên Chúa. Trong những hình thức biểu tỏ sự kính yêu ấy, Thiên Chúa chỉ dành cho Ngài một phần ở chỗ “thờ phượng”, còn lại Ngài cho cha mẹ được thông phần vinh quang của Ngài hết.  Đó là căn bản của đạo hiếu, là lối sống hiếu thảo của những người con Chúa.
 
TÂM LÝ TUỔI GIÀ:                          
                                  
Nhưng để hiểu, để yêu, và để thảo hiếu với cha mẹ, với ông bà, với những người cao niên, thì sự hiểu biết sơ lược về tâm lý vẫn là điều cần thiết.
 
Những điểm nổi bật về tâm lý người cao niên:
 
-Tình cảm:  Phần đông con cháu chỉ nghĩ đến những tình cảm được trao ban từ phía ông bà, cha mẹ. Những nụ cười, những ánh mắt, và những âu yếm, vuốt ve mà ông bà, cha mẹ dành cho con cháu. Nhưng ít khi để ý đến đời sống tình cảm cá nhân của những vị cao niên, những người già. Thật ra, để có những cảm tình bên ngoài ấy, từ bên trong tâm hồn, tuổi già vẫn luôn âm ỷ một tình cảm dạt dào không chỉ đối với con, cháu mà cả đối với người vợ, người chồng, hoặc người mình yêu nữa. Nhưng phần đông, theo quan niệm và truyền thống Việt Nam, người cao niên thường che dấu những cảm tình ấy, và rất khi biểu lộ ra bên ngoài bởi cái áo đạo đức mà xã hội đã mặc cho các vị cao niên. Những đây cũng là một mối ẩn ức tâm lý, khiến cho tuổi gìa đôi lúc có những lời nói, cảm tình, hoặc cách thức cư xử mà con cháu cho là “không hiểu”, hoặc “lỗi thời”. Đúng ra, con cháu mới là những người đã “không hiểu” hoặc “không muốn hiểu”, và ngay cả những người cao niên cũng không hiểu nhau ở điểm này vì ảnh hưởng giáo dục và xã hội.
 
-Tình yêu: Tình yêu có già không? Bao nhiêu tuổi thì con người hết biết yêu và hết muốn yêu? Thật ra, tình yêu không bao giờ già, và con người bao lâu còn hơi thở là còn muốn được yêu và muốn yêu. Sự khác biệt ở tình yêu tuổi trẻ và tuổi già chỉ là lối diễn tả và đón nhận tình yêu mà thôi. Ở tuổi trẻ tình yêu được diễn tả một cách cuồng nhiệt, háo hức, và nôn nóng chiếm đoạt. Tình yêu tuổi trẻ còn phủ mầu bằng những thôi thúc, khát khao của tình dục. Do đó, khi quan niệm, nhìn tình yêu dưới cái nhìn ấy, người ta thường cho rằng tuổi già, người cao niên đã “hết yêu” và không còn muốn yêu.
 
Quan niệm xã hội, tư tưởng, và những khám phá của tâm lý học gần đây đã giải tỏa được những khác biệt ấy, và cho biết rõ ràng là ở tuổi nào người ta cũng yêu và muốn được yêu. Thí dụ điển hình ta có thể tìm thấy dễ dàng trên các trang quảng cáo tìm bạn, hoặc một số cao niên Việt kiều về Việt Nam tìm tình yêu mới, hoặc các người cao niên nữ giới đi đến các văn phòng sửa sắc đẹp, tất cả đều nói lên rằng “tình yêu không già”.
 
-Nhu cầu sinh lý: Một câu hỏi xem như khác thường và hơi “bất kính” đối với người cao niên, đó là: “Liệu những người cao niên còn có nhu cầu thỏa mãn sinh lý không?” Câu trả lời này tùy thuộc nhiều ở ảnh hưởng giáo dục, tùy thuộc vào hoàn cảnh sống, sức khỏe thể lý, sức khỏe tâm lý mỗi vị cao niên. Tuy nhiên, một cuộc khảo cứu gần đây cho biết ở độ tuổi từ 60-80, sự  thỏa mãn sinh lý vẫn có ở  60% nam, 64% nữ  cao niên.
 
Nghiêm chỉnh, nho nhã, và mô phạm như Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến cũng tự diễu mình, diễu người như sau:
 
“Ban ngày quan lớn như thần.
Ban đêm quan lớn tần mần như ma.
Ban ngày quan lớn như cha.
Ban đêm quan lớn rầy rà như con” (Nguyễn Khuyến)
 
-Tính tự lập: Người già hay người trẻ cũng đều muốn có những giờ phút riêng tư và tự lập. Đặc biệt tính tự lập này có thể tìm thấy nơi những người cao niên Âu Mỹ.
 
Tuổi già Việt Nam:
 
Ngoài những điểm tâm lý chung của người cao niên như vừa trình bày, tuổi già Việt Nam còn phải đối diện với những khó khăn về mặt văn hóa, xã hội, và hội chứng Post Traumatic.
 
-Khác biệt văn hóa: Điển hình nhất là khó khăn về ngôn ngữ. Tiếp đến là những truyền thống và phong tục. Trong nhiều gia đình sự xung khắc hoặc thiếu tinh thần hiểu biết và giả quyết thường đưa đến những xung đột giữa cha mẹ, ông bà và con cháu. Và ngay cả giữa anh chị em trong một gia đình, đặc biệt, những gia đình đông con, nhiều cháu. Những xung đột, bất đồng này thường thấy xuất hiện trong những dịp gia đình có ma chay, hiếu hỷ, hoặc những cuộc gặp gỡ chung. Nên biết, tâm lý bảo thủ, và tâm lý ưa sống với quá khứ là tâm lý nổi bật của người cao niên.
 
-Post Traumatic Syndrome: Nhưng có lẽ ảnh hưởng tâm bệnh là một ảnh hưởng chiếm nhiều nhất trong những khó khăn cho tuổi già Việt Nam.
 
*Tù tội (quí ông) là một kinh nghiệm kinh khủng, nó ảnh hưởng rất đặc biệt trong lối sống, suy nghĩ và hành động của nhiều người đã từng trải qua trong những thời gian bị giam cầm, bị tra tấn, nhục hình. Ảnh hưởng này đã đi tới tâm bệnh cho nhiều bệnh nhân tâm thần.
 
*Vượt biên (quí bà) cũng là những kinh nghiệm hãi hùng trên đường vượt biên trên biển hoặc đường bộ khi chẳng may gặp phải tai nạn, phải đối phó với những vụ hãm hiếp. Tâm lý hãi hùng, giận dữ đó cộng với những tháng năm vất vả vì người chồng phải tù tội nhiều lúc vẫn vụt hiện trong tâm trí các bà, nhất là khi bị chồng, con, cháu đối xử thiếu tế nhị và hiểu biết.
   
*Mặc cảm thua thiệt, trống rỗng. Nói chung dù là nam hay nữ, dù giầu hay nghèo, trí thức, khoa bảng, hay dân thường, cuộc đổi đời như hiện nay vẫn là một trong những mất mát, những khó khăn và thử thách đối với quan niệm và đời sống người cao niên.
 
TRUYỀN THỐNG HIẾU THẢO
(Theo quan niệm Kitô Giáo)
 
Như trên vừa trình bày, hiếu thảo và đời sống hiếu thảo không chỉ là một định luật tự nhiên, một quan niệm xã hội, hoặc một cái nhìn đạo đức xã hội. Đạo hiếu theo cái nhìn Kitô Giáo là một nhân đức, một đòi hỏi cần thiết để thánh hóa, để thăng tiến nội tâm, và để chiếm được sự cứu độ. Quan niệm đạo hiếu này chính là quan niệm đạo hiếu mà từ Cựu Ước đến Tân Ước, đã nhắc nhở cho mọi Kitô hữu.
 
Trong thực hành, nhiều khi không phải là quà cáp, tiền bạc, hoặc những tặng vật xa hoa đắt tiền mà chỉ cần một cử chỉ nhẹ nhàng, một lời nói hiếu thảo, hoặc một ánh mắt biết ơn cha mẹ, ông bà, chừng đó cũng đủ để tuổi già được an ủi.
 
Nhưng khi điều kiện và thời giờ cho phép thì sự gần gũi, sự chăm sóc tận tình vẫn là những gì làm cho tuổi già cha mẹ, ông bà được an ủi. Lời sách Huấn Ca được nhắc đến sau đây như những điều tâm lý, tâm linh thực hành ứng dụng của đạo hiếu:
 
“Hết lòng tôn trọng cha con;
Và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ.
Hãy nhớ rằng nhờ họ, con đã sinh ra;
Làm sao con báo đền điều họ cho con” (Huấn Ca, 7:27-28).
 
Và lời Tôbia khuyên con mình:
 
“Hãy thảo kính mẹ con. Đừng bỏ người ngày nào trong suốt đời người. Con hãy ăn ở đẹp lòng người, và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Hỡi con, con hãy nhớ là người đã phải trải qua bao nỗi gian lao hiểm nguy vì con khi con còn trong lòng dã người” (Tôbia 4:3-4).
 
Thực tế hơn, Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Côlôsê: “Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì là điều đẹp lòng Thiên Chúa” (Côlôsê 3:20).
 
Nhưng điều gì sẽ xẩy ra cho những kẻ không tôn kính cha mẹ? Chúng ta cũng hãy để lời Chúa nói với họ:
 
“Con mắt kinh dể cha và miệt thị tuổi già của mẹ, bầy quạ nơi thác nước sẽ mổ thủng, và phượng hoàng sẽ cấu xé nó” (Cách Ngôn 30:17).
 
Và:
 
“Bởi chưng bất cứ ai mà nguyền rủa cha mẹ mình tất phải chết. Nó đã nguyền rủa cha mẹ nó: máu nó đổ xuống trên mình nó”. (Lêvi 20:9).
 
Riêng về phần thưởng dành cho những người con hiếu thảo thì sao? Có gì đặc biệt? Xin được trả lời câu hỏi này với phần kết thúc bài chia sẻ bằng hai lời hứa và chúc phúc cũng đến từ chính Thiên Chúa: 
 
“Hãy kính trọng cha mẹ ngươi, ngõ hầu ngày đời ngươi được kéo dài trên phần đất Giavê Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi” (Xuất Hành 20:12).
 
“Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa: vì đó là điều phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi. Lệnh truyền ấy là lệnh truyền thứ nhất có kèm thêm lời hứa: Ngõ hầu ngươi được phúc và hưởng thọ trên đất” (Êphêsô 6:1-3).
 

Tác giả bài viết: Trần Mỹ Duyệt

Nguồn tin: www.thanhlinh.net

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây